Thống đốc: “Giữ ổn định tỷ giá, tôi nói là làm!”

Tại hội nghị sơ kết ngành 6 tháng đầu năm 2014, Thống đốc Nguyễn Văn Bình một lần nữa nói trước về việc điều hành: Ngân hàng Nhà nước sẽ nối lại hoạt động mua vào ngoại tệ từ tuần tới.

Một tuần sau đó, nhận thấy có tín hiệu nối lại, VnEconomy liên lạc để tìm hiểu thông tin. Thống đốc cho biết: “Hôm nay đã mua vào. Ngày mai sẽ mua nhiều hơn. Nhưng từ ngày kia sẽ khó mua”.

Ông chỉ “bật mí” ngắn gọn vậy.

“Ngày kia” của Thống đốc

Bẵng đi, gần 6 tháng sau, đến khi tìm hiểu về đợt biến động tỷ giá cuối năm nay, lý do “ngày kia sẽ khó mua” mới được giải thích cụ thể.

Ông Bình gợi mở hơn khi trao đổi với VnEconomy rằng, Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá bằng nhiều công cụ, bởi tỷ giá có mối quan hệ rất mật thiết với lãi suất, với thanh khoản. Quan hệ cung – cầu ngoại tệ có thể đầy đủ, nhưng quan hệ với VND bị phá vỡ thì lập tức nó có thể ảnh hưởng đến tỷ giá, dù ngoại tệ thực tế không thiếu.

Bởi lẽ, khi các tổ chức tín dụng dư nhiều tiền đồng, với lãi suất quá thấp thì họ quay sang tạo sóng và lướt sóng trên thị trường ngoại tệ. Từ “lướt sóng” là thực tế mà người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận, ngay cả với các doanh nghiệp khác.

Ngân hàng Nhà nước có đầy đủ số liệu, nắm chắc tình hình về cung – cầu ngoại tệ trên thị trường, để điều hành linh hoạt; tức là luôn phải làm sao để giữ tỷ giá, lãi suất, thanh khoản hệ thống ở mức cân bằng với nhau. Việc điều hành thường định hướng cho cả tháng, cả quý, nhưng thực tế phải sống với thị trường hàng ngày.

“Hôm đó tôi nói là khó mua, vì nó rơi vào đầu tháng. Thời điểm đó các ngân hàng thương mại tương đối là thừa tiền. Vì cuối tháng họ phải đảm bảo yêu cầu dự trữ bắt buộc theo quy định nên thường phải tích tiền vào. Hết cuối tháng thì lại thừa tiền, khi thừa thì tìm cách lướt sóng”, Thống đốc chia sẻ một kinh nghiệm quan sát của mình.

Điều mà ông nhấn mạnh là phải nắm được hơi thở của thị trường, nắm được ứng xử của các ngân hàng và doanh nghiệp mới dự tính được “từ ngày kia sẽ khó mua”, chứ không chỉ là lý thuyết hay dựa vào các công cụ điều hành.

Dù ở cấp cao nhất, song hàng ngày người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước vẫn phải nắm những chi tiết và tình huống cụ thể như vậy, nhất là với sự nhạy cảm của tỷ giá.

Nhân chi tiết trên, Thống đốc kể với VnEconomy: có người hỏi ông, vì sao trả lời Quốc hội, hay phát biểu ở đâu ông cũng nói luôn và ghi nhớ chi tiết đến từng con số ở mọi khía cạnh hoạt động của ngành. Theo ông, ứng xử với lãi suất, tỷ giá, thanh khoản…, nếu không nắm cơ sở các con số thì không làm gì được.

Áp lực tăng tỷ giá là có thực!

Cuối tháng 11 đầu tháng 12/2014, tỷ giá USD/VND biến động. Đầu tuần này, nó vẫn có hướng tăng lên. Ông Nguyễn Văn Bình nói thẳng: “Áp lực tăng tỷ giá cuối năm nay là có thực!”.

Nhu cầu ngoại tệ có tăng lên. Thứ nhất, thời gian cuối năm, các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài chuyển lợi nhuận về chính quốc, nhu cầu mua ngoại tệ ghi nhận là có tăng. Hai là, các nhà đầu tư gián tiếp cũng muốn chốt lời trong thời gian vừa qua, họ bán ròng và thu ngoại tệ để chuyển lợi nhuận.

“Đó là yếu tố có thực, tăng lên đột biến so với các yếu tố khác, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn giám sát được”, Thống đốc cho biết.

Ngoài ra, diễn biến tỷ giá hiện nay còn có một yếu tố khá riêng biệt.

Thông thường các năm, Tết âm lịch rơi vào tháng 1 dương lịch, nên trước đó các doanh nghiệp, theo quá trình kinh doanh với nước ngoài, thường kết thúc vào tháng 12 để chuẩn bị nghỉ Tết, nên các hợp đồng thanh toán thường diễn ra trong tháng 12, nguồn cung ngoại tệ dồi dào lên.

Riêng năm nay, Tết âm lịch lại rơi vào tháng 2 dương năm sau. Với thông lệ trên, nhiều doanh nghiệp chuyển thanh toán vào tháng 1, để nghỉ Tết vào tháng 2. Theo đó, yếu tố thời gian không khớp với nguồn cung ngoại tệ như các năm trước.

Ngoài ra, kiều hối cũng tăng mạnh vào dịp trước Tết âm lịch. Như vậy, kiều hối sẽ tăng mạnh vào tháng 1/2015 thay vì vào tháng 12/2014 như thông lệ hàng năm.

Như vậy, cầu ngoại tệ tăng lên trong khi cung ngoại tệ “không khớp nhịp” như trên, áp lực tăng tỷ giá là có thực, chứ không chỉ đơn thuần về tâm lý.

Bên cạnh đó còn có yếu tố tâm lý đầu cơ. Năm 2014, Ngân hàng Nhà nước định hướng nếu điều chỉnh tỷ giá sẽ không quá 2%. Từ đầu năm mới chỉ điều chỉnh 1%, nên giới kinh doanh và đầu cơ ngoại tệ có kỳ vọng điều chỉnh tiếp. Kỳ vọng này dẫn đến găm giữ và nâng tỷ giá.

Thực tế, cuối tháng 11 vừa qua, sau một thời gian dài mới có hiện tượng doanh nghiệp găm giữ và đàm phán với ngân hàng với giá bán cao hơn. Nút thắt này chỉ khơi thông trở lại khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố không có lý do gì điều chỉnh tỷ giá, cùng với việc bán ra can thiệp.

Và còn một nguyên do nữa. Suốt 11 tháng đầu năm, định hướng điều hành và thực tế tỷ giá được giữ ổn định, các ngân hàng thương mại đã chủ động bán ngoại tệ ra cho thị trường, mạnh dạn bán. Đến tháng 11, trạng thái ngoại tệ hệ thống ngân hàng đã âm tới 6%, tương đương với khoảng hơn 1 tỷ USD.

Với các yếu tố trên, dĩ nhiên các ngân hàng thương mại cũng nhận thấy áp lực tăng tỷ giá là có thực, họ hạn chế bán ra, bởi nếu trạng thái âm quá có thể lỗ nếu có điều chỉnh tỷ giá. Mặt khác, cuối năm họ phải đóng trạng thái âm ngoại tệ quá lớn để chuẩn bị quyết toán. Việc bán ra ngoại tệ theo đó cũng hạn chế.

“Làm không phải vì trót hứa”

Trước các nguyên nhân và biến động của tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đứng trước hai lựa chọn: một là tiếp tục phá giá VND, hai là bán ra can thiệp.

Nhìn nhận những yếu tố trên tạo sức ép thực sự lên tỷ giá, nhưng nhà điều hành phân tích: cung – cầu dù có áp lực nhưng vẫn bình thường; xét tổng thể, cán cân thanh toán vẫn tiếp tục thặng dư và tính dồn từ đầu năm cỡ hơn 10 tỷ USD.

Mặt khác, họ xác định việc phá giá VND vào thời điểm cuối năm này không có lợi cho nền kinh tế (những năm trước cũng tránh điều chỉnh vào cuối năm). Thống đốc Nguyễn Văn Bình lý giải, vì đây là lúc các nhà xuất khẩu đã xuất khẩu rồi nên không tạo ra động lực hỗ trợ mang tính thời điểm, trong khi nếu phá giá thì nhà nhập khẩu phải chịu chi phí cao hơn do chốt sổ vào cuối năm.

Còn với trạng thái ngoại tệ hệ thống âm khoảng hơn 1 tỷ USD, nếu Ngân hàng Nhà nước bán ra hỗ trợ, các ngân hàng thương mại sẽ tin tưởng họ có thể đóng trạng thái bất cứ lúc nào. Khi có niềm tin, họ sẽ trở lại bán ra.

Với tính toán trên, trong đợt biến động vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã bán khoảng 1 tỷ USD, trạng thái ngoại tệ của hệ thống đã trở về mức rất thấp.

“Quan hệ cung – cầu không có gì, nhưng vì có các yếu tố tạo áp lực ở trên nên Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp. Tôi bán ra để thể hiện, tôi nói là làm. Không phải vì trót hứa nên phải làm. Mà có nghĩa là, về tổng thể thì vẫn cân bằng, thậm chí còn dư ngoại tệ, thế nhưng cuộc sống đôi khi có những thời điểm có áp lực thì đó là lúc đòi hỏi thể hiện vai trò điều tiết của Ngân hàng Nhà nước”, Thống đốc nói về quyết định can thiệp vừa qua, và cả về sự sẵn sàng hiện nay.

“Cái cân bằng là ổn định, thế nhưng nếu anh không giữ được cái ổn định đó thì nó sẽ bị yếu tố tâm lý chi phối”.

Ông nhấn mạnh, các cân đối ngoại tệ hiện cân bằng, thậm chí thặng dư lớn, còn mất cân đối chỉ là tạm thời. Với vai trò là người điều tiết cuối cùng, khi có mất cân đối tạm thời, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng cung ứng.

“Cũng như việc định hướng tỷ giá năm nay, nếu điều chỉnh sẽ không quá 2% là tính toán khách quan, trên cơ sở các cân đối và phù hợp với yêu cầu hỗ trợ phát triển nền kinh tế, chứ không phải hành chính, không phải vì mong muốn chủ quan mà gò thị trường theo nó”.

“Năm nay, Ngân hàng Nhà nước không dùng hết định hướng 2% đó, không tiếp tục điều chỉnh. Không phải cứ thấy thị trường rục rịch là điều chỉnh ngay. Trên cơ sở phân tích các quan hệ cung – cầu nói trên, Ngân hàng Nhà nước kiên quyết không phá giá, mà bằng tuyên bố của mình, can thiệp giữ ổn định để tạo và giữ niềm tin trên thị trường”, ông Bình khẳng định.

Theo Vneconomy.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề