Thế giới chao đảo sau quyết định của Mỹ

Hàng loạt rủi ro cận kề đã khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định hoãn tăng lãi suất lần đầu tiên sau gần một thập kỷ giữ gần mức 0%. Đồng USD giảm mạnh trong khi vàng tăng vọt. Tuy nhiên, tất cả đều là tạm thời và thị trường lại đang rơi vào thời kỳ nghe ngóng.

USD đảo chiều, vàng tăng vọt

Không nằm ngoài dự đoán, rạng sáng 18/9 (giờ Việt Nam), nữ chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) gốc Do Thái Janet Yellen đã đưa ra thông báo hoãn tăng lãi suất cho dù cơ quan này đã đưa ra tín hiệu sẽ chấm dứt thời kỳ tiền giá rẻ từ năm 2013.

Có rất nhiều lý do được bà Yellen thay mặt thành viên của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc FED đưa ra giải thích cho quyết định này. Tựu chung, đó là: những bất ổn trên thế giới có thể ảnh hưởng tới khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Mối lo ngại hàng đầu của Mỹ là tình trạng suy giảm kinh tế của Trung Quốc và các thị trường mới nổi.

 

Ngay sau quyết định của Fed, đồng USD đã rớt xuống mức thấp nhất trong 3 tuần, trong khi vàng chạm đỉnh 2 tuần. Giá vàng giao ngay tăng vọt lên gần 1.135 USD/ounce trước khi chốt phiên tăng 0,8% lên 1.128 USD/ounce. Trong phiên liền trước, thị trường cũng đã dự báo về khả năng hoãn tăng của Fed khiến vàng đã tăng 1,3%.

Chỉ số đo lường biến động giá USD so với các đồng tiền chủ chốt khác (DXY) giảm hơn 1% xuống còn 94,5 điểm. Hàng loạt các hàng hóa khác cũng tăng mạnh theo sự suy yếu của đồng bạc xanh. Giá dầu thô trong khi đó giảm 0,4% xuống 46,9 USD/thùng.

TTCK Mỹ ngay lập tức chuyển từ tăng điểm khá mạnh sang trạng thái giảm điểm vào cuối phiên. S&P500 giảm gần 0,3% sau khi đã tăng hơn 1% trước khi Fed đưa ra quyết định. Chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 65,21 điểm, tương đương 0,39% xuống 16.674,74 điểm.

Trong khi đồng USD lao dốc xuống mức thấp nhất trong 3 tuần thì lãi suất trái phiếu tại Mỹ tăng vọt. Lãi suất của trái phiếu kỳ hạn 2 năm đã tăng 13 điểm cơ bản – mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2009 lên 0,68%. Lãi suất trái phiếu 10 năm cũng tăng 10 điểm lên 2,19%.

Như vậy, quyết định của Fed đã rõ ràng. Mỹ đã không tăng lãi suất cơ bản trong tháng 9. Các thị trường đã phản ứng đúng như theo lý thuyết. Triển vọng đồng USD xấu đi đã kéo hầu hết các loại hàng hóa khác tăng giá, trừ dầu thô. Sự lo ngại về triển vọng kinh tế Mỹ đã kéo dầu giảm.

Tuy nhiên, có thể thấy, sự biến động của các thị trường không quá lớn.

Trước hết, đó là do một phần đã được phản ánh vào giá trước đó. Bên cạnh đó, xu hướng tăng lãi suất là không tránh khỏi. Câu hỏi hiện giờ chỉ là: khi nào?

Fed lập lờ: Thị trường lại nghe ngóng

 Theo Reuters, trả lời câu hỏi khi nào Fed sẽ tăng lãi suất, bà Yellen tiếp tục để ngỏ mọi khả năng, có thể là tháng 10 và cuộc họp trong 2 tháng sau đó và khẳng định quyết định sẽ dựa trên tín hiệu thêm về thị trường lao động và lạm phát.

Không phải ngẫu nhiên mà Fed phát đi tuyên bố sẽ tăng lãi suất từ 2013 và liên tục nhắc lại trong thời gian gần đây. Trên thực tế, nền kinh tế Mỹ đã hồi phục ấn tượng trong hai năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ mức 10% xuống còn 5,1% thời gian gần đây. Tăng trưởng GDP quý II/2015 của nước này vẫn đat 2,3% và có thể lên đến 3% trong nửa cuối năm.

vàng, giá vàng, giá-vàng, vàng-trong-nước, vàng-quốc-tế, dự-báo, đầu-năm-2013, vàng-SJC, vàng-DOJI, Phú-Quý, Bảo-Tín-Minh-Châu, giao-dịch, Cục-dự-trữ-liên-bang-Mỹ, Fed, Trung-Quốc, Ấn-Độ, kitco, Trung-Đông, kênh-đầu-tư, Hà-Nội, Sài-Gòn, nhân dân tệ, TQ, N

Mối lo ngại của nước Mỹ chính là rủi ro sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc, khủng hoảng ở các thị trường mới nổi và giá dầu giảm có thể ảnh hưởng tới kinh tế Mỹ, trong khi lạm phát của Mỹ vẫn đang ở mức thấp.

Như vậy, điều quan trọng nhất mà giới đầu tư mong chờ: thông điệp của Fed sau quyết định tăng hay giảm trong cuộc họp vừa qua, đã không thực sự rõ ràng. Với các NĐT, quyết định tăng hay giảm trong lần đầu tiên không thực sự có ý nghĩa bằng dự báo lãi suất cuối kỳ (sẽ tăng lên bao lâu và thời gian bao lâu).

Lịch sử cho thấy, có những chù kỳ, lãi suất chỉ tăng thêm cao nhất chỉ 0,2% nhưng cũng có lần tăng thêm tới 13%. Thời gian ngắn nhất 3-4 tháng, dài nhất lên tới 69 tháng.

Trong buổi họp 17/9, Fed đã không đưa ra bất cứ một thông điệp rõ ràng nào, từ thời điểm sẽ tăng giá cho đến chu kỳ và dự báo lãi suất cuối kỳ. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với xu hướng này, nhiều khả năng trong buổi họp tới, Fed cũng sẽ chưa thể đưa ra một quyết định nào đột phá bởi Fed vẫn chưa hề đưa ra một cam kết gì chắc chắn.

Vấn đề có lẽ ở chỗ, tất cả các chuyên gia hàng đầu của Mỹ đều không thể hình dung nổi, nền kinh tế Mỹ nói riêng và thế giới nói chung sẽ diễn biến như thế nào khi mà Trung Quốc vẫn đang vật lộn trong khó khăn. Tương lai kinh tế TQ vẫn chưa thể được đánh giá hết khi mà nước này đang tái cấu trúc nhiều mặt và các báo cáo số liệu bị nghi ngờ thiếu chính xác.

Tính bất định về thời gian Fed bắt đầu tăng lãi suất cùng với dự báo lạm phát mục tiêu 2% của Mỹ tới 2018 mới đạt được có thể là lý do khiến giới đầu tư rời bỏ USD, quay lại với vàng. Theo đánh giá của Credit Suisse, với kịch bản Fed từ bỏ kế hoạch tăng lãi suất trong vòng ít nhất 6 tháng, USD mất giá ít nhất 5% trong nửa còn lại của năm.

Tuy nhiên, thực tế Fed không có một mốc thời gian cụ thể. Tất cả sẽ dựa trên các chỉ số kinh tế. Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng tin tưởng vào tuyên bố trước đó của bà Yellen rằng, 2015 là thời điểm hợp lý để tăng lãi suất.

Về lý thuyết, xu hướng Mỹ tăng lãi suất là không tránh khỏi và với các diễn biến kinh tế hồi phục ấn tượng trong hai năm qua của nền kinh tế nước này, việc Fed kết thúc thời kỳ tiền giá rẻ sẽ sớm diễn ra. Nếu không tăng lãi suất, Mỹ sẽ khiến kinh tế rơi vào tình trạng phát triển không bền vững. Fed sẽ buộc phải nâng lãi suất lên để tự tạo cho mình một công cụ để có thể hỗ trợ kinh tế trong giai đoạn suy thoái tiếp theo.

Theo vietnamnet


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề