Vingroup tham vọng trở thành “Alibaba Việt Nam”?

VinEcom là dự án thương mại điện tử của ông trùm bất động sản Phạm Nhật Vượng. Dù chưa chính thức ra mắt trang giao dịch điện tử, nhưng mọi hành vi chuẩn bị cho thấy Phạm Nhật Vượng có thể đang tham vọng biến VinEcom thành một Alibaba của Việt Nam.

VinEcom là công ty thương mại điện tử lớn của Vingroup – một trong những hãng bất động sản lớn nhất Việt Nam, do ông Phạm Nhật Vượng sáng lập, ông cũng là tỷ phú đầu tiên của Việt Nam trong danh sách Forbes. Hồi tháng 2/2014, có thông tin VinEcom sẽ được đầu tư 30 triệu USD để làm thương mại điện tử.

Tuy nhiên, trang web của Vingroup cho biết VinEcom đã nhận được tổng số 50 triệu USD. Theo trang Tech in Asia, cho đến nay chưa một doanh nghiệp mới thành lập (startup) nào của Việt Nam có được khoản tài chính như thế cho một dự án vẫn còn chưa rõ sẽ thành hay bại.

25

Phạm Nhật Vượng là ai?

Năm 2010, Phạm Nhật Vượng đã bán công ty chế biến mì của mình cho Nestle với giá ước tính khoảng 150 triệu USD. Đó là một công ty khởi nghiệp tại Ukraina trong những năm giữa thập niên 1990, ban đầu chỉ là một tiệm mì nhỏ. Sau đó, ông Vượng bắt đầu đầu tư vào khu du lịch, chung cư, trung tâm thương mại, bệnh viện và trường học tại các khu vực quan trọng ở Việt Nam.

Hiện nay, Phạm Nhật Vượng đã có tài sản trị giá trên 1,3 tỷ USD, trở thành người giàu nhất Việt Nam. Đang “ăn nên làm ra”, năm 2006, Phạm Nhật Vượng đầu tư vào VC Corp, một trong ba công ty Internet hàng đầu Việt Nam. Khoản đầu tư này cho thấy ông đã có những dự đoán đầu tiên về thế giới online hơn 7 năm trước khi ra VinEcom.

VinEcom “lãnh” sóng gió từ ngày ra mắt

Lần đầu tiên khi Vingroup công bố gia nhập vào làng thương mại điện tử vào tháng Hai năm nay, họ phải đối mặt với cả những hoài nghi lẫn ủng hộ một cách thận trọng.

Một mặt, nhiều người trong giới báo chí suy đoán ông trùm bất động sản sẽ không biết cách làm thương mại điện tử. Bởi vì suy cho cùng, đây là hai ngành công nghiệp đòi hỏi những tư duy khác nhau. Người làm bất động sản trước hết sẽ xây dựng, rồi bán sản phẩm đã hoàn chỉnh, sau đó ngồi thu lãi. Trong khi đó thương mại điện tử đòi hỏi phải có hoạt động sâu rộng, tỷ suất lợi nhuận mỏng, hậu cần hoàn hảo, chuyên nghiệp trong marketing online và có sức mua mạnh mẽ.

Mặt khác, các hãng thương mại điện tử như Vật Giá, Hotdeal.vn, Lazada, Tiki, Zalora, CungMua, Sendo, dự án Lana… rất phấn khích khi có một đối thủ lớn hơn gia nhập thị trường. Điều đó có nghĩa tập đoàn Vingroup sẽ sẵn sàng phát triển thị trường thương mại điện tử vẫn còn rất mới mẻ của Việt Nam.

Nhưng ngay lập tức, các đối thủ lớn trong ngành thương mại điện tử có thể cảm thấy sức nóng của “người mới đến”. Do thị trường thương mại điện tử của Việt Nam rất nhỏ bé, về mặt nhân lực, nên chỉ có rất ít người có kinh nghiệm thương mại điện tử. Vingroup đã tìm kiếm khắp các công ty tiềm năng để thâu tóm và tuyển dụng nhân lực.

Với các vụ thâu tóm, VinEcom có được quy mô và tiềm năng thị trường. Với nhân lực, hãng đề nghị mức lương gấp đôi dành cho những người chủ chốt. Đáng chú ý nhất là trường hợp Erik Jonsson, cựu giám đốc Zalora Việt Nam, bây giờ đã là Phó tổng giám đốc VinEcom; Kyle Phạm, cựu giám đốc tài chính của NhomMua, từng là một trong những đối thủ sáng giá của nền thương mại điện tử Việt Nam, bây giờ là người đứng đầu mảng dịch vụ tại VinEcom.

Nhưng Jonsson và Kyle Phạm, những tên tuổi lớn trong thế giới thương mại điện tử nhỏ bé của Việt Nam, không phải là nhân viên duy nhất đã đầu quân vào VinEcom. Nếu tìm hiểu kỹ sẽ thấy những nhân lực của VinEcom từng là các nhà sáng lập doanh nghiệp, các blogger có uy tín, các cựu chiến binh lão luyện về hậu cần. VinEcom thực thi chiến lược tuyển dụng rất tốt, không chỉ bó hẹp trong thị trường bán lẻ và thương mại điện tử. Thông tin cho biết, hiện nay VinEcom có hơn 2.500 nhân viên, và mỗi đơn vị, từ tiếp thị đến nội dung, hậu cần, đều có hàng trăm người.

Mặc dù vậy, VinEcom đã trải qua một số xáo trộn ở đội ngũ lãnh đạo cấp cao nhất. Tháng Năm vừa qua, CEO của VinEcom, bà Lê Thị Thu Thủy tuyên bố sẽ từ chức. Ngay sau đó, một phụ nữ mới bước vào tạm thế chân bà Thu Thủy, nhưng chỉ được thời gian ngắn, tháng Tám qua, VinEcom đã có Tổng giám đốc mới là bà Mai Hương Nội. Mỗi một CEO mới luôn phải nỗ lực để theo kịp tầm nhìn của Phạm Nhật Vượng. Ban đầu, vai trò của ông như một chủ đầu tư, nhưng hiện nay, ông đã tham gia hoạt động nhằm thực thi tầm nhìn của mình.

26

VinEcom sẽ là một Alibaba của Việt Nam?

Đầu tháng Tám vừa qua, thông tin rò rỉ từ VinEcom cho thấy kế hoạch của công ty với thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Có những con số rất ý nghĩa như sau:

– Trong ngày đầu tiên hoạt động, VinEcom hứa hẹn sẽ có 1,3 triệu SKU (thông tin liên quan đến sản phẩm).
– Sau năm đầu tiên hoạt động, sẽ có hơn 2 triệu sản phẩm được chụp ảnh tại studio nhà sản xuất.
– Các mặt hàng thực phẩm tươi sẽ được giao hàng trong vòng 1,5 giờ.
– Các sản phẩm khác sẽ được giao hàng trong khoảng 6 giờ, bao gồm cả hàng thời trang và điện tử.
– Sẽ có hàng ngàn xe tải di động để vận chuyển hàng (đặc biệt là cả vùng nông thôn).

Tài liệu rò rỉ khẳng định, VinEcom tham vọng “tạo ra một thị trường thương mại điện tử tin cậy, chuyên nghiệp nhất và lớn nhất của Việt Nam”.

Một số bằng chứng khác cho thấy, VinEcom đang tham vọng trở thành một trang thương mại điện tử dạng click-và-mua. Trên trang web tuyển dụng chính của Tập đoàn Vingroup, hiện đang tuyển vị trí cho người đứng đầu Adayroi TV. Adayroi.com, hiện vẫn chưa hoạt động, được cho là tên miền của trang web thương mại điện tử của VinEcom.

Trong phần mô tả công việc, các ứng viên phải có khả năng lựa chọn sản phẩm cho kênh truyền hình AdayroiTV cũng như làm việc chặt chẽ với các bộ phận VinEcom. Điều này cho thấy VinEcom có thể khởi động một kênh truyền hình bán lẻ để cùng hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử. Nó sẽ còn có nhiều ý nghĩa hơn khi xét đến việc Phạm Nhật Vũ, em trai Phạm Nhật Vượng, hiện là Tổng giám đốc AVG, một hãng truyền hình vệ tinh lớn của Việt Nam. Không một doanh nghiệp mới nào có thể làm được điều này. Đây là một sự đầu tư lớn, bài bản và độc đáo trên toàn châu Á.

Tham vọng của VinGroup còn khó đoán hơn nữa khi gần đây đã đầu tư 10% vào Vinatex. Vinatex là một trong những công ty dệt may lớn nhất của Việt Nam và khoản đầu tư này đúng như tuyên bố hồi tháng Sáu của Vingroup về việc ra mắt Vinfashion. Liệu khoản đầu tư trị giá 1 triệu USD này có đánh dấu cú đặt cược nhảy vào ngành công nghiệp thời trang của Vingroup?

Tất cả những động thái này đang vẽ ra một bức tranh lớn về một trong những dự án thương mại điện tử chưa công bố lớn nhất châu Á. Đại gia thương mại điện tử Việt Nam này cũng đã đăng ký sở hữu hơn 40 tên miền (từ Vinpay.vn đến Vinmall.vn và Vindeal.vn).

Các tên miền cho thấy những tham vọng về một thị trường thương mại điện tử, cổng thanh toán, trang web giao dịch, mua bán hàng ngày, về dịch vụ hậu cần, và thậm chí cả một mạng lưới quảng cáo. Nếu khảo sát danh sách các tên miền này và giả định rằng tất cả sẽ đơm hoa kết trái, có lẽ không ít người giả định Vingroup có mục tiêu trở thành Alibaba của Việt Nam, đang vay mượn và áp dụng các ý tưởng của thương hiệu bán lẻ điện tử Tmall và dịch vụ thanh toán ký quỹ của Alipay.

Tuy nhiên, một thỏa thuận gần đây của Vietcombank, Smartlink và VinEcom cho thấy VinEcom có thể không tạo ra cổng thanh toán riêng. Bằng cách hợp tác với Smartlink, cổng thanh toán số 1 của Việt Nam, VinEcom có thể tiếp cận thuận lợi đến các ngân hàng. Nếu VinEcom xây dựng cổng thanh toán và ngân hàng trực tuyến riêng, giống như Mobivi đã làm hồi năm ngoái, các ngân hàng trong nước có thể nhận thấy mối đe dọa.

Tất cả những phân tích trên đang mang lại hình ảnh một con tàu khổng lồ. Ở quy mô hiện tại, có thể VinEcom sẽ giải ngân hết 50 triệu USD đầu tư vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2015. Theo nguồn tin từ VinEcom, hãng sẽ công bố Adayroi.com vào tháng 12 tới. Adayroi.com có thể sẽ có một năm để thử nghiệm và khảo sát thị trường. Một năm nay “học hỏi” như vậy có thể sẽ có chi phí là 50 triệu USD. Như vậy, Phạm Nhật Vượng sẽ trả 100 triệu USD học phí cho bài học về thương mại điện tử.

Đầu tư lớn đi kèm rủi ro cao. Hầu hết các startup đều đối mặt với tình huống “con gà và quả trứng”. Thương mại điện tử là một cuộc chơi lâu dài, nhà đầu tư phải kiểm tra thị trường, xây dựng lòng tin, và đào tạo đội ngũ trước khi “làm lớn”, nhưng có vẻ VinEcom đang làm mọi thứ theo quy trình ngược lại. Hơn nữa, không rõ liệu thị trường thương mại điện tử Việt Nam thực sự đủ lớn cho một “tay chơi” như VinEcom hay không?
VECITA, Hiệp hội thương mại thương mại điện tử Việt Nam, ước tính thị trường đạt doanh số 2,2 tỷ USD, nhưng hầu hết các nhà lãnh đạo trong ngành đều nói mức ước tính này không rõ ràng về phương pháp luận và chỉ là sự thổi phồng. Họ cho rằng doanh số bán hàng thương mại điện tử chỉ đạt nửa tỷ USD đến 1 tỷ USD.
Liệu VinEcom có đánh giá quá cao quy mô của thị trường bán lẻ trực tuyến? Hay họ quá tự tin cho rằng họ có thể nhanh chóng “bật ngược” thị trường bán lẻ vào thị trường trực tuyến?

VnReviews


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề