Bước chuyển về nhận thức và hành động của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông

Bước sang nhiệm kỳ hai của Thủ tướng Manmohan Singh, vai trò của Biển Đông được nâng lên tầm cao mới khi Ấn Độ công khai khẳng định lợi ích ở Biển Đông thể hiện trên ba khía cạnh: kinh tế, an ninh và ảnh hưởng.

Từ “láng giềng mở rộng”

Tranh chấp Biển Đông tồn tại từ lâu, nhất là từ sau chiến tranh thế giới thứ hai nhưng trong suốt quá trình từ khi giành độc lập đến cuối thập kỷ 1980, Ấn Độ ít can dự vì theo đuổi chính sách không liên kết và dấu chân chiến lược chưa vượt ra khỏi Ấn Độ Dương. Khi Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974, Ấn Độ không can dự vì quần đảo Hoàng Sa lúc đó do Việt Nam Cộng hòa quản lý trong khi Ấn Độ chống Mỹ và có quan hệ gần gũi với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.[1] Năm 1988, Trung Quốc đưa quân chiếm đá Gạc Ma và sáu đảo đá xung quanh trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng lúc này Ấn Độ đang phải chuyển mình để vượt qua khủng hoảng trong những năm cuối của chiến tranh lạnh.

Năm 1992, Ấn Độ đề ra chính sách Hướng Đông nhằm tăng cường quan hệ với các nước láng giềng ở phía đông. Đây là một trong những điều chỉnh chính sách đối ngoại quan trọng trong của Ấn Độ thời kỳ hậu chiến tranh lạnh. Từ khu vực địa lý Đông Nam Á và hợp tác về kinh tế, chính sách Hướng Đông dần được mở rộng ra toàn khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và bao trùm cả các vấn đề về an ninh-quân sự. Nhưng, trong suốt quá trình triển khai chính sách Hướng Đông tới hết nhiệm kỳ đầu của Thủ tướng Manmohan Singh, vấn đề Biển Đông rất hiếm khi được đề cập trong các phát biểu, văn kiện đối ngoại hoặc tiếp xúc ngoại giao của Ấn Độ với khu vực. Cho tới năm 2000, Bộ trưởng Quốc phòng George Fernandes phát biểu trong Lễ hạ thủy tàu khu trục INS Brrahmaputra đề cập đến Biển Đông như là điểm cực đông trong dấu chân chiến lược của hải quân Ấn Độ tại Ấn Độ Dương: “khu vực lợi ích của Ấn Độ mở rộng từ phía bắc Biển Ả-rập đến Biển Đông”[2]. Ngoại trưởng Jashwant Sinha phát biểu tại Đại học Harvard (Mỹ) năm 2003 cho biết Biển Đông thuộc phạm vi khái niệm “láng riềng mở rộng” về phía đông trong chính sách Hướng Đông. Thậm chí, Chiến lược quân sự biển của Ấn Độ năm 2007 đề cập đến Biển Đông như là địa bàn thứ yếu và khu vực lợi ích chiến lược của Ấn Độ chỉ giới hạn ở các “nút thắt” ra vào Ấn Độ Dương, bao gồm Eo biển Malacca ở phía đông.

Đến “lợi ích” chiến lược ở khu vực

Nhưng, bước sang nhiệm kỳ hai của Thủ tướng Manmohan Singh, vai trò của Biển Đông được nâng lên tầm cao mới khi Ấn Độ công khai khẳng định lợi ích ở Biển Đông thể hiện trên ba khía cạnh: kinh tế, an ninh và ảnh hưởng.

Về kinh tế, Ấn Độ có lợi ích về thương mại, năng lượng ở khu vực. Với bờ biển dài 7.500km, chuỗi đảo Andaman và Nicobar trải dài từ điểm cực nam cách Indonesia 90 hải lý và điểm cực bắc cách Myanmar dưới 10 hải lý là cửa ngõ trên biển về phía đông của Ấn Độ. Khoảng 77% giá trị thương mại và hơn 90% khối lượng thương mại của Ấn Độ được vận chuyển bằng đường biển, trong đó, 55% được vận chuyển qua Eo biển Malacca tới các thị trường ở Châu Á – Thái Bình Dương.[3] Lợi ích về thương mại của Ấn Độ ở Biển Đông càng tăng khi Ấn Độ và ASEAN đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2015-2016.

Bên cạnh đó, Ấn Độ còn có lợi ích về năng lượng trong các dự án hợp tác dầu khí giữa công ty dầu khí quốc gia của Ấn Độ (OVL) và tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) ở Lô 06, Lô 127 và 128. Dự án Lô 06 được ký vào năm 1988, trong đó mỏ khí Lan Tây – Lan Đỏ phát hiện năm 1998 với sản lượng khí đốt trung bình đạt khoảng 10 triệu m3/ngày, khí ngưng tụ đạt khoảng 200 tấn/ngày.[4]

Ngoài ra, OVL còn nhắm đến các dựa án liên doanh ở Bắc cực với Rosneft của Nga. Nếu giành được các dự án này, Ấn Độ sẽ phải vận chuyển dầu qua Biển Đông vì đây là tuyến đường ngắn nhất từ Bắc cực về Ấn Độ.

Về an ninh, với khối lượng thương mại với các nước Châu Á – Thái Bình Dương ngày một tăng, sự an toàn của tuyến đường vận tải biển qua Biển Đông có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Ấn Độ. Các thách thức an ninh truyền thống (xung đột leo thang giữa các bên yêu sách) và an ninh phi truyền thống (tội phạm xuyên quốc gia trên biển, cướp biển) ở khu vực cản trở đường vận tải hàng hóa trên biển của Ấn Độ. Ngoại trưởng Ấn Độ S. Krishna nhấn mạnh điều này và cho rằng Biển Đông là “tài sản của thế giới” và phải tự do cho thương mại phát triển. Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Nurumapa Rao phát biểu tại Quỹ Hàng hải quốc gia tháng 7/2011 khẳng định an ninh biển là thành tố quan trọng trong nghị trình đối thoại giữa Ấn Độ và các nước trong khu vực.[5]

Về ảnh hưởng, việc tăng cường hiện diện hải quân và “quyền tiếp cận”[6] ở Biển Đông là một phần quan trọng trong lợi ích của Ấn Độ nhằm đạt được ba mục tiêu chiến lược. Một là, hiện diện hải quân ở Biển Đông để đối trọng lại sự bành trướng của Trung Quốc ra Ấn Độ Dương. Theo quan điểm của Ấn Độ, nếu Bắc Kinh kiểm soát được Biển Đông, các lực lượng biển của nước này sẽ vượt qua Eo biển Malacca và xâm nhập vào Ấn Độ Dương; Trung Quốc không phải là một cường quốc ở Ấn Độ Dương nhưng đang sử dụng các biện pháp ngoại giao, quân sự và tài chính để hiện thực hóa điều này thông qua chiến lược “chuỗi ngọc trai” để kiềm chế Ấn Độ. Đối trọng lại, Ấn Độ phải tăng cường hiện diện ở Biển Đông thông qua các hoạt động tập trận hải quân song và đa phương, tàu chiến thăm cảng biển các nước khác ngoài Trung Quốc. Ngoài ra, Ấn Độ cũng theo sát tình hình Biển Đông để đảm bảo rằng các hành động quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ không diễn ra ở Ấn Độ Dương, nhất là khi Trung Quốc nâng việc bảo vệ đường giao thông biển lên thành lợi ích quốc gia giống như yêu sách lãnh thổ và thống nhất Đài Loan.

Hai là, với một nền kinh tế đang lên và năng lực hải quân ngày càng tăng, Ấn Độ có thể tự tin vươn tới những vùng biển xa hơn, vượt qua Eo biển Malacca đi vào Biển Đông. Ngân sách quốc phòng dành cho hải Quân của Ấn Độ năm 2012/2013 tăng gần 75% so với năm tài khóa trước, tương đương với 4,8 tỷ USD. Ấn Độ đầu tư xây dựng các căn cứ hải quân ở chuỗi đảo Andaman và Nicobar, đóng mới các tàu bè nội địa như tàu khu trục lớp Kolkata, tàu hộ tống lớp Kamorta, hàng không mẫu hạm lớp Vikrant, v.v.[7] Theo chuyên gia S.D. Muni, mặc dù Ấn Độ mới bước vào sân chơi ngoại giao biển nhưng cũng có khả năng chia sẻ gánh nặng an ninh cho các nước láng giềng ở Đông Á, nhất là khi Ấn Độ hoàn thành việc xây dựng các căn cứ quân sự ở Andaman và Nicobar”[8].

Ba là, các nước ở khu vực chào đón sự hiện diện của Ấn Độ như là “người bảo hộ an ninh tiềm năng”. Lo ngại trước các hành động quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông, các bên yêu sách nhỏ kéo các nước lớn như Mỹ vào để cân bằng và đối trọng với Trung Quốc nhưng lại lo ngại trước chủ nghĩa đơn phương của Mỹ. Trong khi đó, Ấn Độ cũng là nước trỗi dậy nhưng các nước trong khu vực coi sự trỗi dậy của Ấn Độ là hòa bình và không mang đến mối đe dọa như Trung Quốc. Thậm chí, các nước lớn như Mỹ, Nhật và Úc cũng tăng cường thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ và muốn Ấn Độ có đóng góp lớn hơn trong việc duy trì trật tự ở khu vực trước một Trung Quốc trỗi dậy.

Can dự mạnh mẽ vào Biển Đông

Sự thay đổi trong nhận thức cộng với sự thay đổi của tình hình và điều chỉnh chính sách của các nước liên quan đã thúc đẩy Ấn Độ can dự mạnh mẽ vào Biển Đông.

Thứ nhất, lãnh đạo cấp cao bày tỏ quan điểm và lập trường tại các hội nghị, diễn đàn đa phương do ASEAN dẫn dắt như ASEAN+1 với Ấn Độ, ARF, EAS, ADMM+. Quan điểm và lập trường chung là ủng hộ tự do hàng hải, thương mại đường biển không bị cản trở, giải quyết hòa bình tranh chấp theo luật pháp quốc tế (UNCLOS), thực hiện DOC, đàm phán ký kết COC và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN.

Thứ hai, Ấn Độ kiên quyết bảo vệ lợi ích trong hợp tác dầu khí với Việt Nam. Năm 2006, OVL giành được quyền thăm dò Lô 127 và 128 nhưng gặp sự phản đối của Trung Quốc nhưng Ấn Độ vẫn kiên định lập trường và tiếp tục triển khai dự án thông qua các phát biểu chính thức và cam kết song phương với Việt Nam.

Về phát biểu chính thức, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 15/9/2011 khẳng định OVL hợp tác với Việt Nam và hiện diện ở ngoài khơi Việt Nam từ lâu. Đây là lĩnh vực hợp tác quan trọng đối với Ấn Độ, phù hợp với luật pháp quốc tế và cần phải thúc đẩy hơn nữa.[9] Tư lệnh hải quân Ấn Độ Đô đốc D.K. Joshi tháng 12/2012 mạnh dạn tuyên bố rằng Ấn Độ sẵn sàng điều tàu chiến đến Biển Đông nếu hợp tác dầu khí của OVL ở Việt Nam bị đe dọa.

Về cam kết với Việt Nam, các tuyên bố chung như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Ấn Độ (10/2011), Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm Ấn Độ (07/2013) đều khẳng định quyết tâm của hai nước trong việc tăng cường hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí ở các Lô 127 và 128. Năm 2012, Ấn Độ rút khỏi Lô 127 vì không có triển vọng khai thác thương mại nhưng vẫn tiếp tục duy trì hoạt động ở Lô 128 và mở rộng ra các lô khác.

Thứ ba, Ấn Độ tăng cường hợp tác hàng hải với các nước lớn có lợi ích ở Biển Đông như Mỹ, Nhật và Úc.

Tuyên bố chung Ấn – Nhật trong các năm 2010-2014 đều nhấn mạnh hợp tác an ninh biển song phương. Tháng 6/2012, Ấn Độ và Nhật tổ chức tập trận hải quân song phương lần đầu tiên (JIMEX-12) ở ngoài khơi Yokosuka.[10] Cảnh sát biển hai nước cũng tổ chức tập trận chung thường niên. Ấn Độ và Nhật thảo luận việc Nhật bán cho Ấn Độ thủy phi cơ US-2. Trong khi đó, Ấn Độ và Mỹ thảo luận việc Mỹ cung cấp máy bay trinh sát biển P-8I và máy bay chiến đấu C-17 cho Ấn Độ. Với Úc, năm 2010 hai nước tổ chức trao đổi chính sách quốc phòng lần đầu tiên ở New Delhi. Tháng 6/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ lần đầu tiên thăm Úc cam kết hải quân hai nước tổ chức tập trận song phương vào năm 2015. Ngoài ra, Ấn Độ cũng tham gia vào các cơ chế đối thoại ba bên như Ấn-Nhật-Mỹ (từ 2011) và Ấn-Nhật-Hàn (từ 2012).

Thứ tư, Ấn Độ phát huy sức mạnh và hiện diện hải quân trên thực địa. Các hoạt động ngoại giao hải quân như tàu chiến thăm các cảng biển ở khu vực, tập trận song và đa phương được tổ chức định kỳ. Đặc biệt, giai đoạn này xảy ra căng thẳng trên thực địa. Ngày 22/7/2011, Trung Quốc sách nhiễu tàu INS Airavat đang trên đường thăm cảng Hải Phòng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ trả lời báo chí khẳng định ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông.[11] Tháng 6/2012, tàu hải quân Trung Quốc ép đội tàu INS Shivalik đang trên đường tới Hàn Quốc. Ngay sau đó tại ARF 19 tháng 7/2012, Ngoại trưởng S.M. Krishna nhấn mạnh ủng hộ tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế. Bộ trưởng Quốc phòng A.K. Antony phát biểu tại Diễn đàn Shangri-La ám chỉ Trung Quốc và khẳng định tự do hàng hải không thuộc đặc quyền của nước nào.[12]

Sự điều chỉnh của chính quyền Thủ tướng Narendra Modi

Sau khi đắc cử Thủ tướng Ấn Độ tháng 5/2014, Ông Narendra Modi bắt tay ngay vào các công tác đối ngoại, bao gồm nâng cấp chính sách Hướng Đông thành “Hành động phía Đông” và có một số điều chỉnh.

Thứ nhất, chính quyền Thủ tướng Modi khẳng định vai trò bảo hộ an ninh lớn hơn khi công bố rộng rãi có lợi ích ở Biển Đông và sự cần thiết phải giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế. Điều này được minh chứng trong các phát biểu của Thủ tướng Modi tại Hội nghị cấp cao Ấn Độ-SEAN lần thứ 12 và EAS lần thứ 9 tháng 9/2014 và Ngoại trưởng Sushma Swaraj tại ARF lần thứ 21 tháng 8/2014 ở Myanmar. Các tương tác cấp cao với Mỹ, Nhật Bản, Úc và đặc biệt là Việt Nam cũng phản ánh nhận định này. Ví dụ, Tuyên bố chung Ấn-Mỹ tháng 9/2014 lần đầu tiên đề cập đến vấn đề Biển Đông và nêu rõ Ấn Độ và Mỹ có lợi ích chung về an ninh biển, bao gồm tự do hàng hải, thương mại không bị cản trở và giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật quốc tế.

Thứ hai, Ấn Độ không e rè trước Trung Quốc ở Biển Đông. Chính quyền Modi tuyên bố tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh biển ở khu vực không phải là đi với nước này chống nước kia nhưng việc khẳng định công khai và rộng rãi về sự cần thiết phải duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông theo các quy chuẩn quốc tế là một sự phản đối với các hành động thay đổi nguyên trạng của Trung Quốc. Vấn đề biển được đề cập sơ qua trong chuyến thăm Ấn Độ của Tập Cận Bình tháng 9/2014 (không nêu lại trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Modi tháng 5/2015) được coi như là một phần trong việc gây dựng lòng tin giữa hai chính quyền mới ở hai nước. Đặc biệt, trong lúc Tập Cận Bình thăm Ấn Độ, Tổng thống Pranab Mukherjee đi thăm Việt Nam khẳng định cam kết hợp tác biển và tuyên bố cấp cho Việt Nam khoản tín dụng 100 triệu USD để mua bốn tàu tuần tra của Ấn Độ. Ấn Độ còn bày tỏ muốn bán tên lửa hành trình siêu thanh chống hạm BrahMos cho Việt Nam. Ấn Độ đồng thời khẳng định duy trì hiện diện ở Biển Đông trong hợp tác năng lượng với Việt Nam. Trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 10/2014, OVL đạt thỏa thuận kéo dài thời gian thăm dò ở Lô 128 thêm 2 năm bắt đầu từ tháng 6/2014 và các dự án mới tại Việt Nam bao gồm 40% cổ phần ở Lô 102/10 và 50% cổ phần ở Lô 106/10.

Thay lời kết

Ấn Độ đã có bước chuyển mạnh về nhận thức và hành động trong vấn đề Biển Đông, coi Biển Đông thuộc lợi ích chiến lược. Chính quyền Thủ tướng Modi tiếp xu hướng đó, đặt an ninh biển thành vấn đề an ninh trung tâm trong “Hành động phía Đông” và phát huy vai trò lớn hơn thông qua hợp tác với tất cả các nước để tăng cường các thể chế khu vực và đóng góp vào việc duy trì cán cân quyền lực ổn định ở Biển Đông và khu vực.

Ấn Độ sẽ tiếp tục bày tỏ quan điểm tại các diễn đàn đa phương do ASEAN dẫn dắt theo hướng ủng hộ an ninh, an toàn, tự do hàng hải; thương mại không bị cản trở; giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế; thực hiện DOC tiến tới ký kết COC và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. New Delhi đồng thời tăng cường hợp tác an ninh biển với các nước lớn có lợi ích ở Biển Đông, và đặc biệt với Việt Nam vì Việt Nam được coi là “trụ cột thiết yếu” và “cầu nối quan trọng” của Ấn Độ ở khu vực. Vai trò cầu nối của Việt Nam càng trở nên quan trọng khi Việt Nam là nước điều phối quan hệ Ấn Độ-ASEAN giai đoạn 2015-2018.

Việt Nam cần tận dụng vai trò này để thúc đẩy quan hệ và kéo New Delhi can dự sâu hơn vào Biển Đông, nhất là tham gia vào các dự án năng lượng trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hiện diện hải quân và bày tỏ quan điểm về Biển Đông vẫn quan trọng và cần được tiếp tục nhưng chưa đủ vì hiện diện hải quân liên quan đến vấn đề an ninh và dễ bị Trung Quốc phản đối, trong khi bày tỏ quan điểm mà ít hành động thì Trung Quốc vẫn cứ lấn tới. Các dự án kinh tế vừa làm giảm nguy cơ mất an ninh, vừa tăng cường sự hiện diện và dấu chân của Ấn Độ trên thực địa. Ngoài ra, đây còn là hành động thực tế giúp bảo vệ quyền chủ quyền hợp pháp của Việt Nam và thách thức “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc.

Chú thích:

[1] Robert A. Scalapino (1974), Asia and the Major Powers: Implications for the international order, American Enterprise Institute for Public Policy Research, Washington D.C., the United State, tr. 40.
[2] Davit Scott (2007), “Strategic Imperatives of India as an Emerging Player in Pacific Asia”, International Studies, No. 44, tr.125.
[3] Avtar Singh Bhasin (2012), India’s Foreign Relations 2011 Documents, Geetika Publisher, New Delhi, tr.65-71.
[4] Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (2011), Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2010, Tập II, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.356.
[5] Tlđd, 3, tr.70.
[6] David Scott (2013), “India’s Role in the South China Sea: Geopolitics and Geoeconomics in Play”, India Review, Vol. 12, No. 2, tr. 54.
[7] Paul Pryce (2014), “The Indian Navy: On a Collision Course with China”, Canadian Naval Review, Volume 9, Mumber 4, tr. 4-6.
[8] S. D. Muni (2012), ‘Look East Policy: Beyond Myths’ in Amar Nath Ram (ed.), ‘Two Decades of India’s Look East Policy: Partnership for Peace, progress and Prosperity’, Manohar Publishers, New Delhi, tr. 217-218.
[9] Tlđd, 3, tr. 1180-1181.
[10] Indian Ministry of Defence Annual Report 2012-2013, tr.35.
[11] Tlđd, 3, tr. 1009.
[12] Avtar Singh Bhasin (2013), India’s Foreign Relations 2012 Documents, Geetika Publisher, New Delhi, tr. 89-90.

Trí Lê (Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề