Tại sao giới siêu giàu xem thường chính phủ?

F.Scott Fitzgerald từng viết câu nổi tiếng: những người siêu giàu “rất khác bạn và tôi”. Sự giàu có của họ khiến họ “hoài nghi về những thứ chúng ta tin tưởng”, và khiến họ nghĩ “họ giỏi hơn chúng ta”. Nếu những lời đó đúng với ngày nay thì có thể là vì khi chúng được viết, vào năm 1926, bất bình đẳng ở Mỹ đã đạt tới mức độ tương tự như ngày nay.

Trong phần lớn giai đoạn từ đó tới nay, cụ thể là từ cuối Thế chiến II tới những năm 1980, bất bình đẳng ở các nước tiên tiến đã dịu đi. Khoảng cách giữa những người siêu giàu và phần còn lại của xã hội dường như nhỏ hơn – không chỉ về mặt thu nhập và của cải, mà còn về khía cạnh gắn bó và mục đích xã hội. Tất nhiên người giàu có nhiều tiền hơn nhưng họ dường như vẫn là một phần của cùng một xã hội như người nghèo, và họ công nhận rằng lý do địa lí và việc cùng quốc tịch khiến họ phải chia sẻ một số phận chung.

Như Mark Mizruchi của Đại học Michigan chỉ ra trong cuốn sách gần đây, giới tinh hoa kinh doanh của Mỹ trong kỉ nguyên hậu Thế chiến II có “một nhận thức đạo đức về trách nhiệm công dân và theo đuổi các lợi ích cá nhân nhưng có lợi cho xã hội”. Họ cộng tác với các công đoàn và ủng hộ vai trò lớn của chính phủ trong việc điều tiết và ổn định thị trường. Họ hiểu sự cần thiết của thuế để chi trả cho các hàng hóa công quan trọng như đường cao tốc liên bang và mạng lưới an sinh cho người nghèo và người già.

Giới tinh hoa kinh doanh lúc đó cũng nhiều quyền lực chính trị không kém (ngày nay). Nhưng họ sử dụng ảnh hưởng của họ để thúc đẩy một chương trình nghị sự mà nhìn chung phù hợp với lợi ích quốc gia.

Ngược lại, giới siêu giàu ngày nay là “những ông trùm rên rỉ” theo cách ví von của James Surowiecki. Một ví dụ tiêu biểu mà Surowiecki nêu lên là Stephen Schwarzman, chủ tịch và giám đốc điều hành của một công ty cổ phần tư nhân – Tập đoàn Blackstone, người có tài sản hơn 10 tỉ đô la cho đến hiện giờ.

Schwarzman hành động như thể “ông bị ngáng đường bởi một chính phủ hay can thiệp và thích đánh thuế cùng một quần chúng đầy ghen tỵ. Ông đề nghị rằng “có thể nên tăng thuế thu nhập đối với người nghèo để họ “biết mùi”, và rằng những đề nghị bãi bỏ những kẽ hở thuế liên quan đến thu nhập của các giám đốc điều hành quỹ đầu tư – điều mà cá nhân ông hưởng lợi – cũng giống với cuộc xâm lược Ba Lan của người Đức.” Các ví dụ khác từ Surowieki còn có “nhà đầu tư mạo hiểm Tom Perkins và Kenneth Langone, hai nhà đồng sáng lập Home Depot, những người so sánh cuộc tấn công của những người theo chủ nghĩa dân túy vào giới giàu có giống như cuộc tấn công của Đức Quốc xã vào người Do Thái.”

Surowiecki cho rằng sự thay đổi thái độ này có nhiều điểm liên quan tới toàn cầu hóa. Những tập đoàn và ngân hàng lớn của Mỹ giờ đây đi khắp thế giới một cách tự do, và không còn quá phụ thuộc vào người tiêu dùng Mỹ. Giờ đây tình trạng của tầng lớp trung lưu Mỹ không còn quan trọng với họ nữa. Hơn nữa, Surowiecki lập luận rằng chủ nghĩa xã hội đã không còn nhiều ảnh hưởng và không cần thiết phải để tâm đến tầng lớp lao động nữa.

Tuy nhiên nếu những ông trùm kinh doanh nghĩ rằng họ không cần phải phụ thuộc vào chính phủ nước họ nữa thì họ đang nhầm to. Thực tế là sự ổn định và cởi mở của thị trường, điều tạo nên sự giàu có cho họ, chưa bao giờ phụ thuộc nhiều vào hành động của chính phủ (như bây giờ).

Trong những thời kì tương đối ổn định, vai trò của chính phủ trong việc soạn thảo và duy trì các quy định giúp thị trường vận hành có thể trở nên mờ nhạt. Dễ có cảm giác thị trường biết tự điều chỉnh, và các chính phủ là những điều phiền phức tốt nhất nên tránh.

Tuy nhiên khi những khó khăn kinh tế sắp sửa xảy ra, tất cả mọi người đều tìm kiếm chỗ ẩn núp dưới sự che chở của chính phủ nước họ. Đó là khi mà mối quan hệ ràng buộc các tập đoàn lớn với quê hương của họ được lộ ra hoàn toàn. Như cựu thống đốc Ngân hàng trung ương Anh Mervyn King từng nói một cách chính xác khi đề cập đến ngành tài chính, “các ngân hàng toàn cầu sống cuộc sống toàn cầu, nhưng chết cái chết trong nước.”

Hãy xem xét cách chính phủ Mỹ vào cuộc để bảo đảm sự ổn định tài chính và kinh tế trong thời kì khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Nếu chính phủ không cứu trợ các ngân hàng lớn, tập đoàn bảo hiểm AIG, hay ngành công nghiệp ô tô, và nếu Cục Dự trự Liên bang không tạo thanh khoản cho nền kinh tế, tài sản của những người siêu giàu sẽ lãnh đòn nặng. Nhiều người lập luận rằng chính phủ nên tập trung giải cứu những chủ sở hữu nhà. Tuy nhiên thay vào đó, chính phủ quyết định hỗ trợ các ngân hàng – chính sách mà giới tinh hoa tài chính được hưởng lợi nhiều nhất.

Kể cả trong thời gian bình thường, giới siêu giàu phụ thuộc vào sự hỗ trợ và hành động của chính phủ. Chính chính phủ là người đã tài trợ các nghiên cứu cơ bản vốn tạo ra cuộc cách mạng công nghệ thông tin và các công ty (như Apple và Microsoft) mà nó đã nuôi dưỡng.

Chính chính phủ đã thông qua và thi hành các luật về bản quyền, bằng sáng chế và thương hiệu, giúp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm mang lại cho những nhà sáng chế thành công một dòng lợi nhuận độc quyền ổn định. Chính chính phủ đã tài trợ các trường đại học đào tạo lực lượng lao động có tay nghề. Chính chính phủ đã đàm phán các hiệp định thương mại với các nước khác để đảm bảo rằng các công ty nội địa có thể thâm nhập vào thị trường nước ngoài.

Nếu giới siêu giàu tin rằng họ không còn là một phần của xã hội và gần như không cần đến chính phủ nữa thì đó không phải là vì niềm tin ấy phản ánh đúng thực tế khách quan. Đó là vì quan điểm phổ biến hiện hành của thời đại chúng ta miêu tả những thị trường như những thực thể tự đứng vững và vận hành bằng nhiên liệu của chính nó. Đây là niềm tin phổ biến trong tất cả các tầng lớp xã hội, tầng lớp trung lưu cũng không khác gì giới nhà giàu.

Không có lí do nào để kì vọng rằng giới siêu giàu sẽ hành động bớt ích kỉ hơn các tầng lớp khác. Tuy nhiên không phải quyền lợi ích kỷ của họ là thứ đang cản trở một xã hội bình đẳng hơn và bao dung với người nghèo hơn. Rào cản đáng kể hơn chính là việc người ta thiếu nhận thức rằng các thị trường không thể tạo ra sự thịnh vượng lâu dài – cho bất cứ ai – trừ khi chúng được nâng đỡ bởi một xã hội khỏe mạnh và sự quản trị tốt.

Dani Rodrik là Giáo sư Khoa học xã hội tại Viện nghiên cứu cao cấp Princeton, New Jersey. Ông là tác giả cuốn One Economics, Many Recipes: Globalization, Institutions, and Economic Growth và gần đây nhất là cuốn The Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy.

Nguồn: Dani Rodrik, “A Class of its Own”, Project Syndicate, 10/07/2014.

Biên dịch: Nguyễn Văn Đức | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

theo Nghiên Cứu Quốc Tế

 


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề