Truyền hình – đũa thần giúp Putin vượt khủng hoảng

Các talk show mang đậm tính tuyên truyền trên truyền hình Nga đã giúp Tổng thống Putin đứng vững trước các cuộc khủng hoảng liên tiếp, từ Ukraina cho đến Syria.
Theo Washington Post, chỉ ít giờ sau khi Nga thông báo can thiệp quân sự vào Syria để chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) vào hồi tháng 9, các nhà sản xuất đài truyền hình nhà nước Nga đã gấp rút lên danh sách khách mời cho các talk show để thảo luận về bước đi này.

Không có gì bất thường khi nhà báo người Mỹ thường trú tại Moscow, Michael Bohm, một bình luận viên nước ngoài hiếm hoi của các talk show chính trị ở Nga, được mời lên sóng truyền hình. Mặc dù vậy, đối với ông, đó là một ngày đặc biệt nặng nề.

“Họ mời 6 người Syria, tất cả đều ủng hộ Assad!”, Bohm nói đến Tổng thống Syria Bashar al-Assad, một đồng minh của Nga. “Tất cả đều ca ngợi Tổng thống Putin vì đã ‘cứu Syria'”, Bohm nói thêm.

Đó cũng là phàn nàn phổ biến từ các bình luận viên bên ngoài tham gia các talk show chính trị theo kiểu tranh luận tự do của Nga, nơi họ phải cô độc đấu khẩu với nhiều người cùng một phe. Các bình luận viên này có thể là một người phương Tây bảo vệ lập trường của Mỹ và NATO, một người Ukraina theo chủ nghĩa dân tộc chỉ trích việc Nga sáp nhập Crimea hay nhiều chuyên gia Nga chỉ trích Tổng thống Putin.

Họ cho biết mục đích tham gia các talk show chính trị là khai thác sức mạnh truyền hình Nga để tiếp cận khán giả Nga ngồi trước màn ảnh nhỏ ở nhà.

“Đó là cơ hội trình bày quan điểm đối lập”, Bohm nói. Ông cho rằng, dù bị các khách mời khác và đôi khi cả người dẫn chương trình công kích, ông chưa bao giờ bị kiểm duyệt những gì mình nói.

“Đó rõ ràng là lý do họ mời tôi”, Bohm nói. “Trong chương trình, tôi được giới thiệu thẳng rằng là nhà báo nhưng đối với người Nga thì nhà báo Mỹ, bộ ngoại giao Mỹ hay Lầu Năm Góc, tất cả đều đại diện cho nước Mỹ”.

Dù lợi thế không đứng về phía mình, Bohm vẫn xem đó là một chiến thắng khi ông “thắng” 15% cuộc tranh luận. “Thắng là khi bạn đưa ra một lập luận rồi nhìn vào các đối thủ và nhận thấy họ lộ ra vẻ thẫn thờ trên khuôn mặt và không nói được điều gì”, Bohm nói.

“Truyền hình có sức mạnh hơn tủ lạnh”

Nga không phải là nước khai sinh ra thể loại talk show, trong đó, những người đàn ông trung niên tranh luận gay gắt về chính trị, nhưng nước này có thể đã đạt gần đến mức hoàn hảo về nó.

Talk show chính trị rình rang nhất của Nga mang tên Buổi tối chủ nhật với Vladimir Solovyov của kênh truyền hình Russia-1 bao gồm 8 khách mời, một người dẫn chương trình, được phát vào khung giờ vàng.

Các talk show chính trị rất nổi tiếng ở Nga, đặc biệt là khi công chúng đang đón nhận những tin tức chấn động. Buổi tối chủ nhật với Vladimir Solovyov thường đứng trong top 10 bảng xếp hạng các chương trình truyền hình có lượng khán giả xem đông nhất, theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường TNS Global có trụ sở ở London, Anh.

Thậm chí lúc Nga đang trong tâm điểm cuộc khủng hoảng kinh tế, giới chuyên gia cho rằng chính sức mạnh của truyền hình đã giúp ông Putin đạt được các mức tín nhiệm cao nhất từ trước đến nay. Các nhà quan sát điện Kremlin thường nói “truyền hình có sức mạnh hơn tủ lạnh” để giải thích một thực tế ở Nga rằng, những thông điệp phát trên truyền hình đã lấn át điều kiện sống khó khăn của người dân Nga (thực phẩm ngày càng ít đi trong tủ lạnh của người dân Nga).

Trong một bài bình luận gần đây trên nhật báo thương mại Vedomosti của Nga, Denis Volkov, một chuyên viên kỳ cựu của tổ chức khảo sát độc lập Trung tâm Levada ở Moscow, cho rằng mức tín nhiệm của Putin cao là nhờ sự hờ hững lớn của công chúng với các vấn đề chính trị, nghĩa là ông Putin nhận được sự ủng hộ rộng rãi nhưng không sâu sắc.

“Hầu hết người Nga thường không có ý kiến gì về gần như mọi vấn đề”, Volkov viết. “Đây là lý do người dân Nga thường dễ nghe theo những gì nói trên truyền hình”.

Các cuộc khảo sát dường như xác nhận lời giải thích trên. Một tuần trước khi Nga bắt đầu không kích IS ở Syria, chỉ 14% người Nga nói rằng họ ủng hộ chính phủ can thiệp quân sự trực tiếp vào cuộc nội chiến ở Syria. Nhưng một tuần sau đó, sau khi Bohm và các chuyên gia khác đấu khẩu trong các talk show, có đến 72% người Nga nói họ ủng hộ không kích ở Syria

Dù sự lựa chọn từ ngữ để khảo sát thay đổi từ “can thiệp quân sự trực tiếp” sang “không kích” có thể tác động đến kết quả, giới phân tích cho rằng các talk show trên truyền hình cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục công chúng ủng hộ Nga tham chiến tại Syria.

Khơi dậy tình cảm ủng hộ

Trong khi các nhà hoạch định chính sách và các chương trình tin tức đơn thuần chỉ nêu ra kế hoạch của Nga ở Syria thì các talk show chính trị mang đến “sự ủng hộ về mặt tình cảm”, Anna Kachkayeva, trưởng khoa truyền thông của Trường Cao học Kinh tế thuộc Đại học Nghiên cứu quốc gia Nga ở Moscow, nhận định.

“Chúng hỗ trợ bầu không khí sẵn có và làm nóng nó lên”, Kachkayeva nói. “Tôi không cho rằng chúng thực sự làm thay đổi lý trí của người dân. Chúng chỉ hỗ trợ về mặt cảm xúc. Chúng giúp công chúng dễ có ý kiến đồng nhất”.

Washington Post ghi nhận talk show truyền hình là công cụ dẫn dắt công luận Nga từ cuộc khủng khoảng này sang cuộc khủng hoảng khác trong hai năm qua, từ khủng hoảng Ukraina, sáp nhập Crimea, máy báy MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines rơi tại Ukraina và gần đây là Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga ở gần biên giới Syria.

“Luôn có người bị bác bỏ trong các talk show”, Kachkayeva nói.

Dmitry Nekrasov, một doanh nhân đồng thời là một nhà hoạt động thuộc phe đối lập ôn hòa, nói đùa rằng Bohm được bố trí ngồi gần ông trong talk show để khiến ông mất uy tín.

Nekrasov cho biết hầu hết các talk show chính trị được phát sóng trực tiếp ở vùng viễn đông nước Nga, cho phép các nhà sản xuất truyền hình ở Moscow có 8 tiếng để biên tập trước khi chương trình được chiếu cho khán giả tại Moscow. Tuy nhiên, Nekrasov khẳng định muốn tiếp tục tham gia talk show để thể hiện cho mọi người thấy cách đưa ra ý kiến phản bác và giải thích ý kiến của mình một cách thích hợp.

Cuộc “đối đầu” giữa các khách mời của các chương trình talk show đôi khi lan ra khỏi sóng truyền hình.

Igor Korotchenko, một bình luận viên ủng hộ chính phủ Nga, đã châm chọc Bohm trên mạng xã hội Twitter với câu viết: “Những người giống như Bohm đã thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, họ cũng hành quyết người da đen không thông qua xét xử”.

Tuy nhiên, Bohm cho rằng ông nhận được sự tôn trọng bên ngoài thế giới truyền hình và mạng xã hội. Ông kể rằng đôi lúc, những người hâm mộ chặn ông lại trên phố để trò chuyện và tranh luận.
Nguồn vnexpress.net


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề