Viết cho con ngày nguyệt san đầu tiên

Chúng ta không thể được sinh ra nếu không có những giọt máu ấy. Trân trọng và chào đón nó như một lẽ tự nhiên phải tới trong đời.

Con gái!

Bố có thể có một vạn tám nghìn câu chuyện để nói với con về một kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Không phải vì bố đã từng là chị Mạc Thị Tư Khoa phụ trách Chuyện Riêng Tư trên Hoa Học Trò những năm 1999-2000, nơi đã đăng tải đến cả trăm bài viết về nguyệt san phụ nữ. Nói thật, bố cũng chẳng ưa gì cái chuyện này, bố vẫn đùn đẩy mẹ nếu đến một ngày con bắt đầu dậy thì với kỳ kinh nguyệt đầu tiên.

Có lẽ đó là bởi chính những người phụ nữ bố từng yêu đã ‘dạy’ bố về nỗi kinh dị của nguyệt san. Có những người đau đến muốn chết đi được trong những ngày ấy, có những người cố xua đuổi bố trong những ngày ấy của họ. Và cả sự giấu diếm, xấu hổ trong suốt thời ấu thơ của bố khi chứng kiến bà nội và cô VA mỗi kỳ nguyệt san của họ. Và bố đã bị sợ hãi!

Nhưng chúng ta luôn có vô vàn những câu chuyện khác tích cực hơn về chuyện này. Cho con đọc. Cho con nghe. Cho con hiểu. Như đó là dấu hiệu của trưởng thành về thể chất. Như lời chúc mừng con lên level mới: Trở thành thiếu nữ và sẵn sàng công việc thiêng liêng mai này: Làm Mẹ! Bố muốn chính mẹ sẽ nói cho con nghe về những điều đó thay vì là bố. Chỉ mẹ mới có thể nói cho con chính xác việc đang xảy ra và việc con cần làm là gì.

Bố chỉ nói cho con về sự trân trọng bản thân và nói cho cả anh trai con về điều khác biệt này. Rằng chúng ta không thể được sinh ra nếu không có những giọt máu ấy. Trân trọng và chào đón nó như một lẽ tự nhiên phải tới trong đời. Cái mà ta gọi là ‘bẩn’ chỉ là thứ cần ta vệ sinh sạch sẽ chứ không phải là xấu hổ hay sợ hãi, không phải ghê tởm hay xua đuổi. Bố muốn con hiểu điều này như một việc hiển nhiên của cuộc đời.

Chúng ta cứ nói với nhau về bình đẳng giới nhưng không phải bằng việc đàn ông đi mua băng vệ sinh cho phụ nữ đâu. Bình đẳng giới thực sự đôi khi chỉ là ‘những ngày này em mệt và hay cáu gắt, hãy để anh làm giúp em việc nhà và không đổ dầu vào lửa, tranh cãi với em’. Là sự HIỂU chứ không cần phải CHỨNG MINH, là CẢM THÔNG chứ không cần THỂ HIỆN.

Nhân ngày con hỏi bố: ‘Bố ơi, Tình Dục là gì?’. Nhất thời, và vô thức bố đã nhăn mặt xua tay mà quên rằng mình cần phải nói cho con hiểu rằng Tình Dục là món quà tặng cho người con muốn lấy làm chồng, là dành cho người biết trân trọng giá trị của con. Khi con bước qua tuổi 18, món quà này sẽ dành cho người đàn ông nào yêu con hơn cả bố yêu con.

Theo Hoàng Anh Tú / Vnexpress.net


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề