Biển Đông: Thượng viện Mỹ đòi Hải quân mạnh tay hơn với Trung Quốc
Hải quân Mỹ đã nhiều lần lên tiếng đe dọa cử chiến hạm và phi cơ tiến sâu vào vùng 12 hải lý quanh các đảo mà Trung Quốc đang bồi đắp tại Trường Sa, nhưng chưa làm. Thái độ rụt rè đó đã khiến Thượng viện Mỹ bất bình. Nhân một cuộc điều trần ngày 17/09/2015, nhiều Thượng nghị sĩ Mỹ công khai yêu cầu Lầu Năm Góc phải cho tàu Hải quân tiến vào bên trong vùng biển đó để khẳng định lập trường của Mỹ.

Theo hãng tin Mỹ AP, Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ, đã tuyên bố  Mỹ cần phải thâm nhập vào bên trong khu vực 12 hải lý chung quanh các hòn đảo mà Trung Quốc đang rốt ráo xây dựng. Mục tiêu là để nêu bật quan điểm của Washington, không công nhận các tuyên bố của Bắc Kinh cho rằng các đảo là lãnh thổ của Trung Quốc.

Tại phiên điều trần, ông McCain khẳng định: « Mặc nhiên công nhận tuyên bố chủ quyền nhân tạo của Trung Quốc một sai lầm nguy hiểm ». Sau khi nhắc lại là Trung Quốc mới đây đã cho tàu quân sự tiến vào vùng 12 hải lý quanh quần đảo Aleutian của Mỹ, ngoài khơi Alaska, Thượng nghị sĩ McCain cho rằng Hoa Kỳ cũng cần khẳng định « một cách mạnh mẽ » quyền lưu thông trên biển của mình.

Khuyến cáo của các Thượng nghị sĩ Mỹ được cho là lời chỉ trích đối với thái độ quá thận trọng của Hải quân Mỹ. Bất chấp các tuyên bố dứt khoát từng được đưa ra, hôm qua, chính ông David Shear, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về Châu Á-Thái Bình Dương đã thừa nhận rằng kể từ năm 2012 đến nay, tàu Mỹ chưa hề tiến vào bên trong vùng 12 hải lý quanh các đảo Bắc Kinh đang kiểm soát.

Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris cũng tiết lộ rằng phi cơ quân sự của Hoa Kỳ cũng chưa hề tiến hành một phi vụ nào trực tiếp bên trên bất kỳ thực thể nào mà Trung Quốc đang bồi đắp và xây dựng ở vùng Biển Đông.

Hai nhân vật then chốt trong guồng máy quân sự Mỹ đã liên tục bị các Thượng nghị sĩ chất vấn về việc Lầu Năm Góc đã xin Nhà Trắng bật đèn xanh cho các chiến dịch bên trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp hay chưa, và câu trả lời ra sao ?

Câu trả lời của Đô đốc Harris khá lúng túng: một mặt ông thừa nhận rằng Hải quân Mỹ cần được phép tiến vào bên trong vùng 12 hải lý để hành xử quyền tự do hàng không và hàng hải ở Biển Đông, nhưng ông vẫn đang chờ hướng dẫn từ cấp trên.

Ông David Shear cũng từ chối nói về những cuộc thảo luận đang diễn ra giữa Lầu Năm Góc và Nhà Trắng trên vấn đề này, nhưng cho biết thêm là việc hành xử quyền tự do hàng hải trong khu vực quần đảo Trường Sa chỉ là một trong những phương án mà thôi, vì còn cần phải tìm cách ngăn chặn không cho Trung Quốc chuyển vũ khí tối tân đến các tiền đồn đó của họ trên Biển Đông.

Một Thượng nghị sĩ khác có mặt trong buổi điều trần, ông Dan Sullivan, tiểu bang Alaska, đã nhắc lại tuyên bố công khai hôm thứ Tư 16/09 vừa qua của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, theo đó Hoa Kỳ sẽ không lùi bước trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực, và « việc biến một bãi đá ngầm thành một sân bay không thể cho ta quyền đòi chủ quyền và giới hạn quyền quốc tế được quá cảnh trên không và trên biển ».

Theo các nhà quan sát, phản ứng không hài lòng của các Thượng nghị sĩ có thế lực phải chăng đang dự báo cho những động thái cứng rắn hơn nữa của Hải quân Mỹ tại Biển Đông trong thời gian sắp tới đây ?

Vào đầu năm nay, trước những phản ứng từng bị coi là yếu ớt của Washington trước các hành vi bị đánh giá là ngày càng thô bạo và đầy tính khiêu khích của Bắc Kinh tại Biển Đông, 4 Thượng nghị sĩ Mỹ trong đó có ông John McCain đã công bố thư ngỏ, yêu cầu chính quyền Hoa Kỳ phải cứng rắn hơn. Kết quả là chính quyền Obama đã liên tiếp có những cố gắng vạch trần và tố cáo rộng rãi mưu đồ crua Trung Quốc tại Biển Đông.

Khuyến cáo lần này của các Thượng nghị sĩ rất có thể sẽ có kết quả tương tự.

Theo RFI tiếng Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề