Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới IPU-132

Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) diễn ra từ ngày 28/3 – 1/4 tại Hà Nội đã thành công và mang lại dấu ấn tốt đẹp và uy tín của Việt Nam trên trường Quốc tế.

– Xem thêm: Nghị sỹ Ukraina Kuzhel tạo một bất ngờ cho người Nga ở Việt Nam

Đây là sự kiện ngoại giao nghị viện lớn nhất hành tinh, là diễn đàn đối thoại quan trọng của các nghị sĩ toàn cầu và là cột mốc quan trọng đánh dấu 35 năm Việt Nam gia nhập IPU, cũng như tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Việc lần đầu tiên Quốc hội nước ta đăng cai tổ chức kỳ họp lần thứ 132 Đại hội đồng IPU tại Hà Nội với chủ đề “Nghị viện trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) sau 2015” là một sự kiện chính trị – ngoại giao có ý nghĩa hết sức to lớn, thể hiện tinh thần chủ động của một thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta và không ngừng nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Đại hội đồng IPU-132 tổ chức tại Việt Nam đã thu hút được sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao nhất của nghị viện các nước, các tổ chức liên nghị viện khu vực, các tổ chức quốc tế, các vị khách mời và phóng viên quốc tế. Đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh, đất nước con người Việt Nam với nhiều tài nguyên du lịch phong phú hấp dẫn, nâng tầm quan hệ ngoại giao của nghị viện Việt Nam.

Với tư cách là nước chủ nhà, Việt Nam đã nhận được sự ghi nhận và đánh giá cao của tất cả các đại biểu tham dự về sự thân thiện và lòng mến khách, về công tác tổ chức chu đáo, trọng thị, an toàn và những đóng góp quan trọng vào chương trình nghị sự, các văn kiện của Đại hội đồng.

Trong chương trình nghị sự của Đại hội, một trong những ưu tiên hàng đầu là vấn đề bình đẳng giới. Là nước chủ nhà, Việt Nam giành sự ủng hộ mạnh mẽ cho các nội dung và mục đích hành động của IPU, trong đó có việc thúc đẩy vai trò, quyền của phụ nữ. Việt Nam cũng là quốc gia cơ bản hoàn thành Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ.

Diễn đàn Nghị sĩ Trẻ IPU trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng IPU-132 đã bàn đến hai vấn đề nóng về chủ đề: Chiến tranh mạng – sự đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và an ninh thế giới, hầu hết các cuộc xung đột chính trị, kinh tế hay quân sự đều có sự tham gia của yếu tố công nghệ cao.  Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước, thúc đẩy hành động của nghị viện về vấn đề nước đối với toàn cầu.

Toàn cảnh Lễ khai mạc IPU 132

Toàn cảnh Lễ khai mạc IPU 132

Các Nghị viện thành viên của IPU-132 không phân biệt lớn nhỏ, giàu nghèo, phát triển hay đang phát triển, người dân đều yêu chuộng hòa bình, các nước đều có nghĩa vụ tôn trọng và thực hiện các nguyên tắc này của LHQ và Luật pháp quốc tế, thể hiện qua sự nhất trí thông qua Tuyên bố Hà Nội.

Đối với Việt Nam, Tuyên bố Hà Nội được thông qua tại Đại hội đồng IPU- 132 lần này và Chủ tịch QH ta vinh dự được bầu là Chủ tịch Đại hội đồng IPU-132, có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự chủ động và tích cực của QH Việt Nam trong hội nhập quốc tế vì lợi ích quốc gia, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, thể hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế của QH Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của QH Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung trên trường quốc tế. Điều đó khẳng định kết quả của kỳ họp, thể hiện cam kết mạnh mẽ của các nghị viện, trong đó có QH Việt Nam về chủ đề thảo luận của Đại hội đồng lần này là “Các Mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động“.

Tuyên bố Hà Nội là dấu mốc lịch sử của IPU khẳng định thành công của Đại hội đồng IPU-132, khẳng định Nghị viện sẽ góp phần hỗ trợ Chính phủ các nước thành viên thực hiện tốt các mục tiêu trên, đáp ứng quan tâm và kỳ vọng của người dân về một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Tuyên bố khẳng định sự phát triển bền vững lấy con người làm trung tâm phải dựa trên việc thực hiện tất cả các quyền của con người, xóa đói, giảm nghèo dưới mọi hình thức, xóa bỏ bất bình đẳng, thực hiện bình đẳng giới… Điều này đòi hỏi phải có hòa bình và an ninh quốc tế dựa trên sự tôn trọng đầy đủ Hiến chương LHQ và Luật pháp quốc tế.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế gần đây có nhiều diễn biến phức tạp, trong đó diễn biến căng thẳng, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, tranh chấp trên Biển Đông và một số khu vực khác gây ảnh hưởng tình hình an ninh quốc tế và khu vực, việc Tuyên bố Hà Nội khẳng định lại việc tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và Luật pháp quốc tế có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và Luật pháp quốc tế bao gồm: Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế; Bình đẳng về chủ quyền quốc gia; Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị quốc gia; Cấm đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; Không can thiệp vào công việc nội bộ các nước; Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình…

Qua kỳ họp Đại hội đồng IPU-132, đại biểu quốc tế từ các nơi đến Hà Nội, đặc biệt Ngài Chủ tịch IPU Saber Chowdhury, các vị lãnh đạo IPU và nhiều nhà lãnh đạo Quốc hội/Nghị viện, đều tỏ lòng trân trọng cảm ơn, phát biểu đánh giá khách quan và khẳng định sự thành công của Việt Nam trong việc đăng cai tổ chức Hội nghị. Các đại biểu, khách quý khẳng định hình ảnh của Việt Nam là một đất nước yêu chuộng hòa bình, hiếu khách, một thành viên tích cực, chủ động của IPU./.

Báo Ký Giả


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề