Thừa nhận diệt chủng Armenia: Một việc không dễ dàng với Đức

Trước buổi tưởng niệm 100 năm cuộc thảm sát người Armenia trong Thế chiến I, nước Đức đã có một quyết định khá bất ngờ khi thừa nhận đây là « một cuộc diệt chủng ». Tối qua, Tổng thống Đức Joachim Gauck lần đầu tiên sử dụng từ « diệt chủng » và nhắc đến vai trò « đồng phạm » của nước Đức thời đó trong các cuộc thảm sát do đồng minh Ottoman tiến hành.

Thái độ của Tổng thống Đức được xem như là triệt để hơn so với Quốc hội Đức, vốn lo ngại làm mất lòng đồng minh hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ.

Lần đầu tiên Đức chính thức sử dụng từ « diệt chủng » để nói về các vụ thảm sát khiến 1,5 triệu người Armenia chết trong những năm 1915-1917. Trong một nghi thức tôn giáo tại Berlin tối qua, Tổng thống Đức Joachim Gauck tuyên bố : « Những người Đức chúng ta vẫn còn phải đối mặt với trách nhiệm trong quá khứ, với vấn đề phần trách nhiệm của Đức, thậm chí sự đồng lõa của Đức trong cuộc thảm sát người Armenia ». Ông Joachim Gauck nói đến việc các lực lượng Đức đã tham gia vào khâu « lập kế hoạch », thậm chí vào việc « cưỡng bức người Armenia đến các trại tập trung ».

Tổng thống Joachim Gauk nhắc lại những câu nói ác độc của Thủ tướng Đức lúc đó, Bethman Hollweg, « mục tiêu duy nhất của chúng ta là giữ nước Thổ bên cạnh chúng ta cho đến hết chiến tranh, bất kể người Armenia có bị xóa sổ hay không ». Cũng trong buổi lễ này, người đứng đầu Giáo hội Tin lành Đức, Heinrich Bedford-Strohm, nhận xét : thái độ của đế quốc Đức lúc đó đã làm « băng hoại các giá trị đạo lý, để rồi (…) sẽ xảy ra những hệ quả kinh hoàng » với cuộc diệt chủng 6 triệu người Do Thái sau này.

Năm 1939, vào thời điểm nước Đức phát xít xâm chiếm Ba Lan, Hitler từng nói : « Ai hôm nay còn nói về việc người Armenia bị tận diệt ? ». Tối qua, Tổng thống Đức đã trả lời « Chúng tôi nói ! ». Tổng thống Joachim Gauck vốn là một mục sư ly khai ở Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây. Kể từ khi nhậm chức, một sứ mạng lớn của ông Joachim Gauck là đối mặt với những gánh nặng quá khứ của nước Đức. Một công việc không hề đơn giản, bởi Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh hàng đầu của Đức, và ở Đức có một cộng đồng gốc Thổ rất lớn với ba triệu rưỡi người – cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ lớn nhất ở hải ngoại.

Hôm thứ Tư, Quốc hội Áo đã khiến Ankara giận dữ, khi tuyên bố thừa nhận cuộc diệt chủng Armenia. Cũng như Đức, Áo từng là đồng minh của đế chế Ottoman trong Thế chiến thứ nhất. Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng bằng việc triệu đại sứ tại Vienna về để hỏi ý kiến. Trước đó Ankara đã rất tức giận, khi Giáo hoàng Phanxicô lần đầu tiên nói đến « diệt chủng » Armenia, và sau đó là việc Nghị viện Châu Âu yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ công nhận cuộc « diệt chủng ».

Trước tuyên bố của Tổng thống Đức, hôm thứ Hai 20/04, Quốc hội Đức cũng đã chuẩn bị một văn bản, dự kiến đưa ra thảo luận hôm nay. Dự thảo được chấp thuận với sự ủng hộ của chính phủ Đức, sau nhiều tranh luận quyết liệt. Quốc hội Đức nói đến « các vụ giết người hàng loạt, thanh lọc sắc tộc », nhưng tránh dùng từ « diệt chủng » để trực tiếp nói về cuộc thảm sát người Armenia.

Nhà sử học Đức Rolf Hosfeld cách nay ít hôm, trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài Áo, từng ngạc nhiên với việc nước ông đã phải mất nhiều thời gian đến như vậy, trước khi thừa nhận cuộc diệt chủng, trong khi đã có rất nhiều tài liệu cho thấy nước Đức đế quốc đã can dự như thế nào trong những gì đã xảy ra.

Nước Đức không phải là duy nhất. Ở bên kia Đại Tây Dương, Tổng thống Hoa Kỳ trong một thông cáo hôm qua cũng đã tránh dùng từ « diệt chủng », mà thay bằng cụm từ « cuộc tàn sát kinh hoàng ». Các nhà lập pháp Hoa Kỳ không chấp nhận thái độ của Tổng thống. Hồi tháng trước các nghị sĩ đã đưa ra một nghị quyết kêu gọi Tổng thống Obama thừa nhận cuộc diệt chủng, điều mà ông từng hứa hẹn trong cuộc tranh cử lần thứ nhất năm 2008.

Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ mới chỉ bày tỏ sự chia buồn đối với các nạn nhân Armenia, qua một phát biểu của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 4/2014. Theo chính quyền Thổ, nội chiến tại vùng Anatolia thời đó, và nạn đói sau đó, đã khiến khoảng 300 nghìn đến 500 nghìn người Armenia, và cũng chừng ấy người Thổ thiệt mạng.

Năm 2000, 126 nhà nghiên cứu, trong đó có giải Nobel Hòa bình Eli Wiesel người Mỹ gốc Do Thái và nhiều nhân vật nổi tiếng khác, đã ra thông cáo khẳng định vụ diệt chủng nói trên là « một sự thật lịch sử không thể bác bỏ ». Trong thời gian gần đây, ngay chính tại Thổ Nhĩ Kỳ thái độ đối với cuộc diệt chủng cũng đã có nhiều thay đổi lớn. Mới đây, nhà sử học Iklber Ortayli, giảng viên đại học Galatasaray, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), kêu gọi giới sử học hai nước « nghiên cứu thật cặn kẽ » về giai đoạn lịch sử này để « đi đến tận cùng sự thật».

Người Armenia ước tích 1,5 triệu đồng bào bị giết hại vào giai đoạn cuối của đế chế Ottoman. Theo các nhà sử học Phương Tây, vào năm 1915, có khoảng 1,7 đến 2,3 triệu người Armenia sinh sống trong các khu vực dưới quyền cai trị của đế chế này.

Cũng trong buổi lễ hôm qua, Tổng thống Đức nhấn mạnh : để chung sống hòa bình, điều quan trọng là các cộng đồng chia sẻ được với nhau những cách hiểu chung về quá khứ.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề