Vô vọng!

Hai gói mỳ tôm với một quả trứng pha chung vào một cái bát nhựa xanh có những răng cưa ở cạnh viền. Gã múc được vài thìa rồi đưa cho vợ, vừa nhồm nhoàm nuốt vừa nói “ăn đi cho có sức mà thức đêm.”

Chưa đầy sáu tháng vợ chồng gã đã dặt dẹo lên cái bệnh viện này tám lần. Cái bệnh viện trung ương này lúc nào cũng ngàn ngạt là người, đất Hà Nội có khác, ở trong viện mà như đi giữa hội làng.

Vợ nó xì xụp một lát rồi đưa lại cái bát cho chồng, trong đáy bát còn ít sợi mỳ cong queo loằng ngoằng với xăm xắp ít nước vàng khè tanh mùi trứng.
– Anh ăn nốt đi, em no rồi.
Gã gắt lên, cái đồ ngu, đã bảo ăn đi lấy sức đêm mà quạt cho con, đúng là đồ ngu lâu.

Cả ngày hôm nay gã đã khép nép dạ vâng, thưa gửi với đủ hạng người rồi, từ tất cả những người mặc blu trắng mà gã cho là bác sỹ đến cô bán nước ở căng tin. Gặp ai gã cũng cúi đầu như kẻ có lỗi, chỉ đến bây giờ, ngồi ở vuông chiếu  con con gã mới bật ra được một câu chửi vợ. Người vợ chắc đã quen với cung cách của chồng, thị lại cho cái bát nhựa lên húp cái soạt. Thằng con cỡ hai tuổi nằm bên cạnh bố nhau nhúm như nắm dẻ, da xanh mét cứ trở mình liên tục trên cái chiếu sờn rách.
Thằng bé bị tim bẩm sinh. Vợ chồng gã tha lôi thằng bé đi lại cái viện này không biết bao nhiêu lần. Nhưng lúc thì thiếu cái giấy chứng thực, lúc lại thiếu chữ ký và quan trọng nhất, hai vợ chồng gã hiểu lắm “là chúng nó thiếu tiền.”

Trong hai tháng vừa rồi không còn cái gì vợ chồng gã không bán, từ lợn gà thóc lúa bòn mót được cái gì chúng bòn bằng tiệt, chỉ còn mỗi cái bàn thở cổ của thừa tự là chưa dám.
Cả hai vợ chồng đã phải chầu chực không biết bao nhiêu lâu và còn bao lâu nữa. Những cái ô cửa kính ngăn cách cái đám người nhàu nhĩ sầu thảm với những bóng blu trắng sạch sẽ bên trong. Những cái nhìn thờ ơ vô hồn, những câu nhát gừng khó hiểu mà vợ chồng gã không dám hỏi lại. Vô vọng, giá như cái khó khăn mà vợ chồng gã đang phải đương đầu là một đống đất, thậm trí là quả núi đi nữa, thì cũng hùng hục cố mà húc đầu vào bất kể sống chết.

Ở cái bệnh viện này hình như toàn người nghèo, có lẽ người nghèo mới hay mắc bệnh và thường là bệnh tim. Từ chiều đến giờ gã đã thấy hai cái băng ca phủ tấm ga kín mít đẩy xuống khu nhà xác.
Gã bỗng rùng mình nhìn xuống cái mặt thằng con đang gối lên chân gã, hơi thở thằng bé ngắn và nông, làn da mỏng tang nổi rõ từng mạch máu dán vào hộp sọ. Gã đưa tay vuốt vuốt mấy sợ tóc thưa thớt của con, là thằng bố nhưng có lẽ chỉ làm được như vậy, gã cứ vuốt mãi những sợi tóc mảnh dẻ như một người bệnh tâm thần.
Sáng mai vợ chồng gã lại lếch thếch tha lôi nhau ra bến xe để về sớm. Đáng lẽ về từ chiều nay, nhưng muộn quá rồi.

Lúc chiều ông bác sỹ nhét nắm giấy tờ vào tay gã, nói một câu chốt hạ “anh cứ yên tâm về đi, khi nào anh lo xong thủ tục tôi đã ghi trong này thì anh cho cháu lên và chúng tôi sẽ xem xét, sếp lịch mổ cho cháu.” Gaz lắp bắp “em thấy các bác sỹ dưới huyện bảo cháu phải mổ gấp không thì nguy ạ.”

– Anh chả hiểu gì cả, làm gì cũng phải đúng thủ tục, đúng nguyên tắc và trình tự chứ. Anh cứ làm như mổ con gà nhà anh ấy, tôi đã bảo rồi, anh cứ yên tâm về đi, nhớ cho cháu uống thêm vitamin nhá!

Phạm Quang Ánh


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Có 2 phản hồi cho bài viết “Vô vọng!”:

  1. Tran Thanh viết:

    Nghèo thì thời nào cũng khổ. Cặp từ “nghèo khổ ” luôn gắn với nhau .

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề