Vì sao Hungary đe dọa rút khỏi Liên minh Châu Âu?

Mới đây Chủ tịch Quốc hội Hungary đã đe dọa sẽ rút khỏi EU nếu EU can thiệp quá sâu vào công việc của Hungary.

Tuyên bố của ông Chủ tịch Quốc hội Hungary Laszlo Kover không phải là một chuyện bốc đồng. Nó là hành động tiếp nối chuỗi những bất đồng âm ỉ bao lâu nay giữa Hungary và Liên minh châu Âu.

Kể từ khi đảng Fidesz của Thủ tướng Viktor Orban lên nắm quyền ở Hungary từ năm 2010, các dấu hiệu rạn nứt giữa Hungary và Liên minh Châu Âu xuất hiện ngày càng nhiều. Đảng Fidesz và cá nhân ông Orban được cho là có đường lối không thân thiện với Brussels, cụ thể là có nhiều chính sách đi ngược lại với đường hướng chung với Liên minh Châu Âu.

8
Chủ tịch Quốc hội Hungary Laszlo Kover (ảnh: mospat.ru)

Những bị chỉ trích nhiều nhất là các chính sách hạn chế các quyền tự do, thắt chặt kiểm soát xã hội dân sự, thậm chí cá nhân ông Orban còn nhiều lần có những tuyên bố ủng hộ các chế độ bị Liên minh Châu Âu xem là thiếu dân chủ, cụ thể là sự ủng hộ công khai của ông Orban với Tổng thống Nga Putin.

Đó là nguồn gốc sâu xa còn nguyên nhân trực tiếp gần đây dẫn đến các bất đồng giữa Budapest với Brussels là dự luật thuế mà Chính phủ Hungary mới đưa ra nhằm đánh thuế người sử dụng Internet.

Phương Tây cho rằng đó là vi phạm các quyền tự do cá nhân nên chỉ trích Hungary. Phía Hungary lại cho rằng Brussels can thiệp quá nhiều vào công việc nội bộ của mình. Chính vì thế mới dẫn đến tuyên bố của ông Kover về việc Hungary có thể rút khỏi Liên minh châu Âu.

Lời đe dọa có thành hiện thực ?

Tuyên bố này thực chất chỉ là một cách phản kháng chứ khả năng thực hiện là không cao. Có rất nhiều nguyên do, mà quan trọng nhất chính là tình hình nội tại của Hungary. Mấy ngày qua, hàng chục nghìn người dân Hungary đã đổ xuống các đường phố ở Thủ đô Budapest và nhiều thành phố khác của Hungary để phản đối “thuế internet” mà Chính phủ của đảng Fidesz dự định áp dụng.

Vấn đề, như nhiều chuyên gia phân tích, không phải ở chuyện tiền mà là ở khía cạnh tự do. Người dân Hungary cảm thấy họ đang bị bóp nghẹt tự do nên biểu tình phản đối Chính phủ. Những cuộc thăm dò dư luận cho thấy người dân và Chính phủ Hungary đang nhìn theo hai hướng khác nhau.

Chính phủ của đảng Fidesz có xu hướng thân Nga, ngả về phía Đông trong khi đa số dân chúng vẫn có thiện cảm với phương Tây và muốn Hungary đi theo mô hình xã hội phương Tây. Những cuộc biểu tình này sẽ tạo sức ép lớn lên Chính phủ Hungary, chưa kể trong nội bộ đảng cầm quyền cũng không phải không có những ý kiến chia rẽ.

Vì thế, rút khỏi Liên minh Châu Âu là chuyện không đơn giản. Ai cũng hiểu rằng đó là một quyết định địa chính trị có tính chất sống còn của quốc gia và không dễ gì có thể muốn thay đổi là thay đổi được ngay.

Đó là chưa kể, về khía cạnh kinh tế, Hungary đang chịu ảnh hưởng rất nhiều từ châu Âu và Mỹ nên rút ra khỏi khối là một bài toán kinh tế cần phải nghiên cứu rất kỹ.

Hungary kẹt giữa Liên minh Châu Âu và Nga

Một khúc mắc lớn giữa Liên minh Châu Âu và Hungary ở thời điểm này là quan hệ với Nga, xuất phát từ vấn đề Ukraine.

Chính phủ cầm quyền hiện nay ở Hungary và cá nhân Thủ tướng Viktor Orban là những người có xu hướng thân Nga, ủng hộ ông Putin. Khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine và sự đối đầu Nga-phương Tây thì Hungary là một trong những nước không muốn mạnh tay trừng phạt Nga.

Hungary có những lý lẽ của riêng mình khi thể hiện quan điểm đó. Họ là một quốc gia tương đối nhỏ nằm kẹt giữa Nga và châu Âu nên một sự đối đầu giữa hai bên sẽ chỉ mang lại thiệt thòi cho Hungary.

Ngoài ra, khi gia nhập Liên minh Châu Âu, bản thân nền kinh tế Hungary cũng không phải không có nhiều thiệt thòi, chẳng hạn như lĩnh vực nông nghiệp trước đây vốn rất mạnh thì gần như bị triệt tiêu.

Vì thế, Hungary đang bị giằng xé giữa hai bên. Tất nhiên, không phải khủng hoảng Ukraine là nguyên nhân của mọi chuyện. Bản thân Chính phủ của ông Orban cũng có rất nhiều chính sách đối nội được cho là rất khác với tinh thần của Liên minh châu Âu.

Bất đồng nội bộ Liên minh Châu Âu

Từ câu chuyện của Hungary, có thể thấy là nội bộ Liên minh Châu Âu vẫn còn có nhiều bất đồng trong việc giải quyết quan hệ với Nga. Và rất khó có thể dự đoán Liên minh Châu Âu sẽ xử lý những bất đồng này theo hướng nào.

Liên minh Châu Âu là một khối có rất nhiều các quốc gia với rất nhiều đặc điểm về chính trị và trình độ phát triển kinh tế khác nhau. Mỗi quốc gia đều có lợi ích riêng mà họ phải theo đuổi và Liên minh Châu Âu cũng chưa thể can thiệp quá mức vào chủ quyền của các nước thành viên. Cuộc khủng hoảng quan hệ với Nga có thể coi là đã tạm qua giai đoạn căng thẳng nhất nhưng sẽ vẫn dai dẳng trong một thời gian dài, vấn đề là bên nào chịu đựng được lâu hơn.

Cả Nga lẫn các nước Liên minh Châu Âu đều phải chịu thiệt hại kinh tế không nhỏ nên chắc chắn sẽ có các giải pháp hòa giải tạm thời được đưa ra. Ở khía cạnh này thì có lẽ nên trông chờ vào chính sách của từng quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu hơn là trông đợi vào một chính sách đối ngoại chung của cả khối bởi lẽ, với những gì đã diễn ra trong thời gian qua, tất cả chúng ta đều thấy là Liên minh Châu Âu yếu ớt như thế nào trong chính sách đối ngoại và quốc phòng chung. Brussels gần như không có tiếng nói quyết định mà phải chờ Berlin và Paris lên tiếng.

Tình trạng này sẽ chưa thể sớm được cải thiện trong thời gian tới khi đội ngũ lãnh đạo mới của Ủy ban châu Âu mới được bầu lên còn chưa thực sự quen việc và nhân vật phụ trách đối ngoại mới của Liên minh Châu Âu là bà Morgherini lại là một nhân vật được cho là không chỉ có tư tưởng thân Nga mà lại còn thiếu kinh nghiệm hoạt động./.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề