Bắc Triều Tiên: đề tài chính tại thượng đỉnh Mỹ-Trung

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ thảo luận về cách thức ứng phó với những mối đe dọa hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên tại cuộc họp thượng đỉnh vào ngày mai tại Tòa Bạch Ốc. Thông tín viên Jee Abbey Lee của đài VOA tường thuật.

Cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Trung diễn ra trong lúc căng thẳng tăng cao ở bán đảo Triều Tiên vì những mối đe dọa của Bình Nhưỡng về việc phóng phi đạn tầm xa và thử nghiệm hạt nhân. Quốc gia theo chủ nghĩa Cộng Sản này cho biết họ định phóng “một loạt các vệ tinh” vào không gian và loan báo họ đã khởi động tất cả các cơ sở hạt nhân của họ.

Tại một cuộc hội thảo hồi đầu tuần này ở Washington, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, bà Susan Rice, cho biết “Cuộc họp tuần này giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ là một cơ hội khác nữa để thảo luận về vấn đề làm thế nào chúng ta có thể ảnh hưởng tới những sự lựa chọn của Bình Nhưỡng giữa việc sở hữu vũ khí hạt nhân với sự phát triển kinh tế.”

Các giới chức Mỹ cho biết cả Washington lẫn Bắc Kinh đều có quyết tâm theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên.

Áp lực đối với Bình Nhưỡng

Bà Rice nói “Trung Quốc và Hoa Kỳ nhất trí với nhau trong việc đòi hỏi sự phi hạt nhân hoá hoàn toàn và có thể kiểm chứng được ở bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi kiên quyết phản đối những mưu toan của Bắc Triều Tiên nhằm phát triển vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo, de tới ổn định khu vực và quyền lợi an ninh quốc gia của hai nước chúng tôi.”

Ông Ben Rhodes, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết Bắc Kinh hồi gần đây đã chứng tỏ họ sẵn sàng hơn trong việc gây sức ép lên Bình Nhưỡng. Ông nói trong cuộc họp báo trực tuyến hôm thứ ba “Tôi nghĩ rằng trong vài năm gần đây chúng tôi thấy Trung Quốc nhận thức rõ hơn về việc chúng ta cần phải nhấn mạnh tới nhu cầu phi hạt nhân hoá và cần phải gây áp lực lên chế độ Bắc Triều Tiên.”

Nhiều chuyên gia đồng ý với nhau là Washington và Bắc Kinh có cùng mục tiêu phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên. Nhưng một số nhà phân tích nói rằng có sự khác biệt giữa đôi bên về việc làm thế nào để đạt mục tiêu.

Ông David Straub, cựu giám đốc phòng Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ, Bắc Kinh không hợp tác nhiều với Washington về vấn đề Bắc Triều Tiên.

Ông Straubnói “ Vì những lý do lịch sử, chính trị và chiến lược, sự hợp tác của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Trung Hoa với Hoa Kỳ về Bắc Triều Tiên sẽ tiếp tục có tính chất giới hạn trong tương lai có thể nhìn thấy được.”

Sụp đổ của chế độ

Ông Bruce Klingner, chuyên gia cấp cao của Quỹ Heritage, nói rằng Bắc Kinh không muốn mạnh tay với Bắc Triều Tiên vì e rằng chế độ của đồng minh của họ bị sụp đổ.

Ông nói “Thực tế là Bắc Kinh sẽ tiếp tục chính sách có giọng điệu cứng rắn đối với Bắc Triều Tiên, nhưng tiếp tục không muốn áp dụng các biện pháp mạnh hơn bởi vì họ e rằng làm như vậy sẽ tạo ra một vụ khủng hoảng ở biên giới của họ. Bắc Kinh sẽ lại kêu gọi thực hiện lại cuộc đàm phán 6 bên mà không có điều kiện kiên quyết, nhưng sẽ không gây sức ép đòi Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và phi đạn mà Bình Nhưỡng bị cấm thực hiện.”

Ông Straub cho biết ông không tin là ông Obama và ông Tập Cận Bình sẽ loan báo những biện pháp mới chống lại Bình Nhưỡng.

“Hai nhà lãnh đạo sẽ có một cuộc thảo luận cặn kẽ về Bắc Triều Tiên và họ sẽ lập lại sự chống đối của họ đối với việc Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, tôi không dự kiến họ đưa ra một lập trường chung mới hoặc mạnh hơn đối với vấn đề này,” ông Straub nói.

Ông Frank Jannuzi, Chủ tịch Quỹ Mansfield, cho rằng thông điệp của hội nghị thượng đỉnh này sẽ giới hạn vào việc kêu gọi Bình Nhưỡng “quay lại bàn thương thuyết và tự chế để không tiến hành bất kỳ hành vi khiêu khích nào.”

Theo ông Jannuzi, Tổng thống Obama sẽ nhấn mạnh tới việc Bắc Triều Tiên phải phi hạt nhân hoá và ông Tập Cận Bình có phần chắc sẽ không đe dọa trừng phạt Bắc Triều Tiên.

Ông Joseph DeTrani, cựu đặc sứ Mỹ về vấn đề hạt nhân, nói rằng hai nhà lãnh đạo có thể sẽ nhắc lại lập trường trước đây là Bình Nhưỡng phải theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hoá để đổi lấy bảo đảm an ninh và những sự trợ giúp vế kinh tế và năng lượng.

Ông DeTrani nói thêm rằng Bình Nhưỡng có thể đối mặt với những biện pháp chế tài khác nữa của cộng đồng quốc tế nếu họ tiến hành vụ phóng hoả tiễn tầm xa hoặc thử nghiệm hạt nhân.

 

Theo Voa tiếng Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề