Có một sông Thương xa xứ…

Bởi nhiều lý do mà vài thập niên qua, đã có hàng vạn phụ nữ Việt Nam phải rời xa quê hương, định cư ở nước ngoài. Mỗi người một thân phận, một hoàn cảnh khác nhau, nhưng dù có thất bại hay thành đạt, hạnh phúc… thì sống ở xứ người, họ vẫn luôn giữ được cốt cách của phụ nữ Á Đông, mang tâm hồn Việt Nam. Thương Giang cũng là một người như vậy. Nhưng hơn thế, cô đã biết cách vượt lên, góp một tiếng nói bằng thơ ca cho cộng đồng người Việt ở U-crai-na với cả thế giới. Và bước đầu, Thương Giang đã thành công…

“Em là con gái Bắc Giang”

Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế
Gió qua rừng Đèo Khế gió sang…
Em là con gái Bắc Giang
Rét thì mặc rét nước làng em lo

Những câu thơ ấy của Tố Hữu đã ngấm vào một thế hệ, của một thời chưa xa. Từ đó mà nhiều người mới tự hào nói “Em là con gái Bắc Giang”. Tôi tin là Vũ Tuyết Nhung (tên thật của Thương Giang) cũng đã mang trong lòng niềm tự hào đó. Bởi cô sinh năm 1971 tại Phố Kế-Bắc Giang.

Từ Phố Kế về Lan Thượng, quê nội của Nhung, phải đi qua Nhã Nam, cũng không xa. Trong kháng chiến chống Pháp, đây từng là nơi “đóng đô” đi về của các văn nghệ sĩ kháng chiến. Gia đình nhà văn Nguyên Hồng từng cùng gia đình các nhà văn Kim Lân, Ngô Tất Tố, các họa sĩ Tạ Thúc Bình, Trần Văn Cẩn… lên tản cư ở ấp Ký Nhàn, nơi sau này được Nhà nước gọi là “Đồi văn hóa”. Vùng đất này từng đặt dấu chân của các tên tuổi lừng danh: Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Huy Cận, Tô Hoài, Như Phong… và nhiều thế hệ các nhà văn sau này.

Vũ Tuyết Nhung xuất thân trong một gia đình bố mẹ và các anh em đều là nhà giáo. Đặc biệt, gia đình ông ngoại cô có nhiều người yêu thích và thuộc lòng rất nhiều ca dao, tục ngữ và hay đọc cho cô bé nghe. Ông ngoại Nhung cũng là người rất giỏi văn thơ chữ Hán, chữ Nôm, thơ Đường… nhưng ông chỉ đọc và dạy cháu thơ lục bát. Ông bảo thể thơ này thuần Việt, gần gũi, dễ nhớ và dễ thuộc nhất…

Năm lớp 4, Nhung đã thi đỗ vào trường Chuyên văn của huyện Lạng Giang, nhưng vì phải học xa nhà, nên bố mẹ chưa yên tâm và không đồng ý cho cô bé đi học. Đến năm lớp 7, Nhung được nhà trường cử đi thi học sinh giỏi Văn của huyện và lại đỗ vào trường Chuyên. Lần này thì bố mẹ đồng ý cho cô bé lên trường huyện. Mỗi tháng, Nhung chỉ được về thăm nhà đôi ba lần. Lên cấp ba, Nhung được tuyển vào trường Ngô Sỹ Liên, một ngôi trường chất lượng tốt nhất của Bắc Giang và nổi tiếng miền Bắc hồi đó. Rồi Vũ Tuyết Nhung thi đỗ vào Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhưng do hoàn cảnh gia đình, cô đã phải tạm ngưng học tập để sang Liên Xô theo con đường “xuất khẩu lao động” khi chưa tròn 18 tuổi… Vừa làm vừa học, Nhung đã tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Ngôn ngữ Kiep – U-crai-na và có bằng Thạc sĩ Ngữ văn. Từ đó, Nhung xây dựng gia đình và lập nghiệp xa xứ.

Đã hơn 20 năm xa quê hương, nhưng nỗi nhớ và những hoài niệm về một vùng quê tuổi thơ ở miền Kinh Bắc ngàn năm văn hiến, vẫn chưa một ngày nào nguôi ngoai trong người phụ nữ mang tâm hồn Việt ấy. Dường như nỗi buồn của người tha hương luôn hiện hữu qua những vần thơ của Nhung với những hoài niệm và tiếc nuối khôn nguôi…

Và “em là Sông Thương”

Hồi 8 tuổi, Vũ Tuyết Nhung đã làm những bài thơ đầu tiên về cô em út 4 tuổi của mình, những bài thơ còn rất hồn nhiên, ngô nghê, nhưng lại có vần điệu hẳn hoi. Đặc biệt, bài “Bàn tay” được viết bằng thể lục bát:

Bàn tay bé Hạnh xinh xinh,
Trông kìa mười ngón giống hình búp măng.
Bàn tay chịu khó siêng năng,
Quét nhà thoăn thoắt ai bằng bé đâu?

Chắc chắn, dòng sông Thương, với hình ảnh Nơi mẹ đưa nôi, nơi sáo diều chơi vơi, với dòng sông bên lở bên bồi… chảy qua miền quê tuổi thơ của Vũ Tuyết Nhung, đã có ấn tượng đặc biệt trong một tâm hồn thi ca của cô, trở thành bút danh “Thương Giang”- sông Thương. Bút danh đó đã được Nhung sử dụng cho đến bây giờ.

Tuy không được đào tạo qua các trường viết văn, sáng tác chuyên nghiệp, nhưng Thương Giang đến với thơ rất tự nhiên, như người ta viết nhật ký, mượn thơ trải lòng mình, viết rồi cất giữ. Mãi đến năm 1999, khi chính thức là cộng tác viên của tờ “Tuần tin Quê hương”, một ấn phẩm phát hành trong cộng đồng người Việt tại U-crai-na, cô mới có điều kiện công khai những bài thơ của mình để giới thiệu với công chúng.

Mười năm sau nữa, năm 2009, khi Thương Giang tham gia “Việt Nam thư quán”, một diễn đàn văn thơ tự do trên mạng của người Việt, thì những tác phẩm của cô mới thật sự được bạn đọc chú ý. Thương Giang có thói quen thường viết vào đêm khuya, khi mọi người đã yên giấc ngủ, những bận bịu lo toan mệt mỏi thường ngày đã lắng xuống. Hằng đêm, cô ngồi một mình trước máy tính, lặng lẽ checkmail (kiểm tra hòm thư điện tử) từ bạn bè và họa thơ phúc đáp bạn thơ trên các diễn đàn… Có những lúc đang lái xe trên đường, ý thơ bất chợt ùa về, cô quyết định đỗ xe, ghi chép lại những ý tưởng rồi lại tiếp tục lái xe.

Thương Giang cho biết: trước đây cô làm thơ tự do, ngũ ngôn, lục bát, Đường thi, tứ tuyệt… nghĩa là không chuyên sâu vào một thể loại nào. Nhưng sau này, nhất là từ khi tham gia sân chơi văn hóa truyền thống, làm đại diện cho trang web Lucbat.com tại U-crai-na, chính những người bạn thơ đã góp ý cho Thương Giang nên tận dụng thế mạnh, đi sâu viết lục bát. Và giờ đây, Thương Giang đã có hàng ngàn bài thơ lục bát, mà tập “Giọt buồn” xuất bản gần đây chỉ là một tập sách nhỏ, được chọn và in trong loạt tác phẩm đầu tay của cô.

Ngoài làm thơ, đôi khi Thương Giang còn viết cả truyện ngắn, tùy bút, tản văn… Với những thể loại văn xuôi này, cô khó tính hơn, thường đọc lại chỉnh sửa rất kỹ, soát đi soát lại từng câu chữ, đến kết cấu, nội dung… Nhưng dường như với Thương Giang, thơ vẫn là trên hết!

… đến những tập sách đầu tay

Sau 12 năm đam mê sáng tác, đến nay theo thống kê tự động của máy tính, số lượng tác phẩm mà Thương Giang công bố trên “Việt Nam thư quán” là 4.222 bài. Khoan bàn về chất lượng những bài thơ ấy. Điều đó thời gian và bạn đọc sẽ phán xét. Chỉ biết rằng, đó thật sự là một khối lượng tác phẩm “đáng nể”, mà không phải tác giả nào cũng có thể đạt được.

Từ “gia tài” hơn 4000 bài thơ trên đây, theo gợi ý của bạn bè, Thương Giang đã tự tuyển chọn ra 219 bài để đưa vào tập thơ đầu tay mang tên “Hoài niệm Hội Lim” do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Tiếp đó là tập “Giọt buồn”, do NXB Công an nhân dân ấn hành. Tên của những tác phẩm này có ý nghĩa gì? Thương Giang tâm sự: Nếu ai đã từng sống xa quê mới cảm nhận được thế nào là nỗi buồn tha hương. Nhất là những ngày Tết đến, Xuân về thì nỗi nhớ quê lại da diết hơn bao giờ… Thèm không khí quây quần của của gia đình, nhớ những ngày còn ở nhà, nhớ những đêm hội làng xem hát đối… Bao nhiêu kỷ niệm cứ ùa về… Dù gia đình cô không làm ruộng, không có tuổi thơ “chăn trâu cắt cỏ”, nhưng Thương Giang cũng có những buổi trưa trốn mẹ cùng em trai ra cánh đồng theo những đứa trẻ chăn trâu để đùa nghịch… Rồi cùng bạn bè khâu nón, mang ra Chợ Kế bán, lấy tiền mua sách… “Hoài niệm Hội Lim” và “Giọt buồn” là những trăn trở, những hoài niệm về quãng thời gian đẹp đẽ đã trôi đi không bao trở lại và thấp thoáng có bóng dáng của chính Thương Giang trong đó.

Sau những tập thơ đầu tay, Thương Giang dự định sẽ xuất bản tập truyện ngắn mang tên “Quá khứ không dịu êm”, gồm những truyện ngắn được cô sáng tác trong mấy năm gần đây, một số tác phẩm đã đoạt giải trong các cuộc thi thường niên do tờ “Tuần tin Quê hương” tại U-crai-na tổ chức.

Nhà thơ Đặng Vương Hưng


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Có 14 phản hồi cho bài viết “Có một sông Thương xa xứ…”:

  1. Tolian Hoang viết:

    người BG giỏi thế, nói đến Kế lại thèm bánh đa 😀 đi nhiều nơi nhưng công nhận ko đâu có bánh đa ngon như ở đây!

    1. Hì..hì..Cám ơn Tolian Hoang ,khi nào có dịp mời anh về BG ăn đặc sản bánh đa Kế quê VTG nhé!

  2. Woww, hơn 4 ngàn bài thơ quả thật là đáng nể, xin chúc mừng chị và mong được đọc lần lượt từng tác phẩm của chị 🙂

    1. Cám ơn em Cuong Huy Nguyen động viên.Chị tập viết thôi cung may được bạn bè và mọi người đón nhận và ủng hộ “thơ con cóc “của chị em ạh.

  3. Quang Ân Bùi viết:

    Ôi………………………Thương người xa……………………………………..:D

    1. Cám ơn nhạc sỹ Bùi Quang Ân.Nhờ em đã thổi hồn -phổ nhạc cho những bài thơ của chị.Đặc biệt bài thơ NHỚ NGƯỜI XA trở lên hot và được nhiều người yêu mến đón nhận cũng nhờ tài năng của em đấy. Thank’s

  4. Mọi người like blog của chị Vũ Thương Giang để mỗi ngày được thưởng thức 1 bài thơ lục bát của chị nhé http://blog.infos.vn/vu-thuong-giang/ (y)

    1. Chị rất vui khi nhận được lời em mời tham gia BLOG này.Cám ơn em đã giúp đỡ động viên và kêu gọi bạn bè like cổ vũ cho chị Cuong Huy Nguyen nhé. Chị mới tham gia còn lóng ngóng lắm chẳng thạo vi tính đâu .Nếu sai sót đâu em chỉ bảo giúp chị chỉnh sửa lại nhé!

  5. Rose Black viết:

    Em biết chị là một nhà thơ nhưng ko tưởng tượng được chị lại có những hơn 4000 bài, chúc chị thành công hơn nữa trong niềm đam mê của mình nhé

    1. Rose Black ơi! Cám ơn em động viên.Chị vẫn nói đùa với mọi người rằng hiện nay chị là chủ trang trại nuôi cóc mà ! ( Toàn thơ con cóc thôi em ạh)Hì…hì….

  6. Chị nhung đã biết chuyện bà ngoại của em 80 tuổi rồi vẫn thích đọc thơ của chị ko ??? Mẹ em về mang quyển giọt buồn của chị sang đây , vừa rồi bà em điện sang phải gửi về trả lại quyển giọt buồn để bà đọc đấy chị ạ

    1. Chị thật sự cảm động trưos ctinhf cảm và sự yêu mến của mọi người dành cho chị và những bài thơ của chị Nguyen Hong Duong à. Có lẽ bà ngoại em thích đọc thơ của chị bởi bà yêu những câu thơ mộc mạc giản dị không cầu kỳ chau chuốt. Bà thương cho những thân phận cũng như nỗi buồn của kẻ tha hương trong những bài thơ chị viết đấy em nhỉ? Chị thật biết ơn những độc giả như thế !

  7. Tuyet Fam viết:

    Tài sắc vẹn toàn :)) chúc chị thành công hơn nữa bay cao và xa hơn nữa nhé Vũ Thương Giang:))

  8. Thi Vinh Hoang viết:

    Người đẹp, thơ rất tình cảm! Bài báo đưa tin nhưng không đưa vài bài đọc cho thỏa. Mình vào FB chị luôn!

Trả lời Quang Ân Bùi Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề