Xung đột đóng băng bao giờ tan băng (phần 2)

Nước Nga trước khi bị cấm vận có nền kinh tế thứ 8 và nếu không có sự sáp nhập bán đảo Crimea, ủng hộ và hỗ trợ cho phiến quân ly khai tại miền Đông Ukraina Nga sẽ nhảy lên vị trí nền kinh tế thứ 5 trong thời gian không xa. Nhìn cục diện hiện nay của nhà nước Nga có nhiều điểm giống như Liên bang Xô viết cũ: Giá năng lượng giảm, chạy đua vũ trang, xa lầy tại Afganixtan, bị cấm vận…

Một cuộc chiến tranh thương mại nữa lại bắt đầu, nhưng lần này là giữa Nga và Mỹ.

Một vài ý  trong bài báo của V.Krashenhinnhikova, giám đốc Trung tâm báo chí và nghiên cứu Hãng thông tấn Moscow “Nước Nga ngày nay” với tiêu đề: “R.Rigan chống Liên Xô và B.Obama chống Nga: kế hoạch như nhau – còn kết quả?” ngày 13/8/2014:

“Chính quyền Rigan trong những năm 80 đã thực hiện một kế hoạch mật với mục tiêu là làm suy yếu đáng kể Liên Xô. Kết quả là Liên Xô đã biến mất trên bản đồ chính trị thế giới. Những biện pháp mà Chính quyền B.Obama hiện nay đang áp dụng đối với Nga có rất nhiều điểm trùng lặp với chiến lược của R.Rigan.

Nhưng mục tiêu chiến lược của Washington với Nga là không thay đổi: làm suy yếu nước Nga và nếu như có thể được, tiếp tục làm tan rã nước Nga. Việc giải quyết “vấn đề Nga” trong 2 năm trở lại đây càng trở nên cấp thiết đối với Phương Tây vì Nga đang lấy lại được sức mạnh và hành động hoàn toàn độc lập với Mỹ trong hàng loạt các vấn đề:

Syria, Iran, hạn chế khả năng của các nhóm thân Phương Tây ngay bên trong nước Nga, Crimea và Ukraine v.v . Và một điều quan trọng nữa theo quan điểm của Washington là Nga đã vượt quá giới hạn cho phép – thành lập các định chế quốc tế mới trong khuôn khổ BRICS.

Còn kết cục cuộc chiến mới như thế nào? Nó sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng trước hết là ở bản thân nước Nga”.

Sự sụp đổ của Liên xô

Phần 1

Cuộc khủng hoảng năng lượng.

Vào năm 1973, trên thế giới đã diễn ra một cuộc khủng hoảng về năng lượng dầu mỏ. Cuộc khủng hoảng này chính là do các nước OPEC chủ động ngưng sản xuất dầu và thực hành cấm vận, không cung cấp dầu cho Mỹ và những nước phương Tây đã ủng hộ Israel trong cuộc xung đột với Syrie và Ai Cập. Giá dầu tăng lên đột ngột từ 20 USD/thùng lên 45-50 USD/thùng.

Cuộc khủng hoảng này đã tác động mạnh mẽ tới nhiều quốc gia, dân tộc nhưng các nhà lãnh đạo Liên Xô lại cho rằng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa không chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng chung toàn thế giới, hơn nữa các nguồn tài nguyên của Liên Xô vẫn còn dồi dào. Kết quả là nền kinh tế Liên Xô trong những năm 70 có dấu hiệu suy giảm rồi khủng hoảng và đến đầu những năm 80 đã trở nên khủng hoảng trầm trọng biểu hiện ở các mặt sau: – Tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày một giảm: Nếu từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến năm 1950, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của tổng giá trị sản phẩm xã hội là 14,2%, từ 1951 – 1960 là 10%, thì từ thập kỉ 60 bắt đầu giảm: từ 1966 – 1970 là 7,1%, từ 1970 – 1975 là 5,1%, 1976 – 1980 là 3,9%, đến 1982 khi Breznev qua đời còn 2,6% (tương đương mức thấp nhất của thời kì trước chiến tranh). – Thu nhập quốc dân giảm xuống 2,5 lần; sản xuất công nghiệp giảm 2,5 lần; sản xuất nông nghiệp giảm 3,5 lần. Thu nhập thực tế tính theo đầu người giảm 3 lần. – Kinh tế phát triển theo chiều rộng, không phát triển theo chiều sâu.

Các nhân tố phát triển kinh tế theo chiều rộng cũng bị hạn chế. Nền kinh tế thiếu năng động, thiếu sức sống, hiệu quả thấp. – Cơ cấu kinh tế mất cân đối giữa công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ IX (1971 – 1975) đầu tư cho công nghiệp nhóm A gấp 7 lần nhóm B, tỉ trọng giá trị sản lượng nhóm A = 74,8%, nhóm B = 25,2% (1985).

Ngay trong công nghiệp nặng thì công nghiệp quân sự, quốc phòng cũng phát triển hơn các ngành khác. – Giữa công nghiệp và nông nghiệp cũng mất cân đối nghiêm trọng. So sánh năm 1976 với năm 1940, giá trị sản lượng công nghiệp tăng 18 lần, còn giá trị sản lượng nông nghiệp chỉ tăng 2,4 lần. So sánh năm 1975 với năm 1960, con số đó là 3,2 lần và 0,4 lần. Hàng năm Liên Xô phải nhập 30 – 40 triệu tấn lương thực. – Mất cân đối giữa tích lũy và tiêu dùng. Từ năm 1965 – 1980 tỉ trọng tích lũy trong thu nhập quốc dân là 25 – 28%, trong đó năm 1970 là gần 30%.

Tích lũy và đầu tư cao làm cho mức sống của nhân dân tăng chậm, gây khó khăn về sức người, sức của. – Việc đẩy nhanh tiến bộ khoa học – kĩ thuật và ứng dụng khoa học – kĩ thuật vào sản xuất cũng bị hạn chế nhiều do cơ chế quản lí mệnh lệnh hành chính, quan liêu bao cấp, mặc dù khoa học – kĩ thuật của Liên Xô khá phát triển và có đội ngũ đông đảo các nhà khoa học.

Cán bộ khoa học kĩ thuật của Liên Xô chiếm 25% tổng số cán bộ khoa học kĩ thuật toàn thế giới, phát minh kĩ thuật mới hàng năm chiếm 1/3 tổng số phát minh của thế giới, xếp thứ hai sau Nhật Bản, nhưng hàng năm chỉ có 1/4 thành quả khoa học kĩ thuật mới được ứng dụng trong nền kinh tế quốc dân và thời gian ứng dụng thường kéo dài từ 10 – 12 năm.

Theo thống kê 1984 – 1985 trình độ khoa học kĩ thuật chung của Liên Xô lạc hậu so với các nước phát triển phương Tây khoảng 15 năm, nhất là các lĩnh vực mới như vi điện tử, năng lượng, vật liệu mới, kĩ thuật thông tin, vi sinh vật. Vào thời điểm đó, lao động chân tay ở Liên Xô vẫn còn khoảng 50 triệu người.

Trong công nghiệp, lao động chân tay chiếm khoảng 1/3, xây dựng chiếm 1/2 và nông nghiệp chiếm 3/4. Năm 1983, Ban lãnh đạo đất nước, đứng đầu là Anđrôpốp đã cố gắng uốn nắn tình hình kinh tế bằng việc tăng cường kỉ luật lao động. Ở Mátxcơva, trong một loạt vùng đất đã tiến hành “bắt giữ” các công dân ở tuổi lao động nhằm làm rõ “lí do vắng mặt trong giờ làm việc”.

Cuộc đấu tranh bảo đảm kỉ luật lao động bằng phương pháp lùng bắt đã gây nên sự phẫn nộ trong xã hội, mặc dù đã đem lại một số hiệu quả tuy chỉ mang tính chất tạm thời. Tóm lại, trước “cải tổ”, nền kinh tế Liên Xô tăng trưởng chậm, cơ cấu mất cân đối, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm kém, lãng phí nhiều, hiệu quả thấp, kĩ thuật công nghiệp dân dụng và nông nghiệp lạc hậu, hàng tiêu dùng thiếu thốn, nhân dân lao động thiếu hăng hái.

Vị trí cường quốc kinh tế của Liên Xô bị các nước khác thách thức, trước hết là Nhật Bản. Năm 1986, khi Liên Xô đã bước vào cải tổ, tổng giá trị sản phẩm xã hội của Mĩ là 3.900 tỉ USD, Liên Xô: 1.800 tỉ USD, Nhật Bản: 1.700 tỉ USD. Nhưng sau đó hai năm, Nhật Bản đã vượt Liên Xô. Tại Mĩ, năng suất lao động công nghiệp tăng 5 lần so với Liên Xô. Và Liên Xô đã không trở thành nước có mức sống “cao nhất thế giới” như tuyên bố năm 1961.

Tình trạng giảm sút của nền kinh tế đất nước không chỉ ảnh hưởng tới tâm trạng của nhân dân mà còn gây sự hoài nghi, dao động, làm giảm sút uy tín của Đảng và chính quyền nhà nước. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên suy cho cùng là do mô hình tập quyền cao và thể chế quản lí xơ cứng của thời kì chiến tranh và khôi phục kinh tế sau chiến tranh không còn phù hợp với phát triển kinh tế trong điều kiện hòa bình.

Tình trạng quan liêu diễn ra hết sức trầm trọng và phổ biến. Vào nửa đầu thập niên 80, tình hình chính trị ở Liên Xô mất ổn định, luôn trong tình trạng lên “cơn sốt” bởi sự thay đổi thường xuyên những người lãnh đạo cấp cao. Trong vòng chưa đầy hai năm, nhà tư tưởng chủ yếu của Liên Xô là Xuxlốp qua đời (1/1982), sau đó tiếp tục là ba nhà lãnh đạo cao nhất của Liên Xô liên tiếp qua đời Brêgiơnhép (11/1982), Anđrôpốp (2/1984), Trécnencô (3/1985). Đông đảo đảng viên và quần chúng nhân dân hết sức chán chường vì những người cao tuổi lên cầm quyền rồi vội vàng ra đi. Họ rất bất bình với tình trạng trì trệ của đất nước và mong muốn có một người lãnh đạo trẻ, khỏe, tài năng tiến cùng thời đại. Trong bối cảnh đó, Goócbachốp lúc bấy giờ là ủy viên Bộ Chính trị trẻ nhất đã được đề cử vào cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (3/1985).

Cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần hai và đòn cấm vận công nghệ cao.

Tháng 6/1982, Tổng thống R.Rigan công bố quyết định áp dụng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với tất cả các công ty và các nước sử dụng giấy phép sản xuất cũng như trang thiết bị, máy móc và vật liệu được sản xuất có ứng dụng công nghệ Mỹ nếu hợp tác với Liên Xô.

Quyết định này của Mỹ đã gây nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ tại Châu Âu, nhưng lần này ít có nước nào dám chống lại. Và không lâu sau đó các dự án công nghiệp Xô Viết (trước hết là dự án đường dẫn khí đốt) đối mặt với nguy cơ Phương Tây cắt giảm cung cấp các mặt hàng công nghệ cao đã được thỏa thuận từ trước.

Nếu như vào cuối những năm 70 tỷ lệ hàng hóa công nghệ cao trong xuất khẩu của Mỹ vào Liên Xô vượt 30%, thì đến năm 1982, tỷ lệ này chỉ còn 7%. Xu hướng như vậy cũng bắt đầu xuất hiện trong quan hệ kinh tế với Châu Âu.

Một cuộc chiến tranh thương mại- công nghệ cao quy mô lớn giữa Mỹ và Liên Xô lại bắt đầu. Giới lãnh đạo Liên Xô cũng bắt đầu áp dụng các biện pháp đáp trả như: mua các mẫu trang thiết bị và công nghệ cần thiết qua “các nước thứ ba”, sử dụng gián điệp công nghiệp để thu thập các thông tin công nghệ.

Các nhà khoa học Xô Viết bắt đầu tiến hành các công trình nghiên cứu khoa học bí mật, dựa vào các mẫu và tài liệu công nghệ thu thập được tiến hành nghiên cứu nhanh chóng để chế tạo các loại trang thiết bị của Liên Xô có tính năng tương tự như các trang thiết bị- máy móc vật liệu của Phương Tây.

Mỹ đáp trả bằng cách tiến hành một chiến dịch cung cấp các thông tin giả bằng nhiều phương thức khác nhau mà đỉnh điểm chính là cho công bố “Sáng kiến phòng thủ chiến lược” (SDI) hay còn được gọi là “Chiến tranh giữa các vì sao” vào đầu năm 1983.

Mục đích của chương trình nói trên – theo các tuyên bố công khai là: thiết kế một hệ thống phòng thủ chống tên lửa toàn diện bố trí cả trên vũ trụ để có thể vô hiệu hóa tiềm lực tên lửa-hạt nhân của Liên Xô. Chương trình này, có thể nói ngay là hoang đường vào thời điểm đó: những phương hướng cơ bản của nó nếu như có thể thực hiện được về mặt nguyên tắc công nghệ thì cũng còn phải trong một tương lai rất xa nữa.

Tuy nhiên, Liên Xô đã tỏ ra cực kỳ quan ngại trước chương trình này của Mỹ. Giới lãnh đạo Xô Viết buộc phải cắt giảm các khoản đầu tư cho các lĩnh vực kinh tế để dành một nguồn lực rất lớn về tài chính, vật liệu, khoa học và công nghệ để tìm “biện pháp đáp trả cuộc chiến tranh giữa các vì sao”.

Đòn tiếp theo của Mỹ giáng vào Liên Xô là trong lĩnh vực tiền tệ. Các khoản thu ngoại tệ chủ yếu của Liên Xô đều từ thị trường dầu mỏ, nơi mà mọi giao dịch thanh toán đều được thực hiện bằng đồng đôla Mỹ. Từ mùa thu năm 1984, trong vòng một năm Mỹ đã phá giá đồng đôla tới 25%.

Từ thời gian đó, Liên Xô nhận được từ xuất khẩu dầu mỏ bằng đồng đôla đã giảm giá tới 1/4 và vẫn nhập khẩu hàng tiêu dùng và trang thiết bị từ Châu Âu bằng các đồng tiền đang lên giá của các nước này. Thặng dư thương mại Liên Xô ngày càng giảm.

Chính vào thời điểm “nhạy cảm” này Casey và “các đồng nghiệp” tiến hành “vòng thuyết phục” tiếp theo nhằm thuyết phục lãnh đạo các ngân hàng lớn nhất trên thế giới là kinh tế Xô Viết trước sau “sẽ sụp đổ” và việc cấp cho Liên Xô các khoản tín dụng dài hạn mới- là một quyết định chứa đựng nhiều rủi ro không thể biện minh được.

Tháng 3/1985, M.Gorbachev giữ chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô.

Tháng 4/1985, Hội nghị Trung ương ĐCS Liên Xô họp và đưa ra các mục tiêu của chiến lược “cải tổ”. Nguyên nhân dẫn đến việc giới lãnh đạo Xô Viết đồng ý thay đổi là những khó khăn kinh tế mà Liên Xô đang phải đối mặt.

Việc quá tập trung các nguồn lực chủ yếu để đối đầu với Mỹ đã làm tổn hại nặng cho nền kinh tế: Liên Xô phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu ngũ cốc, bơ và thịt bắt đầu phải cấp theo tem phiếu, giá các mặt hàng tiêu dùng liên tục tăng.

Nhưng điều quan trọng nhất – khoảng cách tụt hậu công nghệ so với Phương Tây ngày càng tăng. Lại cũng chính vào thời điểm này, Mỹ đã thành công trong việc gây sức ép với Saudi Arabia để đánh sụp “chỗ dựa” của nền kinh tế Xô Viết. Mùa hè năm 1985, Saudi Arabia đã mở kho dự trữ dầu và tăng sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu.

Đến cuối năm 1985, sản lượng khai thác dầu của Saudi Arabia tăng từ 2 triệu thùng/ngày lên 10 triệu thùng/ngày – giá dầu trên thế giới giảm từ 30 xuống còn 12 đôla/thùng. Chỉ riêng thiệt hại do giá dầu giảm của Liên Xô trong những tháng đó đã là hơn 10 tỷ đôla.

Lại cũng trong khoảng thời gian này Liên Xô mất gần 2 tỷ đôla tiền xuất khẩu vũ khí –lý do: Iran, Iraq và Lybia do khoản thu nhập từ xuất khẩu dầu bị suy giảm đột ngột nên đã không thể thanh toán khoản tiền nhập khẩu vũ khí cho Liên Xô.

Người dân Liên Xô đã bắt đầu không thể mua được một số mặt hàng Phương Tây (lương thực – thực phẩm, chi tiết máy, hàng tiêu dùng) vì giá quá cao. Mùa hè năm 1986, Liên Xô đã phải tăng lượng xuất khẩu dầu mỏ lên 5 lần nhưng cũng chỉ mua được một khối lượng trang thiết bị của Tây Đức như cách đó một năm trước.

Kết quả là, bắt đầu từ năm 1985, thâm hụt ngân sách của Liên Xô ngày càng lớn (từ 18 tỷ rúp năm 1985 lên đến 76 tỷ rúp năm 1990, trong khi tổng thu ngân sách hơn 400 tỷ rúp một chút). Thực tế đó buộc chính phủ lại phải tìm các khoản vay mới từ bên ngoài. Đây là thời điểm Liên Xô đã rơi vào cái “bẫy lương thực”.

Nước này ngập sâu vào nợ nần để trả các khoản nhập khẩu lương thực nhưng cũng không đủ thỏa mãn hoàn toàn các nhu cầu trong nước. Các quầy hàng trồng rỗng đã trở thành một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết. Cuộc đối đầu giữa hai siêu cường và kết quả thì như mọi người đã biết.

Yếu tố Tổng thống Ronal Reagan

Ronald Reagan sinh ngày 6.2.1911, tại Tampico, tiểu bang Illinois. Năm 1932, sau khi tốt nghiệp khoa kinh tế và xã hội tại trường Eurika, sinh viên Reagan theo nghề báo chí và thể thao. Năm 1937, nhà báo Reagan được hãng phim nổi tiếng Warner Bros mời ký hợp đồng đóng phim và ông đã đóng khoảng 50 cuốn phim. Năm 1940, tài tử Reagan kết hôn lần thứ nhất với nữ minh tinh Jane Wyman, nhưng đến năm 1947, mối tình đầu tan vỡ. Không để cho tình cảm bẽ bàng chi phối đời mình, tài tử Reagan quyết tâm tiến bước trong lãnh vực điện ảnh và trở thành Chủ tịch Hiệp hội Tài tử Điện ảnh.

Khi TT. Reagan lên nhậm chức nền kinh tế Mỹ đang  rơi vào tình trạng lạm phát tăng gấp hai lần, thất nghiệp, lãi suất cho vay tăng cao TT. Reagan đã thực hiện chương trình giảm thuế và giảm thiểu chi phí công quỹ. Thuế  giảm 25% trong vòng 3 năm. Tình trạng lạm phát đã được kiềm chế. Tuy nhiên nền kinh tế Mỹ vẫn trì trệ khiến  nạn thất nghiệp tiếp tục gia tăng và chương trình giảm thuế không thực hiện được ngay trong thời gian đầu. Để trấn an dư luận, TT. Thống Reagan đã phải kêu gọi dân chúng hãy bình tĩnh. Để tạo nên một ấn tượng tốt về tương lai, TT. Reagan đã đưa ra khẩu hiệu “Bình minh lại về trên đất Mỹ” (It’s morning again in America). Tới năm 1983 kinh tế Mỹ bắt đầu dần phục hồi.

Một trong các hành động ưu tiên hàng đầu ngay sau khi lên nhậm chức của TT. Reagan là việc can thiệp cho các người Mỹ bị Iran bắt làm con tin. Họ được phóng thích sau khi chính quyền Iran yêu cầu bán vũ khí chống Iaraq. Hòa Kỳ đã thỏa mãn điều kiện này. Một trong những thông điệp về ngoại giao theo đường lối cứng rắn đối với Liên Xô khi ông gửi bức thư cho Tổng bí thư Leonid Brezhnev.

Hồi tháng 4/1981, một tuần sau khi xuất viện (ông bị ám sát hụt), Reagan ngồi trong nhà tắm nắng ở Nhà Trắng và thảo một bức thư cho Brezhnev trên loại giấy vàng. Mặc dù bản cuối cùng của bức thư được công bố vào năm 1990, bản nháp đầu tiên, viết bằng chữ của Reagan, tới gần đây mới được phát hiện. Dưới đây là nội dung bức thư

Ngài Chủ tịch kính mến!

Tôi lấy làm tiếc nhưng tôi có thể hiểu được những lời lẽ có phần gay gắt của ngài trong bức thư gần đây. Dù sao chúng ta cũng nhìn nhận vấn đề từ những quan điểm triết học đối lập.

Phải chăng chúng ta đã để cho lý tưởng, quan điểm chính trị, kinh tế và các chính sách của chính phủ ngăn cản mình xem xét những vấn đề hằng ngày, rất thật của những người dân mà chúng ta đại diện? Liệu một gia đình trung bình người Nga có sống sung sướng hơn hay thậm chí họ có biết được rằng chính phủ của họ đã áp đặt ý mình lên nhân dân Afghanistan?…

Trong bức thư của mình, ngài ám chỉ rằng những việc này trở nên cần thiết vì những tham vọng mở rộng lãnh thổ của Mỹ, rằng chúng tôi có những mưu đồ đế quốc và vì vậy là một mối đe doạ đối với an ninh của nước ngài và các quốc gia mới nổi. Không những không có bằng chứng cho lời cáo buộc đó, mà còn có bằng chứng rõ ràng rằng Mỹ, trong khi đã có thể làm bá chủ thế giới mà không gặp nguy hại gì, đã không theo đuổi nỗ lực nào tương tự như thế.

Khi Thế chiến II kết thúc, nước Mỹ có nền công nghiệp không bị tổn hại duy nhất trên thế giới. Sức mạnh quân sự đạt tới đỉnh cao và riêng mình chúng tôi có thứ vũ khí mạnh nhất, bom nguyên tử, cùng khả năng không cần phải bàn cãi là có thể đưa nó tới bất kỳ nước nào trên thế giới. Nếu chúng tôi muốn làm bá chủ thế giới, ai có thể chống lại chúng tôi? Nhưng nước Mỹ đã đi theo một con đường khác – con đường độc nhất vô nhị trong lịch sử nhân loại. Chúng tôi sử dụng sức mạnh và sự phồn vinh của mình để xây dựng lại những nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá, bao gồm cả những nước đã từng là kẻ thù của chúng tôi.  

Khoảng một thập kỷ trước, ngài Chủ tịch, tôi và ngài đã gặp nhau ở San Clemente, California. Khi đó tôi là thống đốc bang California, còn ngài đang hoàn tất các cuộc thảo luận với tổng thống Nixon. Những cuộc gặp đó đã thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Chưa bao giờ hoà bình và thiện chí giữa con người với con người lại gần kề đến thế. Khi chúng ta gặp nhau, tôi đã hỏi là liệu ngài có biết rằng hy vọng và khát vọng của hàng triệu, hàng triệu người trên khắp thế giới đang phụ thuộc vào những quyết định đạt được tại các cuộc họp của các ngài hay không.

Ngài nắm tay tôi bằng cả hai tay và cam đoan rằng ngài biết điều đó và bằng cả trái tim và khối óc mình, ngài sẽ gắng sức để thực hiện những hy vọng và ước mơ đó.

Nhân dân trên thế giới vẫn còn hy vọng. Quả thật, các dân tộc trên thế giới, bất chấp những dị biệt về chủng tộc và nguồn gốc sắc tộc, có rất nhiều điểm chung. Họ muốn có quyền kiểm soát đối với số phận của cá nhân mình. Họ muốn theo đuổi nghề mà mình chọn và được trả công một cách công bằng. Họ muốn chăm lo cho gia đình trong hoà bình, không làm hại ai và cũng không bị ai làm tổn hại. Các chính phủ tồn tại là nhằm phục vụ lợi ích của họ chứ không phải ngược lại.

… Ngài Chủ tịch, lẽ nào chúng ta lại không quan tâm đến việc phá bỏ những vật cản đã ngăn cản người dân của chúng ta đạt những mục tiêu đơn giản này? Và lẽ nào một số vật cản này không phải sinh ra từ những mục đích của chính phủ vốn không liên quan đến những nhu cầu và mong muốn đích thực của người dân?… ký tên Reagan

Tuy vậy, dưới thời Leonid Brezhnev và Yuri Andropov vấn đề chiến tranh lạnh giữa hai khối Đông và Tây vẫn còn căng thẳng. Mãi tới năm 1985, TT. Reagan mới gặp được người có tư tưởng hòa bình  Mikhail Gorbachev. Quan hệ Mỹ-Nga được cải thiện qua cuộc họp thượng đỉnh tại Geneva. Thành quả của hội nghị đưa tới việc TT. Reagan và TBT Gorbachev ký kết hiệp ước cắt giảm vũ khí hủy diệt và hủy bỏ các loại hỏa tiễn tầm trung vào năm 1987.

Người ta còn nhớ trước đây TT. Reagan đã không ngần ngại gọi Liên Xô là “Đế quốc quỉ quái” (The Devil Empire); nay trong bài diễn văn lịch sử đọc tại cổng Brandenburg  Berlin ngày 12.6.1987, ông lại nói: “Nếu ngài muốn mưu tìm hòa bình, nếu ngài muốn Liên Bang Sô Viết và Đông Âu phát triển, nếu ngài muốn tìm sự giải phóng thì hãy đến cổng này, mở cổng này và phá hủy bức tường này đi…”

Lời kêu gọi này đã trở thành sự thực vào năm 1989 và nó đi vào lịch sử giống như lời tuyên bố lừng danh nói lên quyết tâm bảo vệ Tây Đức của TT. John F. Kennedy vào thập niên 1960: “Chỉ có một Berlin” (Es gibt nur ein Berlin).   Chính sách chính yếu trong nhiệm kỳ hai của TT. Reagan là chấm dứt chiến tranh lạnh. Mở đầu cho trận cuồng phong làm sụp đổ khối Vacsava: cuộc chiến tranh tâm lý qua hệ thống truyền thanh của “Đài Phát Thanh Tự Do Âu Châu” (Radio Free Europe), đến chương trình chiến tranh các vì sao (Star Wars). Lực lượng chủ yếu có ảnh hưởng chính trị lan ra toàn khu vực là cuộc cách mạng của Công đoàn Đoàn kết (Solidarity) của Lech Waleza ở Ba Lan có tác động mạnh trong toàn khối cộng sản Đông Âu và đưa tới sự sụp đổ của bức tường Berlin ngày 9.11.1989. Sự kiện này xảy ra sau nụ hôn cuối cùng của Tổng Bí thư Gorbachev dành cho Thủ tướng Đông Đức Erich Honecker.

Để đạt thành quả trong chính sách chống cộng của mình, TT. Reagan đã sử dụng hàng trăm triệu Đô-la cho chương trình chiến tranh tâm lý bằng hệ thống phát thanh hướng về Đông Âu. Đài “Tiếng Nói Hoa Kỳ” (Voice of America = VOA), “Đài Tự Do Âu Châu” (Radio Free Europe) hay “Đài Tự Do” (Radio Liberty) đã truyền thanh các chương trình khuyến khích dân chúng dưới các chế độ cộng sản thành lập các phong trào đòi tự do dân chủ. Song song với chương trình phát thanh, TT. Reagan khuyến khích công dân, chính trị gia, doanh thương Mỹ viếng thăm Tiệp Khắc và các nước cộng sản Đông Âu để tiếp xúc với những người tranh đấu cho tự do và các tổ chức đối lập. Jiri Dienstbier, người tù lương tâm của Tiệp Khắc trước đây đã kể lại cho hãng thông tấn AP rằng, nhờ có sự hỗ trợ từ bên ngoài các phong trào đấu tranh đòi dân chủ tự do mới tự tin và mạng sống của họ được bảo đảm hơn.

Cùng với chiến tranh tâm lý, TT. Reagan không ngần ngại trực tiếp can thiệp vào cuộc chống khủng bố ở Lebanon năm 1983, dẹp tan các cuộc bạo động tại Grenada, Nicaragua, El Salvador; oanh kích thủ đô Libya vì TT. Muammar Quadhafi chứa chấp và hỗ trợ khủng bố giết lính Mỹ ở Tây Đức vào năm 1986 và làm nổ phi cơ dân sự ở Scotland năm 1988.

Để phát triển quốc phòng, TT. Reagan phải giảm bớt ngân sách dành cho các lĩnh vực xã hội, giáo dục và y tế. Muốn mạnh, Hoa Kỳ cần nhiều loại vũ khí tối tân hơn Liên xô. Tuy nhiên, dân chúng Mỹ lại sợ một cuộc chạy đua vũ trang sẽ đưa tới thảm họa chiến tranh giữa hai cường quốc. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra. Nhưng TT. Reagan vẫn cứng rắn. Ngân sách dành cho chương trình phát triển quốc phòng tăng lên tới 35% GDP. Chiến lược phòng thủ bằng các hệ thống tên lửa đánh chặn hay còn gọi là “chiến tranh các vì sao” được nghiên cứu và thực hiện.

Để lấy thế thượng phong đối với Liên xô về sức mạnh quân sự TT. Reagan đã ban hành nghị định cho phép sử dụng ngân sách lớn chưa từng có, hơn một ngàn tỷ Đô-la, nhằm phát triển chương trình phòng thủ chiến lược “SDF” (The Strategic Defense Initiative) hay (Star Wars) và đưa ra hai kế hoạch:

– Thành lập hệ thống đánh chặn tại Âu Châu.

Để thực hiện kế hoạch này, Hoa Kỳ sẽ xây dựng một số đài Radar tối tân tại châu Âu. Hệ thống Radar này sẽ phát hiện các hỏa tiễn của Liên xô ngay từ khi thoát ra khỏi giàn phóng và những tên lửa Mỹ sẽ tự động tìm và diệt mục tiêu ngay trong lãnh thổ Liên xô. Như vậy Liên xô sẽ hủy diệt đất nước mình bằng chính tên lửa của mình. (Sau này TT. George W. Bush đã nối lại chương trình vũ khí đánh chặn tại châu Âu).

– Bố trí tên lửa đánh chặn tại châu Âu.

Kế hoạch này sẽ  rút ngắn một nửa thời gian nếu Hoa Kỳ tấn công vào Liên xô. Khi đó Liên xô sẽ không kịp tấn công trả đũa vì các vị trí chiến lược và chiến thuật quân sự của Liên xô bị phá hủy trước tiên – thời gian bay của các hỏa tiễn tấn công vào Hoa Kỳ sẽ có thời gian gấp đôi và đa số các hỏa tiễn bị chặn đánh ngay sau khi thoát ra khỏi giàn phóng.  Dù chương trình Star Wars chưa được thực hiện toàn vẹn, nhưng chương trình này làm Liên xô đổ hàng tỷ đôla và là một trong những nguyên nhân làm Liên xô tan rã. (Còn nữa)

Đón xem phần tiếp theo: Tổng bí thư Mikhail Gorbachev và cuộc chiến sa lầy tại Afganixtan


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Có 1 phản hồi cho bài viết “Xung đột đóng băng bao giờ tan băng (phần 2)”:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề