Vì sao các tập đoàn Trung Quốc lũ lượt rời bỏ quê hương

Theo quan niệm và truyền thống của các nước Á Đông, Tết là dịp để đoàn tụ sum vầy sau một khoảng thời gian dài xa cách, nhưng có vẻ như điều đó lại không đúng với một phần lớn các doanh nghiệp và tập đoàn Trung Quốc khi họ đang chạy đôn chạy đáo tìm một bến đỗ mới ở nước ngoài cho toàn bộ hoặc một phần cỗ máy sản xuất và kinh doanh của mình.

Những ngày cuối cùng của năm 2014 và chỉ còn chưa đầy hai tháng là năm mới theo Âm lịch của người Đông Á đang là những ngày bận rộn chưa từng thấy của cả nước Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc thì đang chuẩn bị cho cuộc tổng kiểm toán quy mô lượng nợ công của các địa phương để tránh nguy cơ vỡ nợ trong năm tới, còn các doanh nghiệp thì cũng không nhàn hạ hơn khi đang phải đau đầu tìm một bến đỗ mới cho công ty của mình ở nước ngoài, khi mà nền kinh tế quốc nội được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2015.

Đúng như dự báo, những hệ lụy được tích lũy qua ba thập kỷ phát triển quá nóng với tốc độ tăng trưởng luôn ở mức hai con số của nền kinh tế Trung Quốc giờ đã bắt đầu bộc lộ. Cỗ máy kinh tế Trung Quốc vốn đã quen chạy ở tốc độ cao giờ đây buộc phải chạy chậm lại đã ngay lập tức phát sinh vấn đề.

Chính sách nội địa hóa phần lớn các sản phẩm công nghiệp nặng và một phần công nghiệp nhẹ của Bắc Kinh đã phát huy tốt vai trò trong ba thập kỷ qua, nhưng khi kinh tế phát triển chậm lại thì điều này đồng nghĩa với việc chính sách này đang thực sự gặp trục trặc.

Ngành công nghiệp sắt thép đang là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Quá trình đô thị hóa và xây dựng như vũ bão trong ba thập kỷ qua đã dẫn đến việc xuất hiện nhiều nhà cung cấp sắt thép quy mô lớn, sản lượng thép mà Trung Quốc sản xuất ra trong năm 2014 ước tính khoảng 750 triệu tấn thép, một con số khổng lồ.

Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế chậm lại, nhu cầu xây dựng giảm và nhất là thị trường nhà ở đang ế ẩm thì rõ ràng nhu cầu thép của kinh tế Trung Quốc trong năm 2015 sẽ giảm đi một phần lớn. Khá nhiều các tập đoàn và hãng sắt thép Trung Quốc đang tính bài chuyển một phần khả năng sản xuất ra nước ngoài để tìm kiếm lợi nhuận ở quốc tế thay vì phải chấp nhận giảm quy mô sản xuất ở trong nước.

Nhưng, đó cũng không phải là điều dễ dàng. Trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng đang ảm đạm thì với quy mô cỡ bự của mình cũng sẽ rất khó để các doanh nghiệp Trung Quốc kiếm lời ở nước ngoài.
Theo ước tính, chỉ riêng việc tập đoàn thép Hebei di chuyển khoảng 11% khả năng sản xuất của nó sang Nam Phi, xấp xỉ khoảng 5 triệu tấn thép, cũng đã tương đương với 2/3 sản lượng của nước này và chiếm 1/3 của cả lục địa Châu Phi. Khó có thể tin Châu Phi lại thiếu thép đến mức có thể tiêu thụ lượng thép khổng lồ mà tập đoàn Trung Quốc sản xuất ở châu lục này.

Tình hình của tập đoàn thép Hebei cũng là tình trạng chung của các tập đoàn cỡ bự của Trung Quốc. Quy mô quá lớn của các tập đoàn này khiến chúng rất khó có điều kiện sinh lời ở nước ngoài, nhất là khi kinh tế thế giới vẫn ảm đạm. Giới phân tích cho rằng, việc chuyển một phần khả năng sản xuất ra nước ngoài chỉ là giải pháp tạm thời tháo gỡ tình huống, về lâu dài các tập đoàn Trung Quốc sẽ buộc phải tiết giảm quy mô của mình để thích ứng với nền kinh tế Trung Quốc đang chạy chậm lại.

Như vậy, họ sẽ phải cắt giảm công nhân và chi phí sản xuất. Điều này cũng có nghĩa một lượng lớn người Trung Quốc sẽ lâm vào cảnh thất nghiệp khi kinh tế nước này chậm lại trong tương lai, và chính phủ sẽ phải chi nhiều hơn cho các khoản hỗ trợ an sinh và tạo công ăn việc làm mới.

Một lý do quan trọng khác khiến nhiều tập đoàn Trung Quốc phải tha hương cầu thực, là vì nằm trong diện gây tác hại đến môi trường hàng đầu ở trong nước. Theo đó, mức độ ô nhiễm ở một số địa phương của Trung Quốc đã đến mức không thể chịu đựng nổi. Tỉnh Hà Bắc, vốn là nơi tập trung các nhà máy sản xuất thép, xi măng, thủy tinh đang là tỉnh ô nhiễm nhất Trung Quốc và chính quyền tỉnh này buộc phải tìm cách tống khứ bớt các nhà máy gây ô nhiễm dù các nhà máy này đang tạo công ăn việc làm cho một lượng lớn dân địa phương.

Trong tương lai, chính phủ Trung Quốc cũng sẽ phải chi những khoản tiền lớn để cải thiện tình trạng môi trường đang ngày càng xuống cấp, đồng nghĩa với thắt chặt các quy định về môi trường của các doanh nghiệp sản xuất, gián tiếp đẩy giá thành của hàng hóa Trung Quốc lên cao. Có lẽ đã sắp đến lúc mà tình trạng hàng hóa giá rẻ của nước này tràn ngập thế giới đi đến hồi kết.

Nguồn: Một Thế giới


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề