“90 năm trước, Bác Hồ đã định hướng nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường”

Bác không tìm viện trợ bên ngoài mà trông cậy vào doanh nhân trong nước

 Ông Lộc cũng nêu rõ, khi mới ra đời, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không có ngân sách hoạt động. Lúc đó Bác Hồ trông cậy vào ai? Bác mời các doanh nhân, các nhà tư sản dân tộc đến Phủ Chủ tịch. Bác gọi họ là “các Ngài” và đề nghị họ đóng góp công sức, tiền của cho chính quyền. Bác không nhờ cậy những người khác, không tìm viện trợ từ bên ngoài mà đến với doanh nhân, nhờ cậy doanh nhân. Và giới doanh nhân Việt Nam trở thành giới chức xã hội đầu tiên được Bác Hồ tiếp tại Phủ Chủ tịch trên cương vị Chủ tịch nước VNDCCH. 

“Không phải công nhân, không phải nông dân… mà khách đầu tiên, giới đầu tiên Bác cần phải gặp trên cương vị Chủ tịch nước chính là doanh nhân, là các nhà tư sản dân tộc. Bác trông cậy ở họ và họ cũng đã đáp ứng niềm tin của Bác; riêng doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ và Trịnh Văn Bô đã đóng góp 5.000 lượng vàng. Nếu số vàng đó bà Hoàng Thị Minh Hồ (hiện còn sống, khoảng 100 tuổi) gửi vào ngân hàng lấy lãi thì bây giờ trị giá đã khoảng… 7 tỉ USD. Các doanh nhân khác cũng quên mình đi và đóng góp cho dân tộc, cho đất nước. Doanh nhân Việt Nam vĩ đại như thế, họ yêu nước như thế!” – ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

 Ông thuật lại, ngày 13/10/1945, khi đội ngũ doanh nhân Việt Nam, các nhà công thương gia tập hợp lại để lập ra tổ chức “Công thương cứu quốc đoàn” (tiền thân của VCCI hiện nay), Bác Hồ gửi đến bức thư chỉ 200 chữ nhưng đây có thể xem là văn kiện đầu tiên của Đảng, tuyên ngôn đầu tiên của nhà nước ta về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân, về kinh tế thị trường và về vai trò của nhà nước.

“Chính xác 100%, không sai một tí nào mà trong thời gian qua chúng ta chưa làm được như Bác đã nói. Bây giờ đổi mới thể chế là đang trở lại bức thư của Bác Hồ. Làm đúng như thư của Bác Hồ thì đúng là đổi mới” – ông Vũ Tiến Lộc nhận định

Ông Lộc cho biết trong bức thư, Bác Hồ viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân đang phải cố gắng nỗ lực để giành lấy hoàn toàn nền độc lập thì giới công thương phải cố gắng nỗ lực để xây dựng nền kinh tế, tài chính vững vàng trên thương trường. Việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi liền với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng”.

Đổi mới kinh tế ở Việt Nam là trở lại với tư tưởng của Bác Hồ

Về trách nhiệm của chính quyền, thư của Bác viết: “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong cuộc kiến thiết này”. “Như vậy là Chính phủ kiến tạo đấy chứ! Chính phủ có làm kinh doanh đâu. Đất nước có giàu mạnh, dân có giàu mạnh, nền kinh tế có thịnh vượng hay không là bằng việc kinh doanh thịnh vượng của các doanh nhân, các nhà công thương nghiệp chứ không phải nhà nước. Điều này tiếp tục được Bác nêu rõ trong một bài viết năm 1947, rằng sự nghiệp làm ăn là của dân. Không phải Chính phủ bỏ tiền ra làm mà Chính phủ chỉ khuyến khích và cổ động” – ông Lộc bình luận.

 Theo ông Vũ Tiến Lộc: “Điều đó quá đúng. Lý thuyết kinh tế thị trường 100%. Trở lại với tư tưởng của Bác về kinh tế thị trường thì hoàn toàn trùng khớp với những khái niệm về kinh tế thị trường hiện đại. Trong những năm qua, vì nhiều lý do mà chúng ta không thực hiện được đúng những chỉ dẫn của Bác. Còn bây giờ, khi nói chúng ta đổi mới, thực ra là quá trình trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh. Công cuộc đổi mới kinh tế ở Việt Nam xét trên một góc độ nào đó là sự trở lại với tư tưởng của Bác Hồ!”.

 Trong bài viết năm 1947, Bác Hồ cũng định hướng rất rõ cho các doanh nghiệp là phải nâng cao năng suất, sản xuất nhanh, nhiều, tốt, rẻ; phải thực hành tiết kiệm, cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật; phải đề cao kỷ luật, phải quản lý sức người, sức của một cách chặt chẽ, tiết kiệm; phải chăm lo đời sống người lao động, đặc biệt là lao động nữ…

 Hiện cả nước đang phát động phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, còn lúc đó Bác viết: “Đồng bào ta nồng nàn yêu nước nên ai cũng muốn dùng hàng do ta sản xuất. Nhưng người sản xuất phải làm hàng tốt và rẻ. Người sản xuất phải giữ chữ tín, phải thật thà, không nên làm hàng trưng bày thì tốt mà hàng bán thì xấu. Những người sản xuất phải tập trung lại thì mới có thể sản xuất được nhiều, tốt, không lãng phí tài năng và thời gian…”.

 Đúc kết tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân, ông Vũ Tiến Lộc nêu rõ: “Những tư duy này sẽ định hướng cho chúng ta cải cách thể chế theo hướng nào, phục vụ doanh nghiệp, phục vụ người dân ra sao. Chính quyền phải làm gì? Nếu thấm nhuần những quan điểm này thì tôi nghĩ chúng ta sẽ nghĩ khác, sẽ làm khác. Tại sao Đà Nẵng khác các địa phương khác? Đó là vì Đà Nẵng tư duy khác các địa phương khác. Mọi thứ đều bắt đầu từ tư duy cả!”.

 

HẢI CHÂU


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề