Ấn Độ hợp tác với Nhật Bản củng cố các đảo để kiềm chế Trung Quốc

Ấn Độ và Nhật Bản hiện đang thảo luận về hợp tác nâng cấp cơ sở hạ tầng dân sinh trên các đảo Andaman và Nicobar thuộc một quần đảo của Ấn Độ, được xem như một tài sản then chốt để đối phó khi Trung Quốc cố gắng tiến vào Ấn Độ Dương.

Dự án đầu tiên đang được thảo luận còn khiêm tốn, là một nhà máy điện Diesel 15 megawatt ở phía Nam đảo Andaman, trong đề xuất trình lên BNG Nhật Bản tháng trước. Nhưng sự hợp tác này báo hiệu một sự thay đổi chính sách quan trọng của Ấn Độ vì trước đây nước này không bao giờ cho phép đầu tư nước ngoài thực hiện trên quần đảo này. Đảo Andaman và Nicobar nằm ở phía Đông Bắc eo biển Malacca, cho phép kiểm soát 1 đòn đánh quyết định vào một trong những điểm yếu nhất trên biển của Trung Quốc.

Đây cũng là một sự xác nhận về mối quan hệ đang nảy nở giữa Ấn Độ và Nhật Bản, với dự án xây dựng đường sá tiếp theo trị giá 744 triệu USD ở khu vực biên giới Đông Bắc Ấn Độ. Giống như chuỗi Andaman và Nicobar, khu vực Đông Bắc cũng là khu vực chiến lược, nhưng hiện nay rất kém phát triển do xa cách với lục địa.

Sự giúp đỡ phát triển chính thức của Nhật Bản (ODA) ồ ạt trong khu vực này thu hút ít sự chú ý hơn những nỗ lực mà Trung Quốc gọi là “một vành đai, một con đường”, một mạng lưới gồm đường bộ, đường tàu hỏa và các cảng nhằm mục đích kết nối Trung Quốc với phần còn lại của Châu Á và Châu Âu. Tuy nhiên, các dự án của Nhật Bản lại rất phù hợp với các dự án chiến lược được định hình khi TTg Ấn Độ Narendra Modi bắt đầu quan hệ gần gũi hơn với Nhật Bản, Australia, Mỹ, cũng như các khu vực khác như Việt Nam để chống lại ảnh hưởng đang tăng lên của Trung Quốc.

Một quan chức cấp cao của Chính phủ Ấn Độ cho biết các dự án của Trung Quốc sẽ được đáp lại bằng “sự đáp trả mang tính phi tập trung, mang tính địa phương nhưng lại rất có hệ thống”. Quan chức này mô tả các dự án liên quan cơ sở hạ tầng ở đảo Andaman tuy không ở mức độ lớn, giá trị lớn nhưng cho biết New Delhi hiện đang rất quan tâm đến việc phát triển các khu vực biên giới.

Tầm nhìn của Nhật Bản trong việc đóng góp, phát triển của chuỗi đảo này vượt xa hơn nhiều so với ý định xây dựng một nhà máy điện. Dự án này được đệ trình lên Tokyo hơn 1 năm trước sau khi Đại sứ Nhật Bản đến thăm đảo Andaman và trong cuộc họp với các quan chức địa phương hàng đầu, có hứa sẽ chu cấp tài chính cho việc xây dựng các cầu, cảng. Tham tán phụ trách các vấn đề kinh tế của Đại sứ quán Nhật Bản cho biết Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) có thể đáp ứng nếu có các đề nghị chính thức từ phía Ấn Độ, cho biết thêm là Nhật Bản có thể xem xét bất kỳ các đề nghị nào khác liên quan đến chuỗi đảo Andaman và Nicobar hay nơi khác, và sẵn sàng sử dụng sự hỗ trợ của Quỹ hỗ trợ phát triển (ODA) để tăng cường sự liên kết của Ấn Độ với các nước thành viên của Hiệp hội các nước thành viên Đông Nam Á (ASEAN) hay Hiệp hội các nước Nam Á vì sự hợp tác khu vực. “Chúng tôi luôn bắt đầu từ các dự án nhỏ rồi mới đến dự án lớn”.

Chuỗi đảo Andaman và Nicobar gồm 572 đảo, phần lớn trong số đó không có người sinh sống, trải dài 470 dặm từ Bắc xuống Nam, trước đây là thuộc địa của Anh, sau đó bị Nhật Bản chiếm 3 năm trong thời gian Thế chiến thứ 2. Sau đó, Cựu Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru đã giành lại quần đảo này từ khi người Anh rút lui, đánh bại các cố gắng của Pakistan. Sự quan trọng của chuỗi đảo này ngày càng tăng lên cùng với việc Trung Quốc mở rộng lực lượng hải quân. Vị trí của chuỗi đảo này biến nó trở thành căn cứ lý tưởng để kiểm soát các hoạt động hải quân trong khu vực eo biển Malacca, vốn là dải phễu vừa dài vừa hẹp giữa Malaysia và Indonesia. Eo biển này là nơi đi qua của các chuyến tàu nhập khẩu dầu lửa của Trung Quốc từ Châu Phi và Trung Đông. Trung Quốc nhập khẩu 80% nhiên liệu và đi qua khu vực này.

Tuy nhiên đối với khu vực đảo này, sự thay đổi đến chậm vì ở đây chủ yếu là các vùng đất chưa phát triển, có nhiều thổ dân và cuộc sống hoang dã. Cho tới năm ngoái, không có một chuyến bay nào hạ cánh sau buổi chiều vì không có đèn trên đường băng. Tuy nhiên, các nhà phân tích quốc phòng của phương Tây nhìn chuỗi đảo này bằng đôi mắt ghen tị và đôi khi nhầm lẫn.

Đô đốc Robin K. Dhowan, Tư lệnh lực lượng hải quân của Ấn Độ cho biết quyết định chấp nhận đầu tư của Nhật Bản tại chuỗi đảo này sẽ là biểu hiện rằng chính quyền ông Modi đang thoát ra khỏi vòng kiềm chế và đang phát triển với một số tham vọng. Ấn Độ đã tỏ ra quan tâm đặc biệt đối với sự xuất hiện của các tàu ngầm Trung Quốc trên Ấn Độ Dương trong những năm gần đây. Vào tháng 1 vừa qua, Ấn Độ tuyên bố sẽ triển khai các máy bay không người lái do Israel sản xuất và hai máy bay Boeing B-8I, máy bay do thám biển được chế tạo cho cuộc chiến chống tàu ngầm, được triển khai cho chuỗi Andaman và Nicobar. Các đường băng ở mũi phía Bắc và Nam của quần đảo đang được kéo dài để tương thích với những máy bay do thám tầm xa.

Nhật Bản không phải chỉ là nước duy nhất quan tâm vào việc đóng vai trò trong việc phát triển chuỗi đảo này. Ấn Độ và Mỹ cũng đang tiến gần hơn tới một thỏa thuận cung cấp hậu cần hàng hải, có nghĩa là các tàu của Mỹ có thể được phép cập cảng ở khu vực các đảo Andaman và Nicobar trong tương tai.

Ông Rory Medcalf, Chủ nhiệm khoa an ninh quốc gia Đại học Quốc gia Australia cho rằng chuỗi đảo này cung cấp một vị trí địa lý hoàn hảo cho các cuộc giám sát trên không và trên biển. “Nếu như Ấn Độ mở cửa hơn nữa, cởi mở hơn trong việc cho phép những nước bè bạn được tiếp cận và biết đến Andaman thì điều này có thể sẽ diễn ra”.

Gần đây các nhật báo tại khu vực này hay đưa tin liên quan đến sự xuất hiện của tàu ngầm Trung Quốc và có tin đồn rằng quần đảo này sẽ trở thành mục tiêu đầu tiên của Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa nếu Trung Quốc và Ấn Độ xảy ra chiến tranh. Người dân ở đây nói trước kia nơi này là nơi an toàn nhất trên thế giới./.

Anh Thư (nguồn nghiencuubiendong.vn)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề