Vực xoáy ngầm trong nội bộ kinh tế châu Âu

Vụ xả súng kinh hoàng ở Paris đã đặt cả châu Âu vào tình trạng sợ hãi và đề phòng, và khiến người dân châu Âu bớt đi sự chú ý vào một sự kiện khác cũng quan trọng không kém về lâu về dài. Vụ khủng bố ở Paris đã lấy đi máu và nước mắt của châu Âu, còn vực xoáy ngầm kinh tế hiện tại đang đe dọa sự hồi phục của kinh tế châu Âu trong nhiều năm tới.

Ở thời điểm hiện tại, người ta đang chứng kiến không phải một, mà là hai sự hoảng hốt đang diễn ra ở châu Âu.
Một sự hoảng hốt bao trùm cả châu Âu do vụ xả súng ở Paris trong tuần qua đã khiến an ninh được thắt chặt trên toàn châu lục, và một sự hoảng hốt khác đến từ những nhà lãnh đạo chịu trách nhiệm về điều hành kinh tế của khu vực đồng tiền chung.

Một hiểm họa, không thua kém chút nào so với vụ xả súng ở Pháp theo một nghĩa nào đó, đang đe dọa sự hồi phục của nền kinh tế châu Âu một cách rõ ràng hơn bao giờ hết.

Người đang thể hiện sự hốt hoảng nhất, không ai khác ngoài Mario Draghi, thống đốc ngân hàng trung ương châu Âu ECB. Draghi đang đối mặt với một thảm họa về một sự giảm phát rõ ràng nhất sẽ diễn ra ở châu Âu, xuất phát từ chính các chính sách kinh tế của vị thống đốc người Italia này.

Vì thế, giới phân tích toàn thế giới đang chứng kiến một sự trùng hợp kỳ lạ, an ninh đang được tăng cường trên toàn châu Âu, và cũng tương tự là các gói kích thích kinh tế cũng đang được tăng cường một cách triệt để.

Theo đó, một gói kích thích kinh tế mới trị giá 500 tỷ Euro, tương đương 591 tỷ USD, nhiều khả năng sẽ được triển khai trong thời gian sớm nhất.

Sở dĩ có tình trạng vội vã như thế, là vì nguy cơ về một cuộc giảm phát lớn đã ở ngay trước mắt châu Âu chứ không còn là một dự báo nữa. Giới phân tích cho rằng điều này bắt nguồn một phần lớn từ chính sách siết chặt tiền tệ để chống lạm phát của chính ông Draghi khi lên nhậm chức vào tháng 7.2012.

Và quả thực đồng Euro đã được bảo vệ nhờ các biện pháp này, nhưng giờ đây đó lại đang chính là nguy cơ gây ra một sự giảm phát lớn đe dọa suy giảm tăng trưởng của cả EU trong nhiều năm sắp tới. Nếu như sự cứng rắn đã giúp Draghi bảo vệ đồng Euro trong thời gian khủng hoảng, thì giờ đây đó lại đang là sai lầm khi đã duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ này quá lâu.
Các chuyên gia nhận định rằng, một phần lớn trách nhiệm trong việc này thuộc về Đức. Đức chính là nước hậu thuẫn mạnh mẽ nhất cho chính sách thắt chặt tiền tệ của thống đốc Draghi, và điều này không có gì khó khăn khi Đức đang là thủ lĩnh của cả khu vực đồng tiền chung.

Và giờ đây, khi EU đang đối mặt với một cuộc giảm phát lớn nhất và thống đốc Draghi đã buộc phải dùng đến các gói kích thích kinh tế, thì Đức vẫn đang là nước phản đối dữ dội nhất. Thậm chí Đức đang đe dọa rằng việc tung gói kích thích trị giá 500 tỷ Euro của ECB là vi phạm hiến pháp của EU.

Mâu thuẫn giữa ECB và Đức là điều dễ hiểu khi lợi ích của Đức và ECB trong trường hợp này không trùng khớp với nhau. Một gói kích thích kinh tế lớn đồng nghĩa với sự giảm thiểu sự thắt chặt tiền tệ trên toàn khu vực đồng tiền chung, có thể gây ra lạm phát ở mức độ nhất định và nhiều khả năng EU sẽ chấp thuận việc giãn nợ cho Hy Lạp vốn sẽ gây một thiệt hại không nhỏ cho kinh tế Đức.

Lập trường của Đức trong vấn đề Hy Lạp có thể rời khu vực đồng tiền chung vẫn rất cứng rắn, nhưng theo chiều hướng giảm thiệt hại cho doanh nghiệp Đức hơn là chấp nhận khả năng Hy Lạp rời EU.

Giới phân tích đánh giá, một gói kích thích kinh tế lớn để tránh giảm phát về lâu dài có thể cải thiện khả năng tăng trưởng của EU, gián tiếp đem lại lợi ích cho kinh tế Đức. Nhưng về ngắn hạn, kinh tế Đức sẽ chịu những tổn thất nhất định, và đây được xem là lý do Đức không nhượng bộ ECB và thống đốc Draghi trong việc tung ra gói kích thích kinh tế lần này. Nếu như ECB và Đức đứng cùng phe trong việc siết chặt tiền tệ năm 2012 thì giờ đây liên minh này đã tan rã và thậm chí đã ở những phía đối nghịch.

Sự chống đối thẳng thừng của Đức đang khiến cho kế hoạch triển khai gói kích thích kinh tế của ECB gặp nhiều khó khăn, dù đang được rất nhiều nước thành viên EU ủng hộ. Bản thân Đức cũng không thể phản đối nếu như điều này nhận được sự ủng hộ của hầu hết các thành viên EU, trong đó có Pháp.

Vì thế, sự chống đối của Đức được xem như một sự mặc cả với thống đốc Draghi, trong đó ECB sẽ nhượng bộ một số yêu cầu của Đức để đổi lấy sự ủng hộ trong việc triển khai gói kích thích kinh tế. Vì vậy, nếu như từ trước đến nay Đức vốn là đầu tàu của EU, thì giờ đây có vẻ như lại đang là vật cản lớn nhất đối với tổ chức này.

Nguồn: Bloomberg, Một Thế giới


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề