Vụ 2 tàu hàng va chạm: Huy động tối đa phương tiện ra biển cứu người

Đó là chỉ đạo của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam – ông Nguyễn Nhật – tại cuộc họp khẩn với các đơn vị liên quan để tìm phương án cứu nạn 8 thuyền viên tàu Phúc Xuân 68 bị đâm chìm và đang mất tích trên vùng biển Nha Trang vào rạng sáng 9.11.

Tàu chìm trong vài phút

Đến 18h ngày 9.11, 3 thuyền viên của tàu Phúc Xuân 68 gồm máy trưởng Hà Hồng Thái (37 tuổi, quê Thái Bình), thủy thủ Lê Xuân Rự (50 tuổi, quê Thái Bình), sĩ quan radio Nguyễn Văn Hậu (31 tuổi, quê Thanh Hóa) được lực lượng cứu hộ cứu nạn khu vực 4 đưa vào bờ.

Khuôn mặt mệt mỏi, bơ phờ sau nhiều giờ chống chọi trên biển và cùng lực lượng cứu nạn tìm kiếm anh em thuyền viên trên tàu đang mất tích, ông Rự cho biết: “Tôi đang ngủ thì bỗng nghe tiếng va chạm mạnh, tàu rung lắc mạnh. Tôi cầm chiếc áo phao lao nhanh ra ngoài, rồi lao ra khỏi tàu trong đêm tối. Sau đó, tàu chìm ngay xuống biển. Cùng với ông Rự, anh Nguyễn Văn Hậu và một người khác sau 30 phút được tàu Nam Vỹ 69 cứu, đưa lên tàu. Trong số anh em chỉ có 3 người được cứu”.

Tại cuộc họp tối cùng ngày, ông Nguyễn Anh Vũ – Giám đốc Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam – cho biết, tàu Nam Vỹ 69 chở hơn 1.700 tấn hàng đang lưu thông từ Phú Mỹ (Vũng Tàu) về Quy Nhơn, đến vùng biển Nha Trang thì đâm trực diện tàu Phúc Xuân 68 chở 1.800 tấn thép từ Hải Phòng đi Vũng Tàu.

Hiện trường vụ va chạm cho thấy tàu Phúc Xuân 68 đã bị đâm vào khoang hàng, trên tàu lại chở khối lượng thép lớn nên đã chìm rất nhanh. Ngay sau khi nhận được thông tin cứu nạn, 3 tàu của trung tâm đã được điều động ngay ra hiện trường và tìm kiếm, nhưng vẫn chưa phát hiện thêm được thuyền viên nào. Đến thời điểm này, đã có 8 tàu của các đơn vị chức năng phối hợp tìm kiếm trên vùng biển tàu Phúc Xuân 68 bị nạn.

Mở rộng khu vực tìm kiếm

Đại tá Nguyễn Đức Phúc – Phó chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa – cho biết, các lực lượng biên phòng đã thông tin vụ việc đến 21 trạm biên phòng trong toàn khu vực, thông báo cho Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên và đài canh để tìm kiếm, đồng thời thông tin cho các phương tiện đánh bắt trên biển biết để cứu nạn các thủy thủy khi gặp. 2 tàu lớn, 11 tàu nhỏ của các đồn đã vào cuộc tìm ven các đảo, bờ, theo kinh nghiệm tìm kiếm người chết đuối.

Cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam – ông Nguyễn Nhật – đã yêu cầu ngày 10.11 điều động tất cả phương tiện hiện có ra biển để tham gia cứu nạn vì thời gian rất gấp. Mở rộng vùng hoạt động tìm kiếm từ Vũng Tàu quét ra mới có cơ hội tìm kiếm. Hiện, không có cơ hội để điều động đội lặn xuống cứu nạn, vì độ sâu khu vực tàu bị nạn đã thăm dò là từ 60-90m, lượng hàng trên tàu lớn nên thợ lặn không thể xuống. Đề nghị Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thông báo cho các xã vùng ven, tìm kiếm theo kinh nghiệm dòng chảy chỗ quẩn, cho danh sách những xã, làng chài nào gần khu vực bị nạn thường bị quẩn để tìm kiếm. Các đài thông tin duyên hải thông tin trên toàn quốc, cố gắng ngày 10.11 phải cứu được thuyền viên nào có thể.

Theo Lao Động


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề