Tiếng Nga trong tôi !

Я вас любил: любовь еще, быть может,

В душе моей угасла не совсем;
Но пусть она вас больше не тревожит;
Я не хочу печалить вас ничем

Chẳng ai là người nói tiếng Nga mà lại không biết tới tâm tình nặng ngàn cân mà lại nhẹ tựa như gió thoảng này của nhà thơ đầy chất thơ nhất trong các nhà thơ: А. С. Пушкин – Aleksandr Pushkin. Và hôm nay mình quyết định viết về một đề tài mà mình đã định viết từ lâu lắm rồi nhưng lại cứ lần lữa mà không viết: Sự sống bền bỉ của tiếng Nga trong lòng các nước thuộc Liên xô cũ.
Mình đã có một thời gian không mệt mỏi lên tiếng ở mọi diễn đàn,mọi nơi có thể để giải thích sự thật đằng sau chiêu bài ” can thiệp quân sự vào Ukraina nhằm bảo vệ người nói tiếng Nga ” của Putin. Tuy nhiên, mình không biết nỗ lực của mình có mang lại chút gì cho những kẻ thường được gọi là Dư luận viên hay những người cuồng Nga, hoặc đơn giản chỉ là hoài niệm về một Liên xô xưa cũ hay không. Luận điệu của những người này thường dựa trên những văn bản chỉ cho phép một ngôn ngữ chính thống quốc gia,là ngôn ngữ Ukraina tồn tại trên lãnh thổ Ukraina, được Quốc hội Rada sau sự kiện Maidan hay còn gọi là cuộc cách mạng Phẩm giá, thông qua. Họ đã không biết hoặc lờ đi rằng đã có những quy định như vậy từ ngay sau khi Ukraina tuyên bố độc lập và tách ra khỏi Liên xô cũ. Văn kiện mà Rada thông qua chỉ là giành lại những gì mà chính quyền Yanucovik đã bất chấp, bỏ qua,cố tình dùng sự áp đảo của Đảng các vùng trong Quốc hội, nhằm thực thi việc đưa tiếng Nga thành ngôn ngữ quốc gia thứ hai ở Ukraina (nghĩa là các văn kiện nhà nước chính thức được sử dụng tiếng Nga) trong thời gian ông ta làm tổng thống.
Trên thực tế, tiếng Nga hay những người nói tiếng Nga có bị kỳ thị trên đất nước Ukraina hay không thì phải chính những người như bọn mình mới cảm nhận và có thể phát biểu chính xác được. Mình cho rằng với yêu cầu chỉ sử dụng một ngôn ngữ Quốc gia trong các văn bản nhà nước ở môt quốc gia độc lập là điều không cần phải tranh cãi. Yêu cầu đó chỉ khích lệ những người sống trên mảnh đất này tìm hiểu và học hỏi thêm ngôn ngữ của họ để cho cuộc sống được dễ dàng hơn khi phải tiếp xúc với các công việc hành chính. Chúng ta không thể nói rằng, tôi là người Việt nói tiếng Nga hoặc tôi là người Nga chỉ nói tiếng Nga nên tôi không cần biết đến tiếng Ukraina của các anh, tôi yêu cầu phải phục vụ tôi bằng tiếng Nga (tuy rằng thực tế khi giao tiếp ta hoàn toàn có thể yêu cầu người đối thoại sử dụng tiếng Nga hoặc trong công việc văn bản, yêu cầu người trợ giúp dịch giúp ta sang tiếng Nga). Việc hiểu biết ngôn ngữ quốc gia chỉ làm cho cuộc sống thuận lợi hơn mà thôi. Tại Estonia, đất nước Baltic nhỏ bé, đất nước đầu tiên bắn phát súng lệnh cho sự sụp đổ của cường quốc XHCN là Liên bang xô viết, cho đến tận bây giờ, sau hơn 25 năm độc lập,vẫn tổ chức các lớp dạy tiếng Estonia miễn phí cho những người nói tiếng Nga nếu họ có nhu cầu. Cho đến tận bây giờ cư dân của thành phố Tartu của Estonia vẫn vào khoảng 80% gốc Nga. Kazacstan, đất nước khổng lồ về diện tích có khoảng 50% dân số toàn bộ khu vực phía tây giáp với Nga là gốc Nga. Sự sợ hãi bị xâm lược ở Kazastan lớn đến nỗi họ đã di chuyển thủ đô cách thủ đô Alma Ata cũ tới 1200km sâu vào trong lãnh thổ, và vì thế mới có Astana lộng lẫy và hiện đại hôm nay. Vậy cơn cớ gì mà Putin lại xâm lược Crimea cũng như can thiệp vào Donbas với chiêu bài ” bảo vệ người nói tiếng Nga” mà vẫn được những bạn Việt nam tung hô nhiệt liệt khi ở khắp nơi trên lãnh thổ Ukraina số trường phổ thông giảng day bằng tiếng Nga không hề kém cạnh về số lượng cũng như về đãi ngộ. Trong tiếng Nga có khái niệm Носитель языка, nghĩa là người sử dụng bản năng một ngôn ngữ nào đó (không còn gọi là tiếng mẹ đẻ nữa vì thế giới đã đổi khác rất nhiều rồi, không phụ thuộc vào dân tộc hay nơi bạn sinh ra để quy định ngôn ngữ mẹ đẻ là gì nữa). Con gái mình sử dụng 5 ngôn ngữ, nhưng khi mình hỏi con, vậy con là носитель của ngôn ngữ nào ? Con gái mình trả lời, con là носитель русского языка, trong tất cả các bản trích ngang con đều khai thông tin như vậy. Vì sao một đứa trẻ sinh ra tại Ukraina, dân tộc Việt nam mà lại không ngần ngại cho thông tin ở tất cả các bản lý lịch rằng mình là носитель русского языка mà vẫn nhận được đầy đủ các quyền công dân, quyền được chăm sóc, học tập và làm việc như tất cả những công dân Ukraina khác? Trả lời câu hỏi này xin dành cho các bạn.
Khi cuộc chiến giữa Azerbaizan và Armenia nổ ra, dòng người tỵ nạn ào về Ukraina rất đông. Khi đó mình còn sống ở Kherson, một vùng miền nam có khí hậu khá ấm áp tương đồng với hai nước này. Người Azerbaizan và người Armenia lại cùng chung sống ở đây, hòa thuận với nhau dưới sự cảm thông và che chở của người Ukraina bản địa. Mình còn nhớ khi Bảo Linh học lớp 3, lớp Bảo Linh có thêm bạn mới tên Amazas cũng cùng bố mẹ chạy từ Azerbaizan tới. Mỗi khi ngồi chờ ở sảnh của trường để đón con đi học về, mình thường ngồi cùng mẹ của Amazas bởi cả hai bà mẹ đều đang phải trông chừng hai đứa trẻ em của Bảo Linh và em của Amazas. Bọn mình nói chuyện nhiều với nhau. Chạy loạn chưa bao giờ là sự mong muốn của người trong cuộc. Mẹ của Amazas khóc nhiều. Bố của Amazas làm bác sĩ, nhưng khi về Kherson ông chuyển nghề đi buôn cải bắp để sinh sống và nuôi gia đình. Rồi thời gian qua, lên lớp 5 các con không học chung với nhau nữa tuy vẫn cùng trường. Mình cũng không gặp bố của Amazas ngoài chợ nữa, ông đã xin được việc làm. Mẹ của Amazas trở thành một phụ nữ xinh đẹp và tươi tỉnh, không còn buồn và hay khóc như xưa. Lúc các con tốt nghiệp lớp 9, mẹ của Amazas len lỏi qua cả một sân trường đông nghẹt người để tìm mình nói lời chúc mừng kết quả tốt nghiệp xuất sắc của Bảo Linh. Cái gì gắn kết bọn mình với nhau ? Nỗi niềm của kẻ tha hương đã tìm được nơi neo đậu và phương tiện để chúng mình cảm thông chính là tiếng Nga thần thánh.
Năm 2015 Bảo Linh tham gia đội tình nguyện xây dựng một công viên tại một thành phố ở Đức. Nhóm tình nguyện gồm 16 thành viên với nhiều quốc tịch: 2 bạn đến từ Nga, 2 bạn đến từ Armenia, 1 bạn đến từ Gruzia, 1 bạn từ Ukraina. 1 bạn từ Estonia, 2 bạn từ Ý, 2 bạn từ Serbia, 1 bạn Tây ban Nha, 1 bạn Bồ đào nha, 1 bạn Hàn quốc,1 bạn Thổ nhĩ kỳ và 1 bạn Hy lạp. Với đội hình đa quốc tịch này, quy định của tổ chức là ngôn ngử sử dụng bằng tiếng Anh. Nhưng các bạn có thể thấy với 7/16 thành viên là công dân (rất trẻ tuổi, đều sinh ra và lớn lên thời hậu Xô viết) của các nước Xô viết cũ thì tiếng Nga có đóng vai trò gì hay không. Khi mình quan tâm hỏi con gái rằng, vậy các con với nhau dùng tiếng Nga phải không ? Con gái trả lời, phần lớn cố gắng dùng tiếng Anh hoặc tiếng Đức, nhưng có những khi theo bản năng hoặc thể hiện điều gì đó hài hước giữa chúng con thì chúng con chỉ có thể mỉn cười bằng tiếng Nga mà thôi. Đấy là mình chưa kể thêm hai bạn Serbia cũng có thể sử dụng chút ít tiếng Nga vì các tương đồng Slavo trong tiếng Nga và Serbia. Sẽ còn rất nhiều năm nữa., có lẽ hàng thế kỷ và có thể sẽ không bao giờ tiếng Nga mất đi trong cộng đồng các nước Xô viết cũ. Vậy thì những cố gắng ngang ngược của nước Nga dưới sự cầm quyền của Putin có là vô nghĩa hay không nếu chỉ với chiêu bài ” bảo vệ những người nói tiếng Nga”, bởi đây là một cộng đồng rất lớn và nhiều quốc tịch. Họ có thể yêu và không yêu nước Nga, nhưng tiếng Nga thì mãi vẫn là điểm gắn kết để họ hiểu nhau mà không có rào cản, để chia sẻ và cảm thông, để trân trọng những giá trị của từng dân tộc chứ không phải là kim chỉ nam để dẫn dắt họ đi theo một con đường mà họ không muốn đi theo.
Nhớ những ngày mình tranh luận kịch liệt về sự kiện Nga chiếm Crimea của Ukraina, có nhiều bạn quy sự việc thành thứ quan hệ nam nữ: Bỏ anh thì anh đòi quà, chạy theo thằng khác thì anh cho một bài học ! Và họ cười nhạo báng, và họ hả hê như những gì họ làm là chân lý. Những con người ấy chắc chưa bao giờ đọc bài thơ ” Tôi yêu em ” của Pushkin để thấy tiếng Nga, văn hóa Nga đã từng cao đẹp bao nhiêu mà hôm nay đã bị vấy bẩn bởi bộ máy tuyên truyền khổng lồ của chính thể Putin hiện tại.

Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn sóng u hoài

Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen
Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm
Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em!

Nguyễn Hồng Giang (11/3/2017- Nhớ về những ngày này 3 năm trước, khi thế giới rung động về hành vi xâm lược Crimea của Nga)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề