Vẫn chuyện nhập siêu từ Trung Quốc

Đầu tuần này, câu chuyện chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu với Trung Quốc lại được đại biểu Quốc hội đặt ra khi thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội năm 2014 và những tháng đầu năm 2015.

Bài viết này góp thêm một số ý kiến.

Phụ thuộc đương nhiên, sản xuất nhiều cũng như không

Trong quan hệ thương mại giữa hai nước, Việt Nam luôn nhập siêu từ Trung Quốc suốt từ năm 2001 đến nay và ngày càng lớn. Năm 2001 nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc chỉ là 189 triệu đô la Mỹ, đến năm 2013 nhập siêu đã xấp xỉ 24 tỉ đô la Mỹ.

Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc gần 60% nguyên vật liệu cho sản xuất, hơn 30% cho máy móc thiết bị, khoảng 10% cho tiêu dùng cuối cùng.

Với nền kinh tế cơ bản là gia công mà các chính sách vẫn hướng vào công nghiệp thì việc phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào và máy móc thiết bị là không thể tránh khỏi. Phát triển công nghiệp phụ trợ dường như vẫn chỉ là khẩu hiệu, hầu như chưa có một chính sách nào cụ thể thực sự khuyến khích cho vấn đề này.

Nhiều ý kiến đầy cảm xúc cho rằng cần tránh lệ thuộc vào Trung Quốc, nhưng với cấu trúc và định hướng kinh tế như hiện nay, nếu không nhập khẩu từ Trung Quốc thì cũng phải nhập từ một nước khác nếu muốn sản xuất.

Tại sao lại nhập khẩu từ Trung Quốc? Cơ bản có hai lý do: một là do giá rẻ; hai là do chi phí vận chuyển thấp do khoảng cách địa lý gần.

Đầu ra của những sản phẩm được sản xuất bởi đầu vào nhập từ Trung Quốc có thể được bán trong nước hoặc xuất khẩu.

Nếu những sản phẩm này được bán trong nước, các doanh nghiệp có thể có lợi nhuận và góp phần làm giá thành sản xuất thấp do giá đầu vào thấp, điều này cùng với nhập khẩu trực tiếp cho tiêu dùng góp phần làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hạ nhiệt trong những năm qua.

Nhưng khi người tiêu dùng trong nước mua những sản phẩm này thì thực chất cũng là sử dụng hàng nhập khẩu trá hình do giá trị của phía Việt Nam trong sản phẩm chỉ là giá trị gia công

Nếu những sản phẩm này được xuất khẩu thì phía Việt Nam cũng đóng góp vào chuỗi giá trị của sản phẩm rất ít (chỉ là phần gia công) và bản chất xuất khẩu những sản phẩm này cũng là xuất khẩu hộ Trung Quốc (hoặc nước khác).

Giả thuyết từ con số chênh lệch 20 tỉ đô la Mỹ

Sự khác nhau giữa xuất khẩu một nước A đến một nước B trên thực tế xảy ra ở hầu hết các nước có quan hệ thương mại với nhau. Trong cả giai đoạn 2001-2012, số liệu về cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn rất khác nhau. Sự chênh lệch này chủ yếu do số liệu của Trung Quốc công bố cao hơn của Việt Nam. Cao nhất là hai năm 2010 (3,6 tỉ đô la Mỹ) và năm 2011 (4,7 tỉ đô la Mỹ).

Nếu năm 2014 chênh lệch giữa báo cáo của Trung Quốc và Việt Nam lên đến 20 tỉ đô la Mỹ thì đây là một hiện tượng đột biến cần được lý giải.

Về nguyên tắc thì cả xuất, nhập khẩu của Trung Quốc và Việt Nam đều đã bao gồm cả xuất nhập khẩu chính ngạch và tiểu ngạch. Cơ quan thống kê Việt Nam cũng như Trung Quốc đều thu thập số liệu chính thức từ cơ quan hải quan. Riêng phía Việt Nam trước khi công bố số liệu ước tính, số liệu sơ bộ hay số chính thức đều có thống nhất giữa Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan, Ngân hàng Nhà nước…

Việc chênh lệch số liệu này không chỉ do xuất, nhập lậu mà còn do giá trị xuất khẩu hoặc nhập khẩu bị bóp méo vì một lý do “gì đó”.

Chẳng hạn đối với máy móc thiết bị đặc chủng, không có sự so sánh về giá trên thị trường. Bộ Tài chính rất khó áp giá nhập khẩu những loại này, trong trường hợp đó cơ quan hải quan thường dựa vào hợp đồng thương mại và tờ khai của doanh nghiệp. Điều này có thể dẫn đến việc doanh nghiệp khai thấp giá trị hàng nhập khẩu chăng?

Nếu số liệu của Trung Quốc là đúng thì tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ không thể như số đã công bố và ngược lại.

Tranh luận quanh các con số

Đại biểu Quốc hội Mai Hữu Tín (Bình Dương): Do xuất lậu, nhập lậu

Việc mất cân đối rất lớn trong giao dịch thương mại với Trung Quốc chúng ta đã nói nhiều, bàn nhiều, nhưng chưa có một giải pháp hữu hiệu thật sự.

Nhưng vấn đề lớn hơn, nguy hiểm hơn đối với nền kinh tế Việt Nam không chỉ ở mức thâm hụt thương mại mà còn là chênh lệch về số liệu xuất nhập khẩu giữa tổng cục thống kê hai nước. Chênh lệch này cho thấy khuynh hướng ngày càng bất lợi cho phía Việt Nam.

Lấy ví dụ riêng với số liệu năm 2014, theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc thì Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam 19,9 tỉ đô la Mỹ, cao hơn trên 30% so với con số của Tổng cục Thống kê Việt Nam. Về xuất khẩu, Trung Quốc xuất vào Việt Nam 63,7 tỉ đô la Mỹ, cao hơn đến 45% so với con số của Tổng cục Thống kê Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, chi phí vận chuyển và bảo hiểm chiếm khoảng 6,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Với hai nước láng giềng có chung biên giới rất dài như Việt Nam và Trung Quốc thì chi phí vận chuyển và bảo hiểm thực tế không thể lớn hơn tỷ lệ 6,6% này được.

Do vậy nếu Việt Nam ghi nhận 14,9 tỉ đô la Mỹ xuất khẩu cho Trung Quốc cho năm 2014 thì con số mà Trung Quốc ghi nhận đáng ra chỉ khoảng 15,9 tỉ đô la Mỹ. Thế nhưng con số Trung Quốc ghi nhận lại là 19,9 tỉ đô la Mỹ, cao hơn tới khoảng 4 tỉ đô la Mỹ.

Nếu hai nước còn có các hoạt động xuất nhập khẩu tiểu ngạch không được ghi nhận đầy đủ thì sẽ chiếm một phần trong khác biệt 4 tỉ đô la Mỹ này.

Nhưng phần còn lại là gì? Chỉ có thể giải thích phần lớn đến từ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu lậu sang Trung Quốc. Tại sao lại có xuất khẩu lậu trong khi chúng ta hết sức khuyến khích xuất khẩu, hầu hết mặt hàng xuất khẩu chịu thuế suất xuất khẩu bằng 0 và doanh nghiệp xuất khẩu được hoàn thuế giá trị gia tăng? Lời giải thích hợp lý kế tiếp: đó là các mặt hàng mà Việt Nam cấm xuất khẩu hoặc xuất khẩu phải chịu thuế. Đó là tài nguyên khoáng sản của Việt Nam!

Về nhập khẩu, giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc mà Việt Nam ghi nhận lẽ ra phải cao hơn giá trị mà Trung Quốc ghi nhận nhưng số liệu của Việt Nam lại thấp hơn số liệu của Trung Quốc khoảng 20 tỉ đô la Mỹ, tính riêng trong năm 2014. Tức là riêng năm 2014, chúng ta có hơn 20 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc lọt vào không qua ghi nhận.

Tôi không cho rằng chúng ta có thể tin tưởng tuyệt đối vào số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc. Nhưng rõ ràng là ở mặt nào đó họ đã tính giùm chúng ta giá trị của phần kinh tế ngầm với họ.P.V

Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: Con số đúng nhưng cách lý giải có vấn đề

Con số thì hoàn toàn chính xác nhưng cách lý giải (của đại biểu Mai Hữu Tín – PV) đang có vấn đề, không (thể) hoàn toàn suy luận như vậy.

Hầu như tất cả các quốc gia đều đang có chênh lệch về cách tính toán. Nguyên nhân là do cách thống kê của các nước khác nhau, thế giới quy định xuất khẩu theo giá FOB, nhập khẩu theo giá CIF, tuy nhiên mỗi nước lại áp dụng một cách.

Bên cạnh đó, Trung Quốc không tính giá trị về xuất, nhập khẩu qua đường tiểu ngạch. Mặc dù, qua đường tiểu ngạch không phải buôn lậu, mà bên phía Việt Nam vẫn làm thủ tục đầy đủ, thu thuế đầy đủ. Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, chủ yếu là gạo với 2,14 tỉ đô la Mỹ, nhưng Trung Quốc chỉ ghi nhận 0,71 tỉ đô la Mỹ.

Không thể suy diễn toàn bộ xuất khẩu ngầm của chúng ta sang Trung Quốc là toàn xuất những thứ hàng cấm, như đại biểu nêu toàn là quặng.

Về chênh lệch giá trị nhập khẩu thì có việc đơn vị xuất khẩu của Trung Quốc khai giá xuất khẩu cao ở đầu Trung Quốc nhưng đơn vị nhập khẩu ở Việt Nam kê khai giá nhập khẩu thấp.

Trao đổi với VnEconomy về ý kiến của đại biểu Bùi Quang Vinh, đại biểu Mai Hữu Tín cho rằng ông đã thừa nhận ngay từ đầu là có sự khác biệt trong cách ghi nhận nhưng không thể nói con số chênh lệch toàn bộ là xuất khẩu tiểu ngạch. “Hãy gọi thẳng tên việc này, đó là gian lận thương mại qua giá hay như dân ta vẫn nói là “lậu giá”. Nhập lậu là việc tôi quan tâm nhiều hơn vì tác hại của hàng nhập lậu mới lớn và mới nguy hiểm với kinh tế trong nước. Rất tiếc là đã không có một lời giải thích hợp lý”, ông Tín nói.

Trí Lê (Theo TBKTSG, Vneconomy)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề