Tên lửa Falcon đột phá công nghệ, hạ cánh như máy bay

Ngày 22-12, hãng dịch vụ vận tải không gian SpaceX lần đầu tiên hạ cánh thành công tên lửa Falcon 9. Đây được xem là bước đột phá biến tên lửa không gian thành phương tiện có thể sử dụng nhiều lần như máy bay.

Tên lửa Falcon 9 cất cánh từ Florida – Ảnh: Reuters
Theo AFP, vài giờ trước tên lửa Falcon 9 đã hạ cánh theo chiều thẳng đứng một cách an toàn tại Cape Canaveral, Florida (Mỹ) sau khi đưa một số vệ tinh lên quỹ đạo trái đất.

Tại trụ sở công ty SpaceX ở Hawthorne, Califorina, các nhân viên hò reo vui sướng trước thành tựu đột phá này.

“Tôi vẫn chưa thể tin nổi  – ông chủ SpaceX Elon Musk nói – Tôi nghĩ đây là một khoảnh khắc cột mốc. Chưa từng ai đưa tên lửa đẩy không gian trở về được trái đất một cách nguyên vẹn”.

Bước đột phá lớn

Tầng đầu của tên lửa Falcon 9 sau khi bay lên độ cao 200km đã quay trở lại trái đất và hạ cánh một cách êm ái xuống trung tâm thử tên lửa cũ của không quân Mỹ ở Cape Canaveral.

Trước đó, Falcon 9 đã đưa thành công 11 vệ tinh của tập đoàn viễn thông toàn cầu Orbcomm lên quỹ đạo trái đất.

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cũng đã lên tiếng chúc mừng SpaceX. Đây là một bước đột phá quan trọng của công ty này, bởi họ có hợp đồng trị giá 1,6 tỷ USD với NASA để cung cấp hàng tiếp tế cho các phi hành gia làm việc trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Mới sáu tháng trước, một quả tên lửa Falcon 9 nổ tung chỉ hai phút sau khi rời bệ phóng, phá hủy khối hàng hóa và thiết bị trị giá hàng trăm triệu USD lẽ ra phải được đưa lên ISS.

Ông Musk tiết lộ sau tai nạn đó, SpaceX đã khắc phục lỗi kỹ thuật, chế tạo phiên bản tên lửa Falcon 9 mới mạnh mẽ hơn 30%.

Mới đây, công ty tên lửa Blue Origin của nhà sáng lập tập đoàn Amazon Jeff Bezos cũng đã hạ cánh thành công tên lửa New Shepard sau một chuyến bay dưới quỹ đạo trái đất. Ông Bezos cũng vừa lên tiếng chúc mừng SpaceX.

Tuy nhiên các nhà phân tích cho biết tên lửa New Shepard chỉ bay lên độ cao thấp. Trong khi đó, tên lửa Falcon 9 vươn tới độ cao hơn rất nhiều, do đó việc hạ cánh an toàn khó khăn gấp bội.

“Do tên lửa của SpaceX được thiết kế để đưa vệ tinh lên quỹ đạo, tầng đầu của nó bay với tốc độ lớn hơn nhiều và đạt độ cao gấp đôi tên lửa New Shepherd” – Liên đoàn Thương mại không gian (CSF) cho biết.

CSF mô tả cú hạ cánh thành công của tên lửa Falcon 9 là “thành công vĩ đại” đối với ngành công nghiệp thương mại không gian. Bởi trước đây, ngành công nghiệp không gian luôn phải chấp nhận việc mất các các tên lửa hiện đại sau mỗi lần phóng lên quỹ đạo.

Tham vọng Hỏa tinh

Tên lửa đẩy sau khi bay lên không gian sẽ rơi xuống trái đất, bị đốt cháy trong bầu khí quyển hoặc rơi xuống biển. Việc đưa tên lửa hạ cánh trở lại ở trái đất sẽ cắt giảm đáng kể chi phí thương mại không gian, biến tên lửa trở thành phương tiện có thể được sử dụng nhiều lần như máy bay.

Tầng đầu tiên của tên lửa là nơi chứa động cơ và là phần đắt đỏ nhất của tên lửa. Với thành công của SpaceX, ngành công nghiệp không gian sẽ tiết kiệm được chi phí các chuyến bay. Các du khách đam mê vũ trụ cũng sẽ có thêm cơ hội được trải nghiệm bay trên quỹ đạo trái đất với chi phí dịch vụ rẻ hơn so với hiện nay.

Tham vọng hàng đầu của SpaceX là đưa người lên Hỏa tinh. Với việc thực hiện các chuyến bay vào không gian cho NASA và các công ty vệ tinh, SpaceX đang phát triển công nghệ không gian để biến con người trở thành “sinh vật sống ở nhiều hành tinh”. Trên Hỏa tinh hoàn toàn không có đường băng, do đó tên lửa phải hạ cánh theo chiều thẳng đứng, sử dụng lực đẩy của động cơ.

Tỷ phú Elon Musk là một thành viên của thế hệ doanh nhân lớn lên với niềm đam mê vũ trụ sau khi chứng kiến chương trình không gian Apollo của NASA.

Đầu năm tới, công ty Virgin Galatic của tỷ phú Richard Branson sẽ công bố tàu không gian mới được thiết kế để đưa du khách lên độ cao không trọng lượng.

Tỷ phú Bezos cũng có tham vọng tương tự và từng nhiều lần đề cập đến giấc mơ có ngày hàng triệu người sẽ sống và làm việc trên không gian.

Nguồn tuoitre.vn


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề