Thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: “Người thầy cần có một cái tâm”

Thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cho rằng, khoảng cách giữa thầy và trò trong nét văn hóa Việt Nam là đáng trân trọng, thế nhưng đừng để khoảng cách ấy quá dài và quá xa. Người thầy đừng chỉ đứng trên bục giảng mà hãy đứng ở nhiều vị trí khác nhau để có thể hiểu rõ hơn học sinh của mình.

“Thầy có nhiều fan không?” là câu hỏi phải thốt lên khi gặp thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu ở bên ngoài, nhưng thầy không trả lời mà chỉ cười thật tươi. Có lẽ, ai gặp thầy rồi ắt hẳn cũng có chung suy nghĩ, chắc thầy có rất nhiều fan bởi vẻ ngoài điển trai và nụ cười thu hút mọi ánh nhìn.

Dù đang rất bận rộn giữa việc học và việc giảng dạy nhưng thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu vẫn dành cho PV báo điện tử Gia đình Việt Nam ít phút để trò chuyện.

Vẻ ngoài điển trai, nụ cười thân thiện, thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu luôn tạo được ấn tượng tốt với người đối diện

Với vẻ ngoài điển trai, nụ cười thân thiện, thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu luôn tạo được ấn tượng tốt với người đối diện

Chào thầy! Tại sao thầy lại chọn nghề nhà giáo mà không phải là những nghề kiếm ra rất nhiều tiền khác?

Chào báo điện tử Gia đình Việt Nam và các bạn đọc!

Mình sinh ra trong một gia đình nông dân rất bình thường ở Bến Tre nhưng lại lớn lên trong một tuổi thơ “dữ dội”. Sau đó, mình quyết định thi vào khoa Tâm lý giáo dục với mục đích tự giúp đỡ bản thân.

Khi tốt nghiệp ra trường, bắt đầu đi giảng dạy, mình gặp gỡ rất nhiều bạn trẻ, giúp các bạn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Lúc ấy, mình phát hiện ra rằng, mình rất yêu thích công việc này và mong muốn sẽ trở thành một người bạn, một người anh để giúp đỡ các bạn trẻ.

Tuổi thơ “dữ dội” thầy vừa nhắc đến là gì?

Sự thay đổi trong mối quan hệ với gia đình, cãi nhau với ba mẹ, cãi nhau với bạn bè, sa sút trong học tập… Đó là sự dữ dội. Và không chỉ riêng gì mình mà hầu như ai bước qua tuổi thiếu niên cũng đã trải qua.

Có những vấn đề, dưới góc nhìn của người lớn thì rất nhỏ nhưng với con trẻ thì đó là vấn đề rất to lớn và khủng khiếp. Ví dụ như: Có em học sinh làm mất 600.000 đồng tiền quỹ lớp mà phải tự tử, có em bị điểm kém cũng sợ bị la mắng mà tự tử. Không ai nói cho các em biết rằng, đó là những vấn đề rất nhỏ, có thể giải quyết được dễ dàng, cũng không ai dạy các em cách giải quyết những vấn đề như vậy. Đó là do các em bị thiếu kỹ năng ứng xử trầm trọng.

Thầy có suy nghĩ như thế nào về hình ảnh một người thầy giáo hiện đại?

Người thầy giáo hiện đại là người thầy không chỉ đứng trên bục giảng mà đứng ở nhiều vị trí xung quanh học trò của mình. Đứng bên cạnh, đứng sau lưng, đi vòng quanh học trò để có thể hiểu hơn về đời sống, tâm tư tình cảm của các em.

Người thầy không chỉ bị gò bó trong “kênh lớp học” mà nên mở rộng mình ra “kênh online”, kết bạn với các em trên trang mạng xã hội, hiểu ngôn ngữ teen.

Giữa thầy và trò trong nét đẹp truyền thống giáo dục Việt Nam có một khoảng cách nhất định và đó là điều đáng gìn giữ. Thế nhưng, đừng để nó là một khoảng cách quá dài và quá xa.

Ở trên lớp học, người thầy không nên làm cha, làm mẹ của học sinh mà hãy biến mình thành những người bạn lớn tuổi để dễ dàng hòa nhập vào môi trường của các em.

Thầy có nghĩ rằng đã là thầy thì phải làm cho học sinh phải nể sợ mình không?

Theo mình nghĩ, nể và sợ là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau. Nể là kính nể còn sợ là sợ hãi, sợ sệt.

Để làm cho học sinh sợ, bạn chỉ cần một cây roi và vài lời nói dọa nạt nhưng không thể nào dùng những thứ ấy làm cho học sinh nể. Khi đã tốt nghiệp ra trường, học sinh sẽ quên ngay người làm cho mình sợ và sẽ mãi nhớ đến người làm cho mình nể. Và đương nhiên, làm cho học sinh nể sẽ khó hơn rất nhiều lần làm cho sợ.

Người thầy cần phải có một cái tâm, một cái tầm và một sự tinh tế thì mới nhận được sự kính nể của học sinh. Không cần đến những lời nói nghiêm khắc, roi vọt, các em vẫn sẽ nể phục và kính trọng người thầy, dù ở đâu cũng sẽ luôn nhớ và nghe theo lời thầy đã dạy.

Thầy đã làm cho học sinh nể chưa?

(Cười tươi). Không biết là học sinh có nể mình hay không nhưng các em rất yêu quý mình. Có nhiều học trò đã học mình đến 7,8 năm nhưng vẫn luôn dõi theo và hỏi thăm sức khỏe. Điều đó làm mình rất vui.

Đã bao giờ thầy nghĩ mình sẽ bỏ nghề chưa?

Ồ! Chưa bao giờ mình nghĩ vậy. Chắc mình sẽ làm nghề này cho đến khi tắt thở quá. (Cười tươi). Vì mình rất yêu công việc này.

Thạc sỹ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu sinh ngày 2.12.1984, là Giảng viên khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Anh là người sáng lập đội tình nguyện CLB Bản lĩnh sống Sư tử trẻ, làm điểm tựa tinh thần cho giới trẻ; Thử nghiệm mô hình định hướng lối sống cho giới trẻ thông qua mạng xã hội; Thử nghiệm sáng kiến tuyên truyền giáo dục kỹ năng thực hành xã hội cho giới trẻ qua chương trình “Tháo gỡ chuyện khó đỡ”, giúp đỡ đời sống tâm lý cho thanh thiếu niên, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức cho học sinh, sinh viên.

Anh còn viết các cuốn sách Tư duy sáng tạo – Các con đường đi tìm lý tưởng 2010; Một số vấn đề cơ bản của tâm lý học lứa tuổi 2011; Tâm lý học giao tiếp 2011; Kỹ năng giao tiếp; Kỹ năng làm việc nhóm.

Anh từng đạt các giải thưởng: Giải ba Nghiên cứu khoa học Bộ GD-ĐT 2006; Giải thưởng Tài năng tâm lý trẻ T.Ư hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam; Danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu của năm do cộng đồng mạng bình chọn; Giải thưởng nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp trường, cấp thành phố.

Theo GĐVN.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề