Vấn nạn cướp biển ở Đông Nam Á: Nỗi lo không của riêng ai

Sự kiện tàu chở hàng VP ASPHALT 2 của Việt Nam bị cướp hôm 7/12, khiến một thuyền viên thiệt mạng, xảy ra rất gần với vị trí tàu Sunrise 689 bị đánh cướp hồi tháng 10 vừa qua đã một lần nữa dóng lên hồi chuông báo động về tình trạng cướp biển ngày càng lộng hành trong khu vực Đông Nam Á và gây tâm lý đáng ngại cho mọi tàu thuyền có hành trình qua đây.

Những con số biết nói

Theo thống kê mới nhất của trung tâm chia sẻ thông tin Thỏa thuận hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp tàu có vũ trang ở châu Á (ReCAAP) đặt tại Singapore, vấn nạn cướp biển trong khu vực một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của khu vực.

Tính từ đầu năm đến tháng 11/2014, tổng cộng đã có 169 vụ tấn công và âm mưu cướp tàu được ghi nhận trong khu vực, phần lớn xảy ra ở Indonesia, Biển Đông, eo biển Malacca và eo biển Singapore.

Con số nói trên đã vượt qua mốc kỉ lục 167 vụ trong năm 2010 để biến 2014 trở thành năm xảy ra nhiều vụ cướp biển và âm mưu cướp tàu nhất được ghi nhận kể từ khi ReCAAP bắt đầu thực hiện thống kê vào năm 2006.

Theo ReCAAP, các nhóm cướp biển trong khu vực giờ đây không chỉ tăng cường hoạt động, mà còn trở nên táo tợn và bao lực hơn. Theo mức độ phân cấp, từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 12 vụ thuộc loại 1 (gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản), vượt mức kỉ lục 8 vụ của năm 2011. Ở loại 3 (cướp vặt hoặc gây hậu quả tối thiểu), cũng xảy ra 71 vụ, chỉ kém chút ít so với mức kỷ lục 73 vụ của năm 2013.

Và tình trạng bạo lực leo thang tại vùng biển trong khu vực một lần nữa ở mức nghiêm trọng sau cái chết của thuyền viên Trần Đức Đạt trong vụ cướp tàu hàng VP ASPHALT 2 của Công ty Cổ phần Vận tải Hóa dầu VP khi cách bờ biển Singapore khoảng 70 hải lý rạng sáng 7/12 vừa qua.

Nguyên nhân gây tử vong của thuyền viên này được xác định là do bị đạn bắn vào trán phải. Anh Đạt đã qua đời cùng ngày tại Bệnh viện Tan Hock Seng của Singapore sau khi được đưa về đây cấp cứu.

Ông Đặng Minh Thao, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Hóa dầu VP, cho rằng việc tàu VP ASPHALT 2 bị cướp một lần nữa cho thấy cướp biển giờ đây không chỉ thực hiện những vụ việc có quy mô lớn như trước mà còn sẵn sàng làm “những việc hết sức vặt vãnh như với tàu chúng tôi vừa rồi,” khi không cướp được hàng trên tàu thì cướp đồ của thuyền viên.

Khi bị cướp, tàu VP ASPHALT 2 chở 2.300 tấn nhựa đường lỏng, với thủy thủ đoàn gồm 16 người, đang trên hành trình trả hàng từ Singapore về Việt Nam.

Khi nỗ lực đơn lẻ là không đủ

Thuyền trưởng tàu VP ASPHALT 2, ông Hà Huy Toàn cho biết radar trên tàu trong thực tế rất khó phát hiện tàu cướp biển bởi đa phần chúng đều sử dụng xuồng cao tốc được chế tạo bằng vật liệu composite khiến radar khó phát hiện để tiếp cận.

Bên cạnh đó, với những tàu loại nhỏ, chẳng hạn như VP ASPHALT 2 có mức nước 4,6m và mạn khô 2,41m, thì việc cướp biển tiếp cận tàu là rất dễ dàng.

Biện pháp đảm bảo an ninh tốt nhất có thể triển khai trên tàu chỉ là đóng chặt và chốt trong mọi cửa an ninh, triển khai dòng cứu hỏa quanh tàu, cũng như tăng cường cảnh giới bằng ống nhòm. Tuy nhiên, ông Toàn thừa nhận không có biện pháp gì để chắc chắn 100% cướp biển không thể tiếp cận và đột nhập tàu.

Theo ông Toàn, tuyến hành trình mà tàu VP ASPHALT 2 đi qua là rất phức tạp. Kể từ sau vụ Sunrise 689, an ninh đã được phía Singapore thắt chặt. Nhiều tàu hải quân và tàu tuần tiễu được triển khai từ khu vực Hải đăng Horsburgh đến vùng biển Indonesia.

Mặc dù vậy, việc các nhóm cướp biển trong khu vực liên tục thay đổi vị trí và hành động khó lường khiến nỗ lực của riêng Singapore dường như là chưa đủ để ngăn chặn hoặc răn đe bọn cướp biển. Trên thực tế, vị trí nơi tàu VP ASPHALT 2 bị tấn công là khá gần một hòn đảo của Malaysia.

Vụ tàu hàng Việt Nam bị cướp đòi hỏi nỗ lực chung lớn hơn của các nước khu vực. Trước đó, nhằm đối phó với vấn nạn cướp biển, nhiều nước đã tham gia tuần tra chung tại những tuyến đường biển đông tàu qua lại và triển khai nhân viên tại trung tâm giám sát chống cướp biển đa quốc gia đặt tại Căn cứ hải quân Changi của Singapore.

Tuy nhiên, theo Jane Chan – chuyên gia về an ninh hàng hải thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), vấn đề nằm ở chỗ liệu các nước liên quan có sẵn sàng mở rộng hoạt động tuần tra ra những khu vực khác hay không.

Bà Chan nói: “Các nước ven biển cần phải quyết định liệu họ có nên mở rộng tuần tra và hành động không chỉ ở vùng biển của mình mà còn trên cả Biển Đông hay không, khi mà ngày càng nhiều tàu thuyền đang trở thành đối tượng của nạn cướp biển tại đây.”

Mặc dù vậy, theo bà, tình hình cướp biển nhìn chung có thể không quá xấu như ấn tượng hiện nay. Điểm sáng lớn nhất chính là nhận thức của các chủ tàu đang tốt hơn khi ngày càng nhiều người trình báo những vụ cướp nhằm vào tàu của họ./.

Theo TTXVN.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề