Thương cảng và sự kết nối văn hóa

1 Thương cảng có vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển của nhân loại. Các nền văn minh cổ xưa trên thế giới thường hình thành ở những thềm sông lớn hoặc ở các cửa biển, thuận lợi cho việc hình thành những thương cảng phục vụ giao thương và trao đổi văn hóa: văn minh Lưỡng Hà gắn với hai con sông Ti-grít (Tigris) và Ơ-phra-tơ (Euphrates) để hướng ra Vịnh Ba Tư; văn minh Ai Cập là “quà tặng” của sông Nin; văn minh Hy Lạp -La Mã cổ đại gắn bó với biển Địa Trung Hải và Đại Tây Dương; văn minh Ấn Độ phát triển rực rỡ ở những triền sông Ấn, sông Hằng và những vùng bờ biển nổi tiếng như Cô-chin (Cochin) hay Ben-gan (Bengal); văn minh Đông – Nam Á được xác lập nhờ có những trung tâm kinh tế quan trọng gắn với những triền sông lớn (Mê Kông, Chao Phray-a, sông Hồng…) hay những vùng bờ biển được “biệt đãi” nhờ vị trí giao thương thuận lợi (Biển Đông, Biển Ma-lác-ca, Biển Ja-va…).

Từ những thương cảng riêng của mình, các khu vực văn minh của nhân loại lại được kết nối hữu cơ với nhau thông qua các thương cảng quốc tế, các tuyến giao thương và hàng hải xuyên đại dương để hình thành các mối quan hệ thương mại và trao đổi văn hóa liên/xuyên châu lục và mang tính toàn cầu từ rất sớm trong lịch sử.

2 Lịch sử hình thành và phát triển của các dân tộc hợp thành lãnh thổ Việt Nam ngày nay cũng ghi dấu ấn của những thương cảng trọng yếu trên các hệ thống sông và ở những vùng biển, đảo: – Ở miền bắc, dòng sông Hồng và hệ thống sông chi lưu ra biển có vai trò huyết mạch trong giao thương ở miền châu thổ Bắc Bộ. Sử cổ Trung Quốc trực tiếp ghi rằng, sau khi xâm lược và đô hộ nước ta, vào khoảng Công nguyên, người Hán đã sử dụng miền châu thổ sông Hồng nói chung, dòng sông Hồng nói riêng, làm cửa ngõ giao thương chính để kết nối Trung Hoa với thế giới Đông – Nam Á. Theo đó, các thương đoàn phương Nam (Chămpa, Phù Nam, Đông – Nam Á và xa hơn là từ thế giới Nam Á, Tây Á) sau khi đến Vịnh Bắc Bộ thường theo hệ thống sông Hồng lên trị sở Long Biên, mang theo nhiều thương phẩm quý hiếm và giá trị đến để trao đổi lấy sản vật địa phương hoặc thương phẩm từ phương bắc đưa tới. Từ khoảng thế kỷ thứ IV sau Công nguyên, vai trò “cửa ngõ giao thương” của vùng châu thổ sông Hồng dần suy giảm do nền cai trị hà khắc của người phương bắc; thương nhân phương nam chuyển đến các thương cảng như Hợp Phố, Tư Văn và sau này là Quảng Châu ở vùng Lưỡng Quảng. Sau khi giành được độc lập vào thế kỷ X, các vương triều phong kiến Việt Nam đã hướng mạnh ra biển, cho lập những thương cảng và trung tâm giao thương trọng yếu của quốc gia Đại Việt như Vân Đồn, Thanh-Nghệ (thời Lý-Trần-Lê), Dương Kinh (thời Mạc), Thăng Long – Phố Hiến – Đô-mê-a/Tiên Lãng, Tiên Yên (thời Lê-Trịnh), Hải Phòng (thời Nguyễn)…

Các thương cảng và trung tâm buôn bán lớn vùng duyên hải góp phần kết nối quốc gia Đại Việt với thế giới Đông Á, thúc đẩy giao thương và trao đổi văn hóa trong suốt hành trình nghìn năm phát triển rực rỡ của quốc gia Đại Việt độc lập và cường thịnh.

– Xuôi về phương nam, từ nhiều thế kỷ trước Công nguyên, những cộng đồng cư dân thuộc các nền văn hóa khảo cổ học Sa Huỳnh (miền trung), Óc Eo (vùng Nam Bộ) cũng khai thác địa thế cận duyên để đẩy mạnh giao thương và giao thoa văn hóa. Những hạt chuỗi mã não hay khuyên tai hai đầu thú thuộc giai đoạn văn hóa Sa Huỳnh đã được tìm, phát hiện trên một diện rộng khắp vùng Đông – Nam Á hải đảo và lục địa; tiền đồng La Mã hay hạt chuỗi thủy tinh của xứ A-ri-kame-đu (Ấn Độ) xuất lộ trong các di tích khảo cổ học vùng đồng bằng sông Cửu Long. Xa hơn, người ta nói đến các truyền thống trang trí hoa văn gốm tương đồng đến độ thú vị giữa cư dân Sa Huỳnh ở miền trung Việt Nam với cư dân Ka-lanay ở Phi-li-pin… Từ sau Công nguyên, những cộng đồng cư dân thuộc các vương quốc Chăm-pa và Phù Nam đẩy mạnh hơn hoạt động giao thương, khai thác triệt để hơn vị trí địa-kinh tế của các thương cảng, nhất là các cảng biển. Chămpa duy trì hoạt động khai thác một hệ cảng biển quan trọng như Chiêm Cảng (Hội An – Cù Lao Chàm), Vigia-y-a (Bình Định), In-đra-pu-ra (Phan Rang)… trong khi Phù Nam sử dụng các cảng bến trong hệ thống sông Cửu Long để giao thương với cả khu vực thượng nguồn và hạ lưu ra biển, xa hơn nữa là các vùng quần đảo Đông – Nam Á, Nam Á (Ấn Độ) và Tây Á (Ba Tư)… Các thương cảng bắc nhịp cầu cho không chỉ thương mại (trao đổi thương phẩm) và còn cho cả giao lưu và truyền bá văn hóa: tôn giáo (Phật giáo, Ấn Độ giáo), ngôn ngữ và chữ viết (chữ San-krít, Pali)… góp phần vào sự phát triển của các cộng đồng cư dân trên lãnh thổ Việt Nam cũng như nhiều cộng đồng cư dân Đông – Nam Á nói chung trong giai đoạn cổ đại và trung đại.

– Từ cuối thế kỷ XVI, người Việt chủ động mở rộng địa bàn cư trú xuống phương nam. Trong công cuộc “Nam tiến” mang tính lịch sử đó, các nhóm cư dân Việt đã triệt để tận dụng hoặc khai mở những thương cảng mới, những địa bàn giao thương mới cho riêng mình. Sự ra đời và hưng thịnh của thương cảng quốc tế Hội An thế kỷ XVIIXVIII là công cuộc tái sinh thần kỳ Chiêm cảng của những thế kỷ trước nhờ nhãn quan chiến lược sắc bén, tư duy hướng biển cập thời và bàn tay xây dựng của các chúa Nguyễn xứ Đàng Trong. Xuôi về miền Nam Bộ, việc các chúa Nguyễn từng bước cho thiết lập các đơn vị hành chính, đặc biệt là sự kiện chúa Nguyễn Phúc Chu cho đặt phủ Gia Định năm 1698, góp phần thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương của vùng Nam Bộ với thế giới thượng nguồn sông Mê Kông, thế giới vạn đảo Đông -Nam Á cũng như thế giới Đông – Bắc Á trong khoảng hai thế kỷ tiếp theo.

Việc triều Nguyễn thiếu quyết đoán trong việc canh tân đất nước dẫn đến sự cô lập và yếm thế của Việt Nam, lãng phí vị trí địa chiến lược của các thương cảng và trung tâm giao thương lớn của đất nước thế kỷ XIX, làm suy yếu nền kinh tế vốn đã trở nên lạc hậu nên dễ dàng để thực dân Pháp xâm chiếm và đô hộ nước ta gần một thế kỷ.

3 Diễn trình lịch sử nghìn năm của các thương cảng trên đất nước Việt Nam cho thấy mức độ gắn bó của các cộng đồng cư dân đối với sông biển, sự chủ động, sáng tạo của họ trong khai thác cũng như tinh thần quật cường đấu tranh để bảo vệ các hệ thương cảng và nguồn lợi sông biển nói chung.

Hoàng Anh Tuấn (theo ND)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề