“Tiếng súng mừng chiến thắng hay hơn tất cả dàn pháo hoa nào khác”

“Có một sự hỗn độn phấn khích tột độ. Tất cả chúng tôi không ai bảo ai, người nào có súng trong tay đều giương lên trời bắn chỉ thiên như mưa. Như một cách chào mừng với khí thế ngất trời. Tiếng súng râm ran gần nửa tiếng. Tiếng súng chỉ thiên râm ran đó với tôi và nhiều người khác tại đó lúc ấy cho tới tận bây giờ hay hơn tất cả tiếng pháo hoa mừng năm mới hoành tráng nào khác”.

Trung sỹ Nguyễn Văn Tập sinh năm 1951 tại làng quê Hải Dương. Nhà ông cách nhà chỉ huy của mình – trung úy Vũ Đăng Toàn không xa. Sinh ra trong một gia đình thuần nông có 5 anh chị em. Trước bối cảnh đất nước chìm trong mưa bom bão đạn, ông viết đơn xin lên đường nhập ngũ tháng 7/1970.

Nhấp ngụm trà, giọng đầy tự hào người lái xe tăng 390 năm nào bắt đầu kể cho tôi nghe ký ức đang tràn về đầy hùng tráng. Đại đội 4 của ông nhận được lệnh tấn công thẳng vào dinh Độc Lập. Với nhiệm vụ cầm lái ông đã vững tay húc đổ cổng chính dinh Độc Lập, tạo nên một kiệt tác ảnh nghệ thuật để đời.

Từ ngoài thành phố vào trong chúng tôi bị lạc đường. Tôi bảo với anh Toàn: “Cứ đi này chẳng biết đến lúc nào mới tìm được dinh”. Tôi và anh Toàn bàn bạc. Vì người chỉ huy và người lái xe tăng phải luôn có mối liên hệ, trao đổi rất liên tục, mật thiết. Tôi bảo: “Xe mình bị lạc rồi anh Toàn ạ!”. Anh Toàn đáp: “Dừng lại để xem thế nào!”. Khi dừng lại thì tôi thấy có một anh thanh niên chừng 17, 18 đang xách một chiếc vali đi tới. Chúng tôi hỏi thăm thì nhận được câu trả lời: “Các ông đi nhầm đường rồi. Phải quay lại đi hướng kia kìa”. Nói rồi chàng thanh niên chạy mất hút với vẻ rất sợ hãi. Đường phố Sài Gòn rất vắng lúc đó.

Khi gần tới dinh tôi cảm nhận được ngay vùng đặc biệt vì có những cái “cũi” chắn dọc đường. Chúng tôi đi từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, còn xe 843 do anh Bùi Quang Thận chỉ huy đi từ đằng Sở thú lại. Cả hai xe đều tiến tới cổng dinh. Xe anh Thận bị mắc kẹt ở cổng phụ. Nhận được lệnh của anh Toàn tôi, nhấn ga tung thẳng vào cổng chính giữa.

Lái xe Nguyễn Văn Tập điều khiển xe tăng húc đổ cổng chính dinh Độc Lập. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Lái xe Nguyễn Văn Tập điều khiển xe tăng húc đổ cổng chính dinh Độc Lập. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Bước vào sân dinh tôi thấy rộng lớn lắm. Hàng xe thiết giáp vẫn đỗ ở ngay trước dinh Độc Lập, xung quanh dinh. Tất cả trên xe đều tháo chạy khi thấy chúng tôi xuất hiện.

Tôi không đi theo đường vòng nhựa quanh đài phun nước mà đâm thẳng vào giữa sân. Có một sự cố, là gần đài phun nước xe tôi bị sa lầy do nền đất yếu. Lúc đầu tôi cũng hoảng vì vào đến đây mà bị sa lầy thế này thì nguy quá. Tôi quyết định nhấn hết ga, may mắn làm sao chiếc xe chồm lên vượt qua chỗ nền đất lún tới trước ngay bậc thềm dinh Độc Lập.

Vậy là thời khắc đó chỉ có xe 390 và 843 là tiếp cận tham chiến tại dinh Độc Lập. Dần dần cả đơn vị đã được chỉ đạo hướng tiến công dinh mới tiếp cận hết.

Anh Thận cầm cờ, anh Toàn cầm AK hỗ trợ dồn nội các. Tôi cũng định chạy theo vì mọi người cũng lên hết rồi. Tôi bỏ xe chạy lên tới thảm đỏ dải ở bậc thềm thì chợt nghĩ: “Giờ mọi người ở trên đó hết, mình mà bỏ xe thì không được. Mấy tên lính lúc nãy mà quay lại cướp xe thì hỏng. Tôi quay lại ngồi lên xe sẵn sàng trực chiến để cho các anh ấy làm nhiệm vụ trong nội các”.

Các chiến sỹ thay quần áo để chuẩn bị tiến vào nội các. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Các chiến sỹ thay quần áo để chuẩn bị tiến vào nội các. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Đứng ngoài xe tăng một lúc tôi thấy đoàn áp giải Dương Văn Minh đi rất hiên ngang. Tôi bức xúc trỗi dậy với kẻ thù nên hô lên rất to: “Thủ trưởng ơi thủ trưởng! Bắt nó cúi đầu chứ sao để đi hiên ngang như người chiến thắng thế kia”. Trung tá Bùi Văn Tùng đáp: “Cậu à! Việc đó cứ để tớ lo”.

Tôi thấy đưa Tổng thống Dương Văn Minh lên một cái xe Jeep cùng Đại úy Phạm Xuân Thệ. Còn đồng chí Bùi Văn Tùng đi một xe khác. Trong nội các rất đông phải tới hơn 50 người.

Chỉ có hai tiếng ôm nhau hò hét, phấn khởi. Sau đó chúng tôi phải đi ngay Tổng kho Long Bình. Từ đó phải sau 20 năm nữa chúng tôi mới được trở lại thăm quan dinh Độc Lập. Rất nhiều người hỏi tôi cảm nhận thế nào nhưng thú thực, tôi là lái xe, lúc đó đứng ngoài, mà chiến tranh thời gian rất gấp rút.

Năm 1995, tôi mới bước chân quay trở lại dinh Độc Lập thông qua Đoàn cựu chiến binh Quân đoàn 2 và Trung tâm du lịch truyền thống. Họ biết chúng tôi qua bức ảnh của nữ nhà báo Pháp Francoise Demulder. Lúc đó chúng tôi mới được tận mắt nhìn lại chiến trường lịch sử năm nào.

Chụp hình lưu niệm bên xe tăng 390 trở thành "bảo vật quốc gia".

Chụp hình lưu niệm bên xe tăng 390 trở thành “bảo vật quốc gia”.

Vẫn tiếp mạch cảm xúc người lính già tiếp tục kể tôi nghe: “Khi anh Thận kéo cờ Tổ quốc lên thì những xe sau bắt đầu tới kín sân dinh. Có một sự hỗn độn phấn khích tột độ. Tất cả chúng tôi không ai bảo ai, người nào có súng trong tay đều giương lên trời bắn chỉ thiên như mưa. Như một cách chào mừng với khí thế ngất trời. Tiếng súng râm ran gần nửa tiếng. Tiếng súng chỉ thiên râm ran đó với tôi và nhiều người khác tại đó lúc ấy cho tới tận bây giờ hay hơn tất cả tiếng pháo hoa mừng năm mới hoành tráng nào khác”.

Từ dinh tới Bến Nhà Rồng chỉ khoảng hai cây số nhưng chúng tôi phải mất cả tiếng đồng hồ mới tới được nơi. Vì người dân tràn ra đường hết thảy, đông như ngày hội. Họ vẫy chào và cố gắng nắm được cánh tay chúng tôi. Nụ cười rạng rỡ hạnh phúc tựa như một rừng hoa đang nở.

Lúc đó xuất hiện những cô gái trẻ, tay đeo băng đỏ, cầm cờ để chỉ đường cho chúng tôi đi. Nhưng chúng tôi cũng chẳng tiến được nhanh vì còn hòa chung với niềm vui bất tận của toàn người dân Sài Gòn.

“Cảm xúc của tôi lúc đó thật không thể diễn tả nhưng tôi cảm giác nó vẫn còn đâu đây. Anh không tưởng tượng được đâu. Nó thiêng liêng và hạnh phúc lắm. Tôi thấy thật vinh dự được chứng kiến giờ phút lịch sử của đất nước” – ông Tập hồ hởi.

Những người lính chúng tôi, cùng người dân, nhất là những người đồng hương cứ ôm nhau, nhảy múa, tung tăng như những đứa trẻ. Chúng tôi cùng hét vang: “Chiến thắng rồi … chiến thắng rồi” đến khản cả cổ. Nhiều giờ như thế mà chúng tôi không dứt nhau ra được.

Con đường về miền quê Hải Dương của những chiến sỹ xe tăng 390.

Con đường về miền quê Hải Dương của những chiến sỹ xe tăng 390.

Bác gái xen vào câu chuyện của chồng: “Ngày đó, mỗi lần nhà nào có bộ đội về là cả làng chúng tôi kéo tới. Hỏi thăm, chăm sóc, động viên, quý lắm ấy. Cuộc sống dù vất vả khó khăn nhưng có bao nhiêu bà con dân chúng đều gom góp viện trợ gửi ra chiến trường”.

Sau 1975 ông Tập xuất ngũ về quê mang hàm Thượng sỹ – Kỹ thuật viên trưởng Tiểu đoàn. Về quê cũng như bao người khác ông Tập quay trở lại cuộc sống đời thường. Khó khăn, cái đói cái rét của đàn con 3 đứa làm ông không khỏi chạnh lòng. Ngoài những lúc làm ruộng ông tranh thủ đi đánh dậm để kiếm thêm con tôm, con cá lo bữa ăn từng ngày cho gia đình. Nghề đánh dậm của ông bữa đực bữa cái khiến các con ông bữa no, bữa đói. Chính hình ảnh “ông đánh dậm” Nguyễn Văn Tập đã xuất hiện trong bộ phim “Bốn chiến sỹ xe tăng 390” của đạo diễn Phạm Việt Tùng.

Ông Tập bên người vợ thủy chung và cháu ngoại.

Ông Tập bên người vợ thủy chung và cháu ngoại.

Người lái xe dũng cảm năm nào chẳng nề hà công việc, không nghĩ ngợi tới những việc mình đã làm trên mặt trận chiến đấu. Ông thấy được về quê, gần gia đình, cuộc sống có phần vất vả, thiếu thốn nhưng sống trong hòa bình là hạnh phúc lắm rồi.

May mắn đã đến với ông cùng ba người đồng đội khi hình ảnh các ông được một nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ. Ông được mời vào làm việc tại nhà máy sơn Kova tại Hà Nội. Chính Tiến sỹ Nguyễn Thị Hòe đã xúc động trước những mảnh đời bị lãng quên nên trực tiếp viết thư mời những người lính xe tăng 390 lên thăm công ty của mình. Và ông Tập được giữ lại làm với công việc nâng xúc máy ủi kiêm thủ kho.

Người lính già hồi tưởng ký ức với phóng viên Ngày nay.

Người lính già hồi tưởng ký ức với phóng viên Ngày nay.

Đến hiện giờ người lính già ấy vẫn hàng ngày đều đặn công việc. Ông thuê trọ một căn phòng ở Hà Nội. Cuối tuần được nghỉ lại về quê với vợ con, với các cháu.

Chiến tranh đã lùi xa 40 năm nhưng ngoài những vết thương còn dai dẳng, những mất mát không thể lấy lại là hình ảnh thực tế của những chiến sỹ trở về từ mặt trận. Khi đất nước lâm nguy, những người như anh nông dân Nguyễn Văn Tập lại sẵn sàng xách balo lên đường. Họ hóa thân thành những chiến sỹ anh dũng. Hòa bình lập lại, người chiến sỹ lái xe tăng dũng cảm lại trở về xây dựng quê hương. Những anh hùng thời chiến lại trở lại làm “ông đánh dậm” bình dị. Ông kết thúc câu chuyện không đầu không cuối với tôi bằng một nụ cười nhiều xúc cảm. Nụ cười bình thản lấp lánh niềm hạnh phúc. Thoảng có nét cau mày suy tư khi hồi tưởng về một thời mưa bom bão đạn đã lùi xa.

Ngày Nay


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề