Trung Quốc – kẻ vớ bẫm từ cuộc xung đột Ukraina

Trong 2 năm xung đột vừa qua tại Ukraina, có thể Nga đã giành được một số lãnh thổ, tuy nhiên đã phải trả giá lớn về kinh tế và chính trị. Sự mất mát của Nga tại Ukraina chính là sự hưởng lợi của Trung Quốc.

Trong 2 năm xung đột vừa qua tại Ukraina, một điều khá rõ ràng là Trung Quốc, chứ không phải Nga, mới là người chiến thắng, mặc dù Trung Quốc không có lợi ích quan trọng trong cuộc chiến, cũng như không tham gia vào tiến trình đàm phán. Có thể Nga đã giành được một số lãnh thổ, tuy nhiên đã phải trả giá lớn về kinh tế và chính trị. Sự mất mát của Nga tại Ukraina chính là sự hưởng lợi của Trung Quốc.

Thứ nhất, về mặt chính trị tại Châu Á, việc Nga thu hồi lãnh thổ tại Ukraina đã khiến Mỹ gây áp lực lớn buộc Tokyo phải tham gia trừng phạt Nga. Điều này đã làm ảnh hưởng tới sự hợp tác Nga – Nhật chống lại sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc tại Châu Á. Vào tháng 10/2015, Nhật đã buộc phải tuyên bố Tổng thống Putin sẽ không tới thăm Nhật vào năm 2015.

Thứ hai, Trung Quốc được cho là bên có lợi lớn trong quan hệ kinh tế Nga – Trung, được hưởng giá rất ưu đãi trong hợp đồng khí đốt ký năm 2014 với Nga. Vào tháng 7/2015, Trung Quốc và Nga cho biết sẽ tạm hoãn việc ký kết hiệp định khí đốt thứ hai mặc dù đã có thỏa thuận sẽ ký kết hiệp định này trong năm 2015. Nga sẽ phải xây dựng và chịu chi phí cho đường ống dẫn khí đốt cho khách hàng (Trung Quốc) trong bối cảnh Trung Quốc sẽ ngày càng ít phụ thuộc vào nguồn khí đốt. Đây là một sự thua thiệt lớn về chiến lược đối với Nga. Hơn nữa, hiện kim ngạch thương mại của Nga đối với các quốc gia khác giảm với tốc độ nhanh hơn tốc độ giảm trong thương mại Nga – Trung. Điều này khiến Trung Quốc, vốn có vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, có vai trò ngày càng quan trọng hơn trong thương mại quốc tế của Nga.

Mặc dù Nga – Trung có hình thành quan hệ đối tác, việc phương Tây cho rằng Nga đang “quay sang Trung Quốc” dường như chủ yếu để phục vụ các mục tiêu chính trị trong nước của Mỹ và phương tây. Còn trên thực tế, hợp tác Trung – Nga không phải luôn dễ dàng. Nửa đầu năm 2015, đầu tư của Trung Quốc vào Nga giảm 25%. Nguyên nhân chủ yếu đến từ cả hai phía: đầu tư vào Nga hiện nay ngày càng rủi ro hơn do kinh tế Nga đang đi xuống và phải chịu cấm vận từ phương tây; trong khi kinh tế Trung Quốc lại đang giảm tốc và thị trường chứng khoán biến động.

Thứ ba, vị thế của Trung Quốc tại Trung Á cũng ngày càng được củng cố. Để đánh đổi với các khoản đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng lớn của Nga trong bối cảnh Nga khó khăn, Nga đã phải chấp nhận gắn kết kế hoạch Liên minh kinh tế Á – Âu và kế hoạch kết nối cơ sở hạ tầng Á – Âu của Nga với sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc. Trên thực tế, Nga dường như đã bỏ cuộc trong cuộc cạnh tranh về kinh tế với Trung Quốc tại Trung Á, cũng như bỏ rơi các giấc mơ của Nga xây dựng các dự án kết nối xuyên lục địa. Tuy nhiên, giới phân tích của Nga vẫn cho rằng vai trò của Nga tại Trung Á là quan trọng, nhất là năng lực “bảo vệ” các khoản đầu tư của Trung Quốc chống lại các mối đe dọa từ khủng bố.

Thứ tư, khi Nga ngày càng bị cuốn vào khủng hoảng Ukraina, Trung Quốc sẽ ngày càng củng cố thế tay trên trong quan hệ hợp tác quốc phòng với Nga. Hiện chủ trương của Nga là không bán cho Trung Quốc các hệ thống vũ khí tốt hơn vũ khí bán cho Ấn Độ. Tuy nhiên, chính sách này của Nga sẽ bị phá vỡ khi dự kiến Nga sẽ bán cho Trung Quốc tàu ngầm lớp Lada, máy bay Su-35 và hệ thống phòng vệ tên lửa S-400. Hiện nay, dường như Nga đang cần Trung Quốc hơn cần Ấn Độ, và chắc chắn là Nga cần Trung Quốc hơn Trung Quốc cần Nga.

Thứ năm, khi khủng hoảng Ukraina ngày càng nghiêm trọng, Mỹ và đồng minh sẽ bị mất một phần tập trung vào các vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông giữa Trung Quốc với một số quốc gia Đông Nam Á. Trong bối cảnh Mỹ cắt giảm ngân sách quân sự, đồng thời một số đồng minh đang “bận bịu” với khủng hoảng Ukraina, dường như Mỹ đã để Trung Quốc “rảnh tay” tung hoành ở Biển Đông.

Trí Lê (Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề