Thừa thời gian… ngồi, tại sao không cùng con vận động?

Thể trạng người Việt so với 20 năm về trước không được cải thiện nhiều. Đặc biệt, điều tra cho thấy người Việt quá ít vận động và thừa thời gian… ngồi.

Phản hồi về tình trạng “Thiếu sân chơi, trẻ ít vận động” (Tuổi Trẻ ngày 15-10), nhiều ý kiến cho rằng các bậc phụ huynh hãy quyết định lấy sức khỏe và tương lai của con mình bằng cách cùng tích cực vận động với trẻ.

Tự cứu mình

Kết quả điều tra mới nhất vừa được Viện Dinh dưỡng quốc gia công bố cho thấy thể trạng người Việt so với 20 năm về trước không được cải thiện nhiều. Đặc biệt, điều tra cho thấy người Việt quá ít vận động và thừa thời gian… ngồi.

Nghiên cứu của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM thực hiện trên gần 5.000 trẻ em trong độ tuổi 10 – 15 ở TP.HCM cho kết quả: 22,1% số này bị thừa cân, 13,4% béo phì và 31,3% bị béo bụng. Điều này đồng nghĩa với việc trong 3 trẻ lại có 1 trẻ bị béo bụng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lười vận động của trẻ, đặc biệt với trẻ em ở thành thị: trẻ thiếu chỗ chơi vì số lượng công viên quá ít và phân bố không hợp lý, sân chơi công cộng trong các khu dân cư cũng thiếu hoặc nếu có thì hay bị chiếm dụng làm chỗ kinh doanh, trẻ thiếu thời gian chạy nhảy vận động do lịch học quá nhiều, các thiết bị giải trí điện tử và mạng xã hội bùng nổ khiến trẻ bị thu hút quá nhiều…

Những nguyên nhân đó cho thấy nhà trường chưa làm tròn trách nhiệm, còn xã hội thì… bận quá nhiều việc khác. Đã đến lúc các ông bố, bà mẹ đang có con trong độ tuổi thanh thiếu niên phải suy ngẫm một cách nghiêm túc hơn về việc cứu con mình thoát khỏi căn bệnh “lười vận động”.

Các bậc phụ huynh nên rà soát lại một cách nghiêm túc lịch học thêm của các con và dũng cảm gạt bỏ những buổi học không cần thiết, không theo tâm lý đám đông, ít nhất để con không rơi vào tình trạng cả ngày chỉ có ngồi trên hai thứ: ghế trong lớp học và yên xe máy.

Cha mẹ cũng phải làm gương cho con, chủ yếu là chứng minh cho các con thấy mình là người ưa vận động, thích chơi thể thao chứ không phải cả ngày ngồi lì.

Trẻ con thường có thói quen bắt chước các hành động của bố mẹ, không dễ gì đẩy con ra sân chơi bóng, đánh cầu lông hay ra công viên đạp xe nếu bố ngồi lướt web, mẹ chơi “phây”.

Bọn trẻ sẽ hào hứng hơn rất nhiều nếu có bố hoặc mẹ chơi cùng, còn được cả hai bố mẹ thì càng tuyệt.

Sẽ có rất nhiều phụ huynh lập luận rằng cuộc sống bây giờ quá bận rộn, chỉ tập trung kiếm tiền nuôi con đã hết ngày rồi, thời gian đâu mà xa xỉ như vậy.

Nhưng tại sao chúng ta có thể lặn lội ngày đêm đưa đón con đi học thêm mà lại không thể đưa con đến một số địa điểm vui chơi, vận động vào cuối tuần hoặc vào những buổi tối không học thêm? Phải chăng điểm khác biệt chỉ là ở từ “bắt buộc”?

Nếu đúng như vậy thì đã đến lúc chúng ta nên làm quen với từ “tình nguyện” nữa rồi. Nếu không, 20 năm nữa cái báo cáo điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia lại không khả quan hơn là mấy.

Giúp trẻ vận động không khó

Ngoài việc thiếu sân chơi đúng chuẩn thì còn vấn đề là trẻ không thật sự có thời gian vui chơi vận động, kể cả những ngày cuối tuần hay ngày lễ do lịch học dày đặc. Thế nên không chỉ tạo nhiều sân chơi cho trẻ mà còn phải giúp trẻ thoát khỏi áp lực học hành.

Thế hệ của chúng tôi điều kiện thiếu thốn, rất ít khu vui chơi, nhưng may mắn chúng tôi chỉ học có một buổi, sau khi hoàn thành bài vở là được thỏa sức chơi đùa. Những trò chơi dân gian đơn giản nhưng vui và bổ ích, vận động toàn thân như rồng rắn lên mây, năm mười, rượt đuổi, nhảy dây, đá banh, đá cầu… không cần quá nhiều không gian.

Cho nên, quan trọng là trẻ được tạo điều kiện về thời gian để vận động thoải mái cùng bạn bè. Cũng cần nói thêm, cha mẹ ngày nay “úm con” kỹ quá, trẻ té chưa kịp khóc cha mẹ đã xuýt xoa, trẻ có những va chạm khi vui chơi với bạn bè, cha mẹ lập tức can thiệp. Muốn trẻ vận động xin đừng ngại va chạm.

Tạo điều kiện cho con vận động có thể là khuyến khích trẻ làm việc nhà: dọn dẹp đồ chơi, rửa chén bát, tham gia dọn dẹp nhà cửa cùng gia đình. Hãy tập cho trẻ đi cầu thang bộ thay vì thang máy, thang cuốn. Nếu trường không quá xa nhà, hãy cho trẻ đi bộ đến trường. Tóm lại, nên cho trẻ vận động bất kỳ lúc nào dưới bất kỳ hình thức gì miễn có “nhúc nhích” chân tay là được.

Thói quen năng vận động từ khi còn bé không chỉ giúp trẻ rèn luyện sức khỏe, sự khéo léo, năng động mà còn tạo nền tảng sức khỏe tốt sau này. Thói quen vận động có ảnh hưởng rất lớn từ thói quen sinh hoạt của mỗi gia đình, khi cha mẹ siêng năng tập thể dục sẽ cho trẻ cảm giác đó là một hoạt động tốt và vui vẻ bắt chước.

Tôi xin chia sẻ câu chuyện của chính bản thân rằng việc giúp trẻ vận động không khó. Khi con gái tôi 2 tuổi, có thể đi đứng vững vàng, khi đến các khu vui chơi tôi không bao giờ bồng bế mà để cháu tự đi, khi nào mỏi thì nghỉ. Khi cháu vào tiểu học, đi chơi hay mua sắm lúc nào vợ chồng tôi cũng đi thang bộ, buộc cháu cũng phải đi theo.

Từ lớp 6 đến nay, trừ những hôm học thể dục ở trường hay đi bơi, cháu đều đi bộ với tôi nửa tiếng ở khu vực gần nhà. Chỉ vậy thôi đã giúp cháu thoát khỏi tình trạng béo phì của đa số học sinh hôm nay, để phát triển thể hình cân đối.

Lan Hương (Theo Tuổi trẻ)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề