Cái giá chát cho cuộc ‘mua bán chính trị’ với Putin?

Việc hủy hợp đồng sẽ ảnh hưởng uy tín của Pháp trên thị trường vũ khí, và kéo theo nguy cơ một loạt khoản chi trả lớn trong bối cảnh “thắt lưng buộc bụng”.

Cách đây hơn 4 năm, hợp đồng bán cho Nga hai chiếc tàu đổ bộ tấn công mới thuộc lớp Mistral đã là niềm tự hào của nước Pháp. Ấy vậy mà giờ đây nó lại biến thành một chiếc kim trong bọc quan hệ ngoại giao giữa hai cường quốc này. Phải chăng cái cớ chính trị sẽ đặt dấu chấm hết cho một cuộc mua bán chính trị?

Chuyện gì đã xảy ra ?

Tháng 7/2010, Tổng thống Pháp hồi đó Nicolas Sarkozy thông báo rằng xưởng đóng tàu STX ở Saint-Nazaire sẽ chế tạo cho Nga hai chiếc tàu đổ bộ tấn công mới lớp Mistral, mang tên Vladivostok và Sevastopol. Tàu lớp Mistral vốn là một “con dao Thụy Sĩ” của Hải quân Pháp, có chiều dài 199m và có thể chứa cùng lúc 16 trực thăng, 13 xe tăng và 450 binh lính.

Theo bản hợp đồng béo bở ký với Nga, Pháp sẽ được nhận 1,2 tỷ euro và tạo công ăn việc làm cho 500 người trong 4 năm. Còn đối với Nga, hợp đồng này sẽ cung cấp cho Moscow những con tàu công nghệ cao trong bối cảnh hạm đội hải quân của nước này phải chịu cảnh hoàn toàn không được đầu tư gì từ những năm 1980.

Đúng 4 năm sau, vào tháng 7/2014, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine, châu Âu đã thống nhất trừng phạt kinh tế chống lại Moscow, trong đó có việc cấm bán mọi trang thiết bị quốc phòng.

Ngày 25/11, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng “tình hình hiện nay ở miền Đông Ukraine vẫn không cho phép” chuyển giao tàu Mistral cho Nga. Và ông đã quyết định hoãn giao hàng “cho tới khi có quyết định mới”. Phía Nga phản ứng khá thận trọng trước tuyên bố này.

Cái giá phải trả khá “chát”

Theo hợp đồng, chiếc tàu Mistral thứ nhất, tên là Vladivostok, phải được giao cho Nga vào giữa tháng 11 vừa qua, còn chiếc Sebastopol sẽ được giao vào năm 2015 hoặc 2016. Nga đã thanh toán trước một nửa giá trị hợp đồng.

Nếu hủy hợp đồng với Nga, tất nhiên Pháp phải tìm cách bán lại các tàu chiến này cho nước khác hay các tổ chức khác. Nhưng chuyện này cũng không khả thi lắm. Tàu chiến lớp Mistral vốn được cho là “của quý” của Hải quân Pháp, tuy nhiên, khi chúng được chế tạo dành riêng cho Nga, hai chiếc tàu mang tên Nga “Vladivostok” và “Sebastopol” có những đặc điểm cấu tạo và công nghệ rất riêng, như khả năng phá băng.

Được chế tạo để hoạt động tại các vùng biển lạnh, hai tàu này sẽ không phải là món hàng phù hợp với Ấn Độ hay Brazil – hai khách hàng “sộp” nhất của Pháp trong lĩnh vực quốc phòng những năm gần đây. Chỉ còn lại Liên minh châu Âu (EU) trong danh sách những khách hàng có thể mua lại hai chiếc tàu… sắp ế này. Nhưng cả EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đều đã tuyên bố rõ là sẽ không trả tiền cho việc đó.

Sửa sang lại cho phù hợp với khách hàng mới chắc chắn sẽ kéo theo những chi phí phụ trội không nhỏ đối với tập đoàn quốc phòng và tàu biển DCNS của Pháp. Rồi lại khoản tiền thuê “kho chứa” chiếc Vladivostok trước khi được bàn giao. Nếu Vladivostok được chuyển giao đúng hạn, tức là giữa tháng 11, chi phí này đã được tính vào giá thành sản phẩm. Nhưng sau thời hạn này, DCNS sẽ phải trả chi phí phụ trội cho việc neo chiếc Vladivostok tại cảng Saint-Nazaire.

Nếu không có khách hàng nào sẵn sàng mua lại hai chiếc tàu, việc hủy các hợp đồng sẽ đe dọa trực tiếp tới công ăn việc làm của ít nhất 800 người hiện đang làm tại các công xưởng đóng tàu của STX ở Saint-Nazaire. Trước mắt, nếu các hợp đồng không được thực hiện đến cùng, 300 nhân viên trực tiếp liên quan đến chiếc Mistral thứ hai, chiếc Sebastopol, sẽ phải đứng trước nguy cơ thất nghiệp.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp quân sự của Pháp, trong khuôn khổ một hợp đồng như vậy, lý do duy nhất có thể hủy văn bản này một cách hợp pháp là một lệnh cấm vận vũ khí quốc tế được tuyên bố chống lại Nga. Nhưng điều này chưa xảy ra.

Vì vậy, nếu Pháp không thực hiện hợp đồng, ngoài việc phải bồi thường toàn bộ số tiền của hợp đồng, Pháp còn phải chịu tiền phạt, thậm chí tới 1 tỷ euro. Báo Nga còn đề cập đến con số “nhiều tỷ”, vượt quá giá trị của cả hai con tàu. Một cái giá quá “chát” nếu đặt trong bối cảnh Pháp đang chịu sức ép lớn từ EU về cắt giảm thâm hụt ngân sách quốc gia!

Còn một cái giá lớn hơn, đó là sự mất uy tín. Nước Pháp, trong vai trò là một nhà xuất khẩu vật liệu chiến lược, sẽ phải chứng kiến hình ảnh của mình bị hoen ố nghiêm trọng. Họ sẽ không được coi là một đối tác đáng tin cậy nữa và điều này sẽ ảnh hưởng xấu tới vô số các hợp đồng đang đàm phán hoặc trong tương lai. Ví dụ như hợp đồng đang thảo luận giữa Paris và New Delhi về việc bán 126 máy bay Rafale chẳng hạn.

Không chỉ ở Nga, thị trường liên quan đến đổi mới và nâng cấp các hạm đội quân sự và dân sự trên thế giới, ước tính lên tới 50 tỷ USD, mới là “miếng bánh ngon” mà DNCS hướng tới. Ba Lan và Gruzia đã kêu gọi đấu thầu một loạt hợp đồng quân sự, mà sự cạnh tranh giữa Mỹ, Italy và Israel đang diễn ra rất mạnh. Pháp đang mất điểm.

Trong lĩnh vực dân sự, các thách thức cũng lớn không kém. Sau vụ chìm phà SEWOL ở Hàn Quốc, tập đoàn Hyundai Heavy Industries, hãng đóng tàu lớn nhất thế giới, vẫn tiếp tục có được các đơn đặt hàng – vốn có trị giá gần 30 tỷ USD trong năm 2013. Xưởng đóng tàu STX Saint-Nazaire thực chất là một chi nhánh của “gã khổng lồ” Hàn Quốc STX Offshore & Shipbuiding, được thuê vì những kinh nghiệm của người Pháp về đóng tàu chở khách cỡ lớn. Việc Pháp “trở mặt” trong hồ sơ Mistral có thể khiến Pháp mất đi các hợp đồng mà tập đoàn “mẹ” mang đến.

Quả là “tiến thoái lưỡng nan” ! Một mặt, nếu chuyển giao hai chiếc tàu chiến, Pháp chắc chắn sẽ phải hứng chịu chỉ trích từ các đối tác châu Âu, và Mỹ. Việc chuyển giao diễn ra khi tình hình Ukraine chưa được cải thiện cũng sẽ đi ngược lại với quan điểm mà Tổng thống Hollande vẫn bảo vệ từ trước đến nay.

Nhưng mặt khác, hủy bản hợp đồng mà người tiền nhiệm Sarkozy đã ký bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ và các đồng minh hồi ấy, sẽ ảnh hưởng tới uy tín của nước Pháp trên thị trường vũ khí, và kéo theo một loạt các khoản tiền không nhỏ có nguy cơ phải chi trả trong bối cảnh “thắt lưng buộc bụng” hiện nay. Pháp có thể phải “ôm” hai chiếc tàu chiến khổng lồ trong tay vì không có khách hàng tiềm năng nào khác, ngoài Nga.

Với quyết định hoãn bàn giao chiếc Vladivostok, Paris đang tìm một sự cân bằng: họ có thể vẫn sẽ thực hiện hợp đồng với Nga, nhưng trước mắt phải trấn an các đồng minh của mình, nhất là các nước Đông Âu từng nằm trong không gian Xô Viết.

Nguồn: VietNamnet


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Có 2 phản hồi cho bài viết “Cái giá chát cho cuộc ‘mua bán chính trị’ với Putin?”:

  1. Trungdung Pham viết:

    Có những giá trị đắt hơn đồng tiền !

  2. Nhu de du hjeu rang ,VN tung bi bao vay cam van nhu the nao? Dan Nga se kho nhu Dan VN cua nhung nam 90ve truoc…

Trả lời Trungdung Pham Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề