Vì sao cần lo về khủng hoảng Hy Lạp?

Các lãnh đạo châu Âu đã có các cuộc đàm phán tiếp theo về cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, nhưng sau nhiều tháng thảo luận ráo riết mà không đi đến đâu, có lẽ người ta nay chỉ còn biết nhún vai.

Hy Lạp chiếm chỉ 2% tổng kinh tế khu vực đồng euro (eurozone), vậy vì sao chúng ta lại phải bận tâm? Dưới đây là năm lý do.

1. Việc ra khỏi eurozone sẽ là thảm họa cho Hy Lạp

Không có gì đảm bảo rằng nền kinh tế Hy Lạp sau khi thoát khỏi các hạn chế, ràng buộc của eurozone sẽ trở nên thịnh vượng.

Ngân hàng Hy Lạp đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm có thể diễn ra sau đó: suy thoái trầm trọng, với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và thu nhập giảm mạnh.

Các khoản tiền tiết kiệm của người dân Hy Lạp sẽ bị mất giá. Hy Lạp sẽ bị gạt ra khỏi các thị trường tín dụng quốc tế, khiến cho khả năng phục hồi nhanh chóng càng trở nên xa vời.

Hy Lạp có lịch sử các cuộc đảo chính và người ta lo rằng việc ra khỏi khu vực đồng euro có thể càng gây suy yếu về mặt chính trị.

Cử tri đã quay sang với đảng Syriza do thất vọng tràn trề về các đảng phái chính trị theo khuynh hướng truyền thống. Nếu Syriza dẫn dắt Hy Lạp ra khỏi eurozone, hoặc đạt được một thỏa thuận khó chấp nhận thì cử tri rất có thể sẽ càng xa lánh các khuynh hướng chính trị chính thống và hướng tới các đảng như Đảng Cộng sản hoặc đảng hữu khuynh Bình minh Vàng (Golden Dawn).

2. Gây hiệu ứng tai hại cho các nước khác

Các nền chính trị ở châu Âu đan xen gắn bó mật thiết với nhau, cho nên khó có chuyện việc Hy Lạp ra khỏi eurozone lại không gây ảnh hưởng tới ít nhất là một trong các nước quan trọng trong khối.

Bước đi của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đang được các đảng theo khuynh hướng thắt lưng buộc bụng khác theo dõi chặt chẽ, chẳng hạn như đảng Podemos ở Tây Ban Nha.

Việc giành thắng lợi trong kỳ bầu cử địa phương hồi tháng Năm rồi tới sự thành công của ông Tsipras sẽ là liều thuốc kích thích để đảng này tiến tới trong kỳ tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

Nếu Đức đồng ý xóa nợ cho Hy Lạp, Thủ tướng Đức Angela Merkel rất có thể sẽ bị cử tri phản ứng, họ vốn đã không hài lòng về việc để Hy Lạp thoát khỏi trách nhiệm trả nợ.

Với các đảng phái bài xích EU, chẳng hạn như Mặt trận Dân tộc ở Pháp, hay Anh Quốc Độc lập ở Anh, thì cuộc khủng hoảng càng củng cố cho lập luận của họ rằng việc thống nhất châu Âu đã tới hồi kết.

Một nhân tố nữa là Hy Lạp, cùng với Italy, đã phải gánh chịu làm sóng dân di cư từ Trung Đông và Bắc Phi sang.

Việc Hy Lạp ra khỏi khối eurozone sẽ làm cho việc hợp tác xử lý vấn đề càng trở nên khó hơn. Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos đã nhắc tới điều này với việc đe dọa sẽ cho châu Âu “ngập lụt” người nhập cư nếu Hy Lạp bị đẩy vào thế vỡ nợ.

3. Hoa Kỳ lo lắng

Trong tín hiệu cho thấy các cuộc đàm phán đã trở nên nghiêm trọng tới mức nào, Tổng thống Obama, người hầu như chỉ đứng bên lề trong suốt cuộc khủng hoảng, đã gây áp lực lên ông Tsipras hồi tuần trước với việc kêu gọi ông hãy có “những lựa chọn chính trị cứng rắn”.

Washington trước đó đã tỏ ý quan ngại về những tác động lên kinh tế toàn cầu trong trường hợp Hy Lạp ra khỏi eurozone, nhưng sự can thiệp của ông Obama cũng có thể phản ánh nỗi lo sợ rằng Hy Lạp sẽ bị đẩy vào vòng tay của Nga.

Việc rời eurozone sẽ buộc Hy Lạp phải tìm kiếm viện trợ từ Nga, nhưng hiện chưa rõ cái giá mà Moscow đưa ra sẽ là gì.

Ông Tsipras đã đe dọa tới sự thống nhất của châu Âu quanh chuyện Nga có hành động tại Ukraine – ông đã kêu gọi hãy chấm dứt lệnh trừng phạt nga.

Hy Lạp cũng là một thành viên Nato, và tổ chức này đã cảnh báo về “những hậu quả” nếu Hy Lạp rời eurozone.

“Nếu Hy Lạp ra khỏi khối, tôi dám đăt cược rằng tại Moscow, điều này sẽ được coi như lời xác nhận học thuyết của Nga theo đó nói Liên hiệp Âu châu đang đi xuống và bắt đầu tan rã,” Wolfgang Ischinger, cựu đại sứ Đức tại Hoa Kỳ nói với Bloomberg.

4. Nếu Hy Lạp ra đi, các nước khác có thể sẽ theo gót

Mối lo lắng then chốt ở đây là nếu như Hy Lạp rời khối thì đó sẽ là sự khởi đầu của hiệu ứng domino không thể cứu vãn.

Có những lý do để người ta tin rằng điều này sẽ không xảy ra – EU đã có các bước đi nhằm khoanh vùng các khó khăn tài chính của một quốc gia thành viên. Nếu như Hy Lạp ra đi, thì đó sẽ là lúc để kinh tế châu Âu phục hồi.

Tuy nhiên, trong bối cảnh không rõ ràng là điều gì sẽ xảy ra sau khi Hy Lạp ra đi, như nhận định của Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Jack Lew, thì đó có thể là một “sai lầm” nếu cho rằng việc đó sẽ không lây lan ra nước khác. Các nước như Ireland và Bồ Đào Nha, trước đó từng nhận các khoản tiền cứu trợ, có thể sẽ bị rơi lại vào khủng hoảng.

Việc Hy Lạp ra khỏi khối sẽ làm thay đổi cách nhìn về việc sử dụng một đồng tiền tệ chung.

Ủy hội EU đã từng mô tả việc trở thành thành viên khối dùng đồng euro là “không thể xóa bỏ được”, nhưng việc Hy Lạp ra đi có nghĩa rằng điều đó không còn đúng nữa.

Louka Katseli, chủ tịch ngân hàng National Bank of Greece nói điều đó sẽ bật đèn xanh để các thị trường tấn công vào các thành viên yếu trong khối.

5. Kinh tế toàn cầu sẽ không yên ổn

Hy Lạp chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong nền kinh tế thế giới.

Thế nhưng vai trò của Hy Lạp trong một trong các loại tiền tệ lớn trên thế giới khiến cho việc nước này rút ra không phải chỉ là chuyện rũ bỏ xong mọi thứ.

Các thị trường chứng khoán đã trồi sụt mỗi khi có những tin đồn đoán về việc có thỏa thuận nào đó đạt được hay không, và nhiều khả năng sẽ hỗn loạn hơn nữa nếu Hy Lạp rời khối.

Các chủ nợ của Hy Lạp như Ngân hàng Trung ương Âu châu và các nước châu Âu khác cũng sẽ đối diện với các khoản thua lỗ ngay lập tức.

Ngay cả khi Hy Lạp đạt được thỏa thuận thì vấn đề vẫn không thể giải quyết được ngay. Các lời chỉ trích về việc sử dụng đồng tiên chung cũng không phải sẽ được giải đáp toàn bộ. Chuyện tiếp tục bất ổn là điều không tránh khỏi.

“Cuộc hôn nhân có thể kéo dài,” một tạp chí kinh tế nói, “nhưng thậm chí còn bất hạnh hơn trước.”

BBC tiếng Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề