Ai sẽ xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho Nga?

Một bạn đại học cũ của tôi, quen biết đã hơn 20 năm, đang có kế hoạch rời bỏ nước Nga vĩnh viễn vào tháng 9 này.

Giống như những đám mây đang quần tụ vần vũ trước một cơn bão, bạn gần bạn xa của tôi đang bàn đến việc rời bỏ nước Nga. Những cơn gió như thế đã bắt đầu, báo hiệu một cơn bão lớn.

Tất nhiên sẽ ít khả năng có một dòng di dân ào ạt: Trong một phần tư thế kỷ qua kể từ khi Bức màn Sắt sụp đổ, chỉ có khoảng 10% người Nga từng du lịch ra nước ngoài – bao gồm cả số lượng lớn đi du lịch Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Thực tế, chỉ có một thiểu số dự định rời khỏi nước Nga mãi mãi.

Cha mẹ tôi, từng đi nước ngoài, luôn khuyên tôi, người cũng thường đi nước ngoài, hãy ra đi vì ở nước Nga không có tương lai cho chúng tôi và con cái chúng tôi. Trong khi đó, họ vẫn về nhà nghỉ ngoại ô vào cuối tuần và không có dấu hiệu muốn bán nó để ra đi.

Song sự ra đi của các bạn tôi tựa như những giọt nước mưa tí tách đều đều trên mái nhà ở Moskva vào tháng 7 mưa phùn. Việc những người trẻ có học thức đang rời bỏ đất nước cũng đủ để những người ít thông tin hiểu rằng nước Nga đang có chuyện gì đó không ổn.

Tôi còn nhớ rất rõ cái ngày mà lần đầu tiên tôi nghe tin có người rời bỏ nước Nga. Đó là ngày mùng 1 tháng 9 năm 1991: ngay sau cuộc đảo chính (nhằm hạ bệ Mikhail Gorbachev, diễn ra trong ba ngày tháng 8 – NHĐ) thất bại, tôi bắt đầu năm học gần cuối cấp thì được tin cô giáo của chúng tôi đã di cư ra nước ngoài. Dù mới là những đứa trẻ vị thành niên nhưng chúng tôi cũng hiểu được lí do cô chọn ra đi: Các biến động chính trị đã kết thúc thời kỳ cũ và những điều bất định đang tăng lên.

Nếu so với sự việc đó, những người đang nghĩ đến việc ra đi hôm nay lại chưa nhìn rõ bức tranh về những gì đang diễn ra trong nước.

Những người đang có kế hoạch rời bỏ nước Nga có ba mối bận tâm chính: nền kinh tế sẽ sụp đổ, chế độ chuyên chế ngày càng hà khắc khiến cả hệ thống sụp đổ và sẽ cuốn chìm tất cả mọi người theo nó, và thế hệ tương lai ít có triển vọng.

Có rất nhiều yếu tố khó lường và các chỉ dấu ngày càng xấu khiến các bậc cha mẹ dường như không còn dám khuyên con cái mình hoặc giúp chúng tiếp tục sống một cách hữu dụng và an toàn ở Nga.

Không ai biết được nền kinh tế sẽ trở nên tồi tệ đến mức nào. Tuy nhiên, hầu hết đều biết rằng đồng rúp có khả năng sẽ càng mất giá hơn nữa, tương tự như năm 2014, và chắc chắn sẽ đem đến nhiều phiền toái. Trớ trêu là bộ phận dân cư muốn bỏ đi này lại chính là những người vẫn đang có được mức lương chắc chắn cao hơn khi ở Nga so với khi họ ở nước ngoài.

Trên thực tế, đồng rúp xuống giá đang làm nhụt chí nhiều người Nga muốn ra đi. Một tách cà phê tại sân bay vẫn giá 5 đô la Mỹ như trước, nhưng giờ đây nó đòi hỏi lượng rúp gấp đôi. Tiền thuê căn hộ ở Moskva chưa tăng gấp đôi, nhưng nay khiến nhiều chủ sở hữu – thường đã quen dùng thu nhập đó để sống ở nước ngoài trong khi vẫn duy trì công ăn việc làm ở Nga – phải quay về nước, đôi khi lại vướng thêm vào chuyện mất chỗ làm ăn yên ấm.

Một cách tránh mùa đông khắc nghiệt ở Moskva có lẽ là đi nghỉ ở Đông Nam Á quanh năm nắng ấm, nhưng định cư ở đó lại là chuyện hoàn toàn khác. Một số ra đi, hoặc vì họ không thích sự bất ổn chính trị trong nước, hoặc nhìn thấy trước chế độ chuyên chế ngày càng lấn át.

Có người cho rằng tình trạng chuyên chế ngày nay ở Nga là còn nhẹ so với thời Xô Viết, đặc biệt là thói hành xử kiểu chủ nghĩa Stalin. Trên thực tế, nhiều người Nga phản ứng rất bị động trước những diễn biến, như trường hợp đụng độ hôm mùng 6 tháng 5 năm 2012 giữa cảnh sát và người biểu tình phản đối gian lận kết quả bầu cử hoặc cuộc đàn áp hiện nay đối với các tổ chức phi chính phủ nhận tài trợ nước ngoài.

Nhiều người coi những sự kiện này như thể cuộc chiến tranh của người ngoài. Họ có thể cảm thông với những nạn nhân vô tội, nhưng vẫn tin là vì họ chẳng làm gì ngoài việc ngồi nhấm nháp cà phê và đọc báo nên chuyện đó sẽ không ảnh hưởng đến họ. Theo cái logic đó thì chỉ những người cả nghĩ đến phát điên mới có thể so sánh sự lạm dụng chính trị nhỏ giọt ngày nay so với sự lạm quyền đặc trưng của cuộc Đại Khủng bố những năm 1930.

Song chiến dịch Đại Khủng bố những năm 1930 cũng bắt đầu từ những chuyện nhỏ. Người Nga mới chỉ nghiên cứu cái bi kịch quốc gia đó của họ một cách hời hợt và chưa bao giờ đánh giá nó bằng thước đo đạo đức hoặc pháp lí. Lấy gì để đảm bảo rằng quyết định của nhà cầm quyền cáo buộc một nhà vật lí 75 tuổi tội phản quốc chỉ vì đã tiếp xúc với người nước ngoài[1] sẽ không dẫn đến một đợt trấn áp để cuối cùng biến dòng nước nhỏ thành trận lũ quét?

Một quan niệm sai lầm khá phổ biến khác là dù ai cũng biết chế độ đang cai trị hiện nay thiếu sót như thế nào – và cuộc phiêu lưu ở Crimea thật sự liên quan đến đồng rúp yếu và các vấn đề trong thị trường bất động sản và thị trường lao động – nhưng nếu thay thế nó thì có khi còn dẫn đến một chế độ tệ hơn, thậm chí độc đoán hà khắc hơn.

Thật kỳ lạ, nhiều người vẫn ở lại Nga cho dù họ tin rằng đất nước sẽ không có tương lai chừng nào Vladimir Putin còn cai trị – ngay cả người mù cũng có thể thấy chế độ này đã khác so với hai hay ba và nhất là năm năm trước. Những người này cho rằng mặc dù tương lai thật u ám, nhưng chừng nào mọi chuyện còn ít nhiều biến chuyển được thì việc gì phải lo.

Những lý lẽ này đều hợp lý và logic. Tuy nhiên ít ai nghĩ đến thực tế là tình hình hiện tại hoàn toàn tiêu cực đúng như cô giáo của tôi và những người khác đã nhìn ra từ cách đây 25 năm, nhưng ngay cả lúc đó tình hình vẫn chưa tồi tệ đến nỗi chúng tôi, những sinh viên của cô, muốn ra đi như bây giờ.

Nhiều người bằng linh cảm đã thấy nó sẽ đến, nhưng lại dễ dãi thả mình xuôi theo dòng nước hơn là sống và hành động vì một tương lai khác, một tương lai đáng sống ở Nga hơn là phải bỏ đi như bây giờ.

Chính người Nga chúng ta đã mang đến cái tương lai này, và chúng ta vẫn tiếp tục lao đầu vào nó. Mỗi người đều có ngưỡng chịu đau nhất định để biện minh cho quyết định ra đi của mình, nhưng khi nhóm xã hội lẽ ra đã có thể làm cho nước Nga tốt đẹp hơn lại quyết định tách mình ra khỏi đám đông thì họ cũng như những tay chơi lật đổ ván cờ khi thấy mình ít có hi vọng chiến thắng.

Tôi không trách ai mà trách chính mình. Tôi là một trong những kẻ chỉ đứng nhìn khi sự việc đã đến mức này, và tôi là một trong những kẻ luôn nghĩ đến việc ra đi. Lo lắng duy nhất của tôi là rất khó xây dựng được một tương lai tốt đẹp hơn ở nơi khác khi người Nga chúng ta không có kỹ năng và sự kiên trì để đấu tranh vì nó chính tại quê nhà.

Ivan Sukhov là nhà báo Nga chuyên viết về các xung đột ở Nga và Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS) trong 15 năm qua.

———————

[1] Ám chỉ vụ điều tra nhà khoa học Vladimir Lapygin mới đây với cáo buộc làm lộ thông tin bí mật nhà nước – NHĐ.

Vũ Văn (Theo Nghiên cứu Quốc tế)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề