Công nghiệp ô tô: Thiếu tầm nhìn và mục tiêu cụ thể

Trên thực tế, khá lâu trước khi Toyota tuyên bố xem xét khả năng tiếp tục sản xuất xe tại Việt Nam hay chuyển sang nhập khẩu, thì quá trình chuyển đổi từ sản xuất xe sang… đi buôn xe đã âm thầm diễn ra trên diện rộng.

Năm 2007, liên doanh Vindaco giải thể, đồng nghĩa với việc thương hiệu Nhật Daihatsu chính thức rời bỏ thị trường Việt Nam sau một thời gian đầu tư, lắp ráp. Một số thương hiệu khác, từng có dây chuyền lắp ráp tại Việt Nam âm thầm ra đi sau một thời gian kinh doanh bất thành, như Fiat, Sangyong.

Trước đó, BMW cũng rút khỏi dây chuyền lắp ráp của VMC, một thời gian sau quay lại dưới dạng phân phối xe nhập khẩu nguyên chiếc và hiện nay đã phát triển sang cả thương hiệu MINI cùng tập đoàn, khá thành công.

Hàng chục thương hiệu xe hơi cao cấp gia nhập thị trường xe hơi Việt Nam trong những năm gần đây đều nhập khẩu nguyên chiếc, từ Porsche, Land Rover, Jaguar, Audi, Lexus, Infiniti, tới Subaru, Volkswagen, Citroën, Peugeot, Renault… Ngay cả những mẫu xe phổ thông từng lắp ráp trong nước cũng được doanh nghiệp chuyển qua nhập khẩu từ lâu, điển hình là toàn bộ các mẫu xe thuộc dòng bán tải, trong đó Isuzu D-Max có thời gian xuất khẩu từ Việt Nam, Ford Ranger nhiều năm lắp ráp tại nhà máy Ford Hải Dương, hiện nay đều nhập khẩu từ Thái Lan do được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi chỉ 5% so với 50-60% của dòng xe du lịch.

Ngay cả Toyota từng tuyên bố nếu đạt doanh số bán 200 xe/tháng thì sẽ lắp ráp Yaris tại Việt Nam thay cho nhập khẩu, nhưng tới khi con số bán hàng tháng đã vượt mức 400 xe thì Yaris mà người tiêu dùng Việt Nam đang mua vẫn “made in Thailand”.

Rõ ràng, ngay cả khi mức thuế nhập khẩu lên tới 50% như hiện nay (trước đó là 60%) thì việc nhập khẩu về bán lại vẫn có lợi hơn đầu tư riêng một dây chuyền lắp ráp và một hệ thống nhân công, kỹ thuật đi kèm.

Nhìn rộng hơn, những năm gần đây, việc đầu tư của các thương hiệu lớn vào Việt Nam rất nhỏ giọt, cầm chừng và hầu như không còn trực tiếp rót cho mảng sản xuất. Mercedes công bố đầu tư thêm khoảng 10 triệu đô la Mỹ vào Việt Nam trong đó ồn ào nhất là dây chuyền sơn hiện đại, tuy nhiên dây chuyền này phục vụ chủ yếu cho dòng xe tải Fuso mà Mercedes mới “lấy lại” từ Mitsubishi. Trong số 19 mẫu xe mới Mercedes đưa vào thị trường Việt Nam, số mẫu được lắp ráp trong nước không đủ đếm trong một bàn tay.

Những năm gần đây, việc đầu tư của các thương hiệu lớn vào Việt Nam rất nhỏ giọt, cầm chừng và hầu như không còn trực tiếp rót cho mảng sản xuất.

Con số đầu tư của Ford vào Việt Nam trong năm 2015 cũng không quá 5 triệu đô la Mỹ. Hầu hết đầu tư mới trong thời gian gần đây được các doanh nghiệp tập trung cho việc phát triển hệ thống đại lý phân phối và dịch vụ. Trong khi chỉ riêng tập đoàn Toyota đã lên kế hoạch đầu tư khoảng 20 tỉ baht (tương đương hơn 60 triệu đô la Mỹ) cho việc phát triển sản xuất tại Thái Lan!

Các nhà sản xuất lựa chọn phương thức kinh doanh hoàn toàn được quyết định bởi bài toán lợi nhuận. Quyết định đầu tư một dây chuyền lắp ráp liên quan trực tiếp tới doanh số. Tổng doanh số xe mới của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) bán ra năm đỉnh cao 2014 là hơn 150.000 xe (trước đó dưới 100.000 xe), trong khi ngay cả khi “lao dốc” do những bất ổn chính trị, thị trường Thái Lan vẫn đạt khoảng 1,2 triệu xe trong năm 2014. Thị trường xe hơi Indonesia cũng đang vươn tới con số 1 triệu xe/năm với tốc độ phát triển chóng mặt.

Nhu cầu tiêu thụ lớn không chỉ mở cửa cho các khoản đầu tư trực tiếp vào sản xuất từ các thương hiệu lớn mà còn kéo theo sự phát triển của các chuỗi cung ứng linh kiện phụ tùng, hay các vệ tinh sản xuất phụ kiện. Kinh nghiệm từ Thái Lan và hiện nay là Indonesia trong cuộc đua trở thành “Detroit Đông Nam Á” đều cho thấy mở rộng nhu cầu nội địa được xem là đòn bẩy của phát triển.

Từ chỗ phát triển thành thị trường tiêu thụ xe pick up lớn nhất Đông Nam Á, Thái Lan đã trở thành nhà sản xuất xe pick up lớn thứ hai thế giới (chỉ sau Mỹ), với nguồn xe bán tải cung ứng cho nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam (100% mẫu xe bán tải ở Việt Nam hiện nay đều nhập khẩu từ Thái Lan).

Trong khi đó, Việt Nam hoàn toàn lúng túng trong bài toán kích cầu nội địa. Liên tục từ năm 2003 tới nay, các chính sách về thuế, phí đối với ô tô cá nhân thay đổi khá nhiều, khá thường xuyên, thiếu nhất quán khiến thị trường trồi sụt bất an. Nguồn thu thuế từ người tiêu dùng xe hơi chưa được sử dụng hợp lý để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, quy hoạch giao thông thiếu hợp lý khiến thực chất tỷ lệ sử dụng xe hơi trên đầu người ở Việt Nam còn ở mức dưới trung bình so với các nước trong khu vực (ở Indonesia, Malaysia hay Thái Lan là khoảng 80-140 xe/1.000 dân thì ở Việt Nam chỉ đạt 18 chiếc/1.000 dân, tương đương với Thái Lan cách đây 15 năm) nhưng tình trạng quá tải về giao thông đô thị đã đè nghẹt một số thành phố lớn cho cảm giác Việt Nam đã… dư thừa xe hơi và giải pháp của cơ quan quản lý hầu hết đều hướng tới việc… hạn chế người dân mua xe, sử dụng xe! Không ngạc nhiên khi một số ý kiến chuyên gia cho rằng để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô phát triển thì điều quan trọng đầu tiên cần làm là mở rộng nhu cầu nội địa!

Nhưng có lẽ ba năm chỉ đủ để chuẩn bị cho việc sản xuất một mẫu xe (như lời ông Tổng giám đốc Toyota Việt Nam) và sẽ là không tưởng để bám đuổi thị trường Indonesia hay Thái Lan để giành lấy cơ hội của các nhà đầu tư quốc tế…

Nhưng nếu không sản xuất xe hơi thì ngành công nghiệp ô tô Việt Nam làm gì?

Khi một chiếc xe hơi giờ đây được sản xuất toàn cầu, thì việc tham gia vào một phần trong sản phẩm cũng là một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Và nếu chỉ dừng lại ở những phụ tùng “ít chất xám” như gioăng cao su, một số chi tiết nhựa, bình ắc quy, vỏ dây điện… như hiện nay thì một lần nữa, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ tiếp tục tụt hậu.

Theo đánh giá xu hướng phát triển của ngành công nghiệp ô tô thế giới năm 2015, các nhà sản xuất xe giảm bớt mẫu thiết kế khung gầm, phát triển nhiều sản phẩm khác nhau trên cùng một bộ khung, để giảm bớt chi phí. Trong khi đó, giá trị về các chi tiết điện tử, phần mềm lại gia tăng. Cái cần lúc này vẫn là một tầm nhìn và một mục tiêu rõ ràng, cụ thể.

Vũ Văn (Theo TBKTSG)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề