Trung Quốc: Sau ‘nghịch tử’ Hồng Kông là Macao bất trị

Một trong những lời hứa hẹn của chính phủ Trung Quốc đối với các lãnh thổ của nước này được cho nước ngoài thuê mượn trong quá khứ như Hồng Kông hay Macao, là việc Bắc Kinh sẽ tôn trọng những đặc điểm riêng vốn có của các vùng lãnh thổ này được hình thành từ khi chưa được trả về Trung Quốc.

Lới hứa hẹn ngọt ngào ấy đã khiến cho việc sáp nhập các vùng lãnh thổ này về lại Trung Quốc diễn ra vô cùng êm thấm, nhưng khi mà đứa con lưu lạc đã trở về nằm gọn trong vòng tay đất mẹ, thì mọi chuyện khi ấy sẽ lại khác hẳn. Sau trận đòn dành cho đứa con hư Hồng Kông, giờ đến lượt Macao lãnh đủ.

Việc Bắc Kinh hứa hẹn cho phép Hồng Kông hay Macao được phép giữ lại các đặc tính riêng từ khi còn nằm trong tay Anh hay Bồ Đào Nha không hoàn toàn là vì những mục đích chính trị. Sự phát đạt về kinh tế của hai vùng lãnh thổ này là một trong những đòn bẩy quan trọng với nền kinh tế Trung Quốc khi đó vẫn đang trong giai đoạn đầu của cuộc mở cửa, vì vậy Bắc Kinh đã cho phép cả hai vùng lãnh thổ này trở thành hai đặc khu kinh tế lớn nhất cả nước với những quyền tự trị đặc biệt mà các vùng miền khác của Trung Quốc không dám mơ.

Ở Hồng Kông, Bắc Kinh cho phép người dân tiếp tục giữ thể chế có từ thời hòn đảo này nằm trong tay người Anh, theo đó thị trưởng Hồng Kông sẽ do người dân ở đây bầu nên Bắc Kinh sẽ không can thiệp vào quá trình bầu cử cũng như việc điều hành nền kinh tế của đặc khu kinh tế cực kỳ phát triển này.

Macao cũng ở trong tình trạng tương tự. Ngành công nghiệp sòng bạc có từ thời Bồ Đào Nha là nguồn thu nhập chính và nổi tiếng nhất của vùng lãnh thổ này. Với diện tích tương đối khiêm tốn, công nghiệp Casino được xem là con đường tốt nhất để Macao kiếm lời. Nếu như nền kinh tế đồ sộ và năng động của Hồng Kông có thể kích thích phát triển kinh tế của cả vùng Hoa Nam, thì doanh thu hàng năm lên tới hàng chục tỷ USD của Macao đã trở thành một nguồn thu vô giá của Bắc Kinh khi đó vẫn đang trong quá trình phát triển.

Tầm quan trọng của Hồng Kông hay Macao với Trung Quốc ở thời điểm đó là không thể đong đếm, vì vậy Bắc Kinh đã chấp nhận để hai đặc khu kinh tế này có những quyền tự trị rộng khắp. Nhưng một khi tầm quan trọng của hai đặc khu kinh tế này giảm xuống, thì mọi chuyện sẽ lại khác hẳn.

Đối tượng đầu tiên nếm đòn từ phía Bắc Kinh là Hồng Kông. Sau gần hai mươi kể từ khi được trả về Trung Quốc, từ vị trí là một trong hai đặc khu kinh tế quan trọng nhất cả nước, Hồng Kông chỉ còn chiếm chưa đầy 3% GDP của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại. Sự phát triển kinh tế cao độ ở đại lục đã khiến vai trò của Hồng Kông đối với chính quyền Bắc Kinh sụt giảm nghiêm trọng, và ngay lập tức mọi ưu ái dành cho hòn đảo này đột ngột thay đổi, khi Bắc Kinh tuyên bố thay đổi thể chế ở đây bằng cách thị trưởng của đặc khu kinh tế này sẽ do Bắc Kinh đề cử thay vì người dân ở đây.

Đối với người dân Hồng Kông vốn đã quen với thiết chế này trong suốt một thế kỷ dưới quyền nước Anh, đây là một sự xâm phạm không thể chấp nhận nổi, nhất là khi chính Bắc Kinh là người đã hứa hẹn việc cho Hồng Kông giữ nguyên thể chế sau khi được trả về Trung Quốc. Việc giành quyền đề cử thị trưởng cũng đồng nghĩa với việc Bắc Kinh sẽ can thiệp ngày càng sâu vào việc điều hành nền kinh tế ở Hồng Kông, một điều khiến cho người dân ở đây hoài nghi sâu sắc về việc nó có tiếp tục đặt lợi ích của đặc khu kinh tế này lên hàng đầu như trước đây hay không.

Người dân Hồng Kông phản ứng, các cuộc xuống đường của giới sinh viên học sinh đã khiến các trung tâm chính của hòn đảo bị tê liệt trong suốt nhiều tuần. Nhưng Bắc Kinh đã tỏ ra cứng rắn hơn bao giờ hết, các cuộc biểu tình bị giới chức đàn áp và cô lập đã dần dần xẹp xuống mà gần như không giành được một sự nhượng bộ nào từ chính phủ Trung Quốc. Không ai hồ nghi gì về việc những thay đổi mạnh mẽ và tận gốc rễ sẽ được Bắc Kinh tiến hành ở đây trong thời gian sắp tới. Sau trận đòn cho đứa con hư Hồng Kông, đến lượt một đứa con khác cần đưa vào khuôn khổ, đó là đặc khu kinh tế còn lại của Trung Quốc, là Macao.

Trong một động thái mới nhất, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang yêu cầu Macao mở cửa đón khách du lịch nhiều hơn để đa dạng hóa nền kinh tế ở đây thay vì chỉ tập trung vào công nghiệp sòng bạc – một đề nghị đang khiến các ông trùm Casino ở Macao điên tiết hơn bao giờ hết.

Đã từ lâu, trung tâm cờ bạc hàng đầu thế giới này đã lọt vào tầm ngắm của các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh, nhất là kể từ khi Macao vượt mặt Las Vegas của Mỹ để trở thành trung tâm cờ bạc lớn nhất thế giới với doanh thu hàng năm lên tới hàng chục tỷ USD. Doanh thu của Macao trong năm 2014 ước tính đạt 43,4 tỷ USD trong khi Las Vegas chỉ đạt được 7 tỷ.

Lý do chủ yếu dẫn đến sự phát triển vượt bậc của Macao là việc kinh tế Trung Quốc phát đạt khiến giới nhà giàu ở Trung Quốc tăng lên và chọn Macao làm nơi đánh bạc, và điều này đang khiến Bắc Kinh khó chịu khi Macao đang có dấu hiệu ăn bớt các khoản ngân sách nộp về chính phủ và nhất là việc Macao đang có dấu hiệu trở thành một trung tâm rửa tiền tham nhũng quy mô lớn cho cánh nhà giàu Trung Quốc.

Và có vẻ như Bắc Kinh đang tiến hành một chiến lược nhằm thắt chặt sự kiểm soát đối với đặc khu kinh tế này thay vì buông lỏng như trước. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói thẳng với giới chức Macao rằng ông muốn nơi này trở thành một trung tâm du lịch và thương mại, giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghiệp sòng bạc.

Điều này được coi như đồng nghĩa với việc giảm bớt tầm ảnh hưởng của Macao vốn từ lâu phụ thuộc vào ngành công nghiệp Casino. Việc tăng cường chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn gần đây của ông Tập cũng đang thít chặt Macao khi lượng khách đại lục đến đây đánh bạc đã giảm hẳn khiến cho doanh thu của đặc khu kinh tế này có mức sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 2011.

Các chuyên gia cho rằng, việc thắt chặt kiểm soát của Bắc Kinh với Macao sẽ diễn ra êm thấm và nhanh chóng hơn so với Hồng Kông rất nhiều, khi mà Hồng Kông là một trung tâm kinh tế lớn và năng động có dân số lên tới gần 10 triệu và sẽ rất khó để áp đặt được quyền kiểm soát ở đây, trong khi đó Macao nhỏ hơn và không có nền kinh tế đồ sộ cũng như dân số lớn như Hồng Kông. Bắc Kinh sẽ dễ dàng nhào nặn Macao theo ý muốn hơn hẳn so với Hồng Kông.

Bloomberg, Một Thế giới


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề