Tương lai khó đoán

Đồng Euro đã giảm giá xuống mức thấp nhất trong gần 9 năm qua sau những chỉ dấu cho thấy Ngân hàng T.Ư châu Âu sắp thực hiện chương trình nới lỏng định lượng và ý định rời khỏi Eurozone vừa được các chính trị gia Hy Lạp, Vương quốc Anh sử dụng như một cam kết trong chiến dịch tranh cử quan trọng.

Bão đã nổi trên chính trường, thị trường châu Âu ngay trong những ngày đầu năm mới là lời dự báo không lành về một năm đầy khó khăn, thách thức với Lục địa già.

Gần 7 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tình hình “sức khỏe” các nước thành viên Eurozone vẫn chưa hoàn toàn hồi phục dù liều thuốc đắng thắt lưng buộc bụng mà Thủ tướng Đức kê đơn đã phần nào phát huy tác dụng. Tạm thời thoát khỏi nguy cơ phá sản nhưng khủng hoảng chính trị kéo dài tại các nước nhận cứu trợ như Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cho thấy cái giá phải trả cho các chủ nợ quốc tế là quá lớn. Tình trạng thất nghiệp lần lượt cán các mốc kỷ lục mới và hệ quả tất yếu là dòng lao động trẻ tuổi ồ ạt từ các quốc gia “vùng trũng” đổ bộ về Bắc Âu, sang Đức hoặc Anh để tìm kiếm việc làm.

Những tác động này đã làm bùng phát làn sóng chống thắt lưng buộc bụng, chống người nhập cư và có khả năng sẽ là nhân tố quyết định để đưa các đảng đối lập lên nắm quyền sau các cuộc bầu cử trong năm nay. Sau 3 vòng bỏ phiếu vẫn không giành đủ số phiếu để trở thành tổng thống tiếp theo của Hy Lạp, Thủ tướng Antonis Samaras đã phải thực hiện nước cờ cuối cùng là tổ chức bầu cử Quốc hội trước thời hạn vào ngày 25/1. Tất nhiên, bước đi mạo hiểm này đã lập tức được đảng cực tả Syriza nắm bắt với cam kết mạnh mẽ để “kế hoạch khắc khổ thuộc về quá khứ, tương lai bắt đầu từ đây”. Mặc cho ông Samaras cảnh báo về những hậu quả mà Athens sẽ phải gánh chịu khi đánh mất tư cách thành viên của EU, các kết quả thăm dò dư luận cho thấy, Syriaza vẫn đang dẫn trước đảng cầm quyền của Thủ tướng.

Diễn biến này không chỉ khiến các chủ nợ quốc tế của Hy Lạp đứng ngồi không yên về khoản tiền lên tới 240 tỷ Euro đã cho nước này vay mà còn tạo ra thách thức lớn cho Đức – nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của nhóm G7 và Thủ tướng Merkel – chiến lược gia của chính sách thắt lưng buộc bụng. Giới quan sát đang chờ đợi “bà đầm thép” của nước Đức thể hiện bản lĩnh và tài năng chèo lái con thuyền Eurozone trong chuyến thăm London tuần này nhằm thuyết phục Thủ tướng Anh David Cameron tiếp tục ở lại Liên minh châu Âu.

Trong bài phát biểu quan trọng đầu năm, ông Cameron đã khẳng định sẽ sớm tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2017 nếu đảng Bảo thủ của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội vào 7/5 tới. Thực ra đây không phải là lần đầu tiên vấn đề này được chính quyền London đưa ra bởi xu hướng chống liên kết với EU (còn gọi là Eurosceptic) đã lớn mạnh và ngày càng gia tăng áp lực với giới chức nước này.

Để đổi lại sự ổn định của Liên minh, Thủ tướng Đức nhiều khả năng sẽ phải thuyết phục các thành viên chủ chốt gia tăng vai trò của Anh trong các chương trình, chiến lược quan trọng. Tuy nhiên, không ai dám khẳng định điều kiện trao đổi này sẽ thành công và bảo toàn được sự toàn vẹn của khối thịnh vượng chung châu Âu khi sự ủng hộ đảng cực hữu Mặt trận quốc gia của bà Marine Le Pen chống khu vực đồng Euro và chống người nhập cư của cử tri Pháp – một nước đầu tàu của EU đang tăng lên. Và thắng lợi được dự báo của đảng cực tả Syriza trong cuộc bầu cử Quốc hội Hy Lạp cuối tháng này có thể sẽ tiếp thêm cảm hứng cho phong trào chống thắt lưng buộc bụng tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia… Nếu kịch bản này xảy ra, không ai biết được điều gì sẽ xảy ra với tương lai của EU, đồng Euro và Lục địa già

Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề