Thầy giáo Hà Công Văn: Ngọn đèn không tắt giữa đại ngàn

Tin thầy giáo Hà Công Văn đột ngột qua đời khiến cả làng giáo tỉnh Quảng Trị bàng hoàng thương tiếc. Với bà con dân bản ở vùng Đakrông, niềm tiếc thương càng dâng gấp bội.

Hơn cả danh hiệu Anh hùng Lao động cao quý mà thầy được phong từ 12 năm trước, với đồng bào vùng rẻo cao Quảng Trị, thầy Văn là một huyền thoại của tình yêu thương.

Nước mắt trời, nước mắt người…

Ba hôm nay trời tầm tã mưa. Mưa từ rẻo cao Đakrông Quảng Trị, mưa mịt mù cái xóm nhỏ ở Quảng Bình. Thầy Văn về mãi với căn nhà của mình ở cuối thôn Trường Niên (xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) trong mưa.

Và hôm nay, 3-12, thầy cũng về với đất trong mưa mùa lạnh sụt sùi. Mấy hôm nay nhà thầy Văn đông người đến chia buồn. Trưa 2-12, ba ôtô chở đầy thầy trò và người dân từ huyện Đakrông (Quảng Trị) vượt gần 200 cây số ra viếng thầy.

Chừng 20 năm trước, khi đi công tác ở vùng núi huyện Hướng Hóa, một người bạn học của tôi là thầy giáo Hoàng Văn Sơ, nay là phó trưởng Phòng Giáo dục – đào tạo của huyện miền núi này, kể với tôi về “già bản Hà Công Văn” với nhiều chi tiết vô cùng thú vị. Vậy là tôi đi tìm thầy.

Sau bài báo tôi viết về thầy Hà Công Văn, ban biên tập báo Tuổi Trẻ quyết định xây tặng thầy ngôi nhà tình nghĩa, tôi lên gặp thầy, nói lý do, thầy Văn bảo: “Nhà mình đã xây ở quê rồi, thôi để xây cho người khác”.

Các đồng nghiệp của thầy nói với tôi: “Nhà anh Văn xây ở ngoài quê cấp 4 bé tí, lại chưa có cửa nẻo gì”. Tôi báo lại và ban biên tập báo quyết định tặng thầy 10 triệu đồng để hoàn thành toàn bộ cửa cho ngôi nhà.

Thuyết phục mãi, thầy Văn nhận số tiền trên để hoàn thiện ngôi nhà nhỏ ở quê hương, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, còn thầy vẫn ở căn nhà sàn bằng tre cạnh khu tập thể giáo viên Trường Húc Nghì.

Ngôi nhà ấy sau gần 20 năm nay đã xuống cấp trầm trọng. Mấy hôm nay, ai đến thăm viếng thầy Văn, thấy căn nhà dột nát của thầy cũng đều lặng lẽ rơi nước mắt. Căn nhà lợp ngói nay tường lở lói, đầy rêu phong. Căn bếp nhỏ đã long hết cửa, bay hết mái ngói.

Hôm đưa thầy từ Quảng Trị về, bà con họ hàng, lối xóm phải dùng tấm bạt che tạm làm mái, lấy chỗ bày biện cơm nước chuẩn bị lễ cúng thầy. Gió lạnh lùa tấm bạt bay phất phơ, mưa rơi ướt bàn ghế, chén bát…

Ông Lê Anh Tuyên – chủ tịch công đoàn Phòng GD-ĐT huyện Đakrông (Quảng Trị), nơi thầy Văn dạy học – ra viếng thầy, không giấu được nước mắt, thổn thức: “Tôi ra đây lần thứ hai. Thấy cơ ngơi của thầy Văn đã quá xập xệ, không có chi thay đổi so với trước đây mà khó cầm nổi nước mắt, thật khó diễn tả tâm trạng”…

Ông Tuyên kể đã nhiều lần chứng kiến thầy Văn đứng trước trụ sở Phòng GD-ĐT huyện Đakrông chờ học sinh nội trú đi học về.

Gặp em nào thầy cũng hỏi có tiền đi xe về nhà chưa, em nào chưa có là thầy rút ví cho tiền. Khoản lương của thầy ở trường, thầy thường bớt cho anh chị em là giáo viên hợp đồng đổ xăng về thăm nhà…

Người thầy huyền thoại

Cả cuộc đời thầy Văn là một huyền thoại về sự dâng hiến. Nhìn gia cảnh thầy nghèo khó như thế, nhưng điều thầy đã mang cho mọi người lại quá đỗi mênh mông mà thầm lặng ngót 40 năm qua!

Cứ hình dung gần 40 năm trước. Một sáng tháng 9-1977, người giáo sinh trẻ quê tận Quảng Bình, vừa tốt nghiệp trường sư phạm nhận quyết định điều động lên dạy học ở Tà Long, một xã vùng cao Tây Quảng Trị.

Tà Long ở đâu thầy cũng không biết. Với chiếc balô lính đựng đúng một bộ đồ, mấy cuốn sách, thầy Văn lội bộ mấy chục cây số đường núi hỏi đường về xã. Nếu chỉ có thế thì đã có rất nhiều thế hệ thầy cô giáo cũng đã lên đây.

Khác chăng, nhiều thầy cô sau vài năm “nghĩa vụ” lại về xuôi, còn thầy Văn kể từ buổi sáng tháng 9-1977 ấy cho đến ngày chủ nhật vừa qua, ngày cuối cùng của tháng 11, khi ngày lễ của nghề giáo vừa trôi qua chỉ hơn một tuần thì thầy Văn ra đi.

Vậy là tròn 37 năm của đời mình thầy xa biệt quê nhà, gắn bó với núi rừng, gieo chữ cho bao thế hệ con em dân tộc Pa Cô, Vân Kiều ở đây.

Tròn 10 năm gắn bó xây dựng Trường Tà Long ổn định, đến năm 1987 thầy Văn được điều về Trường Húc Nghì, một nơi còn gian khó hơn cả Tà Long. Cũng từ đây, thầy đã sáng tạo ra mô hình “nội trú dân nuôi” mà bây giờ đang được coi như một giải pháp để học sinh miền núi có thể theo học.

Một lần vào bản Cựp, một bản heo hút giáp biên giới thuộc xã Húc Nghì, thấy có đứa bé cứ quấn lấy thầy, bố đứa bé bảo: nhờ thầy mang nó ra ngoài trường dạy chữ cho nó. Đấy là thằng cu Mắt.

Rồi không chỉ một bé cu Mắt kia, những bản xa, các điểm trường chỉ dạy tới lớp 1, lớp 2, muốn học lớp 3, lớp 4, lớp 5 phải ra trung tâm xã học.

Và thầy Văn vận động bà con đốn cây dựng lều cho các em có chỗ ở, thầy trò cùng lội suối bắt cá, lên nương trồng rau, cuối tuần băng rừng về nhà xin thêm gạo, nếu thiếu nữa, thầy cô sẽ cùng san sẻ… “Nội trú dân nuôi” đã bắt đầu như thế ở Húc Nghì gần 20 năm trước rồi dần dần lan rộng ra nhiều nơi khác.

Không dừng lại ở đó, khi những đứa học trò học xong tiểu học mà chưa có trường THCS, chính thầy Văn đã nghĩ ra chuyện mở “lớp nhô”, nghĩa là các em sẽ học lớp 6, lớp 7 do chính các thầy cô tiểu học dạy trong lúc chờ mở trường THCS.

Thầy Văn nói đưa được các em ra đây học hết lớp 5 là cả một nỗ lực, nếu không cho các em học tiếp mà trở về bản chờ cho có trường THCS thì vài năm sau kiến thức, chữ nghĩa đã dạy cho các em mấy năm tiểu học coi như sẽ về số “mo”!

Vậy là thầy cứ làm, cũng chả phải gọi mô hình hay hình mẫu gì, miễn là các em được học lên, được nối dài con đường học vấn.

Nhờ “nội trú dân nuôi”, nhờ “lớp nhô” mà hàng trăm em bé Pa Cô, Vân Kiều đã đi xa hơn, học tiếp trung học phổ thông ở trường nội trú tỉnh và vào được đại học. Bây giờ, nhiều học trò của thầy Văn đã trở thành những cán bộ nòng cốt ở rẻo cao quê nhà.

Hết lòng chăm lo cho những đứa trẻ vùng cao Quảng Trị như thế nhưng ít ai biết nỗi đau của thầy. Khi thầy Văn sống heo hút chốn núi rừng ấy, đứa con trai út của thầy ở quê nhà đã bị bạo bệnh ra đi mà thầy không kịp về lo cho con, khi nhận được tin về quê thì đứa con trai tội nghiệp đã lặng im trong đất!

Bàn tay trắng, tấm lòng vàng

Từ xã Yên Thịnh (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) vào Quảng Bình viếng và chịu tang thầy Văn là ông Nguyễn Phước. Ông Phước cho biết ông vào đây ngoài là anh em kết nghĩa với thầy Văn, còn mang trọng trách thăm viếng thầy Văn với tình cảm của cán bộ và đông đảo bà con ở thôn Đồng Nhân, xã Yên Thịnh đối với thầy.

Ông Phước nghẹn ngào, không kể được rành rọt chuyện mình với thầy Văn, trước sự ra đi quá đột ngột của thầy. Ông Trần Văn Hoàng – bí thư Đảng ủy xã Hàm Ninh – kể thay ông Phước là ông Hoàng cùng thầy Văn đi K8 (cùng là học sinh tham gia chiến dịch sơ tán học sinh Vĩnh Linh và Quảng Bình) ra xã Yên Thịnh vào năm 1967.

Năm 2002 ra thăm lại xã Yên Thịnh, thầy Văn đã tặng 15 suất học bổng cho các học sinh Trường tiểu học Yên Thịnh.

Ông Hoàng cũng cho biết thêm: “Ngày 18-11 vừa rồi, thầy Văn về thăm nhà và tặng học bổng cho các học sinh nghèo trong thôn. Sau đó thầy có bàn với tôi thành lập quỹ khuyến học của Hội cựu giáo chức thôn Trường Niên. Chưa kịp làm thì thầy đã đi rồi” – ông Hoàng ngậm ngùi nói.

Bên quan tài thầy Văn, chị Hà Thị Tuyên – vợ thầy – nằm lịm mấy hôm rồi. Bao năm thầy Văn lặn lội dạy học ở Quảng Trị, một mình chị tảo tần với 3 sào (1.500m2) ruộng lúa và chăm ít heo gà lấy tiền nuôi hai con ăn học.

Đã có lần Phòng GD-ĐT huyện Đakrông gợi ý đưa chị vào trường nơi thầy làm hiệu trưởng để nấu ăn và làm việc văn phòng, nhưng thầy Văn không chịu.

“Anh ấy nói tui không có bằng cấp chi cả, có nhận cũng sợ người ta dị nghị cho là hiệu trưởng đưa vợ vô trường mần việc” – chị Tuyên nói. Rồi chị vẫn vào với chồng nhưng chỉ làm rẫy làm nương phụ chồng chăm lo lớp “nội trú dân nuôi”.

Khi thầy nhận danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”, cấp trên cũng có ý đưa thầy ra huyện làm chủ tịch công đoàn ngành nhưng thầy Văn lại từ chối. Đời thầy đã gắn với việc đi dạy chữ trên rẻo cao này.

Hai năm trước, thầy được điều ra làm hiệu trưởng Trường tiểu học Đakrông, vợ chồng thầy vẫn sống trong căn nhà cấp 4 khu tập thể. Thầy cũng đã gần tuổi về hưu, đã đến lúc chăm lo cho cuộc đời mình sau gần 40 năm cống hiến không mỏi mệt. Nhưng tai nạn bất ngờ đã khiến thầy mãi mãi ra đi…

Thầy Văn được nhiều người ví von là hình ảnh ngọn đèn giữa núi. Thầy ra đi nhưng ngọn đèn đó không bao giờ tắt!

Chiều 30-11, tại km34 trên đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận xã Húc Nghì (Đakrông, tỉnh Quảng Trị), người đi đường phát hiện một nạn nhân nằm bất tỉnh gần rãnh thoát nước và nhận ra đấy là thầy giáo Hà Công Văn, hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Đakrông.

Thầy Văn được đưa đi cấp cứu, tuy nhiên đến 4g sáng 1-12, trên đường chuyển tuyến vào Bệnh viện Trung ương Huế, thầy giáo Hà Công Văn đã mất.

Thân nhân thầy Văn cho biết sáng 30-11, thầy vào xã A Bung (huyện Đakrông) thăm một người bạn và đầu giờ chiều, trên đường về nhà, do mưa to che khuất tầm nhìn thầy không nhìn thấy một lượng đất đá bị sạt lở giữa đường nên đã va vào và ngã xuống rãnh thoát nước gần đó.

Mong có ngôi trường mang tên Hà Công Văn

Câu chuyện của thầy giáo anh hùng Hà Công Văn chắc đồng bào Pa Cô, Vân Kiều chốn rẻo cao Quảng Trị sẽ còn kể mãi.

Chúng tôi hi vọng rồi một ngày nào đó, những ngôi trường thầy Văn đã hiến dâng miệt mài suốt đời mình, có thể là Trường Tà Long, Trường Húc Nghì, Trường Đakrông… có một ngôi trường được mang tên Hà Công Văn, không chỉ để tri ân mà để nhắc nhở rằng sự dâng hiến cho nhân dân luôn là bất tử!

Theo Tuổi trẻ.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề