“Thỏ” thì không dừng lại

Tôi thường băn khoăn khi lựa chọn một cuốn sách được gắn mác kinh điển, đặc biệt lại thuộc hàng sách đã từng bị cấm, dù không thể phủ nhận được một sức hút khó lí giải của những cuốn sách này.

Tuy vậy, ngay khi cầm trên tay cuốn “Rabbit ơi, chạy đi”, tôi đã phải tâm niệm rằng một cuốn sách dù “kinh điển” đến cỡ nào thì cũng có thể tiếp cận được theo một cách hết sức giản dị và gần gũi. Và đó là cái cách tôi chọn để bước vào thế giới tâm lý nhân vật hỗn loạn mà John Updike xây dựng.

Nếu mỗi con người tạo dấu ấn tự nhiên đầu tiên của mình bằng tên gọi, thì cuốn sách này cũng dễ thu hút từ cái tên “Rabbit ơi, chạy đi”. Tựa đề ấy giống như một tiếng quát quyết đoán giúp người đọc mường tượng ra rằng chắc hẳn Rabbit là nhân vật chính và anh đang trốn chạy.

Nhưng anh phải chạy trốn cái gì? Anh chạy ra sao và có thoát không? Và cũng giống như sự tò mò bột phát khi bắt gặp một người xa lạ có cái tên “rất kêu”, người ta sẽ mon men đi vòng quanh ngắm nghía. Như đoán được ý đồ của những độc giả đầy hoài nghi, John Updike lại dè sẻn cung cấp thêm một manh mối nữa, ông đã trích lời của triết gia Blaise Pascal:“Run rủi của trời, nhẫn tâm của người, khách quan ngoại cảnh”. Có vẻ như John Updike đã chẳng ưu ái gì cho nhân vật của mình khi đặt ra một tình huống trớ trêu như thế. Mọi thứ đều như quay lưng lại với nhân vật này. Những chi tiết đó hé lộ về một cuộc đời chắc chắn đầy trắc trở và ít tươi vui.

Cuốn sách ra đời vào những năm 1960 trong một giai đoạn khủng hoảng của nước Mĩ về tất cả các phương diện như chính trị, xã hội, tư tưởng. Đó là những năm xã hội Mĩ biến động vì phong trào đòi dân chủ, phong trào nữ quyền, giải phóng tình dục… Văn hóa Mĩ vốn đã rất cởi mở đối với vấn đề tình dục, độc tôn cái TÔI nhưng vẫn chứa đựng rất nhiều xung đột, tranh cãi xung quanh vấn đề trách nhiệm và bổn phận của mỗi cá nhân với gia đình, vấn đề tình dục hay ngoại tình, tôn giáo tín ngưỡng… Điều đó cũng chính là lí do khiến “Rabbit ơi, chạy đi” bị xếp vào hàng sách cấm khi nó bao hàm đầy đủ những nội dung vô cùng nhạy cảm: ngoại tình, tình dục đồng giới, tôn giáo, sự rũ bỏ trách nhiệm với gia đình, thất nghiệp và bế tắc…

Không thể phủ nhận rằng trong khoảng 30 trang đầu của cuốn sách, John Updike như muốn thử thách sự kiên nhẫn của người đọc. Mọi sự kiện như bị tua chậm, mọi chi tiếtđược miêu tả quá tỉ mẩn, kĩ càng. Rabbit Angstrom xuất hiện với quá nhiều phân vân kiểu nên thế này hay thế nọ, lỡ thế này và chẳng may thế khác. Thế nhưng băn khoăn cho những điều nhỏ nhặt và bốc đồng với một quyết định lớn lao, Rabbit bỏ chạy. Anh bỏ chạy khỏi gia đình, khỏi trách nhiệm, khỏi những thứ dớ dẩn hàng ngày mà anh phải đối mặt để chẳng rõ là đến với thứ gì. Câu chuyện bắt đầu ở điểm đó, chính là khi Rabbit chạy đi như nhan đề cuốn sách.

Ra đi với tâm trạng giống như một kẻ loạng choạng đi trên mép giường, Rabbit “càng lái đi xa càng cảm thấy một hệ thống rối ren lớn lao nào đó”. Ban đầu thì đó đơn thuần là tâm trạng rối ren của một lữ khách trước những cung đường hoàn toàn xa lạ nhưng rồi nó lại được gia tăng thêm nỗi cô đơn, sự trống trải, giận dữ, khác biệt và bị soi mói bởi những người xung quanh… Tất cả gộp thành sự vô nghĩa trọn vẹn. Vô nghĩa đến độ ngay cả khi làm tình với cô gái điếm thì anh ta vẫn chỉ nghĩ về vợ mình – người phụ nữ mà anh ta cho là ngu ngốc, nông cạn và muốn rũ bỏ.

Dường như với Rabbit, anh ta có một công việc luôn không đủ tốt, một người vợ luôn không đủ tốt, một cuộc sống luôn không đủ tốt nên anh ta luôn lập lờ giữa luyến tiếc, thương xót cái đang có và ham muốn rũ bỏ tất cả để tìm kiếm những điều tốt đẹp. Khó có thể nói rằng Rabbit sẽ hạnh phúc hơn nếu từ bỏ cô vợ Janice tội nghiệp để đến với cô bồ Ruth lẳng lơ. Dù thế nào thì Rabbit vẫn thực sự là một tên khốn đối với cả hai người phụ nữ ấy.

Cuốn tiểu thuyết kết thúc như khi nó bắt đầu. Nhân vật bỏ chạy. Chỉ có điều nếu ban đầu anh ta bỏ chạy khỏi một thứ hữu hình (một cô vợ nát rượu, lười nhác và yếu đuối) thì giờ đây, anh ta bỏ chạy khỏi một thứ vô hình, bỏ chạy để không phải đưa ra một quyết định cụ thể nào với cuộc đời của mình.

Theo tạp chí Time, “Rabbit ơi, chạy đi” được xếp vào danh sách 100 tiểu thuyết vĩ đại nhất. Sau đó, John Updike còn viết được thêm ba cuốn tiểu thuyết nữa về nhân vật này gồm “Rabbit Redux”, “Rabbit is rich” và “Rabbit at rest”.

Theo Đẹp Online.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề