‘Thợ hàn’ Miura & Màn đi dây thăng bằng

Đội tuyển Việt Nam dường như vẫn là một “bức tranh lộn xộn”: 19 trong số 22 tuyển thủ Việt Nam dự AFF Cup lần này đã được HLV Toshiya Miura sử dụng chỉ qua hai trận vòng bảng, và chúng ta không thể xác định đâu là lối chơi đặc trưng của họ.

Trận ra quân gặp Indonesia, ông cất Lê Công Vinh và Lê Tấn Tài lên ghế dự bị. Trận thứ hai, ông lại cho cả hai cầu thủ đã chơi rất hay ở trận đầu là Phạm Thành Lương và Nguyễn Văn Quyết ngồi ngoài. Mỗi trận ông dùng một hàng thủ khác nhau.

Trận gặp Indonesia, ông sử dụng hai tiền vệ trung tâm chơi song song, cố kiểm soát bóng và chơi ban nhỏ. Trận thắng Lào, ông đặt Tấn Tài vào vị trí con thoi, cho đội tuyển triển khai bóng dài, trực tiếp. Nguyễn Hải Anh là chân sút duy nhất ở trận đầu tiên, trong khi Công Vinh – Anh Đức hợp thành cặp tiền đạo giăng ngang ở trận thứ hai.

Xáo trộn đội hình? Không có gì lạ!

Không thể đọc được đội hình và lối chơi của đội tuyển Việt Nam trước khi bóng lăn. Điều này tạo cảm giác chông chênh và bất an, vì trên lý thuyết thì một đội hình cố định sẽ tốt hơn cho sự gắn kết và ăn ý trong lối chơi. Ở cấp độ ĐTQG, các cầu thủ chỉ làm việc với nhau trong thời gian tập trung thay vì hàng ngày như tại CLB, nên điều này càng quan trọng.

Nhưng sự lộn xộn cũng có điểm tích cực của riêng nó. 15 năm trước, bóng đá Thế giới cũng tôn sùng sự ổn định và cho rằng chuyện xáo trộn đội hình là một thảm họa. Nhưng 10 năm trở lại đây, những “Gã thợ hàn” xuất hiện ngày một nhiều và thậm chí rất thành công.

Sir Alex Ferguson, người đã từng thay đổi đội hình xuất phát của Man United liên tục 99 trận vào năm 2009, cho rằng việc tạo cơ hội cho nhiều cầu thủ vào sân là nhằm “tạo cảm giác rằng tất cả mọi người đều có đóng góp, vì bóng đá hiện đại đòi hỏi sự thống nhất tập thể”.

World Cup 2010, đội tuyển Tây Ban Nha đăng quang với 20/23 cầu thủ được ra sân từ đầu cho đến hết giải. Họ cũng vô địch EURO 2012 với một đội hình đầy xáo trộn, thay đổi liên tục giữa các sơ đồ có tiền đạo và không tiền đạo.

Tất nhiên, mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng rõ ràng là bóng đá Thế giới cũng không lạ gì chuyện xáo trộn đội hình để phục vụ cho chiến thuật trong từng trận cụ thể. Nếu có những HLV thành công nhờ xây dựng được một lối chơi và đội ngũ ổn định, thì cũng có những HLV cảm thấy thoải mái trong sự chông chênh ấy.

Ông Miura có lẽ là mẫu HLV thứ hai. Trong một bài trả lời phỏng vấn cách đây 6 tháng trên tờ Bóng đá, Takashi Morimoto, một nhà báo thể thao người Nhật chuyển qua làm môi giới cầu thủ và nắm rất rõ thông tin về HLV Miura, có tiết lộ rằng các đội bóng trước đây của ông thày người Nhật “đều được tổ chức rất chặt chẽ, và bản thân ông ấy cũng là mẫu người tuân thủ kỷ luật tuyệt đối, nhưng không hề cứng nhắc”.

Đại ý là ông Miura có thể thay đổi chiến thuật xoành xoạch, nhưng tính tổ chức và kỷ luật vẫn phải là những nguyên tắc được đặt lên hàng đầu.

Màn đi trên dây & Cây gậy thăng bằng

Kỷ luật chiến thuật cũng là một đặc điểm nổi bật của đội tuyển Việt Nam hai trận vừa qua (ngay cả khi họ mắc sai lầm ấu trĩ trong phòng ngự ở trận gặp Indonesia): Các cầu thủ rất trung thành với đấu pháp, dù hiệu quả có thể đến chậm.

Trận gặp Lào, cho đến giữa hiệp hai, Việt Nam mới tung ra được một cú sút trúng đích, nhưng cách tiếp cận cầu môn không thay đổi, với một sự kiên nhẫn hiếm thấy: Vẫn là những đường chuyền dài chéo ra hai biên hoặc rót vào khoảng trống sau hàng phòng ngự đối phương.

Cũng theo nhà môi giới người Nhật thì HLV Miura có sở trường “giúp các đội bóng nhỏ trở nên mạnh mẽ, giàu tính chiến đấu hơn, và có thể gặt hái thành công lớn với các đội nhỏ”. Thành công đến đâu thì còn cần phải kiểm chứng, nhưng rõ ràng cách huấn luyện lưu ý đến những chi tiết nhỏ và thường xuyên thay đổi chiến thuật của ông Miura phù hợp với những đội tuyển có nhân lực và trình độ ở mức vừa phải như tuyển Việt Nam.

Những gì đã diễn ra cho thấy rằng dù chưa thể khiến các CĐV mãn nhãn, nhưng cách tiếp cận thực dụng này cũng cho thấy sự can đảm và niềm tin vào cách làm việc có khoa học của bản thân ông Miura. Mỗi trận đấu sẽ là một ván cờ nhỏ của HLV người Nhật, và ông không ngần ngại thay đổi con người lẫn chiến thuật để đối phó với từng đối thủ cụ thể, dựa trên những chất liệu dù hạn chế mình đang có.

Miura đang đi trên dây, nhưng không phải với hai bàn tay không. Kỷ luật chiến thuật và các nguyên tắc lối chơi cốt lõi (nhanh, đơn giản, ít chạm) sẽ là cây gậy thăng bằng của ông. Cây gậy ấy không phải là một sự đảm bảo, nhưng ít nhất, nó cho thấy rằng ông biết mình phải làm gì, và can đảm với lựa chọn ấy như thế nào.

Theo TTVH.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề