Việt Nam dựa vào đâu để đột phá?

Ba điểm then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế theo chiều sâu ở Việt Nam xét cho cùng đều phụ thuộc vào đổi mới tư duy và cải cách thể chế cùng phương thức vận hành hệ thống quản lý.

Lịch sử của nhiều quốc gia cho thấy, quá trình phát triển kinh tế-xã hội luôn đòi hỏi những đổi mới chính trị tương xứng.

Ở nước ta, khủng hoảng kinh tế đầu những năm 1980 đã trở thành động lực cho sự ra đời của những chính sách kinh tế đột phá vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, tạo tiền đề cho kinh tế tư nhân phát triển, từng bước đưa quy luật cung cầu vào quản lý kinh tế và phân bổ nguồn lực, mở cửa thu hút đầu tư và công nghệ nước ngoài, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hoá.

Tiếp đó, đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997, Việt Nam đã tiến hành đợt đổi mới kinh tế thứ hai khi hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn nhằm tiếp tục mở rộng thị trường, tạo động lực mạnh mẽ hơn cho đầu tư tư nhân và nước ngoài.

Theo đó, Luật Doanh nghiệp (1999), Luật Đầu tư nước ngoài mới (2000) và sau này là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư thống nhất (2005) được thông qua đã thể hiện chủ trương tạo ra khuôn khổ pháp lý thuận lợi, giảm phân biệt đối xử để các thành phần kinh tế làm ăn có hiệu quả hơn.

Quá trình hội nhập kinh tế thế giới với Hiệp định Thương mại Việt Mỹ năm 2001 và việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006 đã mở rộng cánh cửa cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hoá ra bên ngoài.

Đòi hỏi chuyển từ lượng sang chất

Với những cải cách thể chế kinh tế mạnh mẽ, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng cao trong hơn 2 thập kỷ sau đổi mới. Tuy nhiên, sau hai đợt cải cách này, quá trình tăng trưởng theo chiều rộng tại Việt Nam đã tiệm cận với giới hạn của nó. Tình hình kinh tế ảm đạm từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 đến nay đòi hỏi Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế và tăng hiệu quả quản lý nhà nước nhằm các mục tiêu sau:

Một là, chuyển từ tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu. Theo một báo cáo của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội năm 2012, trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2008, 53% tăng trưởng kinh tế của nước ta là từ tăng trưởng về vốn đầu tư, mức cao nhất trong các nước châu Á (1). Còn lại chỉ có 19% tăng trưởng do năng suất lao động và 26% do các yếu tố kỹ thuật và đổi mới công nghệ.

Cũng theo báo cáo này, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 57,8% so với Trung Quốc, khoảng 34,2% và 22% so với Thái Lan và Malaysia. Do vậy, tăng trưởng kinh tế ở nước ta cần chuyển từ chủ yếu dựa vào tăng trưởng vốn đầu tư và khai thác tài nguyên sẵn có sang tăng trưởng dựa vào sử dụng hiệu quả nguồn lực thông qua tăng năng suất lao động và áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ trong sản xuất và quản lý.

Hai là, tăng giá trị gia tăng và hàm lượng chất xám trong sản xuất kinh doanh. Nhiều năm qua, nhóm mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam lần lượt là hàng dệt may, điện thoại và linh kiện, dầu thô, thuỷ sản, gạo, cà phê, cao su, hạt điều (2). Với các ngành may mặc, các doanh nghiệp vẫn chủ yếu làm gia công: nhập nguyên liệu thô, sản xuất rồi xuất khẩu. Do đó, giá trị gia tăng còn thấp.

Tương tự, các ngành cơ khí, điện tử vẫn chủ yếu là lắp ráp linh kiện với tỉ lệ nội địa hoá thấp đặc biệt là ngành công nghiệp ôtô. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp tăng hàm lượng kỹ thuật, công nghệ để tăng giá trị trong các công đoạn sản xuất tại Việt Nam.

Ba là, cần xây dựng thể chế phân bổ nguồn lực quốc gia hiệu quả hơn. Các doanh nghiệp nhà nước được hưởng nhiều ưu đãi về vốn tín dụng ngân hàng và ODA (lên đến 70% tổng số ODA) nhưng hiệu quả kinh tế còn thấp. Theo một báo cáo của Nhóm Tư vấn Quốc tế cho Việt Nam năm 2011, hiệu quả sử dụng nguồn vốn và lao động trên một đơn vị sản phẩm đầu ra của các doanh nghiệp nhà nước thấp hơn toàn bộ nền kinh tế lần lượt là 20 và 10 lần vào năm 2008 (3).

Còn theo Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước” của Bộ Tài chính năm 2012, mức lỗ bình quân của một doanh nghiệp nhà nước cao gấp 12 lần so với doanh nghiệp phi nhà nước; và có đến 30/85 tập đoàn và tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao hơn 3 lần, đặc biệt có 7 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ này trên 10 lần (4). Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, thì việc phân bổ và sử dụng vốn đầu tư của quốc gia một cách hiệu quả là yêu cầu sống còn trong quản lý kinh tế tại Việt Nam hiện nay.

Đổi mới thể chế để thúc đẩy phát triển kinh tế

Những điểm then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế theo chiều sâu (chuyển từ lượng sang chất) ở Việt Nam nằm ở khả năng phân bổ nguồn lực hiệu quả cho các thành phần kinh tế, ở cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ mới để tăng năng suất, và ở năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ba yếu tố này xét cho cùng đều phụ thuộc vào đổi mới tư duy và cải cách thể chế cùng phương thức vận hành hệ thống quản lý.

Trước hết, đổi mới về phân bổ nguồn lực phụ thuộc lớn vào thay đổi nhận thức về vai trò của các thành phần kinh tế, mà cụ thể là nhận thức về vai trò của các doanh nghiệp nhà nước. Thực tiễn thế giới cho thấy, sự yếu kém của các doanh nghiệp nhà nước không chỉ do thiếu cơ chế giám sát hay quản lý doanh nghiệp yếu kém, mà quan trọng nhất chính là do bản chất mô hình sở hữu nhà nước sẽ rất khó phát huy hiệu quả kinh tế trong nền kinh tế thị trường.

Do đó, nhà nước làm kinh tế khi và chỉ khi doanh nghiệp tư nhân làm không tốt bằng hoặc không muốn làm (trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hay công ích cơ bản). Còn lại cần để cho thị trường tự điều tiết và khu vực tư nhân đảm nhận. Sự độc quyền và ưu đãi đặc quyền cho các doanh nghiệp nhà nước sẽ không đảm bảo được việc phân bổ nguồn lực xã hội hiệu quả, trong khi nguồn lực quốc gia hiện nay còn rất hạn chế.

Xét cho cùng doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân mà đem lại ấm no cho người dân và sự phồn thịnh cho quốc gia thì đều đáng trân trọng như nhau. Đây chính là tư duy và kinh nghiệm phát triển của người Hàn khi chính phủ không phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân trong hỗ trợ hay ưu đãi. Quan trọng nhất là các doanh nghiệp của Hàn Quốc tăng được khả năng cạnh tranh quốc tế và chiếm lĩnh thị trường như các công ty Samsung, Hyundai and Kia hiện nay.

Tiếp đến, muốn khuyến khích doanh nghiệp có động lực đầu tư phát triển và áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và quản lý thì cần tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Rất khó để có một môi trường kinh doanh lành mạnh khi một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy, trong số 1.058 doanh nghiệp được hỏi, nhiều doanh nghiệp cho biết, chi phí không chính thức khá tốn kém, song lợi ích mà doanh nghiệp nhận được lớn hơn chi phí bỏ ra. Gần 63% doanh nghiệp tin rằng, chi phí không chính thức “tạo ra cơ chế ngầm giải quyết công việc một cách nhanh chóng” và hơn 50% ý kiến cho rằng nó khiến cán bộ công chức tích cực làm việc(5).

Muốn doanh nghiệp có động lực đầu tư tăng năng suất và lợi thế cạnh tranh thay vì chỉ lo đến việc “chạy chọt” thì cần có hệ thống luật pháp minh bạch, công khai và cán bộ công chức ít tham nhũng. Đồng thời cần tăng cường cơ chế giám sát từ người dân và xã hội một cách thực chất và hiệu quả thông qua xây dựng các thiết chế chính trị dân chủ để hạn chế sự lạm quyền trong quản lý nhà nước. Ứng dụng công nghệ thông tin và mạng internet là một giải pháp hiệu quả mà có thể áp dụng ngay.

Cuối cùng, muốn đảm bảo năng lực đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế thì phải dựa vào một hệ thống giáo dục và đào tạo có chất lượng cao, nhất là ở bậc đại học.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của giáo dục đại học. Trong những yếu tố đó, người viết bài viết này cho rằng thu nhập chính thức của giảng viên các trường đại học là quan trọng nhất. Để tạo ra động lực làm việc cho giảng viên, lương chính thức phải đảm bảo được cuộc sống của họ và gia đình trước khi nói đến các điều kiện khác.

Theo một tính toán, một người có bằng sau đại học ở nước ngoài nếu về làm việc cho một doanh nghiệp tư nhân thì có thể có mức thu nhập chính thức gấp 7 lần mức lương giảng viên. Nếu như vậy thì rất khó thu hút được những người có trình độ và tâm huyết vào giảng dạy ở các trường đại học.

TS Đặng Văn Huấn
(Đại học Portland State University, Hoa Kỳ)

——

Tài liệu tham khảo:

1. Uỷ ban Kinh tế Quốc hội (2012). Báo cáo kinh tế vĩ mô: Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu. Nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô.

2. Báo cáo Tình hình xuất nhập khẩu hàng hoá tháng 12 và cả năm 2012 của Hải Quan Việt Nam, Customs.gov.vn.

3. Nhóm Tư vấn cho Việt Nam. Báo cáo Phát triển Việt Nam 2012: Kinh tế thị trường khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình. (2011). (The Vietnam Consultative Group Meeting. Vietnam development report 2012: Market Economy for a middle-income Vietnam.)

4. Bình quân doanh nghiệp nhà nước lỗ gấp 12 lần doanh nghiệp ngoài nhà nước. Báo điện tử Người Lao động, 30/05/2012.

5. Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, DN và cán bộ, công chức; Thanh tra Việt Nam, 22/11/2012.

theo Tuần Việt Nam


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề