Tại sao người Nga quay trở lại Việt Nam?

Nằm ở cửa ngõ vào Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Việt Nam cực kỳ quan trọng đối với Nga. Việc đóng căn cứ thường trực của không quân và hải quân ở Việt Nam sẽ giúp Hạm đội Thái Bình Dương của Nga giải quyết vấn đề phải đi qua các eo biển hẹp của Biển Nhật Bản để tiến vào được Thái Bình Dương.

Quan hệ Nga-Việt vốn dường như nguội lạnh đi sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc một lần nữa lại đang ấm dần lên. Hơn 20 năm sau khi Moskva từ bỏ căn cứ ở nước ngoài lớn nhất của mình, máy bay quân sự Nga một lần nữa lại là những vị khách được chào đón tại Vịnh Cam Ranh.

Có thể dự đoán sự hiện diện trở lại của Nga tại Việt Nam đã gióng lên hồi chuông báo động ở Lầu Năm Góc, với việc Bộ chỉ huy của quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương khẳng định rằng các máy bay ném bom chiến lược của Nga lượn quanh các căn cứ quân sự lớn của Mỹ ở Guam đang được tiếp liệu tại Vịnh Cam Ranh.

Ngày 11/3 Washington đã viết cho Hà Nội, yêu cầu các nhà chức trách Việt Nam không hỗ trợ các máy bay ném bom của Nga ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo Phuong Nguyen thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế có trụ sở tại Washington, “Theo quan điểm của nhiều quan chức Việt Nam, những người đã chiến đấu chống Mỹ trong chiến tranh, Moskva đã giúp đỡ huấn luyện các thế hệ lãnh đạo Việt Nam và hỗ trợ Hà Nội trong suốt nhiều thập kỷ cô lập quốc tế. Hầu như không có gì có ý nghĩa sống còn đối với Việt Nam hơn là một chính sách đối ngoại độc lập. Do lịch sử phức tạp của đất nước, các nhà lãnh đạo Việt Nam không muốn nước họ lại bị kẹt giữa các cường quốc một lần nữa. Bất cứ điều gì tương tự như sự can thiệp của Mỹ vào việc giao thiệp của Việt Nam với Nga cũng có thể làm trầm trọng thêm một cách không cần thiết nỗi lo sợ ấy”.

Mặc dù người Việt Nam coi Mỹ là đối tác ngày càng quan trọng ở Đông Nam Á, song chính Nga mới chiếm vị thế đứng đầu. Theo một thỏa thuận đã được ký kết trong tháng 11/2014, các tàu chiến Nga ghé cảng nước sâu Cam Ranh chỉ phải thông báo trước cho các nhà chức trách Việt trước khi khởi hành, trong khi tất cả hải quân nước ngoài khác bị giới hạn hàng năm mỗi tàu chỉ một lần ghé các cảng Việt Nam.

Tại sao Việt Nam lại quan trọng

Nằm ở cửa ngõ vào Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Việt Nam cực kỳ quan trọng đối với Nga. Việc đóng căn cứ thường trực của không quân và hải quân ở Việt Nam sẽ giúp Hạm đội Thái Bình Dương của Nga giải quyết vấn đề phải đi qua các eo biển hẹp của Biển Nhật Bản để tiến vào được Thái Bình Dương.

Không còn nghi ngờ gì, sự hiện diện của Nga hiện nay là quá nhỏ so với hỏa lực thời những năm 1980 khi mà Hạm đội Thái Bình Dương của Moskva có đến 826 tàu, bao gồm 133 tàu ngầm, 190 máy bay ném bom phản lực của hải quân và 150 máy bay chống tàu ngầm. Thậm chí có quay trở lại thời kỳ đó, việc tăng cường lực lượng của Moskva cũng hầu như không có tính hiếu chiến. Theo Alvin H. Bernstein thuộc Trường đại học chiến tranh hải quân Mỹ, “khó có thể có một ý định cụ thể, hung hăng và mang tính khu vực nào vì đó không phải là tính cách của một cường quốc vốn tự bộc lộ bản thân mình là “thận trọng và không đối đầu”.

Đã ba thập niên trôi qua, Moskva dưới thời Tổng thống Vladimir Putin một lần nữa lại đang tìm cách tăng cường vai trò của mình cả như một thế lực châu Á lẫn toàn cầu, và như Bernstein lưu ý, nước Nga muốn được “chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống và cơ hội”.

Đó cũng là một phần trong Chính sách hướng Đông của Nga. Trong thực tế, từ lâu trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố xoay trục sang châu Á, Nga đã xoay trục sang phía Đông, tìm cách thâm nhập vào các nước một thời thân Mỹ như Indonesia và Malaysia.

Tuy nhiên, chính Việt Nam là nơi ngoại giao Nga đang tăng tốc. Song trước hết hãy hồi tưởng lại một chút.

Việt Nam là một đất nước nhỏ bé với một quân đội phi thường. Đối với những người chóng quên, đất nước Đông Nam Á này đã đánh bại vang dội Pháp và Mỹ trong hết cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác. Dũng cảm kỳ diệu, các chiến thuật chiến trận thông minh và một tinh thần không bao giờ chịu khuất phục là thứ quyết định trong việc giành chiến thắng các cuộc chiến tranh đó, nhưng còn một yếu tố then chốt nữa là người Việt đã có những người bạn hùng mạnh.

Trong chiến tranh Việt Nam, Nga đã đóng một vai trò cực kỳ quan trọng đối với quốc phòng của Việt Nam, cung cấp một số lượng lớn vũ khí. Trong suốt cuộc chiến 21 năm ấy, viện trợ của Nga có trị giá 2 triệu USD một ngày. Đổi lại, Việt Nam đã cho Nga sử dụng miễn phí căn cứ Cam Ranh. Như một phần của thỏa thuận này, người Nga đã đặt tại căn cứ đó các máy bay chiến đấu MiG-23, máy bay tiếp dầu Tu-16, máy bay ném bom tầm xa Tu-95 và máy bay trinh sát hàng hải Tu-142.

Cam Ranh đã trở thành căn cứ hải quân lớn nhất của Moskva triển khai bên ngoài châu Âu. Khoảng 20 tàu đã neo đậu hàng ngày tại căn cứ này, cùng với 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân. Căn cứ này đóng một vai trò then chốt giúp Nga trong cuộc đối đầu Chiến tranh Lạnh với các lực lượng do Mỹ đứng đầu ở châu Á và Thái Bình Dương. Chẳng hạn, khi Hạm đội 7 của Mỹ giong buồm đến vịnh Bengal để gây áp lực với Ấn Độ trong chiến tranh Ấn Độ-Pakistan năm 1971, Hạm đội Thái Bình Dương Nga đã có thể nhanh chóng điều động các tàu chiến và tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân đến để bảo vệ Ấn Độ.

Bất chấp tầm quan trọng về mặt địa chính trị của Vịnh Cam Ranh đối với Moskva và giá trị của nó như là một trạm thu thập tình báo, sự hiện diện của Nga về thực tế đã biến mất sau sự tan rã của Liên Xô trước đây. Các căn cứ quân sự với quy mô như Vịnh Cam Ranh tiêu tốn một số tiền điên rồ để vận hành mà Nga thì đã chẳng còn tiền để “đốt”. Vào năm 2001, thậm chí trạm nghe lén cũng bị bỏ đi.

Tên lửa Klub

Mặc dù sự hiện diện quân sự của Nga đã suy tàn, quan hệ mạnh mẽ vẫn tiếp tục ràng buộc Nga và Việt Nam. Trong bối cảnh cãi vã to tiếng giữa Việt Nam với Trung Quốc để giành quyền kiểm soát quần đảo Trường Sa giàu dầu mỏ, Hà Nội đã bắt đầu tìm mua vũ khí hạng nặng. Lực lượng không quân huyền thoại của Việt Nam đã mua 24 máy bay chiến đấu Su-30 từ Nga, và đến cuối năm 2015, không quân sẽ vận hành 36 chiếc Sukhoi, trở thành lực lượng sở hữu lớn thứ ba loại máy bay siêu cơ động tiên tiến này.

Tuy nhiên, chính Hải quân của Quân đội nhân dân Việt Nam (VPAN) mới thực sự đang được tăng cường thêm. Trong năm 2009, Việt Nam đã ký một thỏa thuận 3,2 tỷ USD với Nga bao gồm sáu tàu ngầm lớp Kilo và xây dựng một cơ sở tàu ngầm tại Vịnh Cam Ranh.

Một thương vụ mua số lượng lớn khác là vụ mua 50 tên lửa hành trình siêu thanh Klub cho các tàu Kilo của mình, đưa Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên trang bị cho hạm đội tàu ngầm của mình tên lửa tấn công mặt đất.

Với trọng lượng hai tấn, tên lửa Klub có đầu đạn 200 kg. Phiên bản chống hạm có tầm bắn 300 km, nhưng tốc độ lên tới 3.000 km một giờ trong khoảng một phút bay cuối của nó. Theo Strategy Page, phiên bản tấn công mặt đất bỏ tính năng tiếp cận mục tiêu với tốc độ cao và điều đó cho phép tên lửa mang đầu đạn lớn hơn nặng 400 kg.

Strategy Page cho biết thứ làm cho tên lửa Klub đặc biệt nguy hiểm khi tấn công tàu là ở chỗ trong quá trình tiếp cận cuối cùng của nó, bắt đầu khi tên lửa cách mục tiêu của nó khoảng 15 km, thì tên lửa tăng tốc. Cho đến thời điểm đó, tên lửa ở độ cao khoảng 30 m. Điều này làm cho khó phát hiện tên lửa hơn. Cộng thêm việc tiếp cận mục tiêu tốc độ cao có nghĩa là tên lửa bay 15 km cuối cùng trong vòng chưa đầy 20 giây. Điều này làm cho các loại vũ khí chống tên lửa hiện tại khó bắn hạ nó hơn.

Tàu ngầm do Nga chế tạo trang bị các tên lửa Klub có uy lực lớn được cho là sẽ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong bất kỳ cuộc xung đột nào ở Biển Đông. Theo một nhà phân tích, các tên lửa hành trình tấn công mặt đất đánh dấu một “sự thay đổi lớn” tăng cường các năng lực của hải quân Việt Nam. “Họ đã tự trang bị cho mình một khả năng răn đe mạnh mẽ hơn nhiều, làm phức tạp thêm các ính toán chiến lược của Trung Quốc”.

Người ta tin rằng các tàu chiến Trung Quốc không phòng vệ hiệu quả trước kiểu tên lửa như Klub, điều giải thích lý do tại sao họ lại rất tức giận với việc Nga bán chúng (các tên lửa Klub – ND) cho Việt Nam.

Trong khi các tàu Kilo đang được đóng, Nga và Ấn Độ hiện đang đảm nhiệm việc đào tạo các sĩ quan Việt Nam, những người sẽ làm việc trong các tàu ngầm đó.

Các hỏa lực khác nữa từ Nga

Thêm vào đó, trong năm 2011 VPAN đã mua 2 tàu khu trục tàng hình trang bị tên lửa dẫn đường lớp Gepard từ Nga với giá 300 triệu USD, với đội tàu Gepard sẽ tăng lên đến 6 chiếc vào năm 2017. Các tàu đa năng này được trang bị cho các cuộc tấn công trên mặt biển, tác chiến chống ngầm và phòng không.

Các hợp đồng mua sắm khác của VPAN bao gồm 4 tàu tuần tra cao tốc lớp Svetlyak trang bị các tên lửa chống hạm; 12 khinh hạm và tàu hộ tống xuất xứ từ Nga; và 2 tàu cao tốc tấn công tên lửa lớp Molniya được đóng với sự hỗ trợ của Nga, thêm 4 chiếc nữa dự kiến sẽ được đóng xong vào năm 2016.

Việt Nam cũng đã mua các hệ thống radar tiên tiến; 40 tên lửa Yakhont và 400 tên lửa chống hạm Kh-35 Uran; các tên lửa hành trình chống hạm Kh-59MK; các tên lửa không-đối-không tầm ngắn R-73 (AA-11 Archer); 200 tên lửa đất-đối-không SA-19 Grison; 2 khẩu đội các hệ thống tên lửa đất-đối-không huyền thoại S-300; các thiết bị định vị bằng sóng radio thụ động VERA; và hai khẩu đội tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion.

Góc độ kinh tế

Theo một bài báo nghiên cứu của các học giả Phuc Thi Tran, Alena Vysotskaya G. Vieira và Laura C. Ferreira-Pereira từ Bồ Đào Nha, “việc mua sắm các trang bị quân sự là cực kỳ quan trọng, không chỉ đơn thuần vì lợi ích quốc phòng và các tính toán chiến lược, mà còn vì các chức năng quan trọng của nó trong việc bảo vệ cả các lợi ích kinh tế lẫn an ninh trong hoạt động thăm dò các mỏ dầu ở Biển Đông. Khía cạnh thứ hai đặc biệt quan trọng do vai trò mà Nga đã có ở đây. Quả thực, phần lớn nhất trong các dự án khai thác này do Việt Nam cùng với Nga thực hiện”.

Trong khi vấn đề phòng thủ thu hút được nhiều chú ý của các phương tiện truyền thông, chính năng lượng mới là lĩnh vực lớn nhất duy nhất trong hợp tác giữa Moskva và Hà Nội. Liên doanh Nga-Việt Vietsovpetro đã tạo ra những lợi nhuận rất lớn cho cả hai nước. Công ty này đã sản xuất hơn 185 triệu tấn dầu thô và hơn 21 tỷ mét khối khí đốt từ các mỏ dầu ở Biển Đông. Gần 80% dầu khí của Việt Nam đến từ Vietsovpetro, và thu nhập đó tương ứng với khoảng 25% GDP.

Nga cũng đã có những đầu tư đáng kể trong các ngành công nghiệp nặng và nhẹ, giao thông vận tải, bưu điện, nuôi trồng thủy sản và đánh bắt cá của Việt Nam. Các dự án này đã dẫn đến những lợi ích phụ khác – ấn tượng trước những lợi nhuận được tạo ra bởi các tập đoàn Nga, một số công ty khác như Mobil, BP và TOTAL cũng đã đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam.

Phòng vệ chiến lược của Việt Nam về phía Nga có liên hệ chặt chẽ với hợp tác kinh tế của nước này trong hoạt động thăm dò dầu, mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho cả hai bên. Quan hệ quốc phòng vững mạnh giữa hai nước đã tạo điều kiện cho Việt Nam có được thiết bị quân sự hiện đại, đem lại cho nước này khả năng thúc đẩy thăm dò dầu khí chung bất chấp sự phản đối ngày càng tăng của Trung Quốc đối với các dự án này.

Đồng thời, Nga đang trở lại để đòi lại di sản quyền lực to lớn của mình. Điều đó đem lại cho Moskva vô số cơ hội để bảo đảm ảnh hưởng chính trị và kinh tế đối với nhiều thế lực mới nổi khác nhau ở trung tâm của khu vực năng động nhất trên hành tinh này.

Tuy nhiên, đừng đổ lỗi cho Việt Nam do đất nước này không phải là một ngoại lệ mà là một sự xác nhận đối với các quy tắc châu Á hiện hành. Như giáo sư Anis Bajrektarevic khẳng định trong công trình xuất sắc của ông “Không thế kỷ châu Á”: “Cái trở nên rõ ràng, gần như ngay từ cái nhìn đầu tiên, là sự thiếu vắng của bất kỳ một cấu trúc an ninh liên châu Á/đa phương nào. Các cấu trúc an ninh hiện hành là các cấu trúc song phương và chủ yếu là bất đối xứng. Chúng bao gồm từ các hiệp ước an ninh không tấn công lẫn nhau được xác định rõ ràng và bền vững, đến các thỏa thuận kém chính thức hơn, cho tới các hiệp định hợp tác đặc biệt trong các vấn đề cụ thể. Sự hiện diện của các thiết lập đa phương khu vực chỉ giới hạn tại một số rất ít điểm trong lục địa rộng lớn nhất này, và ngay cả như thế đi nữa, chúng hiếm khi được ủy thác với các vấn đề an ninh (chính trị-quân sự) trong phạm vi công việc được tuyên bố của chúng. Một đặc tính đáng chú ý khác là hầu hết các cấu trúc song phương đang tồn tại đều có một nhà nước châu Á ở một bên, và bên kia là một nước bảo trợ ngoại vi hoặc bên ngoài, làm cho chúng theo định nghĩa trở nên gần như bất đối xứng”.

Trí Lê (Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG / THE GLOBAL RESEARCH)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề