Vay nợ, in tiền và liều thuốc đắng cho nước Mỹ

Việc người Mỹ vay mượn và chi tiêu vượt giới hạn phần nào lý giải những rắc rối kinh tế quá lớn mà nước này đang phải đối mặt.

Nhiều thập kỷ qua, các doanh nghiệp và người tiêu dùng nước này đã hưởng thụ những bữa tiệc mua sắm không nghỉ, như thể sức nặng, con số và tính khắc nghiệt của những khoản nợ chỉ là con số 0 nhờ những loại dịch vụ tài chính “kỳ diệu”.

Tiền ở đâu ra?

Được trang bị bởi thẻ tín dụng và niềm tin vào một tương lai tươi sáng, người Mỹ đã chẳng mảy may bận tâm gì khi tha về nhà hằng hà sa số những sản phẩm xa xỉ như iPod hay những chiếc áo lụa cashmere. Họ chẳng bao giờ để ý tới thu nhập của họ đang suy giảm, hay số tiền tiết kiệm đang teo lại.

Các ngân hàng cũng vung tay cấp cho người mua nhà những khoản tiền lớn mà chẳng cần bận tâm nhiều tới khả năng trả nợ, vì cho rằng giá nhà chỉ có thể đi lên! Chính phủ Mỹ cũng tiêu hoang không kém, vì đinh ninh rằng, trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ chẳng bao giờ thiếu khách mua.

Và cuộc khủng hoảng này chính là lúc mà cả nước Mỹ phải thức tỉnh – người tiêu dùng cạn túi, Chính phủ thâm hụt ngân sách, các ngân hàng tê liệt. Thực tế này khiến nhiều nhà kinh tế học đi tới kết luận rằng, liều thuốc hợp lý nhất cho kinh tế Mỹ cũng chính là quy trình đã dẫn tới kết cục hiện nay đối với quốc gia này: chi tiền không giới hạn.

Điều này có nghĩa là nước Mỹ phải in tiền, bơm tiền với khối lượng khổng lồ vào nền kinh tế, nhưng cũng đồng thời canh cánh lo về hậu quả của việc làm này trong tương lai. Nếu không làm vậy, tỷ lệ thất nghiệp tăng và số vụ doanh nghiệp vỡ nợ leo thang có thể khiến kinh tế Mỹ què quặt trong nhiều năm tới.

Lý thuyết này đang là nỗi ám ảnh của nhiều người, đặc biệt vào những thời khắc khi Tổng thống đắc cử Barack Obama của Mỹ công bố kế hoạch chi hơn 700 tỷ USD vào những dự án như xây dựng cầu đường và trường học để tạo việc làm cho người dân. Đây cũng là lý thuyết đứng phía sau quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa lãi suất cơ bản đồng USD về khoảng 0 – 0,25%, đồng nghĩa với việc các ngân hàng có thể vay tiền gần như miẽn phí, và trực tiếp cho các tổ chức tài chính vay tiền, thay vì chỉ dành đặc ân này cho các ngân hàng thương mại như trước kia. Đó cũng là cơ sở để Bộ Tài chính Mỹ cam kết tổng số tiền hiện đã lên tới 950 tỷ USD dành cho ngành tài chính, ngành công nghiệp xe hơi, và một số đối tượng khác.

Tuy nhiên, liệu đã có ai đặt câu hỏi số tiền này sẽ lấy ở đâu ra? Và liệu một quốc gia đã khốn đốn vì vay nợ và chi tiêu thái quá có thể trở lại với trạng thái an toàn cũng bằng con đường vay nợ và chi tiêu trên quy mô lớn?

Với FED, tiền sẽ đến từ… các nhà máy in tiền, vì FED là ngân hàng Trung ương của Mỹ và có quyền in tiền. Từ cuối tháng 8/2007 tới nay, bảng cân đối kế toán của FED đã phình ra từ mức 900 tỷ USD lên mức 2.200 tỷ USD. Điều này có nghĩa là FED đã in thêm 1.300 tỷ USD để bù đắp phần nào số tiền nhiều ngàn tỷ USD đã “biến mất” trong nền kinh tế Mỹ do giá nhà và giá chứng khoán lao dốc. FED tiếp nhận nhiều tài sản xấu của các ngân hàng để làm vật thế chấp và cấp vốn cho họ.

Với Bộ Tài chính Mỹ, tiền đến từ chính “nguồn mật” trái phiếu kho bạc mà nước Mỹ đã quen dùng trong nhiều thập kỷ qua. Các nhà đầu tư ở Mỹ và khắp thế giới, đặc biệt là các ngân hàng trung ương ở Trung Quốc, Nhật Bản và Trung Đông, đã tích trữ một lượng lớn loại tài sản được coi là siêu an toàn này. Người Mỹ đã quen với việc coi “giếng mật” này là vô tận, thậm chí cả khi không ít người lo ngại rằng, cái giếng này sẽ có ngày cạn khô, gây những hậu quả khó lường.

Lượng dư nợ trái phiếu kho bạc Mỹ ở thời điểm hiện tại đã đạt mức 10.600 tỷ USD và chắc chắn sẽ còn tăng trong thời gian tới do Chính phủ Mỹ sẽ còn chi thêm nhiều tiền để xây dựng đường xá, hỗ trợ các hãng xe hơi và ngăn chặn sự đổ vỡ của các tập đoàn tài chính địa ốc nằm dưới sự bảo trợ của Chính phủ. Những lo ngại lúc này tập trung vào nguy cơ các nhà đầu tư nước ngoài trở nên nghi ngờ khả năng trả một lượng nợ khổng lồ như vậy của nước Mỹ. Do đó, họ có thể ngừng, hoặc ít nhất là giảm việc đổ tiền vào mua nợ của nước Mỹ.

Nếu điều đó xảy ra, đồng USD có thể sụt giá mạnh, khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng và các doanh nghiệp Mỹ. Mặt khác, Bộ Tài chính Mỹ sẽ buộc phải trả mức lợi nhuận trái phiếu cao hơn để thu hút người mua, đẩy lãi suất cho vay mua nhà và mua xe, cho vay doanh nghiệp và thẻ tín dụng ở nước này tăng cao.

Thuốc đắng, vẫn phải uống

“Một phần lớn lý do khiến nước Mỹ gặp rắc rối như hiện nay là việc vay nợ quá nhiều”, ông Martin Baily, nguyên Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế thời Tổng thống Bill Clinton, và hiện là một thành viên tại viện nghiên cứu Brookings của Mỹ, nhận xét.

Ông nói thêm: “Bây giờ thì nước Mỹ tin rằng cần phải vay thêm tiền để giải quyết vấn đề. Điều này giống như một người say rượu nói rằng: “Cho tôi thêm chai nữa, tôi sẽ không sao đâu. Uống hết chai này là tôi thôi luôn”. Rốt cục, nước Mỹ phải chấm dứt tình trạng vay mượn này”.

Một số người cho rằng, việc nhận thức được sai lầm của nước Mỹ vào lúc này đã là quá muộn, và nếu nước Mỹ còn tiếp tục sai lầm nữa, cái giá cuối cùng mà họ phải trả sẽ là rất đắt. “Chính phủ của chúng ta không có đủ tiền mặt để giải cứu một quầy bán nước chanh”, ông Peter Schiff, Chủ tịch công ty môi giới Euro Pacific Capital ở bang Connecticut, nhận xét. “Mức sống của người Mỹ cần phải giảm xuống để phán ánh đúng thời kỳ nhiều năm mà họ đã chi tiêu xa xỉ, cũng như sự yếu kém của hệ thống công nghiệp Mỹ so với một số quốc gia khác. Chỉ bằng cách uống liều thuốc đắng này, kinh tế Mỹ mới có thể hồi phục được”.

Tuy nhiên, phần lớn các nhà kinh tế học cho rằng, cách lập luận như vậy là quá cực đoan, chẳng khác gì bắt một người béo phì phải ăn kiêng ngặt nghèo để có được sức khỏe dài hạn ngay giữa lúc anh ta có nguy cơ nhiễm phải một căn bệnh chết người. Nhìn chung, quan điểm của đa số các nhà kinh tế, đây không phải là lúc nên “kiêng khem” thái quá.

Từ thời Đại suy thoái tới nay, “đơn thuốc” thường được sử dụng cho những giai đoạn kinh tế khó khăn vẫn là sự can thiệp của Chính phủ nhằm tạo ra nhu cầu trong nền kinh tế bằng cách bơm tiền vào hệ thống, phát triển việc làm và các cơ hội kinh doanh. Việc vay mượn tiền để thực hiện việc can thiệp này rõ ràng không phải là lý tưởng, vì có thể ra những áp lực trong dài hạn. Nhưng những rủi ro trước mắt nếu không dùng tiền để can thiệp có thể sẽ là rất lớn.

“Đây là một tình huống nguy hiểm”, ông Baily nhận xét. Chuyên gia này lập luận rằng: “Một người say rượu cần phải được uống thêm một chút rượu nữa, nếu không anh ta có thể nổi điên và đốt nhà hàng xóm! Khả năng tình hình có thể xấu đi thêm và nước Mỹ rơi vào một thời kỳ suy thoái thực sự nghiêm trọng là rất cao. Do đó, chúng ta cần đổ thêm tiền vào nền kinh tế để khắc phục tình hình”.

Nhà kinh tế Brad Setser thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ thì cho rằng, nếu Chính phủ Mỹ lo chuyện hạn chế chi tiêu nhiều hơn nguy cơ đổ vỡ của hai tập đoàn tài chính địa ốc Fannie Mae và Freddie Mac, có thể đã dẫn tới một kịch bản xấu khiến những nhà đầu tư nắm giữ lượng lớn trái phiếu Chính phủ Mỹ hoảng sợ.

Trung Quốc đã mua rất nhiều trái phiếu do Fannie và Freddie phát hành với niềm tin rằng, các trái phiếu này được Chính phủ Mỹ bảo đảm. Ông Setser cho rằng, nếu Chính phủ Mỹ không cứu Fannie và Freddie, đó sẽ bị xem là nước Mỹ “trốn nợ” Trung Quốc. Mà như thế, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ dùng dự trữ ngoại hối khổng lồ của họ để đầu tư vào những khoản khác, thay vì vào trái phiếu của Mỹ.

Một lo ngại được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây là việc FED bơm quá nhiều tiền cho các vụ giải cứu có thể dẫn tới sự hình thành của một chu kỳ lạm phát mới. Do đó, một khi tăng trưởng trở lại với kinh tế Mỹ, FED sẽ phải áp dụng quy trình ngược lại với những gì họ đang làm hiện nay, nghĩa là tăng lãi suất USD, trả lại tài sản thế chấp của các ngân hàng và thu tiền về.

Tuy nhiên, việc xác định đúng thời điểm để thực hiện sự đảo chiều chính sách đó có lẽ mang tính nghệ thuật nhiều hơn là khoa học. Có thể, FED sẽ hành động quá sớm và kinh tế Mỹ lại rơi vào khó khăn. Cũng có thể, FED sẽ hành động quá muộn và nguy cơ lạm phát leo thang về sau này là rất lớn.

Tuy nhiên, theo quan điểm của nhiều nhà kinh tế, đó chưa phải là vấn đề phải lo lúc này. Các nhà hoạch định chính Mỹ hiện sách đang tập trung giải quyết vấn đề ngược lại với lạm phát, tức là vấn đề giảm phát – một vấn đề nan giải mà nước Nhật đã phải đối mặt trong thập niên 1990.

Bởi thế, các nhà kinh tế cho rằng, với tình hình này, giải pháp mà nước Mỹ phải áp dụng lúc này vẫn chỉ là con đường vay nợ và in tiền để kích thích kinh tế.

(Theo New York Times)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Có 1 phản hồi cho bài viết “Vay nợ, in tiền và liều thuốc đắng cho nước Mỹ”:

  1. Cao Nam viết:

    Có thể thấy, những năm 90 của thế kỷ 20 trở lại đây, các doanh nghiệp Mỹ, hay chính xác hơn là nước Mỹ làm giàu các các biện pháp tài chính; làm giàu bằng đầu tư sản xuất ở nước ngoài. Tuy nhiên, việc này có đem lại một số lợi ích nhưng để lại hậu quả không nhỏ, cụ thể: i) sức mạnh quốc gia yếu do không có nền sản xuất mang tính kết cấu cứng trong nước; ii) dễ bị ảnh hưởng từ nước ngoài; iii) vô tình tạo ra đối thủ to lớn về chính trị, kinh tế và quân sự vì chỉ tập trung đầu tư sản vào Trung Quốc – một quốc gia mang sẵn tư tưởng tham vọng bá quyền và muốn thống trị dân tộc khác; iv) không tạo ra thế hệ công nhân lành nghề và chuyên nghiệp trong nước và là yếu tố gây thất nghiệp, bất ổn xã hội. Hy vọng, Mỹ có chính sách, công cụ phù hợp để điều chỉnh, tránh tình trạng đầu tư tập trung chỉ vào Trung Quốc. Đây cũng là một tác nhân tạo ra sự hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông và các vùng lân cận khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề