Vì sao người Việt ít nói ‘anh yêu em’

Do khác biệt về văn hóa, tổ chức hệ thống gia đình, xã hội nên cách dùng từ “yêu” của người Việt khác cách dùng từ “love” của người phương Tây.

Có lẽ ai cũng cảm nhận được “năng lượng tích cực” khi người nào đó nói với mình “I love you” một cách chân thành, hay từ tin nhắn gởi gián tiếp như một lá thư viết tay, email…

Người phương Tây (Âu, Bắc Mỹ, Úc) thường dùng cụm từ “I love you” hằng ngày để thể hiện tình cảm của hai người đang yêu nhau, của những cặp vợ chồng mà có thể đã sống với nhau vài chục năm, của cha mẹ và con cái, của người quản lý và nhân viên, của các đồng nghiệp với nhau…

Nhưng với người Việt thì lại quá khó khăn khi nói “em yêu anh”, “anh yêu em”, “con yêu mẹ”, “chú yêu cháu”. Nói ra đã khó, nhắn tin, viết thư thì cũng khó y như vậy, cùng lắm là “con nhớ mẹ rất nhiều” hay “anh mong về sớm để gặp em” chứ không nói “yêu”.

Vài người thử theo phong trào “I love you” nhắn tin cho chồng, vợ, mẹ, người yêu của mình, thì khi nhận được hồi âm sẽ là “em điên à”, “bị hâm hả”, “có chuyện gì không vậy con?”, “sến quá, em cũng yêu anh”.

Tết rồi, cô của tôi về thăm quê sau hơn 30 định cư ở Mỹ. Suốt hơn một tháng, cô sống vui vẻ tại ngôi nhà thuở xưa. Đến khi chia tay về Mỹ, cô ôm từng đứa cháu họ nói “cô rất yêu các con” mà nước mắt tuôn trào. Chữ “yêu” của người Việt là vậy, ít khi được dùng một cách “dễ dãi”. Người Việt ít khi nói “I love you” vì chữ “love” không đồng nghĩa với chữ “yêu” (xin đừng tra từ điển).

Trong công ty, tôi thường nói “I love you” bằng tiếng Anh với tất cả đồng nghiệp. Thông qua ngữ cảnh, giọng nói của mình thì họ hiểu rằng tôi yêu quý họ, chứ không nhầm lẫn yêu theo kiểu lứa đôi hay một kiểu nào khác. Nhưng tôi không thể nói “tôi yêu em”, “tôi yêu chị”,“tôi yêu chú” vì không phù hợp văn hóa công ty và xã hội Việt.

Từ “yêu” của vợ chồng có ý nghĩa khác, mà với văn hóa Việt, nó lớn hơn chữ “love”, vì nó bao hàm cả sự hi sinh, sẵn sàng đánh đổi tất cả vì gia đình, vì vợ, chồng, vì con cái. Nhiều gia đình người Việt sống với nhau suốt đời, họ gắn bó, hi sinh cho nhau dù họ chẳng bao giờ nói “yêu” nhau.

Từ “yêu” của các cặp đang tán tỉnh nhau thì lại khác, nó có tính chất đột phá, mạnh dạn, bất chấp để đạt mục tiêu (cho để… được nhận).

Từ “yêu” của cha mẹ, ông bà và con, cháu lại khác nữa, nó có tính chất tuyệt đối hóa sự hi sinh, ràng buộc, tình cảm và tâm linh.

Qua các phân tích trên thấy rằng văn hóa, tổ chức hệ thống gia đình, xã hội của người Việt có sự khác biệt, vì thế trong cách dùng từ “yêu” của người Việt và cách dùng từ “love” là khác nhau hoàn toàn.

Trong cuộc sống đời thường, người phương Tây có thể nói “xin lỗi (I’m sorry)”, “tôi yêu bạn (I love you)” nhưng đó không phải là đang “hối lỗi” hay “yêu thương” gì cả. Đối với người Việt thì không như vậy, vì thế thật khó để họ nói từ “yêu” trong văn hóa giao tiếp hàng ngày.

Lan Hương (Theo VnExpress)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề