Xoay trục châu Á 2015: Ai làm chủ đường đua?

“Xoay trục tới Châu Á – Thái Bình Dương” – đó là cụm từ đang được các cường quốc nhắc đến khi đề cập chiến lược ngoại giao ở thế kỷ XXI.

Chủ đề này ngày càng nóng vào dịp cuối năm 2014, điển hình tại Hội nghị APEC lần thứ 22 ở Bắc Kinh (Trung Quốc), hay hội nghị G20 tại Brisbane, Australia, nhiều nhà lãnh đạo khẳng định sẽ thắt chặt quan hệ với nhiều quốc gia trong khu vực.

Bước dài của gấu Nga

Một trong những phát ngôn đáng chú ý nhất trong năm 2014 của Tổng thống Nga Vladimir Putin là khẳng định hợp tác với các nước thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là hướng ưu tiên chiến lược của Moscow; đồng thời, Nga sẵn sàng làm tất cả để phát triển mối quan hệ hợp tác song phương và đa phương với khu vực đầy tiềm năng này.

Nga không nằm ngoài cuộc chơi ở châu Á (ảnh: Reuters)

Nga không nằm ngoài cuộc chơi ở châu Á (ảnh: Reuters)

Đây không phải lần đầu tiên nhà lãnh đạo nước Nga nói tới việc tăng cường quan hệ với các nước Châu Á – Thái Bình Dương. Chiến lược này đã được ông chủ điện Kremlin đưa ra kể từ khi tái đắc cử Tổng thống Nga lần thứ hai.

Chuyến thăm Châu Á sau khi ông tái đắc cử cũng ngụ ý rằng ưu tiên của Nga cho sự liên kết với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong giai đoạn tới là hiện thực. Trên thực tế, là quốc gia có diện tích rộng nhất thế giới, nối liền hai lục địa Á – Âu nhưng Nga có hơn 70% lãnh thổ nằm ở Châu Á. Xoay trục về khu vực này là điều hiển nhiên đối với sự phát triển kinh tế, địa – chính trị hay an ninh quốc gia.

2014 có thể coi là năm bàn đạp quan trọng cho Nga “xoay” sang châu Á bằng con đường năng lượng. Thỏa thuận khí đốt lịch sử với giá trị lên tới 400 tỷ USD thời hạn 30 năm mà Nga – Trung ký kết trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Putin.

Theo tờ Global Times của Trung Quốc, đòn trừng phạt và chia rẽ Nga – phương Tây đang khiến Moscow ngả nhiều hơn về phía Bắc Kinh. Nhiều chuyên gia Mỹ và Liên minh châu Âu bắt đầu nghi ngờ về tính hiệu quả của các đòn trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Họ không chỉ lo ngại về thiệt hại kinh tế, hậu quả của quan hệ với Nga bị huỷ hoại, mà lo ngại rằng Nga có đường đến với châu Á thuận lợi hơn.

Không chỉ là vấn đề kinh tế, cái mà Mỹ và phương Tây lo ngại là những cam kết về an ninh. Điển hình là Nga – Trung. Hai nước cuối tháng 12/2014 nhất trí tiến hành các cuộc tập trận chung tại Địa Trung Hải, một động thái được coi là nhằm đáp trả các cuộc tập trận của Mỹ và NATO gần biên giới Nga và Trung Quốc.

Đấy là chưa kể tới cái bắt tay rất chặt Nga – Ấn cả về thương mại và quốc phòng trong chuyến thăm New Delhi của Tổng thống Nga Putin hôm 11/12/2014.

Với đà này, Nga sẽ xoay trục mạnh hơn sang châu Á trong năm 2015 khi mà Mỹ và phương Tây tiếp tục trừng phạt Moscow vì lý do Ukraine.

Trung Quốc sẽ làm châu Á – Thái Bình Dương dậy sóng?

Trang Carnegie Endowment dẫn bài viết của nhà nghiên cứu Thomas Carothers, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Hòa bình quốc tế (Mỹ) nhận định: Nối tiếp từ năm cũ, châu Á – Thái Bình Dương năm 2015 vẫn sẽ là đấu trường cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt giữa các cường quốc do đây là khu vực liên đới lợi ích của đa số các trung tâm quyền lực thế giới.

Xu thế vừa hợp tác vừa đấu tranh vẫn là nét chính của cục diện khu vực, ngoài Mỹ và Trung Quốc, sẽ xuất hiện những sự kiện và nhân tố mới làm tăng phần bất định.

Chuyên gia Thomas Carothers bình luận: “Việc tái cơ cấu cấu trúc an ninh châu Á vẫn sẽ tiếp tục, để thích ứng với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Không khó để dự đoán trước sự hỗn loạn mới trong năm 2015. Nhưng nhân tố không xác định là hình thức và địa điểm diễn ra”.

Những tháng cuối năm 2014, Trung Quốc có bước chuyển chính sách ngoại giao rõ rệt, từ bỏ chính sách “ẩn mình chờ thời”, mà thay vào đó là xu thế chủ động ‘tấn công quyến rũ” các nước láng giềng bằng lợi ích kinh tế và thái độ mềm dẻo hơn.

Tuy vậy, ông Tập Cận Bình từng khẳng định xu hướng không thể khác về thế giới đa cực, về sự dài lâu của cuộc tranh đoạt trật tự thế giới, ám chỉ vị trí siêu cường duy nhất của Mỹ sẽ kết thúc và Trung Quốc quyết tâm cạnh tranh sánh tầm ảnh hưởng với Washington.

Vì vậy, Bắc Kinh vẫn sẽ duy trì thái độ cũ trên các vấn đề chủ quyền, nguy cơ căng thẳng trên Biển Đông và Hoa Đông vẫn có thể tái diễn trong năm 2015.

Nhà nghiên cứu Mỹ Douglas Paal, trước đây là trợ lý đặc biệt của cựu tổng thống George H. W. Bush về vấn đề châu Á, nhận định: “Trong năm 2015, Trung Quốc sẽ thúc đẩy Giấc mộng Trung Hoa ra các nước châu Á – Thái Bình Dương, bởi thế những vấn đề chủ quyền sẽ không kém phần kiên quyết”.

Mỹ có nguy cơ chậm chân

Là chủ nhân của ý tưởng “xoay trục sang châu Á” nhưng Mỹ hành động dường như không đủ tương xứng với lời nói.

Từ xoay trục đến tái cân bằng - Câu hỏi về chính sách của Mỹ trong năm 2015

Từ xoay trục đến tái cân bằng – Câu hỏi về chính sách của Mỹ trong năm 2015

Theo The Diplomat, 2014 là năm dư luận đặt câu hỏi nhiều nhất với chính sách xoay trục của nước Mỹ khi những biểu hiện xoay trục hết sức mờ nhạt.

Lý giải nguyên nhân có thể là do cuộc khủng hoảng Ukraine, sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay điểm nóng Gaza, cũng như thách thức trong vấn đề an ninh và tài chính của nước Mỹ; song bản chất cốt lõi vẫn là cách nhìn nhận, thái độ tiếp cận chính sách “xoay trục” của chính quyền Obama chưa được dứt khoát.

Tuy nhiên, 2015 có thể trông đợi những bước đi mạnh mẽ của nước Mỹ trong chính sách xoay trục, khi phe Cộng hòa nắm lưỡng viện, đây cũng là phe chủ trương tăng ngân sách quốc phòng để đối phó với các nguy cơ đe dọa Mỹ ở khắp nơi. Trong chủ trương tăng ngân sách sẽ có việc gia tăng hiện diện, tăng sức mạnh quân sự ở khu vực châu Á.

Sự trỗi dậy và thách thức của Trung Quốc chắc chắn là yếu tố khiến Mỹ phải để tâm. Dự báo 2015, Washington sẽ tăng cường quan hệ với đồng minh và các nước có mâu thuẫn về chủ quyền với Bắc Kinh, đặc biệt là thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào giữa năm.

Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định: “Việc hoàn tất TPP rất quan trọng với Washington, thể hiện quyết tâm không chậm chân trong cuộc đua tái cân bằng tại châu Á, bao gồm cả lĩnh vực kinh tế lẫn an ninh”.

Nhân tố Nhật, Ấn, EU…

Không chỉ Mỹ, Nga, Trung, cách đây 3 năm, Nhật Bản, Ấn Độ, hay Liên minh châu Âu (EU)… đều đã thể hiện tham vọng và thực hiện chính sách hướng về châu Á -Thái Bình Dương với quy mô và cường độ cụ thể.

Trong một năm nắm quyền lãnh đạo đất nước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trở thành nguyên thủ nước ngoài đầu tiên thăm toàn bộ mười nước ASEAN với ưu tiên làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược giữa Nhật Bản với khu vực.

Ấn Độ cũng ráo riết tham gia cuộc đua “hướng Đông” với những thông điệp khá rõ ràng. Hợp tác chặt chẽ về dịch vụ, đầu tư, an ninh, quốc phòng… sẽ với châu Á – Thái Bình Dương là “hòn đá tảng” trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ.

Pháp, Anh,… và một số nước châu Âu khác cũng ít nhiều “xoay trục” trở lại châu Á với những hợp tác về quân sự, thương mại với các nước trong khu vực: Pháp bán tàu tuần tiễu cho Philippines, Anh cùng với Australia, New Zealand tập trận với Malaysia…

2015, Châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực được quan tâm hàng đầu của thế giới. Cuộc tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc tại khu vực cũng vì thế mà khốc liệt hơn ngay những ngày đầu năm 2015, khi Trung Quốc đã lên tiếng thách thức đoàn đua bằng những động thái chạy trước như gia tăng sức mạnh quân sự tại khu vực, hay lời khẳng định của Bộ ngoại giao “Bắc Kinh tiếp tục thực hiện chính sách ngoại giao nước lớn” hay “quan hệ an ninh kiểu mới tại châu Á”./.

Nguồn: VOV News


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề