Venezuela, một đất nước chìm trong tuyệt vọng
Liệu tình trạng tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc khiến Bắc Kinh phải thận trọng hơn trong việc cho các nước đang phát triển vay, sẽ là phát súng ân huệ cho Venezuela ? Theo báo Le Monde, hiện chưa đến nông nỗi ấy, nhưng nguy cơ mất khả năng chi trả đang tăng lên.

Năm 2015, Caracas không thể trả nợ quốc tế nếu không có sự giúp đỡ của Bắc Kinh. Đến năm 2016, Venezuela sẽ phải thanh toán số nợ 10 tỉ đô la, trong khi giá dầu lao dốc mạnh khiến nước này mất đi phân nửa nguồn thu và ngoại tệ.

Thu nhập từ dầu lửa sụt giảm mạnh chỉ còn 42,5 tỉ đô la trong năm nay, so với năm 2014 là 74 tỉ đô la – theo số liệu của Oxford Economics. Quá trình trượt dài vẫn chưa chấm dứt này càng làm tăng thêm những khó khăn muôn thuở mà Caracas đang phải chiến đấu. Những con số tự nó nói lên điều đó: suy thoái ở mức 7%, tỉ lệ lạm phát hàng đầu thế giới (khoảng 100%), thâm hụt ngân sách khổng lồ, dự trữ ngoại hối thấp nhất trong lịch sử (16,9 tỉ đô la vào giữa tháng Chín), tương đương với khoản chi trả cho hàng nhập khẩu trong vòng một tháng rưỡi.

Bức tranh chưa thể hoàn chỉnh nếu chưa tính đến việc đồng tiền mất giá, và sự hiện diện của ba hối suất khác nhau (1 đô la đổi 6 đồng hay 15 đồng bolivar theo tỉ giá chính thức, còn ngoài chợ đen 1 đô la đổi được đến 700 đồng bolivar). Tình hình trầm trọng cho đến nỗi một số dữ liệu thống kê nay không còn được công bố. « Venezuela lẽ ra đã phải phá sản » – nhà kinh tế Juan Carlos Diaz Mendoza của ngân hàng Société Générale nhận định.

Các cửa hàng trống rỗng

Nạn khan hiếm các loại hàng nhu yếu phẩm (sữa, bơ, bánh mì…) cũng như thuốc chữa bệnh đang tăng lên, trong một đất nước dù sao cũng là nước sản xuất dầu lửa đứng thứ 12 thế giới, đứng thứ 9 về xuất khẩu dầu và có trữ lượng dầu lửa được xác định lớn nhất toàn cầu. Một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra.

Mỗi ngày, người dân Venezuela phải xếp hàng trước các cửa hàng hầu như trống rỗng. Hãng tin Bloomberg cho biết hôm 31/07/2015, một người đàn ông đã bị giết chết và vài chục người khác bị bắt tại thành phố San Felix, sau khi các khách hàng phẫn nộ đã cướp phá các cửa hàng thực phẩm và tấn công các xe của Nhà nước.

Một phần khu vực biên giới với Colombia đã bị đóng cửa để tránh tình trạng người dân Venezuela chi xài tiền – khi nào họ có – để mua những mặt hàng không tìm thấy được ở nước mình, hoặc lợi dụng để buôn bán chợ đen.

Vào mùa xuân năm 2014, người kế nhiệm chức Tổng thống của ông Hugo Chavez là Nicolas Maduro chừng như đã sẵn sàng nghe theo những khuyến cáo của Bộ trưởng Dầu lửa, Rafael Ramirez, dự kiến một liều thuốc rất mạnh để chặn nạn lạm phát, đưa nền kinh tế trở lại con đường tăng trưởng. Đó là giảm các món trợ cấp, giảm chi tiêu công, thống nhất các hối suất và tập trung dự trữ ngoại hối…

Nhưng ông Maduro nhanh chóng từ bỏ dự án « giai đoạn kinh tế mới » này, chọn lựa một chính sách bất động về kinh tế, cộng thêm sự cứng rắn hơn về mặt chính trị, mà chính phủ ông khó có khả năng chiến thắng trong kỳ bầu cử Quốc hội ngày 06/12 tới. Một cuộc bầu cử mà lần đầu tiên kể từ đầu những năm tháng Chavez, năm 1998, phe đối lập có được ưu thế – theo nhiều cuộc thăm dò ý kiến.

Theo RFI tiếng Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề