Chính sự tăng trưởng vũ bão từ xuất khẩu và đầu tư nước ngoài là 2 trong số những lý do giúp Việt Nam đi ngược với xu hướng suy thoái kinh tế trong khu vực, theo bài phân tích của kênh Channel News Asia (Singapore).
Trong bài viết nhan đề “Vì sao kinh tế Việt Nam tăng mạnh hơn các nước Đông Nam Á khác”, Channel News Asia bình luận tăng trưởng kinh tế của gần như toàn bộ vùng Đông Nam Á trong năm 2015 bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế toàn cầu và khủng hoảng kinh tế Trung Quốc.
“Duy nhất chỉ có một quốc gia có vẻ như đi ngược được xu hướng chung”, đó là Việt Nam, theo kênh tin tức Singapore.
Tốc đột tăng trưởng GDP ba tháng cuối năm của Việt Nam đạt 7,01%, cao hơn so với tỉ lệ 6,9% cùng kỳ năm ngoài và là mức tăng cao kỷ lục trong vòng 5 năm qua. Điều này giúp Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng về tăng trưởng GDP tại Đông Nam Á, theo Channel News Asia.
Quốc gia xếp nhì Philippines có tốc độ tăng trưởng GDP 6% trong quý 3, nhưng các chuyên gia kinh tế dự đoán đảo quốc này sẽ không đạt được mục tiêu tăng 6% trong 3 tháng cuối năm. Số liệu này dự kiến sẽ được Philippines công bố vào tháng 1 này.
Trong khi đó, các nền kinh tế lớn trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Singapore chững lại, với lý do chính là vì khủng hoảng kinh tế Trung Quốc. Đặc biệt là trường hợp Malaysia, quốc gia có GDP tăng ở mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua.
Thế mạnh
“Lĩnh vực của Việt Nam có tốc độ phát triển tốt hơn các quốc gia lân cận chính là xuất khẩu”, theo Channel News Asia.
Ông Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế nghiên cứu vùng châu Á – Thái Bình Dương của hãng IHS Global Insight, nhận định sức mạnh của thương mại Việt Nam đến từ thành công trong việc đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu theo hướng tập trung vào hàng điện tử và may mặc.
Ngoài các đa dạng hóa hàng hóa xuất khẩu, Việt Nam còn đa dạng hóa cả thị trường xuất khẩu, theo ông Glenn Maguire, chuyên gia kinh tế thuộc tập đoàn tài chính ANZ (New Zealand).
“Tình hình suy thoái kinh tế và thương mại trong khu vực xuất phát từ tình trạng tái cơ cấu của Trung Quốc và sự phục hồi kinh tế tại Mỹ và các nước giàu có, theo hướng đáp ứng các nhu cầu về dịch vụ thay vì hàng hóa”, ông Maguire nhận định.
“Điều này đồng nghĩa với việc các nhà xuất khẩu một loại hàng hóa cố định sẽ phải chịu ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế và thương mại từ các nước trong khu vực, chẳng hạn như Indonesia và Malaysia”, vị này cho hay.
Giới quan sát còn đánh giá rằng Việt Nam, với dân số khoảng 90 triệu người, cũng đang tăng trưởng tốt nhờ nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng kỷ lục.
Channel News Asia bình luận rằng sự hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài xuất phát từ vị trí địa lý thuận lợi, nhân công và chi phí hoạt động giá rẻ, cũng như việc Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo thống kê của chuyên gia Biswas thuộc IHS, nguồn vốn FDI tính đến cuối năm 2015 đạt mức kỷ lục 14,5 tỉ USD, tăng đến 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế còn ca ngợi về sự phục hồi trong tăng trưởng tín dụng của Việt Nam. Chính phủ đạt được tiến triển khả quan trong việc xóa bỏ nợ xấu, vốn từng là chướng ngại vật lớn đối với tăng trưởng kinh tế trong nước.
Một đợt “phá giá tiền đồng có lộ trình” trong năm 2015 cũng đã góp phần vào sự hồi phục kể trên, theo ông Vishnu Varathan, chuyên gia kinh tế cấp cao của ngân hàng Mizuho (Singapore). Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 3 lần hạ giá tiền đồng so với đồng USD trong năm 2015.
“Thay vì vội vã phá giá tiền đồng, Việt Nam đã hạ từ từ và có tuyên truyền tốt. Điều này đã giúp làm giảm áp lực lên nền kinh tế”, ông Varathan bình luận.
Trí Lê (Theo Thanh Niên)
Trả lời