Vì sao lãnh tụ Bắc Triều Tiên hủy chuyến thăm Nga?

Việc lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un bất thần bãi bỏ chuyến đi thăm Moscow đã châm ngòi cho một loạt những lời đồn đại về những gì đang xảy ra bên trong chế độ bí mật này.

Vì sao lãnh tụ tối cao của Bắc Triều Tiên bỗng nhiên bải bỏ chuyến thăm theo hoạch định đến Moscow vào tuần tới để làm lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến thứ hai ở châu Âu, là một bí ẩn.

Không có lời giải thích nào được đưa ra từ phía giới hữu trách ở Bình Nhưỡng, cũng như từ phía thông tấn xã chính thức. Các giới chức Nga nói quyết định “có liên quan đến các vấn đề nội bộ của Triều Tiên.”

Ông Kim Yong-hyun, một giáo sư nghiên cứu về Bắc Triều Tiên tại trường Đại học Dongguk nghĩ rằng ông Kim Jong Un không muốn làm phật lòng những nhà bảo trợ kinh tế ở Trung Quốc khi thực hiện chuyến công du quốc tế đầu tiên đến Nga.

Ông nói dường như nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên quyết định không đi Nga bởi vì ông ta có thể cảm thấy không thoải mái nếu giáp mặt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Moscow.

Thông qua viện trợ và thương mại, Trung Quốc là nước chủ yếu cung cấp thực phẩm và năng lượng cho Bắc Triều Tiên. Vì thế cũng là điều hợp lý khi lãnh tụ trẻ tuổi Bắc Triều Tiên muốn lấy Bắc Kinh làm nơi đến cho chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông ta.

Tuy nhiên có các dấu hiệu căng thẳng. Tuần này Trung Quốc cho hay đang điều tra những vụ sát hại 3 dân làng ở một thị trấn biên giới, nơi lính biên phòng Bắc Triều Tiên bị cáo buộc là băng qua biên giới để ăn cắp và tấn công. Cũng đã có các dấu hiệu về sự quan ngại gia tăng về phía các giới chức Trung Quốc có liên quan đến tầm cỡ kho vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Tháng trước, các chuyên gia hạt nhân Trung Quốc nói với các giới chức Hoa Kỳ rằng Bình Nhưỡng có thể đã có 20 đầu đạn, cao hơn con số từ 10 đến 16 quả bom mà các chuyên gia Hoa Kỳ đã ước tính. Bắc Kinh còn tin là Bình Nhưỡng có khả năng tăng gấp đôi kho vũ khí của họ vào năm tới.

Tuần này, cơ quan gián điệp Nam Triều Tiên cho biết cơ quan tin là ông Kim Jong Un đã ra lệnh hành quyết 15 giới chức cấp cao bị cho là không trung thành. Việc đó dẫn tới tin đồn về tình trạng bất ổn trong giới thượng lưu cầm quyền.

Chuyên gia phân tích thời cuộc Bắc Triều Tiên, ông Daniel Pinkston thuộc tổ chức Khủng hoảng Quốc tế bác bỏ các giả thuyết cho rằng các diễn biến mới đây cho thấy tình trạng bất ổn trong chế độ, hoặc bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông Kim Jong Un đang bị lỏng tay cương.

Ông Pinkston nói việc bãi bỏ chuyến đi vào phút chót không phải là điều bất thường, xét về cách thức vận hành nghi thức an ninh của Bắc Triều Tiên.

Ông nói: “Nói chuyện với những người đã gặp ông Kim Jong Un rằng dĩ nhiên nghi thức an ninh rất chặt chẽ và cách thức vận hành ở Bắc Triều Tiên, ban chỉ huy phòng vệ chịu trách nhiệm về an ninh cho ông ta, thì họ chỉ xác nhận mọi việc vào phút chót.”

Ông Pinkston và các chuyên gia phân tích khác phỏng đoán rằng các cuộc thương nghị với Nga đã tan vỡ hoặc về nghi thức hoặc vì những yêu cầu phía này tìm cách áp đặt đối với phía kia.

Bắc Triều Tiên vốn có tiền sử là tìm cách đòi những nhượng bộ trước khi đồng ý giao tiếp trong đối thoại quốc tế về việc hạn chế chương trình hạt nhân của họ. Cựu tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak mới đây đã tiết lộ rằng vào năm 2009, ông Kim Jong Il đã đòi 10 tỷ đôla tiền mặt và nửa tấn thực phẩm như một điều kiện tiên quyết để mở cuộc họp thượng đỉnh với miền Nam.

Các chuyên gia phân tích này nói rất có thể Bình Nhưỡng đã bỏ cuộc sau khi Moscow từ chối không cung cấp đầu tư nước ngoài hay kỹ thuật quân sự đáng kể. Hoặc có thể là điều ngược lại. Có thể chính Nga đã đòi Bắc Triều Tiên quá nhiều, phải nhượng bộ để tái tục các cuộc đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân hay tự chế trước các cuộc thử nghiệm phi đạn trong tương lai.

Một tình huống khác có thể là ông Kim Jong Un đã bãi bỏ kế hoạch sau khi ông nhận ra rằng ông sẽ không đóng một vai trò nổi bật trong lễ kỷ niệm ở Moscow. Có thể có sự lo ngại rằng phần tường thuật qua truyền hình được chiếu lại ở Bắc Triều Tiên sẽ làm phương hại đến hình ảnh được tôn sùng của lãnh tụ tối cao như một nhân vật gần như là thần thánh.

Bởi vì sự kiểm soát thông tin chặt chẽ của miền Bắc, ông Pinkston nói phần lớn việc phân tích về những vận hành nội bộ của chính phủ ở Bình Nhưỡng chỉ là phỏng đoán chứ không phải là tường thuật được kiểm chứng.

Ông nói: “Đôi khi ta phải chấp nhận một số giả thuyết và thông cảm về cách thức vận hành chính sự độc tài và kinh nghiệm ở Bắc Triều Tiên, di sản của chế độ gia đình trị họ Kim, bối cảnh cơ chế và tất cả những điều đó.”

Ông Pinkston cho rằng điều quan trọng là chớ nên phỏng đoán quá nhiều về một sự kiện hay quyết định, nhất là trong khi động cơ quyền lực ở bán đảo Triều Tiên đã trở nên bình ổn với thời gian bất chấp thỉnh thoảng xảy ra những vụ bột phát.

VOA


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề