10 năm tới GDP tăng gấp đôi nhưng ô nhiễm môi trường có thể tăng gấp 3

10 năm tới GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi nhưng nếu không quan tâm đúng mức thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng 3 lần, tới năm 2025 có thể lên tới 4-5 lần và cứ tăng 1% GDP thì thiệt hại ô nhiễm môi trường làm mất đi 3% GDP.

Đó là cảnh báo được đưa ra tại Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ IV do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng nay 30/9.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu tại đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng 5 năm qua công tác bảo vệ môi trường đã đạt được thành quả tích cực, hệ thống chính sách pháp luật được rà soát bổ sung và không ngừng hoàn thiện. Đầu tư từ ngân sách tăng dần qua từng năm, tổng chi sự nghiệp môi trường năm 2015 là 11.400 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi năm 2010. “Đây là một cố gắng lớn của chúng ta. Các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường được áp dụng và bước đầu phát huy hiệu quả, thanh tra, kiểm tra bảo vệ môi trường được đẩy mạnh, kiên quyết xử lý cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Một số dự án xử lý chất thải, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường được đầu tư, tỷ lệ chất thải rắn thu gom tăng qua các năm. Công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được chú trọng, hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, tăng thêm công nghệ tiên tiến – nguồn lực quan trọng để bảo vệ môi trường” – Thủ tướng đánh giá.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhìn nhận thẳng thắn những yếu kém trong công tác bảo vệ môi trường, ô nhiễm, suy thoái môi trường vẫn tăng ở một số khu vực, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức, thiếu tính bền vững. “Đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực tài nguyên môi trường thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, chưa phát huy tốt vai trò của quần chúng, cộng đồng trong giám sát pháp luật về môi trường. Vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng tinh vi nghiêm trọng”- Thủ tướng nói.

Trích dẫn kết quả tổng kết hội nghị có nêu cảnh báo của các chuyên gia môi trường quốc tế về việc 10 năm tới GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi nhưng nếu không quan tâm đúng mức thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng 3 lần, tới năm 2025 có thể lên tới 4-5 lần và cứ tăng 1% GDP thì thiệt hại ô nhiễm môi trường làm mất đi 3% GDP, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định: “Đây là cảnh báo chúng ta phải rất quan tâm, bởi vẫn còn tình trạng coi trọng phát triển trước mắt hơn là bảo vệ môi trường lâu dài”.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu như giai đoạn trước đây, nhiều doanh nghiệp mới chỉ chú trọng đến mục đích sản xuất kinh doanh, chưa nhận thức được vấn đề bảo vệ môi trường, không quan tâm đến cải thiện môi trường, việc đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường tại doanh nghiệp chỉ mang tính chất đối phó với cơ quan chức năng thì đến nay đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều hành vi vi phạm có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng môi trường và sức khỏe của người dân đã dần được khắc phục. Qua kết quả thanh tra trong những năm gần đây cho thấy từ chỗ hầu hết doanh nghiệp vi phạm nhóm hành vi về quản lý chất thải nguy hại, tự ý điều chỉnh, thay đổi thiết kế, công nghệ của các công trình xử lý chất thải (nước thải, khí thải) vượt quy chuẩn quốc gia cho phép ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm môi trường, đến nay đã giảm đáng kể, chỉ còn tập trung vào các nhóm hành vi vi phạm về thủ tục hành chính.

“Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã quan tâm đầu tư xử lý ô nhiễm triệt để. Tính đến nay đã có 392/439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ cơ bản đã hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đạt tỷ lệ 89,29%”- TS. Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết.

Theo ông Tài, cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, Nhà nước đã có nhiều biện pháp kiểm soát, ngăn chặn việc “lợi dụng” chính sách về nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để đưa rác thải vào nước ta. So với giai đoạn 2006-2010, số lượng container chất thải, phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường giảm nhiều.

Container tồn đọng tại cảng Hải Phòng (Ảnh minh họa).
Container tồn đọng tại cảng Hải Phòng (Ảnh minh họa).

“Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hiện chỉ còn 5.411 container hàng tồn đọng tại các cảng biển, chủ yếu là hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất, lốp cao su đã qua sử dụng (2.505 container chiếm 46,29%), hàng tạp hóa, bách hóa khác (1.952 container chiếm 36,07%). Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tích cực phối hợp với các bộ ngành, địa phương có liên quan để xử lý, giải quyết dứt điểm đối với lượng container đang tồn đọng này”- ông Tài khẳng định.

(Theo Dân trí)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề