Doanh nhân gốc Việt lập công ty gần 2 tỷ đô từ 2 USD

Đặt chân đến Mỹ chỉ với hành trang là 2 USD nhưng doanh nhân Dung Tấn Trung đã lập được công ty trị giá gần 2 tỷ USD và được coi là một trong những người Việt thành công nhất ở nước ngoài.

Trở thành tỷ phú khi mới 33 tuổi, câu chuyện của ông Dung Tấn Trung đã được coi như một huyền thoại trong giới công nghệ cao ở Mỹ, và trở thành đề tài cho nhiều bài viết của những tạp chí nổi tiếng như Forbes, Fortune, Financial Times, Wall Street Journal, San Francisco Chronicle… Ông cũng đã được chọn là 1 trong 17 tấm gương thành công của người nhập cư tại nước Mỹ trong cuốn sách “Giấc mơ Mỹ” của Dan Rather.

Khởi nghiệp từ 2 USD

Năm 1985, khi bắt đầu đặt chân lên đất Mỹ, ông Dung Tấn Trung chỉ có trong tay 2 USD của một người bạn tặng cùng với số vốn tiếng Anh bập bõm và một ý chí mãnh liệt phải vươn lên của bản thân. Nhờ sự nỗ lực không ngừng mà một năm sau, ông đã vượt qua được kỳ thi tại Mỹ với những kiến thức về toán học và khoa học tự nhiên nổi bật để được nhận vào Đại học Massachusetts ở Boston.

Ông vừa phải đi học và đi làm thêm 30 giờ mỗi tuần với đủ thứ công việc cực nhọc ở Boston, từ rửa bát cho những nhà hàng đến làm kỹ thuật viên trong các phòng máy tính để không chỉ nuôi mình ăn học mà còn giúp đỡ gia đình ở quê nhà. Vượt qua tất cả những khó khăn đó, 3 năm sau, Dung Tấn Trung đã lấy được 2 bằng đại học.

Năm 1994, Dung Tấn Trung làm việc với tư cách là kỹ sư trưởng, phụ trách biên soạn phần mềm kinh doanh điện tử cho Công ty Open Market Inc.

Năm 1996, ông quyết định xin thôi việc tại Hãng Open Market để thành lập Công ty On Display Inc của chính mình để phát triển một chương trình giúp các công ty kiểm soát, quản lý công việc kinh doanh qua mạng.

Với tài năng của Dung Tấn Trung và kinh nghiệm của Mark Pine, OnDisplay trở thành một trong những công ty nhanh chóng có được nhiều khách hàng, và thành công trong cung cấp dịch vụ phần mềm cấu trúc hạ tầng cho các doanh nghiệp điện tử ở Mỹ. Và OnDisplay là 1 trong 10 công ty lần đầu lên sàn chứng khoán thành đạt nhất ở Mỹ trong năm 1999. Năm 2000, ông chuyển nhượng Công ty OnDisplay cùng thương hiệu của nó cho Hãng Vignette Corp với giá gần 1,8 tỷ USD.

Bí quyết thành công

Sau một thời gian kiên trì thuyết phục, một quỹ đầu tư mạo hiểm ở Mỹ đã đồng ý đầu tư 3,5 triệu đô nhưng điều đó là không đủ để On Display duy trì. Dung Tấn Trung cho biết lúc đó ông đã phải chấp nhận làm những việc không ai muốn làm để sống. Nhiều nhân viên và cộng sự giỏi cũng rời bỏ ông mà đí. Trong 2 năm ( 1996 và 1997), Dung Tấn Trung lúc nào cũng có cảm giác ở trên bờ vực thẳm.

Ông Dung Tấn Trung chia sẻ kinh nghiệm trong buổi gặp mặt ở Hà Nội

Ông Dung Tấn Trung chia sẻ kinh nghiệm trong buổi gặp mặt ở Hà Nội

Điều kỳ diệu đã xảy ra vào năm 1998 khi hàng loạt công ty cảm thấy việc cần thiết phải thu thập thông tin. On Display phát triển rất nhanh và đến năm 1999, công ty tiến hành chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và lọt vào Top 10 công ty IPO đạt kỷ lục tại thị trường Mỹ vào thời điểm đó. Năm tháng sau, On Display được chuyển nhượng cho Vignette với cái giá 1,8 tỷ USD.

Theo ông Trung, khi khởi nghiệp ý tưởng hay là chưa đủ, còn cần phải có tiền hoặc nhà đầu tư. Trong qua trình thuyết phục đối tác cần phải kiên trì và đừng dễ dàng bỏ cuộc.

Thêm vào đó, ông Trung còn rút ra bài học kinh nghiệm cho các bạn trẻ khi khởi nghiệp, đó là kỹ thuật, công nghệ tuy quan trọng nhưng không phải quan trọng nhất. Cái chính là phải hiểu mô hình kinh doanh và giải quyết được nhu cầu của khách hàng. “Mình có sản phẩm tốt mà người ta không mua được thì cũng không thành công. Vậy mình phải có mô hình phù hợp với thị trường và đó là cái quan trọng hơn công nghệ”, ông Trung nói.

Làm giàu cho quê hương

Sau thành công với OnDisplay, Dung Tấn Trung tiếp tục thử sức và thành công ở nhiều công ty có tầm cỡ hơn OnDisplay. Ngoài kinh doanh, ông Dung Tấn Trung còn tham gia vào ban quản trị các tổ chức của cộng đồng như Viet Heritage Society, là tổ chức bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử và văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài. Ông là cố vấn cho Vietnamese American Silicon Valley Networks, chiếc cầu nối toàn cầu đầu tiên cho chuyên gia gốc Việt hoạt động trong ngành công nghệ cao trên toàn thế giới. Ông cũng là người sáng lập VietNet Forum, diễn đàn điện tử lớn nhất dành cho người Việt định cư ở nước ngoài…

Năm 2005, ông đã được Tổng thống Mỹ George W. Bush bổ nhiệm vào Hội đồng quản trị Quỹ Giáo dục Việt Nam. Năm 2007, ông lần đầu tiên trở về Việt Nam để tuyển chọn những sinh viên đủ điều kiện nhận học bổng của Mỹ.

Dung Tấn Trung chia sẻ, lần trở về sau hàng chục năm xa quê hương, ông thấy bất ngờ trước sự phát triển nhanh chóng của đất nước. “Không mất nhiều thời gian, tôi cảm nhận được nguồn năng lượng dồi dào từ thị trường của Việt Nam. Tôi quyết định trở về và đầu tư trên chính quê hương mình”- ông Dung Tấn Trung chia sẻ.

Ngày Nay


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề