Tại sao Thủ tướng Ukraina Arseniy Yatsenyuk tuyên bố từ chức

Trong bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Ukraina Arseniy Yatsenyuk tuyên bố ông sẽ từ chức vào thứ ba, chấm dứt một cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài hai tháng.

“Chúng tôi không thể cho phép ngành hành pháp bất ổn trong khi đất nước đang gặp chiến tranh,” Yatsenyuk nói.

Cuộc chiến tại miền Đông vẫn đang diễn ra giữa lực lượng ly khai do Nga hỗ trợ và lực lượng chính phủ. Sau hơn hai năm cuộc chiến đã làm hơn 10 ngàn người thiệt mạng và hơn 1 triệu người di tản.

Sau khi lật đổ cựu Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych trong cuộc cách mạng Maidan năm 2014 ông lên làm Thủ tướng, tuy nhiên những cáo buộc về tham nhũng và chỉ trích về các biện pháp thắt lưng buộc bụng đã làm uy tín ông sụt giảm nghiêm trọng. Sau đó cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào tháng Hai đã thúc đẩy một cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài gần hai tháng.

Trong bài phát biểu từ chức ông cho rằng cuộc khủng hoảng chính trị trong nước được tung ra từ các chính trị gia. Những người này không muốn thay đổi và ý chí thay đổi của họ đã bị tê liệt.

Trong nhiều tuần, cơ quan truyền thông Ukraina đã liên tục đưa ra các tin đồn về cuộc họp bí mật giữa một nhóm các chính trị gia mà họ gọi là “bảy chiến lược”. Điều này cho thấy rằng phía sau hậu trường liên minh đang ngăn chặn cuộc bầu cử quốc hội sớm sau sự từ chức của Yatsennyuk.

Ông Yatsenyuk cũng đề nghị Volodymyr Grossman hiện là Chủ tịch Quốc hội và cũng là một đồng minh của Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko làm người kế nhiệm tiềm năng của mình. Động thái này báo hiệu một liên minh chính trị có thể đủ cho sự ủng hộ nhằm tạo ra một liên minh đủ lớn để ngăn chặn các cuộc bầu cử sớm.

Trong một tuyên bố trên trang web vào tối chủ nhật Tổng thống Poroshenko yêu cầu thành lập liên minh mới và lựa chọn tân thủ tướng trong vòng một tuần.

“Tôi đồng ý rằng đất nước không thể để vắng mặt nhà chức trách. Đó là lý do tại sao tôi mong muốn quốc hội sẽ đưa ra những thông tin tích cực vào tuần tới”.

Ông Poroshenko cũng nhấn mạnh mong muốn của mình là tránh cuộc bầu cử quốc hội sớm và nói thêm: “Một quốc hội khác sẽ là điều không tốt. Trong tình huống hiện tại chúng ta cần đảm bảo quốc hội sẽ thực hiện lời hứa của mình, thực hiện những cam kết trong các thỏa thuận đã ký kết và hoàn thành quá trình cải cách.”

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại với Thủ tướng Yatsenyuk vào chủ nhật, qua đó đã cám ơn ông về những gì ông đã làm cho Ukraina. Ông Biden cũng đề nghị Ukraina nhanh chóng thành lập nội các mới “cam kết thực hiện những cải cách cần thiết, đặc biệt là những khuyến cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Liên minh châu Âu”.

Công việc kinh doanh như thường lệ

Lòng tin của người dân Ukraina hậu Cách mạng đang rơi tự do. Bogdan Logvynenko, 27 tuổi, một nhà báo người Ukraina nói “rất nhiều các tổ chức chính phủ chỉ thay đổi vào lúc đầu sau Cách mạng, nhưng sau đó mọi thứ lại giống như cũ. Bây giờ chúng tôi tự hỏi làm thế nào để thay đổi hệ thống”.

Theo các cuộc thăm dò gần đây cho thấy người Ukraina có ít lòng tin vào những gì chính phủ đã làm so với trước khi cuộc cách mạng năm 2014.

Theo một cuộc thăm dò Gallup công bố trong tháng 12/2015, tỷ lệ ủng hộ ông Poroshenko là 17% và 8% tin vào chính phủ Ukraina. Chỉ có 5% cho rằng chính phủ đã làm đủ để chống tham nhũng.

Một bất lợi nữa đối với Ukraina là vào ngày thứ Tư người dân Hà Lan đã bỏ phiếu chống thỏa thuận hòa nhập giữa Ukraina – châu Âu, làm tăng thêm sự hoài nghi về Kiev đã không làm đủ để chiếm được tình cảm từ các nước quốc tế.

Tuyên bố từ chức của ông Yatsenyuk một phần cũng do áp lực chính trị từ phía ông Poroshenko. Hiện Tổng thống Ukraina cũng dính líu đến bê bối hồ sơ Panama.

Trong cuộc tranh cử Tổng thống, ông Poroshenko cam kết sẽ bán công ty sô cô la Roshen đang sở hữu sau khi nhậm chức vào năm 2014. Ông cũng khẳng định đã ủy thác tài sản của mình cho người ẩn danh, tuy nhiên hồ sơ Panama tiết lộ ông gửi tài sản vào quỹ ủy thác cho công ty cổ phần ở quần đảo British Virgin để giảm thiểu thuế.

Poroshenko cho biết việc kiểm soát tài sản của ông do các cố vấn đảm trách, ông hoàn toàn không dính dáng và trưởng công tố của Ukraina tuyên bố Poroshenko đã không phạm luật.

Mặc dù vậy sự mờ ám về tài chính của Poroshenko đã gây ra cơn bão lửa trên các phương tiện truyền thông Ukraina. Theo thông tin cho biết một số các giao dịch của Tổng thống được tạo ra để tránh các quy định về thuế, điều đó cho thấy mô hình tham nhũng và các giao dịch mờ ám giữa nhà lãnh đạo Ukraina và các thiên đường rửa tiền vẫn diễn ra như thường lệ trong suốt 25 năm sau độc lập hậu Xô Viết.

Theo một bài xã luận ngày 08/4 đăng trên tờ báo tiếng Anh Kyiv Post viết: “Gần 25 năm trốn thuế, ngân sách thất thu đã cho thấy cuộc sống bị tước đoạt sau mỗi ngày qua đi. Như giáo dục, dịch vụ y tế dành cho người nghèo, các tòa nhà đổ nát, đường xá đầy ổ gà tất cả đều không được quan tâm cùng vô số các vấn đề tiêu cực khác diễn ra. Ukraina không thể dung thứ!”.

Đức Dũng
Bài viết được thực hiện qua tham khảo từ tờ Newsweek, tờ báo chuyên về phân tích về các vấn đề trên thế giới.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề