Hiện 51% nhân viên làm nail ở Mỹ, và khoảng 80% ở California, là người gốc Việt. Nhiều người là hậu duệ trực tiếp của 20 học viên đầu tiên từng được truyền cảm hứng bởi nữ diễn viên Tippi Hedren, người nổi tiếng với bộ phim kinh dị The Birds của Alfred Hitchcock. Bà là người bắt đầu dạy cho một nhóm 20 phụ nữ Việt xa xứ ở California nghệ thuật cắt sửa móng tay cách đây 40 năm.
40 năm trước, khi ngôi sao Hollywood Tippi Hedren đến thăm một trại của người Việt ở California, bộ móng tay rực rỡ của bà khiến những phụ nữ ở đó lóa mắt.
Giữa thợ may và thợ đánh máy, họ chọn… thợ sửa móng
Sau đó, Hedren đã mang người thợ làm móng riêng của mình đến dạy cho một nhóm 20 người Việt về nghệ thuật cắt sửa móng tay. Những phụ nữ này đã góp phần khởi đầu một ngành dịch vụ ngày nay có giá trị khoảng 8 tỷ USD, chủ yếu được thực hiện bởi người Mỹ gốc Việt.
“Chúng tôi đã cố gắng tìm nghề nghiệp cho họ” – Hedren nói. “Tôi mang đến đó các thợ may và thợ đánh máy, nhưng họ lại chú ý đến người thợ sửa móng của tôi.
Nữ minh tinh Tippi Hedren cùng một nhóm học viên người Việt
Hope Village là tên khu trại nói trên, ở miền Bắc California gần Sacramento. Ngoài giúp các phụ nữ học làm móng, Hedren còn mở một trường dạy làm đẹp để đào tạo cho họ. Khi tốt nghiệp, bà giúp được họ tìm công ăn việc làm trên khắp miền Nam California.
“Tôi rất quý mến những phụ nữ đó và muốn mang đến điều tốt đẹp cho họ sau những mất mát mà họ phải chịu” – Hedren nói vớiBBC trong một bảo tàng mà bà đang xây dựng bên cạnh ngôi nhà của mình. Bảo tàng lưu giữ các kỷ vật về Hollywood, vài hình ảnh của những người phụ nữ ở Hope Village và các giải thưởng Hedren giành được trong nghề chăm sóc móng tay.
Sự tham gia của người Việt Nam đã khiến ngành dịch vụ này khởi sắc ở Mỹ. Những năm 1970, cắt sửa móng tay và móng chân tốn khoảng 50 USD, mức giá quá cao khiến chỉ các minh tinh Hollywood mới đủ khả năng chi trả, và hoàn toàn xa vời với những phụ nữ Mỹ bình thường.
Còn ngày nay, một dịch vụ chăm sóc móng tay – móng chân trọn gói có giá khoảng 20 USD, phần lớn do các tiệm của người gốc Việt làm, mức giá thấp hơn các tiệm khác từ 30-50%, theo tạp chí NAILS.
Nail – nghề cha truyền con nối của người Việt ở Mỹ
40 năm sau ngày đó, 51% nhân viên làm nail ở Mỹ, và khoảng 80% ở California, là người gốc Việt. Nhiều người là hậu duệ trực tiếp của 20 học viên đầu tiên từng được truyền cảm hứng bởi Hedren.
“Dĩ nhiên là tôi biết Tippi Hedren là ai! Bà ấy là “mẹ đỡ đầu” của nghề nail” – Tam Nguyen, chủ tịch trường Cao đẳng Chăm sóc Sắc đẹp Nâng cao do cha mẹ anh sáng lập, nói với BBC. “Mẹ tôi là người thân của bà Thuan Le, một học viên gốc của Tippi. Chính bà Thuan đã khuyến khích mẹ tôi tham gia ngành kinh doanh này”.
Nguyen trả lời phỏng vấn giữa buổi đứng lớp, khi hàng chục học viên đang học về việc chăm sóc lớp da. Cha mẹ muốn anh thành bác sĩ, nhưng anh lại yêu thích và quyết tâm theo ngành nail.
“Quyết định đó khiến cha mẹ tôi đau lòng” – Nguyen nói. Nhưng cha mẹ Nguyen đã sớm tha thứ cho con và chúc anh tiếp quản thành công sự nghiệp của gia đình cùng với người chị gái. Hiện tại, mỗi người điều hành hai trường dạy chăm sóc sắc đẹp và đang tính mở thêm. Tất cả các khóa học của họ được dạy đồng thời bằng tiếng Anh và tiếng Việt.
Không phải mọi học viên ngày đó đều theo nghề làm nail, nhưng khá nhiều người trong số họ vẫn gắn bó với nghề. Tinian Le đang làm việc tại một tiệm ở Santa Monica, California. Một học viên khác, Yan Rist, làm nail một thời gian và chuyển sang làm hình xăm ở Palm Springs. Cô nói, chính Hedren đã giúp đỡ cô tìm kiếm các công việc.
Những người phụ nữ bây giờ vẫn thỉnh thoảng hội ngộ. Họ nói họ không bao giờ đoán trước được hiệu ứng của khóa học ngày đó đối với cuộc sống của người dân Việt ở Mỹ, và đối với cả nền kinh tế Mỹ.
“Khi giúp đỡ những người phụ nữ vô cùng tuyệt vời đó, tôi nghĩ rằng mình đang góp sức cho một niềm hy vọng. Tôi cũng không thể hình dung họ sẽ đạt tới con số khổng lồ như ngày nay” – Hedren nói, mắt hướng ra ngoài cửa sổ, nơi những con sư tử và hổ mà bà nuôi đang đi lại trên khoảnh sân cỏ rào chắn của ngôi nhà.
Bà khoe hình một chú thỏ dễ thương trên móng chân cái, cho biết thợ làm móng yêu thích của bà hiện là một người đàn ông Việt Nam. “Ngày nay người Việt đã chiếm lĩnh nghề này; Tôi ước gì mình được chia sẻ vài phần trăm trong đó, có khi đỡ phải làm việc vất vả để nuôi những con sư tử và hổ kia”.
Vũ Thương Giang (Theo Xã Luận)
- Báo Tây viết về lễ hội Tết của người Việt ở Mỹ
- Mẹ chồng Tây kể chuyện con trai lấy vợ Việt
- Người Việt Nam trước cơn bão tuyết nơi bờ Đông nước Mỹ
- Nghi phạm al-Qaeda gốc Việt nhận tội khủng bố tại toà án Mỹ
- Người Việt danh tiếng trên đất Mỹ
- Chàng trai gốc Việt tham vọng thay đổi ngành đồ ăn nhanh của nước Mỹ
Trả lời